Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

PNHĐ 2: Kế ly gián của Tào A Man và cuộc tranh cãi vô bổ

PN&HĐ: Kế ly gián của Tào A Man và cuộc tranh cãi vô bổ

Chiêu cắt xén, xuyên tạc...gây nghi ngờ, chia rẽ của một số báo chí Trung Quốc; chuyện thương lái Trung Quốc ồ ạt gom hàng nông sản Việt Nam và vụ tranh cãi kịch liệt giữa phe đạo diễn và phe biên kịch quanh một giải thưởng nhà nước là những lát cát của Phát ngôn - Hành động tuần này.
Kế ly gián của hậu duệ Tào A Man
Phát ngôn & Hành động tuần này xin được bắt đầu bằng việc nhắc lại bài phỏng vấn của ông Nguyễn Thế Sự đăng trên báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, mà đồng nghiệp Kỳ Duyên đã đề cập từ tuần trước. Mọi chỉ trích và ngợi khen ông Sự mọi người đã nói nhiều rồi, người viết thiết nghĩ không cần phải nhắc lại.
Trong bài này, người viết muốn lưu ý tới ngón nghề "bổn cũ soạn lại" mà các hậu duệ của Tào A Man đã sử dụng để ly gián đối thủ của mình. Chỉ trong vòng một năm trở lại đây thôi cũng khối ví dụ khiến người ta giật mình.
Còn nhớ cách đây gần một năm, nguyên trưởng phân xã của Tân Hoa Xã tại Việt Nam Lăng Đức Quyền cũng đã có một bài viết nhằm chia rẽ không chỉ quá trình bình thường hoá quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, mà còn chia rẽ cả cộng đồng người Việt ở trong nước Việt Nam với cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Tuy nhiên, quan điểm tuy thiển cận và "võ đoán" của người phóng viên có mặt ở Việt Nam từ trước ngày 30.4.1975, chỉ làm hại đến thanh danh của riêng ông ta, trong con mắt của những người bạn, và đồng nghiệp Việt Nam đã quen biết ông ta suốt gần 40 năm qua.
Nhưng, đối với những kẻ như tác giả của bài phỏng vấn ông Nguyễn Thế Sự trên báo Hoàn Cầu, đó là một sự xuyên tạc trắng trợn, kiểu "ngậm máu phun người", mà ngay cả cơ quan chức năng Việt Nam cũng rất nên "cạch mặt".
Họ đã coi thường quá đáng lòng yêu nước đã giúp cho dân tộc này thoát khỏi một ngàn năm Bắc thuộc, và một ngàn năm tiếp theo cố gắng giữ vững nền độc lập mà vừa năm ngoái thôi dân tộc này vừa mới kỷ niệm.
Ông Nguyễn Thế Sự và phóng viên Tề Lỗ văn báo
Và những kiểu cắt xén, thêm bớt như vậy trên truyền thông Trung Quốc đếm không xuể, chỉ ở mức độ tinh vi hơn thôi. Người viết chỉ điểm ra đây những ví dụ mà không phải chỉ những người Việt Nam tinh tường mới nhận ra, mà cả ông giáo sư Carl Thayer từ tận bên Úc Châu cũng dễ dàng nhìn thấy.
Giáo sư Thayer đã từng nhận xét trên Tuần Việt Nam: "Việt Nam có tổ chức những cuộc họp nội bộ về Biển Đông, nhưng rất ít thông tin được công bố cho đông đảo người dân được biết. Đây là những vấn đề rất phức tạp, và nếu chính phủ không giải thích rõ những chính sách của mình cho công chúng, có nguy cơ các loại tin đồn, hay thông tin thất thiệt, sẽ tràn vào Việt Nam."
Chẳng hạn, tờ China Daily vào ngày 4.6.12011 vừa rồi đưa tin về cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước Trung Quốc và Việt Nam bên lề Đối thoại Sangri-La 2011. Tờ này viết: "Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nói hôm Thứ Sáu rằng tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) cần phải được giải quyết mà không có sự tham gia của một bên thứ ba nào".
Còn nhớ, cũng chính tờ báo này đã từng đưa tin rằng nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đồng ý với cách tiếp cận song phương của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, khi tường thuật cuộc gặp song phương giữa ông và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề Cấp cao ASEAN 17 (10.2010).
Hay Tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đã từng phải giải thích trên báo Quân Đội Nhân Dân rằng quan điểm của ông cũng bị hiểu lầm khi báo chí Trung Quốc đưa tin rằng ông vui mừng trước việc Trung Quốc tăng cường "sức mạnh quân sự", trong khi thuật ngữ ông dùng là "khả năng quốc phòng".
Riêng về câu chuyện Shangri-La, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Nguyễn Phương Nga có nêu lại quan điểm của phía Chính phủ Việt Nam về các phương thức giải quyết tranh chấp cho từng trường hợp, trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra một tuần sau đó.
Bà Phương Nga nói: "Đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương giữa các nước liên quan trực tiếp, như bên ngoài Bắc Bộ, hay quần đảo Hoàng Sa. Đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, như vấn đề quần đảo Trường Sa, thì giải quyết giữa các bên liên quan đó. 
Đối với những vấn đề không chỉ liên quan đến các nước ven biển Đông, mà còn liên quan đến các nước ngoài khu vực, như vấn đề an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông... thì phải được giải quyết với sự tham gia của các bên liên quan."
Tuy nhiên, về phương diện truyền thông chính thống, phải thành thực thừa nhận rằng, phía Việt Nam đã để phía Trung Quốc "cướp loa" suốt một tuần lễ.
