Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Mỹ muốn xem Trung Quốc dùng sức mạnh thế nào


Mỹ muốn xem Trung Quốc dùng sức mạnh thế nào

"Vấn đề ở đây không phải là việc Trung Quốc nổi lên như một cường quốc, mà là Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh của cường quốc như thế nào." - bà Claire A. Pierangelo, Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
LTS: Chiều 1/11, Bà Claire A. Pierangelo, Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã có buổi tọa đàm với VietNamNet về cuộc bầu cử Mỹ năm 2012 đang diễn ra gay cấn, cũng như về con đường phía trước của siêu cường này trong 4 năm tới. Trân trọng gửi tới quý độc giả nội dung buổi tọa đàm.
Nhà báo Huỳnh Phan: Cảm ơn bà đã dành thời gian cho độc giả VietNamNet. Chỉ còn vài ngày nữa, nước Mỹ sẽ đứng trước quyết định về vận mệnh của nước mình trong 4 năm tới, ai sẽ là gương mặt của nước Mỹ trong thời gian này.
Đất nước của người nhập cư
Câu hỏi đầu tiên dành cho bà: Trong bối cảnh hiện nay, với những vấn đề về kinh tế, xã hội, vai trò quốc tế của Mỹ thì người Mỹ hiện quan tâm nhiều nhất đến vấn đề nào? Và trong các cuộc tranh luận vừa qua thì ứng cử viên nào đáp ứng được mong mỏi của người dân nhiều nhất?
Bà Claire A. PierangeloCâu hỏi của anh rất hay, có lẽ tôi sẽ cố gắng trả lời phần nào. Phần còn lại chúng ta sẽ phải đợi đến Thứ Ba.
Tôi nghĩ rằng cử tri của Mỹ chắc cũng không khác cử tri ở những nơi nào khác trên thế giới. Điều mà họ quan tâm nhất, không phải riêng trong cuộc bầu cử này mà trong bất cứ cuộc bầu cử nào, đó là sức mạnh của nền kinh tế, khả năng tìm được những công việc tốt, khả năng nuôi sống gia đình, và giáo dục con cái.
Việc Hoa Kỳ tham gia vào công việc thế giới, họ cũng quan tâm việc nước Mỹ giao tiếp, và tương tác với các nước khác trên thế giới như thế nào. Điều mà họ muốn đó là nước Mỹ phải làm được những điều tốt cho thế giới.
Khi mà nói về điều làm việc tốt thì cả 2 ứng cử viên họ đều nói rằng nước Mỹ cần phải là đối tác tốt đối với các nước và tăng cường mối quan hệ với các nước, để đảm bảo rằng chúng tôi làm việc với các đối tác để tạo ra một thế giới ổn định thịnh vượng, không chỉ cho nước Mỹ mà cho cả thế giới.
Tôi không thể nói thay cho nhân dân Mỹ được. Nhân dân Mỹ sẽ tự nói lên tiếng nói của mình vào Thứ Ba mà chúng ta sẽ biết được rằng ai là người mà đáp ứng được tốt những kì vọng của cử tri Mỹ. Đó chính là câu trả lời cho phần thứ 2 trong câu hỏi của anh.
Bà Claire A. Pierangelo, Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nhà báo Huỳnh Phan: Trong chiến dịch vận động tranh cử lần này, dường như cả hai ứng cử viên, bằng các cách khác nhau, đều muốn cải thiện Luật Nhập cư của Mỹ. Vậy chính sách này của Mỹ liệu có phải là một cách hồi phục lại nền kinh tế Mỹ với chi phí thấp nhất, bởi thu hút được những nhân tài, những người được đào tạo tốt từ những vùng khác nhau trên thế giới, nhất là châu Á, thay vì phải nuôi 1 em bé từ nhỏ cho đến 18 tuổi. 
Thành công của Tổng thống Obama, thứ nhất ở việc ông được bầu trong nhiệm kỳ 1, thứ hai là những gì ông thể hiện trong nhiệm kỳ vừa rồi, dường như là một gương rất tốt về những thành công, đặc biệt trong số những thanh niên châu Á, chẳng hạn, và rất nhiều người đang học tập và làm việc ở Mỹ.
Bà Claire A. Pierangelo: Chính sách nhập cư của Mỹ là chủ đề mà không chỉ hai ứng cử viên tập trung vào mà nó là điều mà hầu hết người Mỹ rất quan tâm. Trước hết, tôi cũng xin nói rõ thêm với anh về chính sách nhập cư của Mỹ kể từ khi đất nước chúng tôi ra đời cho đến nay.
Chính sách nhập cư của chúng tôi luôn là chính sách cởi mở, mang lại cơ hội không chỉ trong lĩnh vực việc làm mà còn cho những người tìm kiếm tự do tôn giáo, tín ngưỡng, và các quyền tự do khác. Và chính sách nhập cư của chúng tôi cũng là để họ có thể nhập cư cả gia đình, cũng như cho những người có tay nghề cao, hoặc chưa hề được đào tạo. Nó đã tồn tại trong lịch sử hơn 200 năm của đất nước chúng tôi.
