Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Bốn đời tổng thống với bình thường hóa bang giao Việt - Mỹ


Bốn đời tổng thống với bình thường hóa bang giao Việt - Mỹ

"Phía Việt Nam đã phạm sai lầm, ít ra là trong năm 1977, khi cố yêu cầu phía Mỹ thực hiện điều 21 của Hiệp định Paris, bởi vì hiệp định này đã bị cả hai phía Việt Nam vi phạm. Vì vậy, không đời nào quốc hội Mỹ chấp nhận chuyện này. Và đòi hỏi của phía Việt Nam, trong nửa nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Jimmy Carter, đã tạo cớ cho những người muốn chống lại bình thường hoá bang giao Mỹ - Việt" - Cựu Đại tá Lục quân Andre Sauvageot.

LTS: Năm 1964, có một đại uý trẻ của Lục quân Mỹ được cử sang Việt Nam với vai trò cố vấn cho một quận trưởng của Chế độ Việt Nam Cộng hoà.
Chín năm sau, khi Hiệp định Paris được ký kết, viên sĩ quan Mỹ này kiên quyết từ chối kéo dài sự phục vụ của mình ở Việt Nam, mặc dù, anh ta vẫn tiếp tục ở lại trong quân đội với một vai trò khác - sĩ quan huấn luyện tại một trung tâm huấn luyện ở Mỹ. Lý do viên sĩ quan này đưa ra là sự "cố đấm ăn xôi" của người Mỹ ở Việt Nam là vô nghĩa, và sự ủng hộ và kỳ vọng của Chính quyền Washington đối với Chế độ Việt Nam Cộng Hoà là không có cơ sở!.
Đó là Andre Sauvageot.
Người sĩ quan trẻ tuổi này sang Việt Nam với hai niềm tin. Thứ nhất là bổn phận của một người lính là phải sẵn sàng ra trận vì Tổ quốc. Thứ hai là ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ra toàn Việt Nam và Đông Nam Á!
Andre trở về Mỹ với một niềm tin bị đánh mất. "Chính quyền Mỹ lúc đó đã nói dối nhân dân Mỹ và những người lính như chúng tôi về nguy cơ bành trướng của những người cộng sản Bắc Việt, hoặc, họ đã lừa dối cả chính mình", Andre nhận định.
Với nhận thức như vậy, Andre đã cố gắng góp sức mình vào việc hàn gắn và phát triển quan hệ giữa hai nước, từ vị trí chuyên viên Bộ Quốc phòng, Ngoại giao..., đến cương vị một nhà kinh doanh. Từ vị trí một phiên dịch xuất sắc cho các cuộc đàm phán quan trọng giữa hai phía về bình thường hoá, đến một chuyên gia phân tích chính trị sắc sảo.
Cựu Thứ trưởng Lê Văn Bàng, người đã khuyên Andre nên nhận lời mời của General Electric làm trưởng đại diện cho họ tại Việt Nam đầu năm 1993, để có cơ hội đóng góp vào việc cải thiện quan hệ giữa hai nước, đã nhận xét:
"Có những lúc, cuộc tranh luận về vấn đề POW/MIA, vào cuối những năm  '80 rất căng thẳng, hai bên không thoả thuận được với nhau. Ông ấy (Andre Sauvageot), mặc dù chỉ là một phiên dịch, đã đứng ra dàn hoà hai bên, và làm cho không khí nó êm ái trở lại để đi đến kết quả. Sau này ông ấy nghiên cứu đường lối chính sách đối ngoại  của Việt Nam và chuyển sang tiếng Anh, để giúp người Mỹ tại Mỹ hiểu rõ hơn lập trường của Việt Nam."
Tuần Việt Nam xin giới thiệu đánh giá về quá trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam qua bốn đời tổng thống Mỹ của ông Andre Sauvageot, với tư cách một nhân chứng, một chuyên gia phân tích và một cử tri.
- Phóng viên Huỳnh Phan: Theo Peter Arnett, cựu phóng viên chiến trường ở Việt Nam và cũng là người theo dõi quá trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ thời hậu chiến, Tổng Thống Jimmy Carter có quan điểm tiến bộ, còn Tổng Thống Ronald Reagan thì lại là người bảo thủ, trong quan hệ với Việt Nam. Theo Peter Arnett, quan điểm của chính quyền Reagan là không muốn có một Việt Nam mạnh. Và chỉ khi Tổng thống George W.H. Bush (cha) lên, chính quyền Mỹ mới nhận thức rằng ủng hộ cho Pol Pot là khuyến khích cho một tội ác dã man.
