Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Hai niềm đau đáu cuối cùng của ông Sáu Dân


Hai niềm đau đáu cuối cùng của ông Sáu Dân

"Nếu các anh có báo cáo dù chỉ vài chữ, dưới bất kỳ hình thức nào, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Còn đã không báo cáo, tự các anh phải chịu trách nhiệm." - Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với Bộ trưởng Thủy lợi Nguyễn Cảnh Dinh và Chủ tịch Hà Nội Lê Ất Hợi.
LTS - Trong cuộc đời của mình, Đại tá (nghỉ hưu) Khuất Biên Hòa, nguyên trợ lý của Đại tướng Lê Đức Anh và tác giả cuốn sách cùng tên, đã ba lần được gặp (cố) Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông nhớ nhất là lần thứ ba, bởi "chú Sáu Dân", thông qua người thư ký của mình, đã chủ động mời ông tới nhà chơi, tại 16 Tú Xương. Đó là vào dịp Hội thảo Khoa học Lịch sử, nhân kỷ niệm 30 năm ngày đất nước thống nhất (2005).
Đại tá Khuất Biên Hòa kể: "Lúc đến, tôi không thấy có bà Cầm (TS Phan Lương Cầm, phu nhân (cố) Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Nhưng lúc về, khi ra đến cửa, tôi đã gặp bà. Bà nói với tôi: "Sao hôm nay cậu quần chú Sáu dữ thế?" Lúc đó, tôi mới chợt nhớ ra rằng ông Kiệt và tôi đã say sưa nói chuyện suốt từ 8 giờ sáng đến 1 rưỡi chiều, quên cả ăn trưa."
Tuanvietnam xin trân trong giới thiệu cuộc hầu chuyện của phóng viên Huỳnh Phan với Đại tá Khuất Biên Hòa, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của (cố) Thủ tướng Võ Văn Kiệt, và cũng vì ý nghĩa vẫn còn thời sự của câu chuyện này.
Thẳng thắn đấu tranh phê bình vì việc công
Thế hôm đó, ông Võ Văn Kiệt tâm sự gì với ông?
Hôm đó, ông Võ Văn Kiệt cứ nhắc đi nhắc lại: "Họ nói tôi với anh Sáu Nam là một cặp bài trùng thì cũng có cơ sở, vì hai chúng tôi khá là hợp nhau, rất quí trọng, tin cậy nhau, và trong rất nhiều giai đoạn lịch sử hai người đã được kề cận cùng thực hiện chung một nhiệm vụ - một nhiệm vụ khá "nặng đô" với những thử thách vô cùng nghiệt ngã. Hai chúng tôi đã sát cánh bên nhau, ráng vượt lên và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ."
Ông Võ Văn Kiệt nói: "Nói đến giai đoạn đổi mới, lúc đó, việc nhiều lắm, mà toàn việc lớn cả, lại vô cùng mới mẻ, chưa có tiền lệ, vừa làm vừa mò mẫm, thử nghiệm. Cả bốn người, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo,sau là Nông Đức Mạnh, và tôi là Thủ tướng, mỗi người một trọng trách, một núi công việc. Chúng tôi thương nhau lắm, tin nhau lắm."
Ông nói tiếp: "Nhưng khi có nổi cộm, cái gì không phải là thẳng thắn phê bình, thậm chí phê bình nhau gay gắt. Nhưng đều vì việc công mà không ai nghĩ riêng tư cho mình, và tranh luận để đi tới thống nhất".
Nói tới đấy, tôi chợt thấy giọng ông như hơi chùng xuống: "Gần đây, tôi thấy buồn và lo ngại trước hiện tượng thủ tiêu đấu tranh phê bình, chủ yếu thiên về vuốt ve nhau. Một người sai, nhiều người biết nhưng không nói, hoặc không dám nói. Hoặc giả có định phê một câu thì phải rào trước đón sau, phải nêu, thậm chí phải tụng ca một loạt ưu điểm, rồi mới đưa ra khuyết điểm. Mà điều đáng lo ngại ở chỗ hiện tượng này đã trở thành phổ biến, không kể ở cấp nào, từ cơ sở tới cấp Trung ương."
Quay lại chuyện với ông Lê Đức Anh, ông Võ Văn Kiệt nói: "Cho tới giờ phút này, quan hệ giữa chúng tôi vẫn đẹp như một cặp bài trùng. Mặc dù về không gian chúng tôi xa cách nhau, kẻ Nam, người Bắc."
Hơn thế nữa, ông Võ Văn Kiệt còn khuyên ông Lê Đức Anh vào ở hẳn trong Nam để tiện việc trao đổi, tham khảo ý kiến của nhau.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Lúc đó, ông có băn khoăn tại sao tự nhiên ông Võ Văn Kiệt lại kể về kỷ niệm với ông Lê Đức Anh không?
Cũng dễ hiểu thôi, bởi hai lẽ. Thứ nhất là ông Kiệt nói theo đề nghị của tôi, để tôi có nội dung đưa vào cuốn sách "Đại tướng Lê Đức Anh". Thứ hai là vào thời điểm năm 2005, chúng ta kỷ niệm trong 30 năm Giải phóng miền Nam, và, hệ trọng hơn, đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng X.
Tôi nhớ là vào dịp Tết năm đó, ông Võ Văn Kiệt có một bài trả lời phỏng vấn trên báo (thực sự bài báo được chính thức đăng vào cuối tháng 3 trên Tuần báo Quốc tế - NV). Trong bài đó, ông Võ Văn Kiệt nói đến tầm vóc của cuộc kháng chiến là chính, nhưng ông có một lưu ý rằng, trong thời khắc lịch sử đó, bất cứ ai có công mình cũng phải nhìn nhận cho sòng phẳng. Đó là hành vi của ông Dương Văn Minh, vị tổng thống cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn.
"Ở phút cuối, ông đã huỷ bỏ lệnh tử thủ, và như vậy, đỡ bao nhiêu xương máu, cũng như thành phố Sài Gòn - Gia định và các đô thị khác đỡ bị tàn phá", ông Võ Văn Kiệt nói.
Lúc đó, bên ngoài tung tin là ông Lê Đức Anh phê bình gay gắt quan điểm của ông Võ Văn Kiệt, và các cựu quân nhân, nhất là các cựu tướng lĩnh, rất không đồng tình với quan điểm ông Kiệt, cho rằng ông Kiệt có ý kiến là thưởng huân chương cho ông Dương Văn Minh, khiến cho biết bao nhiêu cựu chiến binh, thương binh và gia đình liệt sĩ cảm thấy bất công.