Hiện nay đối tượng nhập cư nhiều nhất vào Mỹ là những người có họ hàng ở Mỹ, hoặc sống lâu năm ở Mỹ.  Hàng năm chúng tôi có 480 ngàn trường hợp nhập cư đoàn tụ gia đình. Tiếp đến là nhập cư làm việc. Với đối tượng vào làm việc, chia làm nhập cư lâu dài, vĩnh viễn (lên tới 150 ngàn mỗi năm) và nhập cư tạm thời. Nói chung tùy vào trình độ tay nghề chuyên môn của họ, nhưng nói chung với đối tượng nhập cư lâu dài đều đòi hỏi tay nghề cao. Nhưng bên cạnh đó chúng tôi cũng có những tiêu chuẩn để cho nhập cư những người có tay nghề thấp hơn.
Ngoài ra cũng khuyến khích nhập cư những thủ lĩnh tôn giáo, những người hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo, các nhà đầu tư. Ngoài ra cũng cấp visa tạm thời cho hàng trăm ngàn người đến làm việc tạm thời.
Một điều cũng rất quan trọng trong chính sách nhập cư của chúng tôi là tạo cơ hội  cho những người tị nạn để nhập cư vào Mỹ vì muốn bảo vệ họ, tị nạn chính trị hoặc phải trốn chạy sự ngược đãi, hoặc không thể trở về đất nước do các nguyên nhân khiến họ không an toàn. Số này hàng năm có khoảng 80 ngàn.
Đó là cách nước Mỹ tiếp nhận người nhập cư, và chúng tôi luôn hoan nghênh những người nhập cư cho dù họ có tay nghề hay không. Và chính sách của chúng tôi cơ bản là không thay đổi.
Trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, cả 2 ứng cử viên, Tổng thống Obama và nghị sĩ Mitt Romney đều nói đến cần có cải cách để hệ thống hiệu quả hơn, và đáp ứng tốt hơn đối với những người nhập cư cần visa để làm việc. Họ cũng nói đến cách thức củng cố hệ thống để người nhập cư tuân thủ luật pháp, tôn trọng quy định. Ngoài ra một vấn đề 2 ứng cử viên cũng tranh luận là cách thức xử lý những người đã ở Mỹ, nhưng chưa có giấy đầy đủ. Đó là những người nhập cư bất hợp pháp, nhưng hiện đang sinh sống tại Mỹ. Như vậy điểm lại chúng ta thấy có 3 điểm trong chính sách nhập cư các ứng cử viên tranh luận với nhau.
Tất nhiên cũng có những người nói Mỹ cần gia tăng cấp visa cho sinh viên ở Mỹ để tận dụng họ luôn, vì họ đã được đào tạo tốt nhưng sau đấy lại phải về nước vì không có visa làm việc. Nhưng thực ra một trong những triết lý của chúng tôi làm sao giúp mọi người thế giới đến Mỹ học tập rồi quay lại phục vụ quê hương. Đã có những tranh luận rất thú vị về các vấn đề này.
Trong câu hỏi của anh có phần hỏi có phải nước Mỹ muốn có người nhập cư để đỡ tốn tiền nuôi con em, nhưng thực ra hiện nay người nuôi con tôi là tôi, không phải Chính phủ.
Nhà báo Huỳnh Phan: Có một độc giả khác hỏi rằng nhiều người Mỹ gốc Á nói chung và người Mỹ gốc Việt nói riêng là một bộ phận quan trong trong xã hội Mỹ. Theo bà họ quan tâm đến gì trong bầu cử này?
Bà Claire A. Pierangelo: Quay lại với hệ thống của chúng tôi. Một khi bạn là công dân của Mỹ không chỉ có quyền đi bầu cử, bỏ phiếu mà bạn còn có quyền tranh cử, có thể trở thành nhà chính trị, có thể nắm quyền.
Chỉ có 2 việc đòi hỏi người làm 2 việc đó phải là công dân của Mỹ đó là Tổng thống và Phó Tổng thống, còn bất cứ công việc khác chỉ cần bạn là công dân Mỹ, chứ không nhất thiết phải sinh ra ở Mỹ.
Có một điều thú vị ta đang thấy hiện nay đó là trong cộng đồng người Mỹ gốc Á họ đang ngày càng chiếm nhiều công việc trong các vị trí của Chính phủ cũng như các chính trị gia. Cách đây 20 năm, ta thấy khối người nói tiếng Tây Ban Nha họ đã gia tăng sự tham gia vào chính trường và các công việc của Chính phủ, và đến thời điểm hiện nay chúng tôi đang thấy sự gia tăng về mặt đó của người gốc Châu Á.
Ở những bang cụ thể như California, Texas, New York, có nhiều người Mỹ gốc Việt, gốc Hàn, gốc Trung Quốc hoặc đại loại người Mỹ gốc Á. Họ cũng đã tham gia vào Chính phủ, chính trị. Chúng tôi đang thấy nhiều người Mỹ gốc Việt Nam tham gia vào Chính phủ, chính trị.