Là người tham gia gần như từ đầu vào tiến trình bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt, ông có chia sẻ nhận định này của nhà báo Peter Arnett hay không?
- Cựu Đại tá lục quân Andre Sauvageot: Tôi đồng ý với nhận định đó, nhưng chỉ một nửa thôi, với cả ba người. Tôi bỏ phiếu cho Jimmy Carter một lần, Ronald Reagan 2 lần, và George Bush một lần.
Vậy chúng ta hãy bắt đầu từ Tổng thống Jimmy Carter. Tại sao ông bỏ phiếu cho ông ta?
Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, tôi quyết định không bỏ phiếu cho ứng cử viên của Đảng Cộng hoà của Richard Nixon nữa. Và tôi chọn Jimmy Carter vì tôi nghĩ ông thông minh, nhân đạo.
Tôi biết một số người trong Nhóm tư vấn của Tổng thống Carter trong thời gian chuyển giao quyền lực. Ngay khi Carter trúng cử tôi đã viết một báo cáo nêu lý do tại sao cần thiết lập bang giao với Việt Nam, nhằm giúp họ về lập luận để thuyết phục ông Carter. Họ thích, và phản ứng của Carter lúc đầu cũng tích cực.
Và phía Việt Nam cũng đã phạm sai lầm, trong năm 1977, và bỏ lỡ cơ hội bình thường hoá.
Ông nói tới lập trường kiên quyết của phía Việt Nam buộc Mỹ phải thực hiện điều 21 của Hiệp định Paris?
Đúng. Bởi hiệp định này đã bị cả hai Việt Nam Cộng hoà và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vi phạm. Mặc dù Việt Nam Cộng hoà vi phạm trước, và vi phạm nhiều lần, nhưng vi phạm của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là vi phạm lớn hơn và đã thành công. Đầu năm 1974, tôi đã cùng một Thiếu tướng của Cơ quan Tình báo Quân đội Mỹ sang Việt Nam điều tra chuyện này, và tôi có thể khẳng định nhận định nói trên.
Vì vậy, không đời nào quốc hội Mỹ chấp nhận chuyện thi hành nghĩa vụ tài chính này. Và đòi hỏi của phía Việt Nam, trong nửa nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Carter, đã tạo cớ cho những người muốn chống lại bình thường hoá bang giao. Tôi đã nói rõ điều này với phía Việt Nam, kể cả một số người của Bộ Ngoại giao Việt Nam lẫn người dân mà tôi gặp, khi qua Hà Nội đầu năm 1982.
Và đến cuối năm 1978, khi Việt Nam từ bỏ yêu cầu này từ phía Mỹ, quan điểm của Tổng thống Carter đã quay ngược 180 độ.
Cựu Đại tá lục quân Andre Sauvageot (ngoài cùng bên phải) và Thứ trưởng ngoại giao Lê Văn Bàng.
Lý do chính, theo ông, vì sao?
Tôi theo dõi kỹ và thấy rằng quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia dưới thời Khmer Đỏ, được sự ủng hộ của Trung Quốc, ngày càng căng thẳng. Việt Nam cho đến thời gian đó đã kiên trì với nỗ lực chính trị và ngoại giao với Mao Trạch Đông, rồi Đặng Tiểu Bình, nhưng bất thành.
Và đỉnh điểm là đến cuối năm 1978, Khmer Đỏ cho quân vượt qua biên giới Việt Nam, giết hàng trăm dân thường vô tội.
Rồi sau khi Việt Nam đưa quân vào giải phóng Phnompenh vào 7.1.1979, Đặng Tiểu Bình đã bay sang Washington DC, họp với Cố vấn An ninh Brzezinski, để lấy sự ủng hộ của chính quyền Carter cho cuộc xâm lăng Việt Nam một tháng sau đó. Đặng Tiểu Bình đã nói:" Trung Quốc không phải là một con hổ giấy. Trung Quốc sẽ dạy cho Việt Nam một bài học, vì đã xâm lăng Campuchia."
Tôi còn nhớ rất rõ, sau khi họp với Đặng Tiểu Bình, Brzezinski đã tuyên bố với những tờ báo lớn của Mỹ như New York Times, hay Washington Post như sau: "China said they will teach Vietnam a lesson. I say it will be an entire curriculum."
