Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Phỏng vấn Giáo sư Peter Timmer

Đã hết thời của một nền nông nghiệp giá rẻ
Không nên công nghiệp hóa kiểu phong trào và bằng bất cứ giá nào, công nghiệp hóa kiểu thâm dụng lao động, và nguy hiểm hơn nữa, coi đó là giải pháp cho việc giải quyết gốc rễ vấn đề nông thôn và nông dân, chứ không phải dùng nông nghiệp để giải quyết bài toán này. Nông nghiệp phải là nền tảng, để trên cái nền đó phát triển công nghiệp chế biến và các dịch vụ liên quan để gia tăng giá trị cho nông sản. - GS Peter Timmer.

LTS: Nghị quyết 26 của Trung ương Đảng về Tam nông, được thông qua tại hội nghị lần 7 của BCH TW khoá 10 vào đầu tháng 8.2008, đã nêu rõ:

"Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt..."
Kể từ đó đến nay, một chương trình hành động của chính phủ đã được ban hành và nhiều nỗ lực cụ thể không chỉ của chính phủ đã được thực hiện. Giới chuyên gia cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc làm nóng lên các cuộc tranh luận về chủ đề này.
Mục "Gặp gỡ & Đối thoại" của Tuanvietnam tuần này xin được giới thiệu cuộc trao đổi giữa phóng viên Huỳnh Phan và Giáo sư Peter Timmer, thành viên không thường trực của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Develoment - CGD), người hiện đang giữ ghế danh dự Giáo sư Thomas D. Cabot về nghiên cứu phát triển tại Đại học Harvard, trong hai dịp ông sang dự hội thảo ở Việt Nam vào đầu và cuối năm 2011.
GS. Timmer là chuyên gia hàng đầu thế giới về kinh tế nông nghiệp và kinh tế phát triển với số lượng lớn đóng góp nghiên cứu khoa học và uy tín quốc tế thông qua các hoạt động cố vấn chính sách phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực và mô hình phát triển kinh tế nông thôn cho chính phủ các quốc gia Đông Á, trong đó có Indonesia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam.
Trong lần tới thăm Việt Nam vào năm 2008, thời điểm thế giới đối diện với khủng hoảng lương thực, thị trường gạo Việt Nam đang có nhiều biến động, GS Timmer đã nhận định giá gạo tuy đang tăng cao, nhưng sẽ nhanh chóng đảo chiều. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã thực hiện các điều chỉnh chính sách, tuy hơi muộn...
Phóng viên Huỳnh Phan: Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu giá lương thực tăng có thể đẩy nhanh lạm phát hay không?
Giáo sư Peter Timmer: Tôi xin trả lời là không.
Tôi nghĩ ngành sản xuất lúa gạo ở Việt Nam luôn có mối liên quan chặt chẽ với những gì diễn ra trên toàn cầu. Tất nhiên, Việt Nam có khoảng 10-15% dân sô thực sự rất nghèo, và giá lương thực tăng sẽ làm cho cuộc sống của họ đã khó lại càng khó hơn.
Nhưng bạn không thể giải quyết câu chuyện giảm nghèo bằng cách kìm giữ giá lúa gạo ở mức thấp, bởi vì vẫn có một tỷ lệ lớn hơn những người nông dân làm ăn rất giỏi và được hưởng lợi do giá gạo trên thế giới tăng lên. Đất nước cũng được lợi khi có thêm ngoại tệ.
Nói một cách ngắn gọn, chính phủ nên nghĩ cách khác hợp lý hơn để giải quyết vấn đề đói nghèo.
Giáo sư có gợi ý gì không?
Về ngắn hạn, nên dùng một phần giá trị gia tăng, do yếu tố tăng giá, từ xuất khẩu gạo để giúp cho những người dân nghèo, để họ không bị đói và con cái họ vẫn có thể đến trường, vẫn được chữa bệnh khi ốm đau.
Còn về lâu dài, phải tìm cách tạo việc làm. Đây là yếu tố cơ bản để chuyển bớt lao động nông nghiệp sang những khu vực ngành nghề khác, và diện tích thực tế mà mỗi người nông dân có để canh tác lớn hơn. Bởi như vậy mới áp dụng được những kỹ thuật mới một cách hiệu quả, cũng như giảm chi phí sản xuất.
Ý ông nói là Việt Nam nên tách riêng câu chuyện xuất khẩu gạo và việc đảm bảo đời sống tối thiểu cho người nghèo do giá cả tăng lên theo giá lúa gạo? Tức là không nên nhân danh người nghèo để hạn chế nguồn lợi chính đáng của những người lao động khác?
Đúng vậy. Xuất khẩu là kinh doanh, còn giảm nghèo là câu chuyện kết hợp của công ích trong ngắn hạn, và tạo công ăn việc làm trong trung và dài hạn.
Vào tháng 5.2008, chúng tôi cố gắng ngăn chặn đà tăng giá gạo, và tôi nói rằng Việt Nam cũng là một phần của giải pháp này. Thế nhưng giới chức Việt Nam đã không thay đổi chiến lược xuất khẩu gạo của mình kịp thời. Gặp tôi hồi đầu năm 2011, Bộ trưởng Cao Đức Phát có bảo đảm với tôi rằng ông sẽ không lặp lại sai lầm đó nữa.