Hay mới đây nhất là sự "úp úp, mở mở", hay "đánh lận con đen", về quan điểm của đặc phái viên của lãnh đạo Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, liên quan đến bức công hàm năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Tất cả đều nhằm một mục đích chia rẽ Việt Nam với cộng đồng ASEAN, chia rẽ giới lãnh đạo với người dân Việt Nam, và chia rẽ người Việt Nam trong nước bất kể địa vị xã hội với người Việt ở nước ngoài.
Cần phải lưu ý rằng những kẻ hiếu chiến và tham lam trong giới lãnh đạo Trung Quốc vốn có rất nhiều kinh nghiệm trong việc gây chia rẽ, kể cả trong nội bộ của chính họ. Người dân Trung Quốc đã chẳng từng phải trả giá lớn trong cuộc Đại Cách mạng Văn hoá (1966-1976), hay trong sự kiện Thiên An Môn (1989) rồi đó sao.
Chắc không chỉ những người như ông Nguyễn Thế Sự, hay trước đó là ông Nguyễn Huy Quý (cựu viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc), mới cảm thấy cần cảnh giác. (Cũng cần có một lời khen xứng đáng cho sự bài bản của TS Vũ Cao Phan,người chắc chắn sẽ tiếp nối nhà ngoại giao Dương Danh Dy xuất hiện dài dài trên truyền thông Việt Nam trong những vụ việc có liên quan tới Trung Quốc.)
Điều người viết cảm thấy hơi lạ là tại sao Việt Nam có những "vũ khí" rất sắc bén trong việc đấu tranh chống các "thế lực thù địch" mà vẫn giấu kỹ thế trong trận chiến này? Trong khi những những thứ vũ khí thực sự cần giấu thì lại thấy "show off", như người đẹp "show hàng" nhan nhản trên mặt báo.
Cần nhớ rằng trong cuộc tranh chấp này, cuộc chiến quyền lực mềm mới là ưu tiên hàng đầu. Ngõ hầu  để người Việt Nam và thế giới, kể cả dư luận từ Trung Quốc và ASEAN, hiểu rõ người Việt Nam hơn, lập trường của Việt Nam hơn.
Chứ còn đua tranh quyền lực cứng chỉ là hạ sách, chỉ nên buộc phải áp dụng khi một dân tộc, vốn đã trải qua nhiều mất mát vì chiến tranh như dân tộc Việt Nam, không còn đủ kiên nhẫn để nhân nhượng nữa.
Những cây bút sắc sảo này đi đâu rồi nhỉ, trong khi những "thế lực thù địch" thật sự vẫn đang khua môi múa bút trong việc ly gián nội bộ chúng ta, hòng đục nước béo cò?
Độc giả, trong đó có người viết, thấy nhớ họ quá...
Khi nông dân có quyền nhờ... thương lái Trung Quốc
Một sự kiện đáng chú ý trong tuần qua là việc giới truyền thông và giới chuyên gia đồng loạt lên tiếng về xu hướng thu mua hàng nông sản ngày một nhiều của thương lái Trung Quốc.
Nông dân ồ ạt thu gom nông sản bán sang Trung Quốc
Ngay cả giá một số thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm, trứng... tăng cao đột biến, cũng được không ít ý kiến cho rằng có nguyên nhân do thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu mua với số lượng lớn.
Sau khi nói rằng, trong khi các loại hàng hóa khác đang được điều chỉnh lên xuống theo giá thị trường, thì giá các loại nông sản như rau, củ, quả, lúa, gạo, ... thường do thương lái và các nhà phân phối định giá, TS Trần Minh Quân, trong bài viết mới đây trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, đã chua chát nhận xét: "Trong thời gian qua, với sự xuất hiện ồ ạt của thương nhân Trung Quốc trên đất nước Việt Nam, người nông dân lần đầu tiên mới có cơ hội được "làm giá" các sản phẩm do mình làm ra mà ít chịu sự o ép về chất lượng như trước đây, khi bán cho các thương lái Việt Nam."
Giải thích nguyên nhân của xu hướng thương lái Trung Quốc tập trung thu gom hàng nông sản Việt Nam một cách bất thường, Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần nói: "Một là có thể đang vào thời điểm phía Trung Quốc khó khăn về nguồn cung sản phẩm, bởi hiện họ thiếu rất nhiều thứ, kể cả gạo, thịt và nhiều sản phẩm khác. Mỗi khi thiếu như vậy sẽ có tác động rất lớn vì thị trường của họ tới hơn 1,3 tỷ dân, nên cần khối lượng lớn."
Theo Cục Số liệu Quốc gia Trung Quốc, trong tháng 5.2011, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 5,5%, cao nhất trong vòng 34 tháng qua. Trong đó, giá lương thực tăng 11,7%.
"Các nhà nghiên cứu nông nghiệp, nhất là lịch sử kinh tế nông nghiệp, trên thế giới thường nói rằng hạt gạo không phải hạt làm giàu, nhưng là hạt chống chiến tranh, chống bạo loạn", Tiến sĩ Vương Quân Hoàng lưu ý.
Củng cố cho nhận định nói trên là một phát hiện đáng chú ý của giới chuyên gia nước ngoài, khi họ chỉ ra rằng sự kiện Thiên An Môn cách đây 22 năm đã diễn ra trong bối cảnh lạm phát ở Trung Quốc lên tới mức kỉ lục 5,5%, sau nhiều năm được kìm giữ ở mức thấp.
Ông Tần còn đi xa hơn nữa, khi lưu ý tới một khả năng khác, mà Việt Nam cần phải nghiên cứu kỹ. "Đó là nếu Trung Quốc cố tình làm như thế, họ sẽ gây khó khăn lớn đối với nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo các sản phẩm thực phẩm sạch cung cấp cho người dân trong nước và cả xuất khẩu", ông nhắc nhở.
Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, áp lực nói trên đều tác động lên lạm phát của Việt Nam vô cùng lớn. Bởi nó được "điều phối" vào các thời điểm rất nhạy cảm của nền kinh tế Việt Nam.
Thử hình dung khi người Việt Nam bắt đầu có chút hân hoan, dù hơi sớm, về việc tốc độ tăng lạm phát tháng giảm bớt trong tháng 6, thì tín hiệu của nửa đầu tháng 7 vừa qua là gì? Và ai dám chắc nó sẽ không tiếp tục trong các tháng sắp tới, bất chấp nỗ lực kìm hãm lạm phát của Chính phủ ở mức 17% trong quý 3, và quý 4.
Đó là chưa nói điều đó sẽ vô hiệu hoá ngay tác dụng của quyết định nâng lương tối thiểu cho người lao động trong khu vực hành chính và doanh nghiệp, ngay khi nó chưa kịp có hiệu lực.
Chưa nói tới khuyến cáo của các chuyên gia về "bài học Trung Quốc", khi nông sản, hay nguyên liệu của Việt Nam đã phụ thuộc vào duy nhất một thị trường của họ, thì họ trở mặt, gây khó dễ để ép giá, ngay việc họ chơi đàng hoàng cũng gây bao khốn đốn cho Việt Nam vào thời điểm này. Từ việc phá vỡ cơ cấu vùng sản xuất, nguồn cung nguyên liệu, đến tình trạng "đói dài" của các cơ sở chế biến của Việt Nam, dẫn đến thất nghiệp hàng loạt.
Nguy hiểm hơn nữa, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Việt Nam không nhất thiết bằng đồng tiền quốc tế, như USD, mà có thể bằng chính tiền VND. Không ai có thể loại bỏ thực tế là các thương nhân Trung Quốc vùng biên mậu giáp Việt Nam có thể tích trữ một lượng lớn dự trữ tiền VND, có được từ thặng dư thương mại phi chính thức.
Theo một nguồn tin từ tháng 3.2011, số lượng tiền đồng đó có thể là 200 ngàn tỷ VND, tương đương với 10 tỷ USD. Và thương nhân Trung Quốc hoàn toàn có thể sẵn sàng sử dụng số tiền đó, nếu quả thực là nó đang nằm trong dự trữ cho thương mại để trả lại vào nền kinh tế Việt Nam. Nếu đúng vậy, đây là một cú sốc tăng cung tiền lớn.
Với các giải pháp tình thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cách đây hai hôm đã phải có cuộc họp khẩn cấp nhằm đánh giá tình hình. Chính phủ và Quốc hội sắp tới cũng khó có thể không bàn tới nguy cơ cấp bách này. Còn các chuyên gia cũng sẽ còn phân tích dài dài... 
Vì vậy, trước mắt, khó có thể nói về một nhóm giải pháp khả thi nào đó.
Nhưng về lâu dài, đó là một câu chuyện rất đáng quan tâm, nếu không nói là thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu. Và trước hết phải đánh giá lại vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế nói chung.
Một phần tư thế kỷ qua, có lẽ ngoài chuyện người nông dân được cởi trói, nông nghiệp chưa hề nhận được sự đầu tư đáng kể nào. Đó là chưa nói tới việc bị chèn ép, tước đoạt nguồn lực bởi các khu vực kinh tế khác như công nghiệp, dịch vụ, hay bất động sản. Mặc dù, hơn 20 năm qua nó đóng một vai trò rất lớn trong nền kinh tế.
Ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực, và đóng góp cho xuất khẩu, nền nông nghiệp giá rẻ đã giúp duy trì lợi thế cạnh tranh hàng đầu về nhân công giá rẻ của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Nói như Giáo sư Peter Timmer, chuyên gia hàng đầu về lịch sử nông nghiệp: "Thật vô lý khi một đất nước có truyền thống và lợi thế về nông nghiệp lại cứ mải chạy theo xu hướng công nghiệp ở trình độ thấp, và nông dân ở một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới lại đa phần sống ở mức nghèo khổ."
Và điều quan trọng hơn là phải cấu trúc lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, khi thặng dư nông sản giá trị thấp với anh bạn láng giềng này, trong khi đó lại thâm hụt hàng công nghiệp tiêu dùng, và tiến tới cả hàng hóa tư bản, ở mức độ ngày càng lớn - điều mà giờ đây Việt Nam đang phải chịu đựng.
Có một điều trớ trêu là với giá mà thương lái Việt Nam trả trước đây, người nông dân Việt Nam chắc chỉ dám xài hàng Tàu chất lượng thấp, nhưng với giá bèo. Chắc chỉ với cách bán nông sản cho đám thương lái Trung Quốc như bây giờ, những người nông dân Việt Nam mới có đủ tiền để hưởng ứng lời kêu gọi "dùng hàng Việt Nam là yêu nước".
Một cái kết thúc gợi nhớ lại truyện ngắn nổi tiếng "Món quà của các nhà hiền triết" của nhà văn Mỹ O'Henry. Chỉ có khác là "tự nhiên muốn ... ứa nước mắt".
Tranh cãi cá nhân trong vụ giải thưởng nhà nước
Chiều 6.7.2010, nhà biên kịch Phan Thanh Tú đã gửi kiến nghị lên Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch về kết quả xét tặng Giải thưởng Nhà nước đối với cụm công trình của đạo diễn Nguyễn Thước gồm Sự nhọc nhằn của cát, Những công dân @, Chất xám, với sự đồng thuận của đồng nghiệp Phan Huyền Thư.