Anh thấy đấy, Trung Quốc chỉ nói là một bài học thôi, nhưng Brzezinski lại khẳng định rằng không chỉ như vậy, mà cả một khoá học, với biết bao nhiêu bài học. Tức là thể hiện sự ủng hộ Trung Quốc trừng phạt Việt Nam một cách lâu dài rồi còn gì.
Như vậy, ông cho rằng chính Brzezinski đã tác động khiến Tổng thống Carter thay đổi quan điểm với Việt nam?
Tôi chưa bao giờ được nói chuyện trực tiếp với Carter, nên tôi không dám khẳng định điều đó. Tôi chỉ nêu ra các sự kiện theo trình tự của nó thôi.
Thất vọng thứ hai của tôi, là lúc tôi sang Bộ Ngoại giao năm 1980, làm cố vấn chính trị và quân sự của Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái bình dương Richard Holbrooke, một người bạn cũ của tôi từ thời Chiến tranh Việt Nam. Tôi đã hy vọng sang đó sẽ sát cánh cùng Holbrooke, người đàm phán 3 lần với Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền năm 1977 và Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch vào mùa thu năm 1978 về bình thường hoá bang giao Mỹ - Việt, tiếp tục tiến trình này.
Nhưng ông ấy cũng thay đổi 180 độ luôn. Ông ta lại tích cực vận động để cô lập hoá Việt Nam, nhằm ép Việt Nam rút khỏi Campuchia, và giữ ghế của Pol Pot ở Liên Hiệp Quốc.
Holbrooke có mấy lần mang theo tôi đi phiên dịch cho ông ta, khi gặp Đại sứ Việt Nam tại LHQ Hà Văn Lâu. Và tôi còn nhớ mãi một lần Đại sứ Hà Văn Lâu nói: "Mỹ cấu kết với Trung Quốc chống lại Việt Nam tại Campuchia."
Holbrooke phủ nhận: "Không. Chúng tôi không cấu kết với Trung Quốc, mà chúng tôi có quyền lợi song song với nhau."
Tôi hiểu cho ông bạn cũ và thủ trưởng của tôi, ông Holbrooke, nếu không chấp hành chỉ đạo của cấp trên thì sẽ bị sa thải. Nhưng, với Tổng thống Jimmy Carter thì tôi thất vọng hoàn toàn.
Đó là lý do ông bỏ phiếu cho Ronald Reagan của Đảng Cộng hoà?
Còn thêm một lý do nữa là khi Liên Xô đưa quân vào Afganistan (1979), ông ta (Jimmy Carter) đã rất ngạc nhiên và thốt lên: "Tôi đã có sự cam kết của người lãnh đạo cao nhất của Liên Xô là không làm như vậy." Ngây thơ quá!
Ông thấy trong hai nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Reagan đã làm được gì, theo sự kỳ vọng của ông?
Tổng thống Reagan, với sự cố vấn của những người hiểu biết, rõ ràng tìm ra cách khai thông quan hệ với Việt Nam, theo cái cách mà dư luận và quân đội có thể chấp nhận được. Bởi điều hấp dẫn nhất với người Mỹ lúc đó là kiểm điểm người Mỹ mất tích ở Việt Nam.  Đó là một nhu cầu quốc nội mà không có bất cứ chính trị gia nào chống lại được.
Và nhiệm vụ của Richard Armitage là đạt được sự hợp tác của Việt Nam để kiểm điểm tới mức tối đa người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Tôi được cử làm người phiên dịch cho ông Armitage trong cả 3 chuyến ông sang Việt Nam vào tháng 2.1982, tháng 2.1984 và tháng 1.1986.
Nhưng hay nhất là ông Armitage, ngay từ lần đầu sang Việt Nam tháng 2.1982, đã nghe hết và ghi chép lại những ý kiến của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, hay đại diện phía Việt Nam, khi họ muốn mở rộng vấn đề thảo luận, ra bên ngoài vấn đề MIA - chủ đề duy nhất ông Armitage được phép thảo luận. Thậm chí, ông Armitage sẵn sàng ngồi thêm sau giờ thảo luận chính thức, và trịnh trọng hứa với ông Thạch là sẽ báo cáo với Tổng thống Reagan.
Ông có tin rằng những điều ông Thạch đề xuất sẽ được ông Armitage báo cáo lên Tổng thống Reagan?
Tại sao không? Bởi nếu Tổng thống không quan tâm đến chuyện đó, ắt hẳn lần thứ hai, lần thứ ba, ông Armitage sẽ không chịu khó ngồi nghe ông Thạch mở rộng vấn đề đâu, mà sẽ từ chối luôn.