Xin Giáo sư, theo những nguồn thông tin riêng và góc nhìn của mình, cho biết liệu chính sách tạm dừng xuất khẩu gạo vào thời điểm đó có hoàn toàn vì mục tiêu kiềm chế lạm phát, như không ít chuyên gia kinh tế ở Việt Nam vẫn nghĩ, không?
Hay như đánh giá của một chuyên gia về nông nghiệp, đề nghị không nêu tên, chính những nhà xuất khẩu gạo cũng tác động vào chính sách này theo hướng có lợi cho họ. Chả là cuối năm 2007, họ đã lỡ ký trước những hợp đồng xuất khẩu gạo với giá thấp, và vì vậy họ sẽ lỗ nặng khi phải thu mua lúa gạo của nông dân với giá cao.
Bộ trưởng Cao Đức Phát có giải thích với tôi rằng trước đó miền Bắc chịu một đợt rét khủng khiếp và kéo dài, phải gieo cấy lại, và ông sợ rằng vụ lúa Đông Xuân sẽ thất thu, sẽ có nạn đói, nếu Việt Nam duy trì xuất khẩu gạo.
Mặc dù, cuối cùng, ông bộ trưởng cũng đã nhận thấy rằng bản báo cáo mang tính dự báo đã thổi phồng lên các nguy cơ. Giờ thì ông ta đã hiểu rằng đợt rét diễn ra ở miền Bắc, chứ không phải ở miền Nam - "vựa lúa" chính của Việt Nam. Hơn nữa, sau đợt rét lúa kéo dài, lúa cấy lại vẫn phát triển tốt, và vụ còn lại (vụ hè thu) hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì. Thế nhưng, quyết định đã được đưa ra dựa trên sự thổi phồng đó.
Tất nhiên, mục tiêu kiềm chế lạm phát, theo tôi hiểu, cũng là một lý do khác liên quan đến điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ Việt Nam. Còn cái giả định rằng các nhà xuất khẩu gạo đã tác động đến chính sách thì tôi không biết cụ thể, nên xin miễn bình luận. Mặc dù, với những hiểu biết về Việt Nam hơn hai thập kỷ qua, tôi hoàn toàn có thể tin vào điều đó.
Ở Việt Nam có ý kiến cho rằng giá lúa gạo luôn được giữ ở mức đủ thấp, ngoài câu chuyện kiềm chế lạm phát, để giúp duy trì lợi thế nhân công giá rẻ khi thu hút đầu tư nước ngoài để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Liệu Giáo sư có thể hình dung chuyện gì sẽ xảy ra với đội ngũ nhân công giá rẻ này, nếu giá lương thực tăng cao, không?
Anh còn phải hỏi tôi nữa. Quá đúng! Và điều đó đã giúp Việt Nam có thể thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa theo hướng thâm dụng lao động giá rẻ.
Tôi nghĩ, công bằng mà nói, Việt Nam cũng có những thành công nhất định. Nhưng, rõ ràng với định hướng công nghiệp hóa mới, trong đó sẽ giảm dần tỷ lệ tận khai tài nguyên thiên nhiên và sức lao động giá rẻ, theo Giáo sư, liệu Việt nam có nên định hướng lại nền sản xuất nông nghiệp của mình không?
Tôi không nghĩ là Việt Nam còn có sự lựa chọn trong việc tiếp tục một chiến lược duy trì lương thực ở giá rẻ, bởi lương thực trên thị trường thế giới đã không còn rẻ nữa rồi. Hơn nữa, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, và việc ngưng xuất khẩu gạo như hồi đầu năm 2008, để kiềm chế lạm phát trong nước, là một ý tưởng tồi. Thế giới nhìn Việt Nam bằng con mắt thiếu thiện chí, nông dân không được hưởng lợi mấy từ thành quả của họ, còn gạo thì bị tồn kho với số lượng lớn.
Như vậy, vấn đề ở đây đã không còn chỉ liên quan tới chính sách phát triển nông nghiệp nữa, mà phụ thuộc vào chiến lược phát triển mới của Việt Nam.
Vậy, theo quan điểm của Giáo sư, điều cốt lõi cần phải nhấn mạnh trong chiến lược phát triển mới của Việt Nam là gì?
Trước hết, tôi muốn điểm lại cách mà xưa nay Việt Nam vẫn làm trong chiến lược công nghiệp hóa. Đó là rút lao động ra khỏi nông thôn, chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp. Họ muốn dùng công nghiệp hóa để giải quyết vấn đề nông thôn, nông dân, chứ không phải dùng nông nghiệp để giải quyết bài toán này.
Khi công nghiệp hóa và đô thị hóa, người ta cho rằng sự đền bù đất nông nghiệp bị thu hồi cao gấp bội như vậy là có lợi cho người nông dân lắm rồi. Chả phải làm gì cả tự nhiên có một món tiền lớn. Bài toán tính đơn giản quá, bởi "tiếp theo những người nông dân mất đất sẽ làm gì để kiếm sống, sau khi tiêu hết tiền?"
Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, mà tại sao lại không sử dụng thế mạnh đó để làm ra những gì mà thế giới đang khát khao. Bởi có những nước có tiền, nhưng không có được lương thực, nông sản...