(Ông Kiệt có nói với tôi là không hề có chuyện ông đề nghị thưởng Huân chương cho ông Dương Văn Minh.)
Rồi tại cuộc hội thảo cấp nhà nước, diễn ra hai ngày liền (14-15.4.2005), tại Hội trường Thống Nhất, cả ông Võ Văn Kiệt, ông Võ Nguyên Giáp và ông Lê Đức Anh, đều có bài tham luận gửi trước, nhưng chỉ có ông Lê Đức Anh tới dự. (Sự việc này tôi biết rất rõ, vì hôm đó tôi trực tiếp đưa ông Lê Đức Anh vào dự hội thảo, và được ông ủy thác lên đọc tham luận thay ông.)
Hội thảo vừa xong, tôi tới 16 Tú Xương thăm ông Kiệt liền.  Tối hôm trước, tôi được anh Trịnh, thư ký của ông Kiệt, cho biết, ông Kiệt từ Hà Nội bay về thành phố bị trễ, và mệt mỏi quá nên không tham dự hội thảo được.
Nhưng hình ảnh ông không dự lại bị suy diễn, đồn thổi là có ông Lê Đức Anh đến thì ông Võ văn Kiệt không đến...
Vậy, thực sự, ông Lê Đức Anh đã nhận xét như thế nào về bài trả lời phỏng vấn của ông Kiệt?
Tôi đã đọc bài báo đó cho ông Lê Đức Anh nghe, ngay khi báo ra. Ông không hề phản đối, và lại còn bảo: "Nói như vậy cũng được, nhưng giá như anh Sáu Dân kín kẽ hơn về câu chữ thì họ hết lối suy diễn".
Đại tá Khuất Biên Hòa, nguyên trợ lý của Đại tướng Lê Đức Anh
Hai niềm đau đáu cuối cùng
Chẳng lẽ suốt 5-6 tiếng, ông Võ Văn Kiệt chỉ nói về kỷ niệm với ông Lê Đức Anh?
Đâu phải thế, ông nói nhiều chuyện lắm. Tuy nhiên, qua cuộc nói chuyện dài như thế, tôi thấy ông Kiệt đau đáu hai điều.
Thứ nhất, như tôi đã kể, là tình trạng "dĩ hòa vi quí",vuốt ve nhau ở tất cả các cấp, từ chi bộ cơ sở tới Trung ương.
Thứ hai là tình hình tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng. Hôm tôi đến với ông thì cả nước đang còn bàn tán xôn xao về vụ đổ tàu hỏa ở Huế, xảy ra trước đó vài ngày, làm chết hơn chục người, còn làm bị thương thì nhiều lắm. Chắc anh còn nhớ?
Vâng, rất nhớ ạ.
Cùng lúc đó bên Hàn Quốc có vụ sập một cây cầu nhỏ,  chỉ 14 người bị thương mà Bộ trưởng Giao thông Hàn Quốc đã phải xin từ chức.
Ông Võ Kăn Kiệt rất bực mình là tại sao để xảy ra một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng như vậy, mà Bộ trưởng Giao thông & Vận tải, mãi chục hôm sau, mới vào hiện trường, và, sau đó, chỉ nhận hình thức kỷ luật là "phê bình".
Ông bảo: "Ở ta từ trước tới nay, mức kỷ luật nhẹ nhất là khiển trách. Nhận hình thức phê bình là quá coi thường kỷ luật Đảng".
Nhân đó, ông Võ Văn Kiệt kể chuyện về vụ lấn đê xây nhà ở Hà Nội hồi những năm '90. Khi báo chí phát hiện vụ này, trong dư luận đã rùm beng lên rồi, ông mới biết, và thực sự giật mình. Ông kể rằng, việc đầu tiên ông làm là nhân danh một ủy viên Bộ Chính trị, một thủ tướng Chính phủ, xin lỗi trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và sau đó, chủ động xin lỗi trước Quốc hội.
Mà hình như hồi đó chưa có chất vấn tại Quốc hội như bây giờ?
Đúng thế. Mà nếu có, tôi cho rằng ông cũng không chờ chất vấn mới nhận trách nhiệm.
Ông bảo: "Phải xin lỗi, vì mình có lỗi. Mình chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân (cử tri), mà để xảy ra cơ sự như thế."
Việc thứ hai, ông kể,  là ông gọi ngay ông Lê Ất Hợi, Chủ tịch thành phố Hà Nội, và ông Nguyễn Cảnh Dinh, Bộ trưởng Thuỷ lợi, lên gặp ông.
Ông hỏi họ: "Hai anh có bao giờ báo cáo tôi về vụ đê điều này không? Hãy cố nhớ lại xem, hay là trong một bức điện, một lần điện thoại thôi, hay trong báo cáo về những việc khác, có nói một câu về đê điều hay không?"
Cả hai ông trả lời là không.
Ông lại hỏi: "Vậy tại sao một vấn đề như thế này mà lại không báo cáo Thủ tướng?"
Họ trả lời là thấy Thủ tướng có nhiều việc lớn phải lo quá, việc đó là việc nhỏ của Hà Nội, nên họ không báo cáo.
Nghe tới đó, ông Võ Văn Kiệt mới nói: "Nếu các anh có báo cáo dù chỉ vài chữ, dưới bất kỳ hình thức nào, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Còn đã không báo cáo, tự các anh phải chịu trách nhiệm.  Hãy làm tường trình như đã nói với tôi, tự xin hình thức kỷ luật."
Ông Kiệt nói: "Hòa có biết không, suốt thời gian vừa qua, ở bất cứ hội nghị hay cuộc gặp gỡ nào, chú cũng nói điều này. Nói kiên trì lắm về giao thông, và tai nạn giao thông. Mình là kể cũng có nhiều cố gắng, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề một cách căn cơ, mà, ngược lại, tình hình dường như ngày càng nặng nề, nghiêm trọng. Mức thương vong của ta còn lớn hơn cả thương vong của Iraq đang có chiến tranh... Hễ cứ nghĩ tới điều này là chú ăn không ngon, ngủ không yên được."
Ông Võ Văn Kiệt còn nói chuyện gì khác trong vòng 5-6 tiếng đó không?
Ông có hai vấn đề muốn nhờ tôi hỏi ông Lê Đức Anh. Đó là chuyện Chiến dịch Mậu Thân (1968), khi cánh quân của ông không được chi viện, và thương vong gần hết, và chuyện tại sao Việt Nam lại lỡ việc ký kết Hiệp định Thương mại Song phương Việt - Mỹ tại Aukland (New Zealand), vào tháng 9.1999. Nhưng thôi, để dịp khác ta nói chuyện này.