Nếu hai nhà biên kịch này chỉ phê phán là đạo diễn Nguyễn Thước chưa xứng đáng đưa 3 tác phẩm này để được xét phong tặng Giải thưởng Nhà nước, như lời nhận xét với báo chí sau đó, có lẽ câu chuyện không ồn ào và đi xa như vậy. Bởi, xét cho cùng, tuy có một bộ phim là phim Sự nhọc nhằn của cát đoạt giải Bông sen Bạc, nhưng bản thân nhà đạo diễn lại chưa giành được giải cá nhân nào.
Thế nhưng, hai nữ biên kịch đã khẳng định, Nguyễn Thước xin xét phong tặng Giải thưởng Nhà nước cho các bộ phim trên với tư cách tác giả là không đúng, vì tác giả kịch bản và lời bình mới thật sự là tác giả sáng tác trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Và họ mới là người đoạt giải cá nhân, khi Phan Thanh Tú đoạt giải Bông Sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc với bộ phim Sự nhọc nhằn của cát, còn Phan Huyền Thư đã nhận giải Bông Sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc với bộ phim Chất xám.
Cũng chính do cái nhầm về tiêu chí của hai nhà biên kịch này, khi từ năm 2005, đạo diễn cũng được tham gia, đã khiến đạo diễn Nguyễn Thước bức xúc. Sau khi dẫn chứng rằng đạo diễn Bùi Đình Hạc nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005, và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2007, ông đạo diễn bị "khiếu kiện" đã "phản pháo":
"Việc các chị ấy nói tôi không phải người sáng tạo với phim là sai, vì người ta xem phim, có ai đọc kịch bản đâu. Đặc biệt là (đối với) phim tài liệu, làm phim là quá trình thay đổi nhiều lần, thậm chí là nhận thức lại kịch bản. Đáng lẽ, khi nhận được giải thưởng dành cho biên kịch..., họ cũng nên cảm ơn tôi mới phải."
Đạo diễn Nguyễn Thước còn đi xa hơn, khi nói bóng gió rằng kịch bản nhiều khi cũng chỉ là những ý tưởng phác thảo thôi, còn đạo diễn phải phát triển nhiều lắm.
Người viết phải tìm đến nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập, người được một đồng nghiệp khác (đồng thời cũng là một đạo diễn) là bà Nguyễn Thị Việt Nga nhắc đến như một "kẻ thiệt thòi" trong câu chuyện Giải thưởng Nhà nước của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, khi vị nữ tiến sĩ "hai vai" này gia nhập phe "biên kịch" chống lại phe "đạo diễn".
Ông Nguyễn Quang Lập đã trả lời qua điện thoại từ TP HCM:
"Theo tôi, không nên quan niệm ai là người có vai trò số một cả. Trong quan hệ giữa biên kịch và đạo diễn trong phim nên có quan hệ bình đẳng, cũng như mối quan hệ của biên kịch và đạo diễn trong lĩnh vực sân khấu. Trên sân khấu, không ai nói vở kịch là của ông đạo diễn cả, trong khi trong phim ảnh người ta luôn nói phim là của ông đạo diễn.
Còn nói cho nhanh, ông biên kịch là ông thiết kế, còn ông đạo diễn là tổng công trình sư. Ông tổng công trình sư vất vả lắm đấy, nhưng sáng tạo của ông là trên cơ sở bản thiết kế có sẵn. Ông tổng công trình sư cũng không thể nói "ngôi nhà" là của ông, mà chủ nhà, tức là nhà sản xuất, mới có quyền nói là nhà của ông ta.
Đạo diễn Nguyễn Thước và nhà biên kịch Phan Huyền Thư
Còn phim là của nhà sản xuất, còn ông đạo diễn và biên kịch chỉ là những ông làm thuê, và phải tuân thủ theo yêu cầu của nhà sản xuất.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh tới sự vất vả, bao quát, và dấu ấn rõ nét nhất của đạo diễn, để ông ta có thể để tên mình đứng cạnh một bộ phim. Mặc dù, về bản chất, đó là tác phẩm của cả một tập thể."
Theo thiển nghĩ của người viết, chung qui cũng là do cái bộ (Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) đã ra cái thông tư qui định chi tiết về tiêu chuẩn, thủ tục, hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (ra ngày 27.5.2010) chẳng rõ ràng, khiến cho các nhà đạo diễn và biên kịch đáng kính nói trên lại mang nhau ra làm khổ.
Trong thông tư này, điều 2 (giải thích từ ngữ) có viết:
5. Tác giả là người bằng lao động của mình trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, công trình.
6. Đồng tác giả là nhiều người bằng lao động của mình cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, công trình.
Thông tư đã qui định rõ như vậy về "tác giả" và "đồng tác giả" như thế, mà cái bộ ra thông tư này lại vẫn chấp nhận để đạo diễn Nguyễn Thước một mình mang những tác phẩm mà mình chỉ là một trong các đồng tác giả đi nộp để được xét trao giải thưởng, là sao?
Nói trộm vía, chứ cả ba cùng mang đi có phải vui hơn, đoàn kết hơn không? Mặc dù, về giá trị vật chất, cái "size" chắc không hoành tráng bằng.
Để không có cái nuối tiếc rằng "một số người trong giới còn ngạc nhiên vì từ hàng chục năm trước, đạo diễn Nguyễn Thước - biên kịch Phan Huyền Thư đã được xem là một cặp bài trùng, và kịch bản của Phan Huyền Thư dường như là cảm hứng bất tận để vị đạo diễn này làm nên những bộ phim gây tiếng vang", như một bài báo đã viết.