Chẳng hạn, ở Mỹ thu nhập của người nông dân thấp hơn nhiều so với luật sư, mà Mỹ vẫn phải hỗ trợ nông dân để duy trì được nền nông nghiệp hùng mạnh như thế. Mặc dù nông nghiệp không phải là ngành mang lại nhiều tiền cho nước Mỹ, nhưng trình độ, chất lượng của ngành nông nghiệp Mỹ lại rất cao. Tại sao vậy?
Tại vì đó là cách để đảm bảo một sự cân bằng nhất định trong quan hệ của Mỹ với các nước khác. Nước Mỹ cần phải làm chuyện đó, để khỏi phụ thuộc vào nước ngoài.
Nhiều nước cũng muốn làm như vậy, nhưng điều kiện tự nhiên không ưu đãi. Vậy tại sao Việt Nam lại từ bỏ cái sở trường của mình và chạy theo cái sở đoản, và luôn phải chấp nhận vị trí kẻ lẹt đẹt ở đằng sau?
Thế là Việt Nam phải từ bỏ "giấc mộng vàng" công nghiệp hóa hay sao?
Đừng cực đoan như vậy. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng không nên công nghiệp hóa kiểu phong trào và bằng bất cứ giá nào, công nghiệp hóa kiểu thâm dụng lao động, và nguy hiểm hơn nữa, coi đó là giải pháp cho việc giải quyết gốc rễ vấn đề nông thôn và nông dân.
Việt Nam vẫn nên coi nông nghiệp là nền tảng, để trên cái nền đó phát triển công nghiệp chế biến và các dịch vụ liên quan để gia tăng giá trị cho nông sản, như khai thác tính cộng đồng, hay phát triển dịch vụ du lịch.
Chỉ có phát triển nông nghiệp bền vững mới thực sự giúp nông dân thoát đói nghèo. Chứ còn làm nông nghiệp theo kiểu tàn phá môi trường, hay thâm canh, trước sau sẽ kéo nông dân quay lại với đói nghèo.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng thâm canh quá mức tạo ra những khí thải tác động đến môi trường, và thực sự nông nghiệp Việt Nam đang có một bước lùi khi sau một vụ canh tác lại cần tới 1,5 vụ để tái tạo lại đất như trạng thái ban đầu.
Giáo sư nghiên cứu khá kỹ về nền nông nghiệp Việt Nam, nhất là lịch sử nông nghiệp, từ hơn hai thập kỷ qua. Vậy Giáo sư có thể nêu nguyên nhân tại sao ở Việt Nam, cho tới nay, người ta ít quan tâm đến nông nghiệp?
Ở Việt Nam xưa nay nông nghiệp luôn bị coi là một ngành có giá trị lợi nhuận thấp, mà rủi ro cao. Vì thế, chả ai muốn đầu tư cho nông nghiệp cả.
Còn bản thân người nông dân, lẽ ra là nhân vật trung tâm trong nông nghiệp, lại không đủ năng lực cần thiết. Trong chuyến khảo sát ngắn ở Tây Nguyên, trước khi diễn ra hội thảo về cà phê (3.2011), tôi thấy nông dân còn nghèo lắm.
Tôi sẽ cố gắng đưa các chương trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Viện Khoa học Công - Nông nghiệp Tây nguyên, hay Đại học Tây nguyên, đến với nông dân Tây Nguyên. Bởi nếu không được đào tạo để nhận chuyển giao công nghệ, người nông dân sẽ đứng bên lề quá trình chuyển đổi trong nông nghiệp.
Theo tôi một thách thức rất lớn của Việt Nam khi chuyển đổi sang nền nông nghiệp kỹ thuật cao là vấn đề tích tụ ruộng đất. Ở Mỹ một trang trại rộng bốn, năm trăm héc ta nên rất dễ áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, như phun thuốc, haygieo hạt bằng máy bay. Ở Việt Nam nếu mỗi hộ nông dân có được 5 héc ta đất chắc cũng là chuyện cực kỳ khó khăn, bởi theo tôi biết mỗi hộ bây giờ chỉ được giao 1/5, hay thậm chí 1/10 diện tích đó.
(Còn tiếp...)

Trọng tâm nông nghiệp là nông dân, không phải nền hành chính

"Thứ nhất, nông dân Việt Nam cần được hưởng phần thưởng từ việc tăng chất lượng của nông sản, như người trồng lúa ở Thái Lan đang được hưởng, hay người trồng cà phê ở Kenia được hưởng, tức là thu nhập của họ phải tăng gấp đôi mà không nhất thiết phải tăng năng suất nông nghiệp. Thứ hai, phần còn lại của nền kinh tế phải tham gia vào quá trình chuyển đổi nông nghiệp, để trả lại món nợ mà họ đã “vay” của nông nghiệp trong hai thập kỷ qua." - GS Timmer. 



Cách đây 20 năm, khi từ vị trí một nước nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu lương thực, Việt Nam được ví như cô thôn nữ đến tuổi dậy thì, đang ốm nhom trở nên phổng phao, xinh đẹp. Các chàng trai trên tỉnh đều ngắm nhìn cô đầy ngưỡng mộ, và cô thôn nữ rất hãnh diện vì sắc đẹp của mình một cách hồn nhiên.