Xin cảm ơn ông.

Việt Nam với 'bài toán' thông tin chủ quyền

Việt Nam với 'bài toán' thông tin chủ quyền
Khác với một số nước ASEAN khác chỉ yêu sách chủ quyền với một phần Trường Sa, Việt Nam có yêu sách chủ quyền với cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nên lại càng cần thiết, để cho trong các cuộc tranh luận của giới học giả quốc tế, người ta được đọc nhiều hơn, biết nhiều hơn, và nói nhiều hơn về lập trường và chính sách của Việt Nam.

LTS: Tuanvietnam xin tiếp tục chủ đề "nghiên cứu Biển Đông", nhân Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 4, khai mạc sáng nay (19.11.2012) tại TP HCM, với cuộc trao đổi của phóng viên Huỳnh Phan với Phó Giáo sư Ramses Amer,nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Stockholm (Thụy Điển).
Ông bắt đầu quan tâm đến Biển Đông từ bao giờ?
Tôi học đại học ở Thụy Điển, về lịch sử chính trị học. Tôi quan tâm đến Việt Nam và Đông Nam Á, bởi mẹ tôi đã từng ở Việt Nam, là Trưởng Đại diện của Swedish Development Cooperation Offfice từ năm từ năm 1986 đến 1999.
Từ năm 2004, tôi bắt đầu nghiên cứu về ASEAN, và nhận thấy rằng cơ chế giải quyết xung đột của ASEAN chủ yếu liên quan đến vấn đề tranh chấp biên giới, trên bộ hoặc trên biển.
Đối với một học giả nước ngoài như ông, có những khó khăn gì khi tìm kiếm nguồn thông tin từ Việt Nam?
Theo kinh nghiệm của tôi, ở Việt Nam rất nhạy cảm trong việc trích dẫn người nói. Điều này là một thách thức thực sự cho các bài báo khoa học, bởi việc trích dẫn nguồn thông tin là một yêu cầu không thể thiếu.
Tuy nhiên, có một số học giả Việt Nam đi học ở phương Tây, và nhiễm "thói quen xấu" này của phương Tây, và trích dẫn tên của những người họ trao đổi, phỏng vấn, và vì thế độc giả biết được ai đã đưa ra những thông tin, hoặc nêu quan điểm nào đó. Nếu có chuyện gì đó nhạy cảm, hoặc không thật chính xác, người phát biểu sẽ bị rắc rối.
Đối với riêng tôi, đó là trường hợp đặc biệt. Mẹ tôi đã gắn bó với Việt Nam hơn 12 năm, tôi quen biết nhiều người ở đây, và họ tin chắc rằng tôi sẽ không bao giờ tiết lộ tên tuổi họ. Hơn nữa, họ cũng biết rằng tôi hiểu lập trường biên giới lãnh thổ của Việt Nam còn hơn nhiều người ngay cả trong Bộ Ngoại giao. Họ cũng đọc những bài viết, công trình nghiên cứu của tôi. Đó là những lợi thế khiến tôi dễ dàng tiếp cận thông tin, còn hơn cả nhiều học giả trong nước.
Đối với các học giả nước ngoài còn một điểm khó khăn nữa là thói quen trả lời phỏng vấn một cách hình thức của các quan chức Việt Nam, hay những bản tham luận chỉ khiến cử tọa buồn ngủ. Ví dụ, cách đây ít năm, tôi có phỏng vấn một quan chức Bộ Ngoại giao về tình hình Căm-pu-chia.
Mất nửa tiếng đầu tiên, ông ta cứ thao thao bất tuyệt về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, và chỉ khi tôi nói cho ông ta biết rằng mối quan hệ hữu hảo đó chỉ là một phần trong mối quan hệ phức tạp, và ông ta nhận ra rằng tôi nắm tình hình rất rõ. Kể từ đó, chúng tôi mới có thể bắt đầu một cuộc tranh luận thực sự và thú vị.
PGS Ramses Amer trao đổi với TS Vương Hàn Lĩnh (Trung Quốc). Ảnh: Huỳnh Phan
Một trải nghiệm thú vị. Là một phóng viên luôn gặp những khó khăn tương tự, tôi rất tò mò về việc ông vượt qua như thế nào?
Đôi khi, để giúp người trả lời tránh khỏi sự khó khăn, tôi thường đưa ra những giả định khác nhau của mình, và chỉ yêu cầu người đối thoại gật, hay lắc.
Có một học giả nước ngoài gặp tôi, và hỏi rằng tại sao ông ta cũng gặp người nọ người kia, như tôi, mà câu trả lời rất chung chung, trong khi tôi có thể nêu bật điểm nọ điểm kia. Tôi nói rằng ông ta hãy sang Việt Nam thêm 1-2 lần nữa, và tốt nhất là hãy cho phía Việt Nam xem ông viết gì. Nếu họ thấy ông là người đáng tin, họ sẽ cởi mở hơn.
Còn không, ông ta cũng đỡ mất thời gian vô ích?
Đúng vậy. (Cười)
Theo kinh nghiệm của mình, ông thấy giới học giả của Việt Nam gặp những khó khăn, hay hạn chế gì, đối với việc có thể thực hiện được những công trình nghiên cứu thực sự có giá trị?
Ở Việt Nam, khá nhiều người, kể cả giảng viên các trường đại học và hoặc thành viên viện nghiên cứu, không muốn làm các báo cáo khoa học, mà chỉ là những văn bản thể hiện chính sách. Tức là trước khi đưa ra các khuyến nghị về chính sách, họ không có sự chuẩn bị nhiều về mặt khoa học.
Một vấn đề nữa là việc chỉ rõ nguồn tham khảo, nếu đọc một bản báo cáo, hay bài báo mà không thấy trích dẫn nguồn tham khảo, độc giả sẽ hiểu rằng đó chỉ là quan điểm, chứ không phải là thực tế.
Điều này khác với ở Trung Quốc, khi nhiều học giả Trung Quốc làm việc ở các trường đại học nước ngoài đã làm công việc này tốt hơn, và kết quả là quan điểm của Trung Quốc được trình bày tốt hơn nhiều. Trong khi đó, quan điểm của Việt Nam được thế giới biết ít hơn nhiều, do có quá ít những người Việt Nam làm việc này.
Rất may là trong số ít ỏi đó có Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao, người đã viết cùng với tôi nhiều bài đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín, như Ocean Development and International Law, cũng như các tạp chí chuyên ngành của Việt Nam. Nguyễn Hồng Thao mạnh về tính pháp lý trong vấn đề biên giới, và tôi là cơ chế giải quyết xung đột. Cách viết của chúng tôi làm sao đáp ứng được yêu cầu của cả quốc tế, lẫn Việt Nam.