Thế nhưng, trong trường hợp này, lại có cái rắc rối khác. Nhà biên kịch Phan Thanh Tú đã nhận xét rằng "với những giải thưởng khiêm tốn như thế thật khó có thể trao giải thưởng Nhà nước cho cụm công trình này, chưa kể lại trao cho đạo diễn Nguyễn Thước".
Thảo nào, đạo diễn Nguyễn Thước đã lẳng lặng làm hồ sơ cho riêng mình, mà không muốn gây "liên luỵ" cho hai đồng nghiệp. Kể cũng tội cái thân ông, "làm phúc -  mang tội"!
Qua chuyện này, cũng hiểu thêm tại sao "Bọ Lập" (tên bạn bè gọi Nguyễn Quang Lập một cách thân mật) đã quyết chẳng "dây dưa" vào câu chuyện giải thưởng với đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Chắc "Bọ" nghĩ trong cuộc đời này có nhiều cái đáng làm hơn là cái việc tranh cãi vô bổ, tốn hơi sức, giấy mực đó.
Như theo dõi chặt chẽ những động thái gây hấn của Trung Quốc, và viết những bình luận, cảnh báo trên blog của mình, chẳng hạn...

PNHĐ1: U-Tưởng, U-NO và “đại gia” cưỡi siêu xe làm từ thiện

PN&HĐ: U-Tưởng, U-NO và “đại gia” cưỡi siêu xe làm từ thiện

Đường lưỡi bò và căn cứ lịch sử mơ hồ, sang kiến in 20 triệu áo mũ U-No, cuộc tuần hành bán xuyên Việt của 30 siêu xe…là những lát cắt vui buồn tuần này.

Chữ U trong từ Utopia và câu chuyện "Cây Khế"
Tuy cuộc hội thảo về chủ đề an ninh hàng hải Biển Đông, do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) tổ chức lần đầu tiên, đã diễn ra từ đầu tuần trước, nhưng mục Phát ngôn & Hành động tuần này không thể không nhắc tới sự kiện này. Lý do là lần đầu tiên một học giả người Trung Quốc đã thừa nhận một cách chính thức rằng đường chữ U đứt khúc ("Đường lưỡi bò" theo cách gọi phổ biến ở Việt Nam) là sự thừa kế từ giai đoạn Tưởng Giới Thạch cầm quyền.
Theo Giáo sư Tô Hạo, một trong hai học giả Trung Quốc dự hội thảo của CSIS, xuất phát từ "sáng kiến" của một người Trung Quốc vào năm 1930, năm 1947 Tưởng Giới Thạch đã cho vẽ thành bản đồ, nhưng chỉ lưu hành trong nước mà chưa có tuyên bố quốc tế. Nhưng đến 1949, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, nhà cầm quyền mới tại Trung Hoa lục địa lại in thành sách và mang dạy cho trẻ con.
Người viết còn nhớ, hồi học ở cấp 2 (nay là trung học cơ sở), mỗi khi không làm theo lời dặn của thầy chủ nhiệm tên là Nguyễn Văn Nghĩa, đám bạn thường hay chống chế là "em tưởng thế này", "em tưởng thế kia". Thầy mắng ngay: "Mở mồm ra là Tưởng? Thích Tưởng thì sang Đài Loan mà học."
Giáo sư Tô Hạo: 'Bản đồ 'đường lưỡi bò có từ thời Tưởng Giới Thạch, nhưng chỉ lưu hành trong nước mà chưa có tuyên bố quốc tế".

Người viết vẫn cứ "Tưởng" chuyện này chỉ xảy ra ở lớp 7G, Trường Quang Trung (Hà Nội), cách đây gần 4 thập kỷ. Hoá ra, bây giờ mới biết, ở Trung Quốc cũng vậy. Chỉ có khác là họ học Tưởng còn sớm hơn nữa, và học mãi đến tận bây giờ.
Sự "giác ngộ", tuy muộn, của Giáo sư Tô Hạo xứng đáng nhận được lời khen. Cho dù, ông chỉ bật ra điều này khi bị các đồng nghiệp từ các quốc gia khác thay nhau hỏi dồn về tính pháp lý của đường chữ U.
Những học giả dự Hội nghị Quốc tế Biển Đông lần thứ hai, do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức tại thành phố HCM vào cuối năm ngoái, hẳn còn nhớ rằng điều thừa nhận kể trên của Giáo sư Tô Hạo đã được một số học giả quốc tế chỉ ra một cách rõ ràng. Trong khi, các học giả đến từ Trung Quốc, trong đó Giáo sư Tô Hạo, chỉ tìm cách giải thích vòng vo rằng đây là vùng nước lịch sử của Trung Quốc.
"Đối với những chỉ trích của các học giả các nước khác về đường chữ U, họ cố gắng giải thích dựa theo luật biển. Chẳng hạn, một học giả đã cố gắng so sánh đường chữ U với vùng biển giữa Hy lạp và Thổ Nhĩ Kỳ", Giáo sư Stein Tonnesson từ Viện Nghiên cứu Hoà bình Oslo nhận xét với người viết bên lề hội thảo tại TP HCM.
Chính sự phân tích về "Đường Lưỡi Bò và các nhóm lợi ích của Trung Quốc" (Tuần Việt Nam) của Giáo sư Tonnesson, cộng thêm những diễn biến căng thẳng gần đây trong xã hội Trung Quốc, và sự thừa nhận của Giáo sư Tô Hạo, dường như củng cố thêm cho một lập luận rằng Biển Đông chính là "cái van" để "xì bớt hơi" từ cái "nồi áp suất" đã quá nóng.