Có điều, trong 20 năm qua cô thôn nữ đã trở thành thiếu phụ đó vẫn chỉ có niềm tự hào duy nhất về cái vẻ đẹp hồn nhiên của cái tuổi 17 đó, thay vì nghĩ rằng người thiếu phụ ở tuổi đó hấp dẫn đàn ông nhiều hơn ở sự đằm thắm và hiểu biết.
Trong nông nghiệp, "sự đằm thắm và hiểu biết" đó chính là "hàm lượng kỹ thuật cao, bao gồm cả chế biến, để tạo ra giá trị gia tăng cao".
Phóng viên Huỳnh Phan: Giáo sư đánh giá thế nào về nền nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là quá trình hoạch định chính sách nông nghiệp?
GS Timmer: Các bạn có một bộ trưởng nông nghiệp có học hành bài bản, người đã làm việc cùng tôi trong hai năm ở Harvard. Các bạn có một người đứng đầu cơ quan tham mưu chính sách (Tiến sĩ Đặng Kim Sơn- NV) mà tôi đánh giá là một trong những bộ óc tốt nhất về chiến lược nông nghiệp và phát triển nói chung ở toàn khu vực Đông Nam Á. Mỗi khi đến đây, tôi đều có thể trao đổi và tranh luận trực tiếp và thẳng thắn với họi, và thu nhận được điều gì đó bổ ích từ họ.
Thế còn nền nông nghiệp của Việt Nam, trong sự so sánh với nước có nền kinh tế xuất phát từ nông nghiệp khác?
Chúng ta có thể so sánh với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, và miền Nam Trung Hoa, để thấy rõ Việt Nam thế nào. Có hai câu trả lời, tuỳ theo góc nhìn dài hạn, hay ngắn hạn.
Xét về dài hạn, nhất là kể từ hai thập kỷ trở lại đây, Việt Nam có một thành công đáng khâm phục, khi từ một nước bị đói và phải nhập lương thực, trở thành một nước đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, hay cà phê. Nói tóm lại, Việt Nam đã có một hệ thống sản xuất nông sản hàng hoá tốt.
Còn về ngắn hạn, vào thời điểm hiện nay, nền nông nghiệp Việt Nam rất dễ bị tổn thương. Chúng ta đang nói về nạn khô hạn, khi mực nước của sông Mekong xuống tới mức thấp nhất trong vòng 85 năm trở lại đây. Vấn đề nhiễm mặn trở nên kinh khủng hơn bao giờ hết, khiến sản lượng lương thực bị ảnh hưởng đáng kể. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với hạn hán và lũ lụt là những thách thức cực kỳ nghiêm trọng.
Thế nhưng, trong cái rủi có cái may. Thị trường nông sản thế giới lại đi theo chiều hướng thuận lợi cho các nhà xuất khẩu gạo, cà phê, ca cao... Tức là Việt Nam có những cơ hội tốt để thay đổi. Nói cách khác, đây là thời điểm hết sức thuận lợi để Việt Nam chuyển sang một nền nông nghiệp năng suất cao hơn và hiệu quả hơn.
Và đây cũng chính là lúc mà chính phủ Việt Nam phải thể hiện được những sáng kiến của mình. Rất cần có những sáng kiến ở cấp chính phủ để tăng năng suất và tính hiệu quả của những mặt hàng nông sản mà tôi đã kể trên, nhất là liên qua tới thị trường.
Xin Giáo sư nói rõ hơn.
Theo tôi nhà nước cần giảm bớt sự can thiệp vào thị trường, và "bật đèn xanh" cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia hình thành hệ thống cung ứng nối tới tận người nông dân. Tức là đảm bảo làm sao nông sản đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, và phần lợi tức tăng thêm từ việc tăng chất lượng phải quay trở về túi người nông dân.
Việt Nam hiện đang đứng ở nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu và điều. Giáo sư có nhận xét gì về cuộc sống của một bộ phận lớn dân số đóng vai trò chính trong việc khiến Việt Nam "nở mày nở mặt" với thế giới?
Đó chính là câu hỏi quan trọng nhất trong câu chuyện này. Việt Nam hiện giờ có vị thế của một nước xuất khẩu hàng nông sản giá rẻ. Điều đó có nghĩa là làm nông nghiệp vẫn cứ nghèo thôi, bởi người nông dân phải cạnh tranh trong một phân khúc thấp nhất của thị trường thế giới.
Tất nhiên, so với 10 năm hay 20 năm trước đây, cuộc sống của họ có khá hơn. Chẳng hạn chuyện học hành của con cái họ khá hơn hẳn so với lần đầu tiên tôi đặt chân lên mảnh đất này cách đây 22 năm. Đi về nông thôn bạn không còn thấy nạn đói nữa.
Thế nhưng, nông dân vẫn nghèo, theo cả nghĩa tuyệt đối và tương đối, tức là so sánh với các tầng lớp khác trong xã hội. Vì thế, cơ hội của họ rất hạn chế.
Giáo sư có gợi ý gì về giải pháp giảm nghèo không?
Có hai việc cần làm.