Đặc biệt, Nguyễn Hồng Thao giỏi ở chỗ, khi viết, ông đã tư duy như một nhà nghiên cứu, chứ không phải là một nhà hoạch định, hay tham mưu chính sách, như cương vị của ông.
PGS Ramses Amer. Ảnh: Huỳnh Phan
Ông có nhận xét gì về các nghiên cứu của các học giả Việt Nam khác?
Thứ nhất, nói chung, các học giả Việt Nam thường viết về những vấn đề đã giải quyết, nhưng ít khi chấp nhận thách thức là viết về những vấn đề chưa giải quyết, nhất là việc mạnh dạn đưa ra những quan điểm, bình luận của các nước khác.
Thứ hai, ở Việt nam tôi thấy có một điều rất rõ ràng là rất ít người phân tích về hậu chính sách (post-policy), tức là ít khi họ nhìn lại đằng sau, hay cố gắng tìm hiểu quá khứ. May ra chỉ có những người đã về hưu là có thể nói đôi điều gì đó về quá khứ.
Chẳng hạn, sự đổ vỡ trong quan hệ Việt - Trung ra sao, tại sao lại phải bình thường hóa lại, và điều kiện của bình thường hóa..., thì người ta lảng tránh. Hay quan hệ Việt Nam - Căm-pu-chia trước đây, cuộc chiến tranh biên giới, chủ yếu do bên ngoài nghiên cứu và đăng tải.
Tôi nghĩ, thậm chí, việc có nhiều ý kiến tranh cãi, tức là nhiều điều chưa thống nhất trong quan điểm của giới học giả Việt Nam liên quan đến Biển Đông, được đăng tải bằng tiếng Anh, tôi nghĩ sẽ có mặt tích cực là Việt Nam sẽ được chú ý hơn.
Thứ ba, là ở Việt Nam người ta thiên về đưa ra lập trường, quan điểm, chứ không phải những bằng chứng. Họ có xu hướng tin vào những gì người khác nói hơn là tự mình nghiên cứu trên cơ sở những bằng chứng tự mình tìm hiểu.
Thứ tư, trong báo cáo, hay tham luận, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam thường có xu hướng đưa nhiều vấn đề ra một lúc, thay vì tập trung mổ xẻ một khía cạnh nhỏ mà ông ta thực sự chuyên sâu.
Thứ năm, theo tôi nghĩ, muốn hình thành một đối sách với nước nào đó, trước tiên phải biết người ta thực sự nghĩ gì, muốn gì. Như tôi đã từng gợi ý với các đồng nghiệp ở Học viện Ngoại giao, rằng cơ quan này phải ưu tiên thúc đẩy hợp tác với Viện Nghiên cứu Trung Quốc, bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc đọc được chữ Hán, và họ sẽ có nhiều thông tin hơn về những gì người Hoa viết.
Chứ còn bên Học viện Ngoại giao, đa số các nhà nghiên cứu đều học ở phương Tây, và họ ít hiểu biết về Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa. Và quan trong hơn, nhiều điều mà phương Tây viết chưa chắc đã phản ánh đúng tư duy, tham vọng thực sự của Trung Quốc.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là phải để thế giới biết được lập trường về Biển Đông của Việt Nam, nhưng các bạn dường như tỏ ra quá cao thượng, hoặc quá tự tin, ít nhất là so với Trung Quốc. (Cười lớn)
Ông hài hước quá đấy. Cái đó ở Việt Nam, trong cá độ bóng đá người ta gọi là "chấp" vài trái?
Chẳng hạn, hàng năm có ít nhất 10 bài báo khoa học nói về chính sách, chiến lược biển của Trung Quốc, trong khi đó Việt Nam chỉ có nhiều nhất 1-2 bài báo khoa học thể hiện lập trường của Việt nam. Điều này nguy hiểm ở chỗ trong giới chuyên môn trên thế giới người ta sẽ trở nên quen thuộc với những gì của Trung Quốc hơn, và điều này có thể khiến yêu sách của họ dường như dễ thuyết phục hơn.
Tôi nghĩ, không chỉ Việt nam, mà cả Malaysia, hay Philippines, đều cần phải nỗ lực hơn.
Vả lại, khác với một số nước ASEAN khác chỉ yêu sách chủ quyền với một phần Trường Sa, Việt Nam có yêu sách chủ quyền với cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nên điều này lại càng cần thiết, để cho trong các cuộc tranh luận của giới học giả quốc tế, người ta được đọc nhiều hơn, biết nhiều hơn, và nói nhiều hơn về chính sách của Việt Nam. Trong những năm gần đây, tôi không thể tìm bất cứ một cuốn sách nào về chính sách biển của Việt Nam, trong khi đó tôi có thể tìm thấy hàng loạt cuốn sách về Trung Quốc.
Hơn nữa, Việt nam cần chuẩn bị để có một đội ngũ học giả sẵn sàng tham dự ngày càng nhiều các diễn đàn, hội thảo quốc tế, ở nhiều nước khác nhau, để nói lên tiếng nói của mình. Chẳng hạn, cuộc hội thảo quốc tế hàng năm tổ chức ở Hải Nam không thấy có đại biểu Việt Nam nào tham dự.
PGS Ramses Amer trao đổi với TS Trần Trường Thủy, Học viện Ngoại giao (Việt Nam). Ảnh: Huỳnh Phan
Tức là Việt Nam yếu trong tuyên truyền đối ngoại, như những người hoạch định chính sách đối ngoại hay nói?
Đây hoàn toàn không phải vấn đề tuyên truyền, bởi tuyên truyền chỉ dành cho trong nước các bạn. Đối với nước ngoài, phải là cung cấp những chứng lý, những phân tích về tính hợp pháp trong yêu sách chủ quyền của Việt Nam.
Ông đã góp ý với những người đồng nghiệp Việt Nam của ông chưa?
Trước đây, tôi có nói với họ. Nhưng, rất tiếc, họ cho là không quan trọng.
Có một đồng nghiệp của tôi đã từng viết rằng cuộc chiến giữa giới học giả của Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới Biển Đông là cuộc chiến không cân sức. Ông có cho là cô ta cực đoan không?
Tôi nghĩ, về một mức độ nào đó, cô ta có lý. Ngoài những điều tôi đã nói ở trên, đội ngũ nghiên cứu của Việt Nam vốn đã mỏng, lại còn chưa được sử dụng hiệu quả.