Đó chính là tiền đề quan trọng để Đại tướng John Vessey - đặc phái viên của Tổng thống Reagan - được phép mở rộng nội dung đàm phán, như tìm kiếm người Việt Nam mất tích, hay triển khai Operation Smile, đưa bác sĩ Mỹ sang mổ cho trẻ em khuyết tật (hở hàm ếch) của Việt Nam. Tất cả những chương trình đó nằm trong Vessey's initiaves (Những sáng kiến của Vessey).
Tôi nghĩ tất cả những nỗ lực khôn khéo này của chính quyền Reagan đã mở đường cho hai nước thêm xích lại gần nhau, mặc dù vẫn chưa thể bình thường hoá được.
Những nỗ lực đó của ông Reagan đã được người kế nhiệm tiếp tục như thế nào?
Thứ nhất, Tổng thống Bush tiếp tục giữ lại Tướng Vessey làm đặc phái viên, nhằm giữ đà quan hệ. Và điều lớn nhất ông làm được trong nhiệm kỳ của mình vào tháng 4.1992, ông đã ký sắc lệnh nới lỏng lệnh cấm vận, bằng cách cho phép công ty Mỹ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, cũng như cho phép tiếp thị và bán dược phẩm, nhu yếu phẩm, nông sản, và thiết bị y tế.
Nhưng điều tôi khiến tôi thất vọng là vào cuối nhiệm kỳ của mình, ông đã không bỏ hoàn toàn cấm vận đối với Việt Nam. Lúc đó, ông không còn chịu sức ép nào nữa, bởi đã thất cử và chỉ làm nốt những ngày cuối cùng ở Nhà Trắng. Tại sao lại không bỏ cấm vận luôn đi?
Ông nghĩ là vì lý do gì?
Tôi nghĩ là lý do cá nhân. Ông ta không muốn tạo thuận lợi cho người đã thắng ông trong cuộc bầu cử trước đó. Hãy để cho Bill Clinton tự xoay xở, chắc ông Bush đã nghĩ vậy.
Nhưng vì sao ông Bush lại không làm việc đó từ tháng 4 đến tháng 11? Hay vì ngại mạo hiểm? Bởi khả năng mất phiếu ủng hộ từ những người chống bỏ cấm vận, như một số tổ chức cựu binh, hay gia đình người Mỹ mất tích, là hoàn toàn có thể.
Tôi không nghĩ ra một giả thuyết khác hay hơn. Và tôi nghĩ, nếu ông tái đắc cử, việc đầu tiên ông Bush làm là sẽ tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam. Chứ không phải chờ một năm nữa như Tổng thống Bill Clinton.
Tại sao?
Ông Bush thuận lợi hơn nhiều, bởi ông là anh hùng của nước Mỹ trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Còn ông Clinton đã bị mang tiếng trong không ít cử tri Mỹ là kẻ nhát gan, không dám sang chiến đấu ở Việt Nam, nên phản đối quân dịch. Đó là luận điệu tuyên truyền của phe ông Bush trong chiến dịch tranh cử năm 1992.
Còn ông đánh giá thế nào về hành động đó của ông Clinton?
Tôi không nghĩ ông Clinton nhát gan, mà ông sáng suốt thì đúng hơn. Bởi tôi chỉ nhận thức rằng đó là một cuộc chiến tranh vô nghĩa với người Mỹ chỉ sau 9 năm phục vụ tại Việt Nam.
Ông Clinton lại có thêm một cái khó nữa là khi ông chuẩn bị bỏ cấm vận thì lại nổi lên vụ tài liệu Nga liên quan tới giả thuyết rằng Việt Nam đã đưa phi công Mỹ bị bắt sang Nga. Tôi còn nhớ khi dịch cho phái đoàn quốc hội do TNS John Kerry dẫn đầu sang Hà Nội xác minh về câu chuyện này, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai đã phản ứng rất mạnh. Ông nói với TNS Kerry: "Đó là một âm mưu phá hoại."
Và, trong hai nhiệm kỳ của mình, ông Clinton đã làm được hai việc rất quan trọng: bình thường hoá quan hệ ngoại giao và thương mại với Việt Nam. Tuy Hiệp định thương mại Mỹ - Việt phải chờ sang tới nhiệm kỳ của ông Bush con mới được Quốc hội phê chuẩn.
(còn tiếp...)