Thứ nhất, nông dân Việt Nam cần được hưởng phần thưởng từ việc tăng chất lượng của nông sản, như người trồng lúa ở Thái Lan đang được hưởng, hay người trồng cà phê ở Kenia được hưởng. Tức là người nông dân phải được hưởng tỷ lệ lớn hơn trong phần chi trả của người tiêu dùng. Nói một cách cụ thể, thu nhập của người nông dân phải tăng gấp đôi mà không nhất thiết phải tăng năng suất nông nghiệp.
Điều thứ hai khó hơn, nhất là với những người ra quyết sách nông nghiệp. Đó là tạo việc làm ở đô thị cho những nông dân hoặc nghèo, hoặc được chia quá ít đất canh tác. Đó là sự chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp và cách mà nhiều nước đã trở nên phồn vinh. Phần còn lại của nền kinh tế phải tham gia vào quá trình này, để trả lại món nợ mà họ đã "vay" của nông nghiệp trong hai thập kỷ qua.
Ông có nghĩ rằng để giúp cho người nông dân nhận được phần hơn trong chuỗi giá trị, một công ty tư nhân có thể làm được, khi mà đối với doanh nghiệp ưu tiên cao nhất là lợi nhuận? Nhiều người, nhất là nông dân, có thể nghi ngờ ý nghĩa tốt đẹp của câu chuyện này?
Trước hết, phải đặt câu hỏi theo cách khác: Nếu không phải khu vực tư nhân, vậy là khu vực nào? Nhà nước chăng?
Không. Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ trong việc đào tạo, cung cấp tri thức cho nông dân, giới thiệu những kỹ thuật mới, hay cải thiện hạ tầng nông thôn thôi.
Những việc còn lại, nhất là tạo sự kết nối trực tiếp với nông dân để hiện đại hoá nông nghiệp và giảm chi phí trung gian, thì lịch sử nông nghiệp thế giới đã chứng kiến nhiều ví dụ tốt về vai trò của các doanh nghiệp tư nhân.
Theo những gì tôi nghiên cứu, nhà nước, hay khu vực công, không biết cách thúc đẩy thị trường, thực hiện sản xuất nông sản, hay thậm chí tạo công ăn việc làm cho nông dân. Còn doanh nghiệp tư nhân biết làm cái công việc kết nối nông dân với người tiêu dùng, bởi họ biết người tiêu dùng cần gì, để hướng người nông dân đáp ứng điều đó và nhận phần chia xứng đáng.
Tức là để kiếm thêm tiền từ người tiêu dùng, doanh nghiệp tư nhân biết họ và những người nông dân cần làm gì để cùng hưởng lợi chính đáng. Đó là con đường hai chiều mà doanh nghiệp tư nhân có thể tạo ra.
Trên thế giới, tuỳ theo lịch sử, văn hoá, hay thể chế chính trị, mà sự tham gia của nhà nước, hay tư nhân, có vai trò quan trọng hơn hay kém. Mức độ tách bạch của sự phân công cũng khác nhau. Ở Việt Nam, dường như vai trò của khu vực công, hay sự can thiệp của nhà nước, là quá nặng nề, nhất là trong tiếp thị và xuất khẩu.
Ví dụ?
Gạo thì khỏi nói luôn, bởi chúng ta đã chứng kiến màn trình diễn không mấy ấn tượng của các tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực này. Còn trong lĩnh vực cà phê, Vinacafe là một tay chơi lớn trên thị trường xuất khẩu cà phê. Nhưng trên thực tế, thị trường cà phê thế giới lại cần những thương hiệu riêng nổi bật.
Việt Nam cần phải chuyển đổi từ vị trí mà lịch sử đã xác lập cho quốc gia này để chuyển sang một vị thế hiệu quả hơn, năng động hơn. Và điều quan trọng nhất là chuyển sang một nền nông nghiệp lấy người nông dân, chứ không phải nền hành chính nhà nước, là trọng tâm. Thực lòng mà nói tôi chả mấy tin rằng nền hành chính của nhà nước có thể bảo vệ lợi ích của người nông dân.
Nước Mỹ có một nền nông nghiệp thuộc vị trí hàng đầu trên thế giới. Chính phủ Mỹ có vai trò gì trong chuyện này?
Để trả lời câu hỏi của anh, tôi xin kể một câu chuyện. Tôi lớn lên trong một nông trại, và hai người em của tôi là những nông dân thực thụ, hệt như những người nông dân Việt Nam mà anh đã gặp. Có lẽ, điều khác biệt lớn nhất là họ đều tốt nghiệp đại học về chuyên ngành nông nghiệp của những đại học danh tiếng.
Phòng Nông nhiệp của cái huyện nơi họ sống, cánh tay nối dài của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, về lý thuyết, có vai trò hỗ trợ những nông dân như họ bằng những kỹ thuật mới, và kiến thức thị trường. Thế nhưng, nếu cứ răm rắp nghe theo toàn bộ những gì mà Phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn, có lẽ hai người em của tôi đã chết từ lâu rồi.
Giáo sư không đùa đấy chứ?
Thật mà. Bởi kiến thức của mấy ông khuyến nông nhà nước này chỉ bằng một phần mười so với những hiểu biết và kinh nghiệm của mấy người em tôi. Vậy vai trò của phòng nông nghiệp là gì? Tôi có thể nhận xét bằng hai chữ "tiêu cực".