Đối với những học giả Việt Nam, hiện đang sống ở nước ngoài, hình như chưa có sự phối hợp chặt chẽ với giới nghiên cứu trong nước. Trong khi đó, giới học giả Trung Quốc ở bên ngoài lãnh thổ Trung Hoa lục địa rất mạnh.
Chẳng hạn, học giả Zou Key Yuan, hiện đang dạy về quan hệ quốc tế ở London, ông ta viết rất hay về quan điểm của Trung Quốc. Hay các học giả Đài Loan lại không hề tuyên truyền, hay lặp lại những yêu sách của Trung Quốc, mà chỉ củng cố cho những lập luận này.
Tôi không hiểu tại sao có những nhà nghiên cứu, có bằng tiến sĩ ở nước ngoài, khi về nước lại không tiếp tục nghiên cứu. Chẳng hạn, ở Học viện Ngoại giao, chỉ có khoảng trên chục người được đào tạo sau đại học ở nước ngoài, thì phân nửa trong số đó đi các sứ quán để làm những công việc khác. Lẽ ra, họ đã có thể tạo thành một nhóm nghiên cứu rất hiệu quả.
Còn ở các trường đại học khác, bộ môn quan hệ quốc tế tương đối yếu, và thường bị lép về trước bộ môn lịch sử. Hay, gần đây, tôi cũng nghe nói rằng ở Việt Nam có một số các nhà nghiên cứu độc lập, nhưng dường như họ chưa có sự phối hợp cần thiết với các viện nghiên cứu của nhà nước.
Tóm lại, tôi nghĩ vẫn còn có tiềm năng rất lớn ngay bên trong Việt Nam, nhưng chưa được sử dụng. Ngay cả với một website về nghiên cứu Biển Đông, họ vẫn không dịch những thông tin tiếng Việt ra tiếng Anh, để cho tất cả những người trên thế giới quan tâm đến Biển Đông có thể vào để tìm kiếm, thậm chí tranh luận với nhau.
Thế ông đánh giá thế nào về hội thảo quốc tế về Biển Đông, trong mối tương quan giữa Việt Nam và Trung Quốc?
Đây là một phần cuộc cạnh tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc trong việc thúc đẩy hiểu biết, kiến thức và nghiên cứu của giới học giả về Biển Đông - một hình thức cạnh tranh mới. Việt Nam có thể tự hào là họ đã đi trước Trung Quốc một bước, và có lẽ đây là cái duy nhất Việt Nam đi trước Trung Quốc.
Liệu hội thảo quốc tế có phải là hình thức quốc tế hóa Biển Đông, như một số báo chí, đặc biệt là ở Trung Quốc, đưa tin không?
Những hình thức quốc tế hóa có thể là đưa nhau ra tòa án quốc tế, hay tìm sự hòa giải ở một bên thứ ba, chứ không phải hội thảo quốc tế. Bởi hội thảo khoa học, với sự tham gia của giới học giả, chỉ là một kênh giúp tìm ra giải pháp, chứ tự thân không phải là giải pháp, như giải pháp đưa ra tòa, hay giải pháp trung gian hòa giải.
Xin cám ơn ông.

Nghiên cứu Biển Đông: 'Đóng cửa đọc cho nhau nghe'

Nghiên cứu Biển Đông: 'Đóng cửa đọc cho nhau nghe'
TS Hoàng Việt cho rằng, qua các hội thảo, các nhà hoạch định chính sách của từng nước tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có những điều chỉnh chính sách nhất định.

LTSTuanvietnam tiếp tục cuộc trò chuyện với Thạc sỹ Hoàng Việt
>>
Các hội thảo quốc tế về Biển Đông này có ý nghĩa gì đối với giới học giả Việt Nam?
Cá nhân tôi học hỏi được khá nhiều, nếu không nói là rất nhiều. Bởi các nhà tổ chức đã mời được nhiều tên tuổi hàng đầu, tuy không phải tất cả, nhưng đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chính trị học, quan hệ quốc tế, đến luật học...
Tôi theo dõi qua truyền thông thì thường thấy chủ yếu là học giả nước ngoài tranh luận với học giả Trung Quốc, mà hiếm thấy tên học giả Việt Nam?
Như vậy đỡ kẹt hơn cho ban tổ chức, phải không anh? (Cười lớn) Bởi học giả nước thứ ba được coi là có quan điểm khách quan hơn.
Tuy nhiên, tôi theo dõi các hội thảo, thấy học giả Việt Nam và Trung Quốc tranh luận nhiều khi rất gay gắt là đằng khác. Trong số các học giả Việt Nam tham dự hội thảo, luôn có những người bảo vệ quan điểm của Việt Nam. Chỉ hơi tiếc là vẫn chưa có nhiều gương mặt mới.
Ban Tổ chức, với tư cách chủ nhà, nhiều khi phải can thiệp để không khí tranh luận nhẹ nhàng hơn. Ngay cả giữa học giả Trung Quốc với học giả nước thứ ba. Tuy nhiên, bản thân các học giả vẫn có ý thức duy trì không khí học thuật.
Tức là sao?
Chẳng hạn, tôi đã chứng kiến cuộc tranh luận gay gắt giữa TS Vương Hàn Lĩnh của Trung Quốc với GS Peter Dutton của Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Thế nhưng, sau đó vào giờ giải lao hai người lại bắt tay nhau và trò chuyện vui vẻ, cuối ngày còn cụng ly bia với nhau. Tôi nghĩ đó là biểu tượng của tình bạn giữa các nhà khoa học.
Thạc sĩ Hoàng Việt và các đồng nghiệp Việt Nam bên lề hội thảo. Ảnh:Huỳnh Phan
Ồ, tôi còn có một món nợ TS Vương Hàn Lĩnh. Tôi đã hứa, trong cuộc phỏng vấn với ông tại Hội thảo quốc tế về chủ đề khai thác chung nguồn năng lượng ở châu Á (8.2010 tại TP HCM) rằng tôi sẽ sắp xếp để ông trao đổi với các học giả Việt Nam về khía cạnh lịch sử, thậm chí đã tìm được địa điểm thích hợp cho cuộc trao đổi này là quán cà phê Cây Khế ở Hà Nội. Thế mà không tìm thấy ông tại cuộc hội thảo năm ngoái tại Hà Nội.
Lần đó, tôi đã chứng kiến TS Vương Hàn Lĩnh phản biện rất gay gắt với trình bày của TS Trần Trường Thủy tại hội thảo đó, đến mức ông Đặng Đình Quý phải nhảy vào tiếp sức.
Vậy, không hiểu tại các hội thảo Biển Đông mà ông tham dự, các học giả Trung Quốc có phản biện mạnh mẽ các quan điểm của học giả Việt Nam không?