Hay như cách nói của những người hay ngồi trước màn ảnh truyền hình ở Việt Nam là "nọng trong người" - "nọng sang người".
Tại hội thảo CSIS vừa rồi, Giáo sư Tonnesson đã nói với Giáo sư Tô Hạo rằng "hy vọng khi về nước, ông sẽ khuyên chính quyền ông nên xem xét kỹ lại chính sách sai lầm này."
Giáo sư Tonnesson: "Hy vọng khi về nước, ông sẽ khuyên chính quyền ông nên xem xét kỹ lại chính sách sai lầm này."
Điều này dường như lại đặt ra một thách thức rất lớn, không hẳn chỉ với hai vị học giả có mặt tại CSIS lần này.
"Đường chữ U đã thấm vào các thế hệ người Trung Quốc. Họ coi đó là lãnh thổ, lãnh hải của người Trung Quốc, hiện đang bị các nước khác gặm nhấm, hoặc cướp mất", Giáo sư Tô Hạo đã lý giải như vậy về xuất phát điểm của yêu sách mà Trung Quốc đã chính thức đưa ra Liên Hợp Quốc cách đây hai năm.
Học giả Trung Quốc còn lại, cũng xuất phát từ quan điểm đó, đã nhìn nhận rằng nếu bây giờ mà Chính phủ Trung Quốc bỏ đàm phán song phương, chấp nhận đàm phán đa phương về vấn đề chủ quyền biển Đông thì rất khó.
"Bây giờ biết làm thế nào?", vị học giả này thốt lên trong sự bế tắc.
Ở đây, người viết xin mạn phép được "nói leo". Đúng, việc thuyết phục một tỷ ba dân chúng Trung Quốc về tính mơ hồ của câu chuyện "đường chữ U" là không thể. Nhưng, chí ít, hai vị học giả này có thể nói với các đồng nghiệp và sinh viên của mình - những người có khả năng và điều kiện tiếp cận tốt hơn đối với những thông tin khách quan từ bên ngoài.
Và hai vị giáo sự khả kính hãy nói với họ rằng chữ U, trong trường hợp này, chính là chữ cái đầu tiên trong từ Utopia, có nghĩa là "không tưởng" trong tiếng Anh, cũng như một số thứ tiếng phổ biến trên thế giới khác.
Tuy nhiên, không thể nói là tại hội thảo CSIS hai vị học giả Trung Quốc đã buông xuôi mà không cố gắng hoàn thành, ở mức độ nào đó, nghĩa vụ biện minh cho chính sách của chính phủ của mình. Giáo sư Tô Hạo, trong khi tranh luận về tranh chấp Biển Đông, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Việt Nam và Trung Quốc là "anh em".
"Anh em thì cũng có khác biệt. Người anh lớn hơn, mạnh hơn, luôn muốn người em nghe lời mình. Còn người em lúc nào cũng bị áp lực ở dưới tầm che chở của người anh, nên có tâm lý sợ người anh là lẽ thường", Giáo sư Tô Hạo giải thích.
Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Australia, đã lưu ý rằng Việt Nam phải học từ lịch sử của chính mình. "Và hơn ai hết, Việt Nam biết rằng, trong mối "quan hệ anh em" này, giữa hai nước vẫn xảy ra chiến tranh", ông nói.
Không cần vị học giả người Australia nhắc nhở, hầu hết mọi người Việt Nam đều ý thức rất rõ điều này. Đã là người Việt Nam, từ trẻ con đến người già, ai mà chẳng thuộc lòng câu chuyện "Cây khế", kể về sự chèn ép quá đáng của người anh đối với người em. Để rồi có cái kết cục là người anh phải bỏ xác ngoài biển khơi, chính vì lòng tham vô đáy của mình.
Khi Giáo sự Tô Hạo sang Hà Nội dự Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ ba, người viết rất muốn được kể cho ông câu chuyện cổ tích đầy ý nghĩa này. Cũng như chứng kiến cuộc trao đổi thẳng thắn, nhưng thân tình, giữa các học giả từ Trung Quốc và Việt Nam xung quanh câu chuyện về tình anh em giữa hai nước.
Chẳng gì thì người viết vẫn chưa thực hiện được lời hứa với một người đồng hương của Giáo sư Tô Hạo - Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh - từ hồi tháng 8 năm ngoái, khi phỏng vấn ông bên lề một cuộc hội thảo về khai thác chung nguồn năng lượng biển ở châu Á.
Tra trên google, người viết đã tìm thấy một địa điểm lý tưởng cho cuộc gặp gỡ thân mật vào dịp cuối thu ở Hà Nội. Đó là quán cà phê mang tên "Cây khế" ở địa chỉ 36A, Phan Kế Bính, thuộc quận Ba Đình.
Áo & mũ U-NO và câu chuyện hàng Tàu, hàng Việt
20 triệu áo, mũ U-NO, hay U gạch chéo, là ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Quang A là để hưởng ứng phòng trào "Ủng hộ ngư dân bám biển", do Báo Sài Gòn Tiếp Thị phát động.  "Tôi xin nêu ý tưởng có thể góp phần tích cực xoá bỏ đường chữ U phi pháp, đồng thời vận động được tiền để giúp đỡ bà con ngư dân", Tiến Sĩ Nguyễn Quang A giải thích.
Sáng kiến áo U-NO của tiến sĩ Nguyễn Quang A
Tiến sĩ Nguyễn Quang A thậm chí còn đi xa hơn khi đề xuất mở rộng phong trào này ở nhiều nước khác. Chứ không chỉ ở các nước liên quan như Philippines, Indonesia, hay Malaysia.