Như tôi đã nói ở trên, nhà nước chỉ có hai việc để làm thôi. Đó là phát triển hạ tầng nông thôn, và tạo ra những trường đại học có thể cung cấp những kiến thức hiện đại nhất về công nghệ nông nghiệp.
(Còn tiếp...)

Doanh nghiệp cạnh tranh - nông dân hưởng lợi

"Có thể ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ không mấy vui khi nghe tôi nói điều này, nhưng tôi tin chắc rằng mọi thứ tốt đẹp chỉ được thực hiện trong một môi trường cạnh tranh. Đặc biệt, những người với tính cách như ông Vũ lại càng cần có những đối thủ cạnh tranh, bởi chính điều đó mới kích thích khả năng sáng tạo của ông ta." - GS Timmer.


Theo báo Công an HCM, ngày 17-3-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với Công ty cà phê Trung Nguyên về dự án "Mô hình cụm ngành cà phê quốc gia & Mô hình nông thôn mới tích hợp liên hoàn" tại nhà máy cà phê Trung Nguyên, tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, mô hình cụm ngành cà phê quốc gia là mô hình chiến lược tổng thể cho toàn ngành cà phê Việt Nam, nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu của cà phê đạt 20 tỷ USD, gấp 10 lần giá trị hiện nay (2,4 tỷ USD năm 2011), đồng thời, tạo ra 5 - 6 triệu việc làm thông qua mô hình nông - công nghiệp cà phê, triển khai tại Đắk Lắk.
Những người xây dựng đề án này cũng kỳ vọng rằng đây cũng sẽ là mô hình nông - công nghiệp mẫu có thể nhân rộng, lắp ghép phù hợp với các mô hình phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Chắc chắn, khi được công khai hoá, đề án đầy tham vọng này sẽ nhận được đầy đủ các ý kiến khen chê, nhất là liên quan đến tính khả thi của nó. Và chặng đường phía trước của Tập đoàn Trung Nguyên và ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ không phải là được trải toàn hoa hồng, mà lẫn với đầy gai của nó.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều rằng đề án này xuất phát từ một tầm nhìn rộng và xa, một ý tưởng không hề điên rồ, và được xây dựng hết sức nghiêm túc, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó có GS Timmer  (ĐH Harvard)- thông qua cả sự chia sẻ, và phản biện của ông.
Phóng viên Huỳnh Phan: Lần đầu tiên Giáo sư gặp ông Đặng Lê Nguyên Vũ là khi nào?
GS Timmer: Tháng 11.2010, khi tôi tới Hà Nội dự một hội thảo quốc tế về lúa gạo. Ông Vũ muốn gặp tôi, và chúng tôi gặp nhau ở Hilton, cùng với 4-5 người khác nữa.
Ấn tượng đầu tiên của Giáo sư về đề án mà ông Vũ theo đuổi?
Theo cảm nhận của tôi qua buổi nói chuyện đó, ông ta là người có viễn kiến rõ ràng, đặc biệt là về văn hoá cà phê toàn cầu. Ông ta muốn xây dựng một tinh thần cà phê trong một chu trình khép kín, từ người trồng cà phê đến người tiêu thụ cà phê.
Tôi là một nhà kinh tế học lớn lên từ một nông trại, nên tôi có cách nhìn thực tiễn. Và điều khiến tôi ngạc nhiên nhất chính là việc ông ta đã không mất nhiều thời gian để làm cho tôi hiểu viễn kiến của ông ta.
Cần nhớ rằng tôi là người có tư duy phản biện rất mạnh, còn ông ta lại rất tự tin. Vì thế, chúng tôi đã cảm thấy rất thích thú khi trao đổi với nhau.
Cuộc nói chuyện kéo dài bao lâu?
Khoảng 2 tiếng, tất nhiên phải thông qua phiên dịch. Mặc dù, trước đó, chúng tôi chỉ định gặp nhau khoảng 30 phút. Tôi không có nhiều thời gian ở Hà Nội.
Giáo sư có tự hỏi là tại sao ông Vũ lại chọn ông để nói điều đó không?
Có chứ. Nhưng tôi không mất thời gian đoán già đoán non, mà đã chọn cách hỏi thẳng ông ta.
Và câu trả lời?
Ông ta đã giải thích rằng ông ta tìm đến tôi bởi vì tôi hiểu rõ vai trò của nông nghiệp trong sự phát triển của kinh tế nói chung. Chuyên môn của tôi là nghiên cứu lịch sử kinh tế qua nhiều thế kỷ, và là một chuyên gia về lúa gạo.
Giáo sư có nhận xét gì về mô hình phát triển cà phê của ông Vũ?
Tôi có thể hình dung thấy hình mẫu phát triển cà phê trong đầu ông ta là người nông dân thành công, nghề trồng cà phê bền vững, và tất cả những thứ đó sẽ khuyến khích kinh tế nông thôn, và nền kinh tế thế giới nói chung, phát triển. Và tôi đã giải thích cho ông ta, theo tư duy của tôi, làm sao để điều đó có thể thực hiện được.