Theo quan sát của tôi, các học giả Trung Quốc tham dự các hội thảo chia làm một số nhóm. Nhóm trong hội thảo đầu tiên thì chỉ nói bằng tiếng Hoa, còn các hội thảo sau có những nhóm trẻ trung hơn, được đào tạo ở nước ngoài, nói tiếng Anh rất tốt, nên phản biện cũng rất dữ dội.
Tuy nhiên, phản biện của họ chỉ là sự lặp lại những gì mà xưa nay chính phủ họ vẫn nói, không có gì mới. Và, có lẽ vì vậy, cũng ít tính thuyết phục.
Liệu điều đó có làm cho những người tham dự, nhất là các học giả phương Tây, khó chịu không?
Tôi thấy nhiều khi các học giả phương Tây cũng nhăn mặt lại. Tôi nghĩ đây là chủ trương nhất quán của họ cả trong hội thảo lẫn bên ngoài. Họ làm cho các quốc gia liên quan khác chán nản, rồi buông xuôi mới thôi, tôi nghĩ vậy.
Ông có đồng ý với nhận xét của ông Phạm Hoàng Quân là Trung Quốc chủ yếu cử những người đấu tranh về lập trường quan điểm là chính, thay vì những nhà nghiên cứu có đẳng cấp thực sự?
Tôi xin lấy ví dụ về hai người hay đứng lên tranh luận là Tô Hạo và Vương Hàn Lĩnh.
Anh Vương Hàn Lĩnh mỗi khi giải thích về luật pháp, tôi thấy lập luận của anh ta ngược lại với luật quốc tế ghê gớm lắm. Thậm chí, anh ta còn đưa ra những điều không nằm trong luật luôn.
Còn Tô Hạo là dân ngoại giao, rất khéo lồng quan điểm vào bài tham luận hơn. Nhưng nghe kỹ thì cũng chỉ có chừng ấy thôi, chủ yếu là tuyên truyền đối ngoại cho chính phủ Trung Quốc, chứ ít tính khoa học.
Thế còn với những nhà nghiên cứu độc lập như ông, điều gì khiến ông phải bỏ tiền túi ra mua vé máy bay để ra Hà Nội để dự hội thảo lần thứ ba?
Tôi thu nhận được nhiều ý tưởng và tư liệu hay cho những bài viết sau này của mình. Mỗi học giả từ một quốc gia mang tới một cách nhìn khác về cùng một vấn đề, từ đó tạo ra một bức tranh tổng thể. Cá nhân tôi, sau ba hội thảo đã hiểu khá toàn diện về bức tranh về tranh chấp Biển Đông, không chỉ từ quan điểm của chúng ta, của Trung Quốc, mà còn từ cộng đồng thế giới.
Hơn nữa, khác với giới học giả Việt Nam vốn ít có tiếng nói với các nhà hoạch định chính sách, các học giả có tên tuổi của nhiều nước có tiếng nói khá lớn với giới hoạch định chính sách. Chẳng hạn như ông Hadjim Djalal của Indonesia nằm trong ban cố vấn của chính phủ về biển. Hay Tống Yến Huy của Đài Loan cũng nằm trong ban cố vấn của Đài Loan.
Học giả Hadjim Djalal (chính giữa) là thành viên ban cố vấn về biển của chính phủ Indonesia. Ảnh: Huỳnh Phan
Tôi nhớ chính Cựu Giám đốc Học viện Ngoại giao Dương Văn Quảng, trong bài trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị nhân hội thảo lần thứ nhất, có hy vọng rằng một trong những mục tiêu tổ chức hội thảo là giúp các nhà hoạch định chính sách của từng nước tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có những điều chỉnh chính sách nhất định. Nhưng dường như với Trung Quốc, hay Việt Nam, hai tay chơi quan trọng trong ván cờ này, mục tiêu này có vẻ không được thể hiện rõ ràng lắm?
Tôi nghĩ có chứ, ở mức độ nào đấy.
Với Trung Quốc, đầu tiên họ khẳng định vùng nước bên trong đường lưỡi bò là vùng nước lịch sử, theo chế độ nội thủy - tức là các nước đi qua phải xin phép. Nhưng khi các nước phản đối quá nhiều, đặc biệt trong các hội thảo về biển Đông, sau đó, Trung Quốc bắt đầu đưa ra quan điểm nhẹ nhàng hơn, ví dụ như phát biểu của Ngô Sỹ Tồn.
Ông này cho rằng, TQ không đưa ra yêu sách chủ quyền với toàn bộ các vùng nước nằm bên trong đường lưỡi bò, mà chỉ yêu sách như đường qui thuộc các đảo bên trong. Tham vọng vẫn vậy, nhưng cách yêu sách có mềm dẻo hơn.
Hay với Việt Nam, bây giờ mình nhấn mạnh nhiều hơn đến yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, dựa theo công ước luật biển. Mặc dù, việc khẳng định chủ quyền với hai quần đảo này là không thay đổi.
Rồi quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam (mặc dù không chính thức) vẫn cho rằng các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa không được coi là đảo theo điều 121 Công ước luật biển, tức là không có vùng đặc quyền kinh tế xung quanh. Tức là mình cũng phải điều chỉnh yêu sách của mình.
Tôi có trao đổi với những học giả quốc tế như Hadjim Djalal, Daniel Schaeffer, hay Stein Tonnesson, và họ đều nói rằng rất khó khai thác những nguồn tư liệu nghiên cứu ở Việt Nam. Vậy những hội thảo vừa rồi có giúp họ điều đó không, thông qua các trao đổi bên lề giữa họ và chúng ta?
Các nghiên cứu của chúng ta vẫn còn nặng về "đóng cửa đọc cho nhau nghe".
Tôi có dự một hội thảo quốc tế của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức vào năm ngoái, các đại biểu của Trung Quốc cũng bảo rằng có lẽ nên tổ chức một cuộc tọa đàm riêng giữa các nhà luật học của Việt Nam và Trung Quốc, cũng như giữa các nhà sử học Việt Nam và Trung Quốc, trao đổi với nhau về lập trường của đôi bên. Rất tiếc là chưa có tiến triển gì kể từ đó.
Ông có đọc trên Tuanvietnam về cuộc trao đổi giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Nhật Bản không?
Tôi có được đọc gần như toàn văn của các bài tham luận trong cuộc trao đổi đó. Tôi nghĩ rằng những trao đổi như vậy thực sự cần thiết và bổ ích.