Sáng kiến của Tiến sĩ Nguyễn Quang A được đăng trên Báo Sài Gòn Tiếp Thị vào ngày 24.6, tức là 3 ngày sau khi hội thảo Biển Đông của CSIS kết thúc, nên hoàn toàn có khả năng vị chuyên gia đọc nhiều hiểu rộng này đã đọc được trên truyền thông về nỗi khó xử của hai vị học giả Trung Quốc.
Biết đâu đây là lý do ông đề nghị phải vận động cả nhân dân yêu chuộng hoà bình ở Trung Hoa đại lục và trên khắp thế giới. Mà cũng có thể ông học được điều này từ Chủ tịch Hồ Chí Minh - người luôn chủ trương phân biệt giữa những kẻ hiếu chiến trong giới cầm quyền với người dân vốn yêu chuộng hoà bình. Hoặc cũng có thể đây là suy nghĩ riêng của cá nhân ông, bởi ông là người rất giàu ý tưởng.
Cho dù là lý do nào đi chăng nữa, ông cũng đã nhận được không ít sự đồng tình của độc giả Báo Sài Gòn Tiếp Thị. Người viết cũng nằm trong số đó.
Cũng chính vì vậy mà người viết giật mình khi đọc bài trả lời phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai trên Báo Vietnamnet...
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những làn sóng phản đối, tẩy chay hàng hoá Trung Quốc, trong bối cảnh hiện nay trên Biển Đông, nhà thơ Quế Mai nói: "Tôi nghĩ làn sóng, tẩy chay hàng hoá, dịch vụ của Trung Quốc trong thời điểm này là thể hiện tình yêu nước - những hành động hết sức cần thiết."
Người viết hoàn toàn không thể chia sẻ với quan điểm này của nhà thơ Quế Mai. Bởi, xét dưới góc độ của người tiêu dùng, nó không những thiếu thấu đáo và nhầm đối tượng, mà còn thiếu khả thi.
Thứ nhất, Trung Quốc xuất hàng hoá dịch vụ sang Việt Nam, thì Việt Nam cũng xuất hàng hoá dịch vụ sang Trung Quốc. Hãy tưởng tượng: Nếu một làn sóng tẩy chay tương tự được dấy lên ở Trung Quốc, các nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ khốn đốn thế nào?
Riêng bản thân người viết, từ câu chuyện "nọng trong người" ở phần trên, cũng thấy tiếc cho cơ hội xuất khẩu trà thảo mộc của Dr. Thanh sang thị trường đông dân nhất thế giới này.
Thứ hai, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề tiếp theo của làn sóng tẩy chay sẽ là chính những người lao động, khi họ bị mất việc làm, chứ không phải chính quyền Trung Quốc. Tất nhiên, nhà cầm quyền cũng đau đầu hơn đối với sự bất ổn xã hội.
Thế nhưng, nếu có làn sóng trả đũa từ phía Trung Quốc, người lao động Việt Nam và chính quyền ở Việt Nam cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Thứ ba, đối tượng tiêu dùng hàng hoá của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam là những người dân nghèo, phần lớn tập trung ở nông thôn. Có yêu nước đến mấy, có yêu nhà thơ Quế Mai đến mấy, họ cũng khó có thể nghe theo lời kêu gọi của bà được. Đơn giản là vì túi tiền của họ chỉ hợp với hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc.
Có điều, nếu xét dưới góc độ của các nhà quản lý và hoạch định chính sách, nhất là liên quan đến công nghiệp và thương mại, người viết lại đồng ý "cả hai tay" với nhà thơ Quế Mai. Ai đời lại sau hơn 20 năm mở cửa ra thế giới và đổi mới kinh tế mà hầu như ngành nào, bất kể là thép, hoá chất, hay may mặc, cũng phụ thuộc quá nặng nề vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Một ví dụ tiêu biểu là kể từ khi Giáo sư Kenichi Ohno sang Việt Nam để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ vào năm 1995, mãi cho đến giờ phút này ông vẫn chưa nhìn thấy ở Việt Nam sự định hình được rõ ràng là sẽ phát triển công nghiệp hỗ trợ như thế nào. Chưa nói đến ô tô, mà ngay cả máy nông nghiệp do Vinapro sản xuất cũng phụ thuộc tới 70% vào nguồn linh phụ kiện nhập từ Trung Quốc.
Và, quan trọng nhất, theo thiển nghĩ của người viết, cần phải rà soát lại mọi khâu, từ cơ chế chính sách, từ đất đai, tín dụng, đến thủ tục hành chính, phải tạo điều kiện tối đa cho phép nhằm đảm bảo cho hàng Việt cạnh tranh được trên đất Việt. Có như vậy lời kêu gọi "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Ban Bí thư may ra mới có cơ hội được hiện thực hoá.
Giáo sư người Mỹ gốc Hoa Jing Huang đã từng nhận xét với người viết hồi cuối năm ngoái, khi ông sang Hà Nội thuyết trình về sự trỗi dậy của Trung Quốc, rằng ông không thể hiểu nổi tại sao hàng hoá gia công, như may mặc, của một nước có trình độ phát triển cao hơn là Trung Quốc lại tràn ngập thị trường Việt Nam, chứ không phải ngược lại, theo thông lệ.
Và, cuối cùng, do cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nên hãy dùng các biện pháp mà WTO cho phép, như chống phá giá, hay an toàn sức khoẻ, để bảo vệ hàng Việt và người Việt.