Tôi nghĩ ông ta hiểu điều đó với tầm nhìn của ông ta, nhưng chưa có ý niệm rõ ràng về việc liên kết tầm nhìn về phát triển cà phê bền vững với chiến lược phát triển của Việt Nam nói chung. Nhấn mạnh mối liên kết đó là điều tôi đã làm được trong cuộc trao đổi hôm đó.
Liệu sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân sẽ làm xua tan mối hoài nghi rằng trong mô hình này chính doanh nghiệp, chứ không phải người nông dân, được hưởng lợi nhiều hơn?
Đúng vậy, miễn là các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau, chứ không phải "bắt tay" với nhau, trong quan hệ với người nông dân. Bởi trong trường hợp thứ hai, người nông dân sẽ thiệt thòi. Bởi mọi sự độc quyền đều dẫn tới sự thiệt thòi cho cả nông dân lẫn người tiêu dùng.
Có thể ông Vũ sẽ không mấy vui khi nghe tôi nói điều này, nhưng tôi tin chắc rằng mọi thứ tốt đẹp chỉ được thực hiện trong một môi trường cạnh tranh. Đặc biệt, những người với tính cách như ông Vũ lại càng cần có những đối thủ cạnh tranh, bởi chính điều đó mới kích thích khả năng sáng tạo của ông ta.
Ý Giáo sư  là không phải là cà phê kích thích sáng tạo, như ông Vũ nói, mà là cạnh tranh, tất nhiên là cạnh tranh lành mạnh, mới thực sự kích thích sáng tạo?
(Cười) Đó cũng là một điểm mà tôi không chia sẻ với ông Vũ. Theo tôi, chính sáng tạo đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ cà phê lớn hơn, chứ không phải cà phê kích thích sáng tạo.
Chúng tôi đã tranh luận về một mô hình ở Malaysia, khi xưởng chế biến dầu cọ nằm trong một đồn điền với tư cách trung tâm, còn các nông dân xung quanh nhận trợ giúp kỹ thuật, hay phân bón từ trung tâm này và bán sản phẩm cho họ. Nhưng họ là những nông dân độc lập.
Liệu mô hình này có thể áp dụng cho cà phê ở Đắk Lắc hay không? Ông Vũ có một đồn điền rộng vài trăm héc ta, nơi ông định xây dựng thánh địa cà phê. Xung quanh đó là các nông trại cà phê nhỏ, rộng chỉ 1 hoặc 2 héc ta của nông dân. Vậy mối quan hệ giữa đồn điền của ông Vũ, nơi sẽ có nhà máy chế biến cà phê, và những nông trại cà phê của nông dân như thế nào?
Có 3 cách. Cách thứ nhất, người nông dân có thể bán cà phê cho bất cứ ai, không nhất thiết là cho Trung Nguyên. Đó là cạnh tranh.
Cách thứ hai, họ có thể ký hợp đồng với ông Vũ, với tư cách là nhà chế biến với giá thoả thuận trước. Tức là người nông dân chủ động được đầu ra, còn nhà chế biến chủ động được nguồn cung.
Cách thứ ba, nhà chế biến thuê đất của người nông dân, còn người nông dân trở thành người làm thuê cho nhà chế biến, và lĩnh lương tháng. Họ trở thành những "công nhân" nông nghiệp.
Nếu được mời làm cố vấn cho dự án, Giáo sư sẽ khuyên họ chọn cách nào?
Tôi nghĩ cách thứ hai, về lý thuyết, là đẹp nhất. Tuy nhiên, vẫn có một rắc rối nhiều khi giá thị trường thực tế lại trồi trụt đáng kể so với giá thoả thuận ban đầu. Có lẽ nên có một mức bảo hiểm nào đó trên cơ sở giá sàn.
Theo tôi, trong mọi trường hợp, cần để cho người nông dân được hưởng phần hơn, bởi có vậy họ mới chuyên tâm đầu tư vào chất lượng cà phê, hay áp dụng kỹ thuật mới để nâng cao năng suất. Có như vậy nguồn cung cà phê mới bền vững, và mang lại nguồn lợi về dài hạn cho doanh nghiệp.
Mô hình này liệu có nên áp dụng cả với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài?
Theo tôi, không nên có giới hạn, hay sự phân biệt ở đây. Thế mạnh của nhà chế biến nước ngoài là họ có sự tiếp cận tốt hơn đối với thị trường cà phê cao cấp.
Chẳng hạn, tôi thực sự vui nếu Starbucks có mặt ở Buôn Ma Thuột. Bởi sự có mặt của Starbucks sẽ khiến cà phê Buôn Ma Thuột được "dán mác" trên thị trường toàn cầu - điều mà tôi tin rằng hiện tại không công ty Việt Nam nào có thể làm được, chí ít là trong ngắn hạn và trung hạn.
Thế nhưng, nhược điểm của các nhà chế biến nước ngoài là không hiểu những người trồng cà phê ở đây, và quan hệ với nguồn cung chắc chắn sẽ kém xa các nhà chế biến nội địa. Tôi nghĩ cuộc tranh tranh sẽ rất thú vị, và khiến người nông dân có lợi nhất.
Giáo sư có nghĩ rằng ông Vũ sẽ lại không vui khi nghe điều này?