Nếu các chính khách khó có thể phát biểu thẳng thắn về những vấn đề nhạy cảm, tế nhị với nhau, thì các nhà khoa học có thể cùng nhau thẳng thắn trao đổi. Từ đó, có thể tìm ra những điểm chung, và có thể đưa ra những phương cách để làm giảm bớt mâu thuẫn, xung đột.
Xin cảm ơn ông.

Nghiên cứu Biển Đông: Biết không được quyết

Nghiên cứu Biển Đông: Biết không được quyết
"Chúng tôi như những mạch nước riêng lẻ, rất cần có sự khơi thông để hòa với nhau thành một dòng chảy lớn. Đó là chưa nói đến nghiên cứu tự phát thì thường bị cuốn theo thời sự, mà ít có một hệ thống bài bản, căn cơ", nhà nghiên cứu Hoàng Việt tâm tư.

LTS: Nhân dịp Hội nghị Quốc tế về Biển Đông lần thứ tư, diễn ra đầu tuần tới tại thành phố Hồ Chí Minh, Tuanvietnam có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu độc lập Hoàng Việt xung quanh vai trò của kênh học giả này đối với quá trình giải quyết tranh chấp ngày một gia tăng ở Biển Đông.
Cảm nhận của ông về các hội thảo quốc tế về Biển Đông do Học viện Ngoại giao đồng tổ chức?
Một mặt, đó là một kênh đối ngoại của các học giả mà người ta gọi là ngoại giao kênh 2, bên cạnh kênh chính thức của chính phủ và kênh ngoại giao nhân dân.
Đây là một kênh rất quan trọng, nếu xét theo lịch sử xung đột ở Biển Đông. Chẳng hạn, khi quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN căng thẳng, như năm 1988 với Việt Nam, năm 1995 với Philippines, mọi dàn xếp bắt đầu từ các hội thảo khoa học, sau đó các bên xung đột mới ngồi lại được với nhau, và kết quả là đưa ra được DOC cuối năm 2002.
Mặt khác, đôi khi chủ đề của hội thảo lại quá rộng, và mang tính thông tin đối ngoại nhiều hơn tính học thuật, nên dễ bị lặp lại.
Hơn nữa, tiếng nói và lập luận của giới học giả Việt Nam cũng chưa chuyển tải nhiều tới được các học giả quốc tế.
Xin ông giải thích rõ hơn về ý cuối cùng.
Điển hình là trước đây có một số học giả quốc tế từng phản đối đường lưỡi bò, như Hamzah của Malaysia, đã thay đổi quan điểm, dường như do sự tuyên truyền quá mạnh của Trung Quốc. Ông ta cho rằng cần phải chung sống với Trung Quốc cùng với những yêu sách của họ.
Hay học giả Bateman, vừa có bài trên một tạp chí của Singapore, cho rằng tình hình phức tạp bắt đầu từ khi Việt Nam thông qua Luật Biển.
Vấn đề ở đây là Trung Quốc từ lâu đã thông qua một số đạo luật liên quan tới Biển Đông, khẳng định rằng họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với vùng biển, cũng như các quần đảo, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam), hay Philippines đưa ra một số đạo luật, trong có Luật Đường Cơ sở, khẳng định chủ quyền của họ trên Biển Đông, thì không sao.
Vậy tại sao, theo lập luận của ông Bateman, Việt Nam thông qua Luật Biển lại làm rắc rối tình hình?
Thạc sĩ Hoàng Việt trao đổi bên lề hội thảo với một học giả Trung Quốc. Ảnh: Huỳnh Phan
Tức là công tác thông tin của chúng ta là rất có vấn đề, để Trung Quốc chiếm lĩnh diễn đàn này?
Chính xác. Tôi lấy ví dụ về sự cố Scarborough. Philippines đã mở hẳn một website của Bộ Ngoại giao, và họ đăng tải lại thông tin và những bài phân tích trên báo chí, trong một chiến dịch truyền thông khá rầm rộ. Những ai muốn tìm hiểu về tranh chấp Scarborough lên Google gõ là ra ngay.
Còn với Việt Nam, chúng ta ưa sử dụng phản ứng chính thức của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao hơn. Có lẽ, vấn đề mà anh với anh Phạm Hoàng Quân trao đổi là "thiếu nhạc trưởng" nó cũng thể hiện rõ ở khía cạnh này.
Một người bạn tôi là anh Thái Văn Cầu có trao đổi với tôi rằng trước năm 1950, đa phần các tài liệu khoa học của phương Tây nghiêng về bảo vệ quyền lợi của Việt Nam, thừa nhận chủ quyền của Việt Nam. Nhưng từ năm 1950 trở lại đây, dần dần họ lại nghiêng về phía Trung Quốc.
Tại sao kỳ vậy?
Đơn giản thôi. Muốn viết một bài báo khoa học, anh phải trích dẫn. Những bài viết của Việt Nam trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín rất là ít ỏi, trong khi các bài viết của các học giả Trung Quốc thì rất nhiều, thể hiện được lập trường, quan điểm và lập luận của họ. Vậy, các học giả phương Tây hay trích dẫn các học giả Trung Quốc là tất nhiên, và dần dần họ tin là như vậy.
Mặc dù cơ sở pháp lý cho quan điểm của Việt Nam là khá mạnh, nhưng kết quả đạt được lại quá khiêm nhường.
Có những lý do nào khiến những bài viết, những công trình nghiên cứu bằng tiếng Việt lại không đẩy được ra ngoài?
Thứ nhất, những bài viết sâu của các tác giả Việt Nam không phải là nhiều, nếu không nói là ít. Chỉ có một vài người có những bài báo được đăng trên những tạp chí danh giá quốc tế như anh Nguyễn Hồng Thao, hay anh Nguyễn Đăng Thắng.
Hạn chế chủ yếu đối với những người hay viết báo bằng tiếng Việt như chúng tôi là kỹ năng viết bằng tiếng Anh, và viết theo format khoa học của họ.
Trung Quốc thì khác. Chẳng hạn, Lý Kim Minh chuyên viết về đường lưỡi bò thì hoàn toàn viết bằng tiếng Hoa, rồi có người dịch sang tiếng Anh để đăng trên tạp chí "Ocean Development and International Law". Hay những bài viết của Hàn Chấn Hoa để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Scarborough cũng bằng tiếng Hoa, rồi được dịch sang tiếng Anh. và đăng trên tạp chí quốc tế.
Chẳng hạn, những bài viết của ông sao không dịch sang tiếng Anh và gửi đăng?
Cũng có được dịch và đăng trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á. Nhưng đọc bản dịch tôi cũng không hài lòng lắm.