Nhà thơ Quế Mai nên xem lại đoạn clip trên mạng về cuộc biểu tình của những lưu học sinh Việt Nam ở Australia. Kết thúc cuộc biểu tình phản đối sự gây hấn của phía Trung Quốc, một nữ sinh viên Việt Nam đã nói (bằng một thứ tiếng Anh rất chuẩn và hay): "Chinese people, we love you!"
Về phần mình, người viết cũng đã lưu lại cho cô con gái mới học lớp 4 xem. Không chỉ là để luyện tiếng Anh.
Tuần hành siêu xe và cuộc thi "Giấc mơ của bạn"
Tuy nhiên, người viết vẫn thấy chia sẻ được với quyết định của nhà thơ Quế Mai, khi bà quyết định huỷ chuyến đi du lịch Trung Quốc. Có thể nhà thơ Quế Mai, thay vì sử dụng dịch vụ du lịch của Trung Quốc, sẽ sử dụng dịch vụ du lịch của Việt Nam, như bà từng kêu gọi. Ở một vùng biển miền Trung, chẳng hạn.
Người viết cũng hoàn toàn đồng ý với ý tưởng (giả định) này của bà, và những độc giả của Vietnamnet muốn theo gương bà. Ít nhất là vì lý do an ninh trong bối cảnh hiện nay.
Bởi đã có những lưu học sinh Việt Nam từ Trung Quốc về nghỉ hè kể lại rằng trước cửa phòng đã khoá chặt từ bên trong của họ, những kẻ quá khích đã đốt cả tiền Việt Nam. Có điều những học sinh này không khẳng định được rằng tiền bị đốt là tiền thật, hay tiền giả. (Trung Quốc vốn rất nổi tiếng trong chuyện này mà.)
Thế nhưng, người viết lại cảm thấy không mấy vui khi đọc trên truyền thông rằng sắp có một chuyến du lịch "bán xuyên Việt" như vậy.
Dàn siêu xe của Cường Đô La
Báo điện tử VTCNews ngày 16.6 vừa rồi đã đưa tin: Gần 30 siêu xe và xe sang hàng đầu Việt Nam sẽ tụ họp ở TP.HCM để thực hiện hành trình dài một nửa chiều dài đất nước. Ông Nguyễn Quốc Cường, biệt danh là "Cường đô la", Phó tổng giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai là một trong hai người có vị trí quan trọng nhất trong ban tổ chức.
Vẫn biết rằng xe và tiền là của ông Cường và những người khác, họ muốn sử dụng thế nào, vào lúc nào là tuỳ họ. Hơn nữa, cũng theo tờ báo mạng này, ngoài mục đích tự thân của cuộc hành trình, ông Cường và các chủ xe còn kết hợp làm từ thiện, khi đoàn đến các địa phương như Mũi Né, Nha Trang, Qui Nhơn và Đà Nẵng.
Tuy nhiên, về khía cạnh tâm lý, người viết vẫn có cảm thấy có gì đó "phản cảm" thế nào ấy, khi hình dung cảnh những "đại gia - tay chơi" - bước xuống từ những chiếc xe mà giá trị của nó có thể gấp tới cả gần trăm lần số tiền mà Ngân hàng Đông Á vừa cho "Sói Biển" Mai Phụng Lưu vay để mua tàu tiếp tục bám biển, góp phần giữ chủ quyền quốc gia -, bên cạnh những ngư dân nghèo khó, lam lũ, đang chờ nhận quà.
Nói gì thì nói, doanh nhân Nguyễn Quốc Cường vẫn là một trong số những đại diện cho thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam đang hội nhập với thế giới. Thiết nghĩ, chính vì vậy, ngay cả cách làm từ thiện của ông cũng nên phù hợp với văn hoá làm từ thiện của giới doanh nhân toàn cầu. Theo người viết được biết, dường như ở nước ngoài họ không làm như vậy.
Tự nhiên, người viết lại muốn nhìn thấy cảnh doanh nhân Nguyễn Quốc Cường đã "hảo tâm" thì "hảo tâm" cho chót, "hảo tâm" từ trong ra ngoài. Thay vì siêu xe, hay xe sang, ông hãy tổ chức một chuyến hành trình toàn bằng xe Jeep "phủi" thì hay biết mấy.
Còn chiếc Phantom, hay Rolls- Royce gì đó, (xin lỗi là người viết không rành khoản xe cộ này mấy), ông bán quách đi mà góp tiền vào chương trình "Ủng hộ ngư dân bám biển" của Báo Sài Gòn Tiếp Thị.
Xuôi theo dòng của trí tưởng tượng, người viết muốn nhìn thấy cả Người Đẹp Hồ Ngọc Hà ngồi bên cạnh tay lái của ông. Ở mỗi nơi dừng chân trong hành trình, cô sẽ hát những bài về biển, rồi trao tặng những gói "Sun Silk" mà cô hay quảng cáo trên TV, để giúp làm mượt lại mái tóc đã xơ cứng của những người vợ đứng trên bãi biển chờ chồng vào những buổi chiều tà. Như một lời cầu chúc cho những người đàn ông can đảm này hãy cố vượt mọi hiểm nguy và chóng trở về với những mái tóc óng mượt như Sun Silk đang bay theo làn gió biển.
Người Đẹp Sun Silk từng thổ lộ rằng cô yêu ông, bởi cảm nhận được sự chân thành của một người con trai. Sau chuyện này, cô sẽ càng yêu ông hơn, bởi tận mắt nhìn thấy sự trưởng thành của một người đàn ông, người viết nghĩ vậy.
Ô hay! Hình như người viết đã lạc đề rồi...
Đây là mục "Phát ngôn & Hành động", chứ không phải cuộc thi "Hãy kể về giấc mơ của bạn".