Tôi không nghĩ vậy. Ông ta mời tôi vào đây là để nghe sự phản biện độc lập của tôi. Hơn nữa, ông ta đủ tự tin để chấp nhận cạnh tranh. Ông ta biết chuẩn bị một đội ngũ chuyên gia để làm việc đó, và chuẩn bị sẵn tầm nhìn cho tương lai, bởi ông ta tin rằng ông ta dự đoán được xu hướng của thị trường cà phê thế giới trong tương lai.
Vì vậy, ông ta sẽ không nghĩ rằng GS Timmer đang chỉ trích mô hình mà Trung Nguyên đang theo đuổi, mà sẽ cho rằng GS Timmer đang chỉ ra cho ông ta trước những thách thức để ông ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận nó.
Với viễn cảnh đó, Giáo sư có nghĩ rằng những công ty nội địa như Trung Nguyên và những công ty nước ngoài như Starbucks vừa là đối thủ cạnh tranh ở đây, lại vừa là những người đồng hành trong việc đưa thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ra thế giới?
Nếu tôi làm việc trong văn phòng của Chủ tịch Trung Nguyên, nhưng xin lỗi là tôi quá bận nên khó có thể chấp nhận lời đề nghị nếu có này của ông Vũ (cười), tôi sẽ đề xuất việc thành lập một liên doanh với Starbucks, hoặc Peet's - một thương hiệu cà phê (quán) nhỏ hơn, nhưng lại rất quan trọng trong phân khúc thị trường cà phê cao cấp.
Tức là sao? Tức là tôi có thể là nguồn cung cấp cà phê Buôn Ma Thuột, được xác nhận về chất lượng đẳng cấp, cho anh, tuỳ số lượng mà anh thấy có thể bán, và chia sẻ lợi nhuận, trong khi phải đảm bảo một cái giá thoả đáng để người trồng cà phê cảm thấy vui vẻ, như một điều khoản của hợp đồng.
Hơn nữa, Starbucks có thể kể câu chuyện Tây Nguyên hay hơn. Họ sẽ nói với người tiêu dùng rằng "chúng tôi biết rõ rằng cà phê Buôn Ma Thuột được trồng với kỹ thuật phù hợp với các tiêu chí phát triển bền vững, và việc các vị tiêu dùng cà phê đã giúp cho con cái những người trồng cà phê ở Đắc Lắc có thể đến trường, hay tiếp cận được với dịch vụ y tế.
Với kiến thức và trải nghiệm của mình, tôi tin chắc rằng người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu thực sự muốn nghe và muốn tin vào điều tốt đẹp đó.
Giáo sư thực sự cho rằng Trung Nguyên, nếu tự làm điều này, sẽ gặp khó khăn bội phần?
Tôi chưa hình dung được rõ ràng việc Trung Nguyên có thể xây dựng được hệ thống quán cà phê ở Mỹ, hay châu Âu, trong cái lộ trình mà ông Vũ đưa ra. Tôi nghĩ sẽ thực tế hơn nếu ông ta tham gia vào hệ thống sẵn có, thay vì giới thiệu với người tiêu dùng Âu -Mỹ hệ thống quán cà phê, thương hiệu Trung Nguyên, cùng với cái triết lý mới của mình (cà phê triết đạo).
Tại sao vậy? Ông ta đã có quán cà phê Trung Nguyên ở London, New York, Los Ageles, hay Lousiana, và có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba số lượng đó. Nhưng nhiều hơn thì khó đấy, bởi ông ta khó có thể thành công khi làm cả hai việc cùng một lúc. Trong khi đó, hệ thống Starbucks có tới 3000 quán.
Vì vậy, khôn ngoan hơn là hãy tham gia vào hệ thống phân phối sẵn có đó để làm đòn bẩy cho việc xây dựng mô hình kinh tế cà phê mới ở Đắk Lắk - mô hình cà phê bền vững. Khi đã thành công bước này rồi, lúc đó hãy tiếp tục làm bước khác.
Giáo sư có nghĩ rằng Starbucks, hay Peet's sẽ sẵn sàng với sự hợp tác này không?
Chắc chắn. Bởi họ luôn mong muốn có một nguồn cung ứng cà phê chất lượng cao, ổn định và với những câu chuyện mới cho người tiêu dùng.
Những câu chuyện mới?
Chẳng hạn, ở San Franscisco nơi tôi sống, có quán cà phê có trương hình người nông dân trồng cà phê từ Costa Rica. Tôi nghĩ người uống cà phê muốn được nhìn thấy một hình ảnh mới - người nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên.
Giáo sư có uống cà phê thường xuyên không?
Không. Người uống cà phê hàng ngày, loại cà phê hảo hạng, là vợ tôi. Chúng tôi mua từ quán Peet's. Tôi vừa mail cho vợ nói rằng cà phê Buôn Ma Thuột rất ngon, và tôi muốn vợ tôi thử nó.
Tôi chỉ uống cà phê khi đi công tác, bởi ở khách sạn tôi tin rằng tôi có thể tìm được loại cà phê hảo hạng tôi muốn, còn trà thì không. Ở nhà, tôi thường uống trà vào bữa sáng, và rượu vang đỏ vào bữa tối.
Xin cám ơn Giáo sư!