Còn để với tới những tạp chí quốc tế có uy tín, thủ tục cũng rất rắc rối. Thứ nhất anh phải viết theo cách của họ, nhiều tiêu chí lắm, và tiếng Anh chuyên môn phải vô cùng chặt chẽ. Nhưng ở Việt Nam công tác dịch thuật cũng không chuyên nghiệp lắm.
Vậy anh em trong Quỹ Nghiên cứu Biển Đông ở nước ngoài có giúp được gì không?
Tất nhiên, tiếng Anh của họ là giỏi, nhưng phải có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực đó thì mới dịch được. Các anh em trong Quỹ không có ai học, hay làm, về công pháp quốc tế cả, chỉ tự nghiên cứu thôi. Tôi có nhờ một anh bạn bên Mỹ dịch một bài báo, nhưng đọc ra biết ngay là tay mơ, tức là anh phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó, anh mới dịch được.
Trong khi đó, Trung Quốc khuyến khích các sinh viên, nghiên cứu sinh của họ ở nước ngoài, chủ yếu là ở các nước phát triển, làm những đề tài liên quan đến Biển Đông. Mỗi trường đại học lớn ở Mỹ, chẳng hạn, đều có tạp chí riêng của họ, và bất cứ ông giáo sư nào cũng muốn bảo trợ cho học trò của mình để có bài đăng trên những tạp chí đó. Và như vậy, những sinh viên, nghiên cứu sinh đó chuyển tải được một phần quan điểm của Trung Quốc.
Rồi những người này trưởng thành lên, trở thành những chuyên gia, để tiếp tục nghiên cứu, hoặc chí ít là dịch những bài viết của những người Lý Kim Minh, hay Hàn Chấn Hoa?
Chính xác.
Học giả Hamzah (Malaysia), người đã kêu gọi "chung sống hòa bình với Trung Quốc cùng các yêu sách của họ", do ảnh hưởng bởi chiến dịch tuyên truyền đối ngoại rầm rộ và liên tục của cường quốc này. Ảnh: Huỳnh Phan
Ở Việt Nam đã có manh nha những câu chuyện đó chưa?
Việt Nam cũng có người học ở nước ngoài, nhưng chắc là không nhiều, nếu không nói là khá ít.
Chính phủ có chương trình đào tạo 20 ngàn tiến sĩ đến năm 2020. Nếu trong số này, mình ưu tiên một tỉ lệ nhất định dành cho việc chuẩn bị đội ngũ nghiên cứu Biển Đông, kể cả về phương diện lịch sử, pháp lý, hay cơ chế giải quyết tranh chấp, thì tốt biết bao phải không ông?
Mình chỉ cần học cách cử người đi học, đi làm nghiên cứu sinh của Trung Quốc, như tôi đã nói ở trên, là đã tốt lắm rồi.
Ông đã từng đặt tất cả những vấn đề này với những người có thẩm quyền chưa?
Với những người có thẩm quyền ở vị trí cao thì tôi chưa có hân hạnh được diện kiến. Chỉ có anh em nghiên cứu trao đổi, bàn bạc để tự tìm lối ra thôi. Hay nói như anh với anh Phạm Hoàng Quân là tìm nhạc trưởng để chỉ huy thì chưa thấy.
Có thể có nghịch lý là trong việc nghiên cứu, những người biết thì không có quyền quyết định, còn những người có quyền quyết định lại không biết gì.
Tức là chưa bao giờ các ông có một đề xuất chính thức?
Chưa có bản kiến nghị nào cả. Chúng tôi chỉ đề cập đây đó trên truyền thông thôi. Mà anh biết quá rõ về vai trò của truyền thông nước mình rồi.
Ông cùng với Đinh Kim Phúc là thế hệ những nhà nghiên cứu hình thành khi Trung Quốc tuyên bố thành lập Tam Sa, Phạm Hoàng Quân có sớm hơn một chút, khi có chuyện ngư dân Hậu Lộc bị bắt, giết năm 2005. Nói chung, các ông thuộc nhóm các nhà nghiên cứu tự phát, tuy khá nghiêm túc và có những thành tựu nhất định.
Nhưng liệu xu hướng nghiên cứu tự phát, nhất là ở phía Nam, là một trong những hạn chế khiến các công trình nghiên cứu của chúng ta ít có mặt trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín quốc tế?
Đúng vậy. Tự phát có cái hay là chúng tôi không làm theo kiểu nhận tiền - trả bài, mà có những đam mê, khao khát nhất định tìm ra và nói lên, hoặc viết ra, sự thật. Nhưng điều đó cũng hàm chứa sự hữu hạn của chúng tôi, cả về sự phối hợp dưới cây đũa của một nhạc trưởng, cả về nguồn lực để nghiên cứu.
Tóm lại, chúng tôi như những mạch nước riêng lẻ, rất cần có sự khơi thông để hòa với nhau thành một dòng chảy lớn.
Đó là chưa nói đến nghiên cứu tự phát thì thường bị cuốn theo thời sự, mà ít có một hệ thống bài bản, căn cơ. Chẳng hạn, các bài viết của tôi cũng phần nhiều để phản biện lại các luận điểm của học giả Trung Quốc, tức là chủ yếu là theo tình thế, sự kiện.
Chẳng hạn, có anh em có gửi về bài viết đăng trên tạp chí bên Trung Quốc, nhưng chưa truy xuất được tên tạp chí, và có người dịch giúp sang tiếng Việt, để mình nghiên cứu. Tác giả đều là dân chuyên về sử địa. Họ đưa các luận điểm chủ yếu dựa trên các bản đồ cổ, với mục đích biện minh cho đường lưỡi bò của Trung quốc. Tôi có chuyển tới Phạm Hoàng Quân để anh ấy rà soát lại.
Tại sao lại là tiếng Hoa?
Theo tôi hiểu, mục đích của họ là trấn an cho dân chúng của họ rằng đường lưỡi bò là hoàn toàn có cơ sở lịch sử. Tức là ở Trung Quốc dân chúng cũng không hoàn toàn tin vào cái gọi là "đường lưỡi bò" nên họ mới cần khẳng định như vậy. Hay ngay cả trong giới học giả, có những người như ông Lý Lệnh Hoa cũng đặt lại vấn đề về cơ sở của "đường lưỡi bò" đấy thôi.
Thế còn với giới học giả "quốc doanh", tức là ăn lương, nhận kinh phí của nhà nước để nghiên cứu?
Theo tôi thấy Viện Sử học chưa hề có công trình nghiên cứu Biển Đông một cách bài bản về khía cạnh lịch sử, còn Viện Nhà nước và Pháp luật thì cũng không có công trình nghiên cứu Biển Đông về mặt luật pháp.