Tôi không nói thay họ nghĩ gì, nhưng tôi đã tiếp xúc và đã nghe trao đổi của họ thì tôi nghĩ rằng họ quan tâm vào những vấn đề như sau:
Rất nhiều người Châu Á đã đến Mỹ với tư cách là người nhập cư, họ đã hưởng lợi và thích thú về sự cởi mở công khai về các lợi ích về kinh tế, giáo dục, có thể kiếm sống để nuôi gia đình, hưởng lợi và thích thú sự tự do ở Hoa Kỳ, và đó là những điều quan trọng.
Ở nhiều cộng đồng người nhập cư chúng tôi cảm nhận rằng cách nhìn nhận rằng họ cho rằng các giá trị của Mỹ đều rất quan trọng, họ muốn nước Mỹ tiếp tục đóng vai trò là người đứng ra giúp đỡ thế giới để giữ vững nhân quyền, sự tự do về chính trị, về kinh tế.
Những người nhập cư cũng muốn nước Mỹ duy trì hệ thống nhập cư cởi mở, tự do và công bằng.  Họ nhắc nhở chúng tôi nhớ rằng nước Mỹ là đất nước của những người nhập cư.
Ảnh: Lê Anh Dũng
Nhà báo Huỳnh Phan: Bà có nói trong việc đào tạo người sang Mỹ học rồi trở về phục vụ đất nước, chẳng hạn như với học bổng Fulbright, có nhiều quan chức VN như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, hay các bộ trưởng như Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, các thứ trưởng, hoặc các nhà nghiên cứu.... Bà tiếp xúc với họ thì cảm thấy những người đã có cơ hội đi học ở Mỹ có gì khác với những người chưa được đào tạo tại Mỹ?
Bà Claire A. Pierangelo: Một câu hỏi thú vị. Với những người anh nêu ra, như Phó Thủ tướng hay Bộ trưởng Ngoại giao, thú thực tôi không biết họ trực tiếp. Nhưng tôi biết nhiều sinh viên Fulbright, cũng như các sinh viên tại các trường cộng đồng, đại học hoặc cấp cao hơn như bằng thạc sĩ.
Điều quan trọng hàng đầu đối với những người từng đi học nước ngoài khi về nước là họ mang về những kinh nghiệm rộng lớn hơn, những kiến thức về thế giới và họ có thể đưa ra những kiến thức chuyên sâu về những việc ở nơi khác được xử lý thế nào, nghĩa là mang về các cách làm tốt ở nơi khác.
Và điều đáng ngạc nhiên là những người đi học ở Mỹ về là họ kể khi học ở Mỹ họ gặp rất nhiều người không phải Mỹ, và trải nghiệm của họ là trải nghiệm quốc tế, chứ không chỉ là trải nghiệm về Mỹ. Như vậy khi họ trở về thì họ trở về không phải với những cách thức giải quyết vấn đề kiểu Mỹ mà là các kiến thức, khả năng giải quyết các vấn đề khác nhau.
Và rất nhiều người trở về VN rất hạnh phúc về quê hương, đem kiến thức để phục vụ quê hương. Và đó là những điều chúng tôi muốn thấy.
Nhà báo Huỳnh Phan: Tôi có câu hỏi nhỏ liên quan đến vấn đề nhập cư. Thứ nhất, với chính sách nhập cư này, với các nhóm nhập cư khác nhau, nhu cầu việc làm ở Mỹ hàng năm tăng rất nhiều. Điều đó liệu có tạo ra sức ép trong đàm phán thương mại quốc tế hay không? Chẳng hạn ngày xưa với Hiệp định thương mại song phương, rồi quá trình VN gia nhập WTO, và hiện nay là quá trình đàm phán về đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương  TPP. Thế thì luôn luôn có sức ép của các nhóm lợi ích hoặc các nhóm thua thiệt với đoàn đàm phán để làm sao việc làm của nước Mỹ không bị mất, chẳng hạn trong 1 ngành rất rõ như dệt may. Vì vậy tôi muốn hỏi những mối liên quan giữa tình hình nhập cư hàng năm, nhu cầu việc làm liên quan đến chính sách thương mại của Mỹ, các đàm phán quốc tế?
Bà Claire A. Pierangelo: Câu trả lời của tôi là không. Hai vấn đề này được xử lý riêng rẽ ở Mỹ. Như tôi đã nói, vấn đề nhập cư là vấn đề có tính chất rộng lớn hơn, bao trùm hơn.
Vấn đề ở đây không phải là chúng tôi đang cấp Visa cho những người VN sang làm việc ở Mỹ và chiếm mất việc làm trong ngành như dệt may. Bản chất vấn đề là những người trong ngành dệt may đang tìm cách bảo vệ việc làm của họ.
Về các hiệp định thương mại, ví dụ hiệp định thương mại song phương BTA hoặc hiệp định gia nhập WTO, hay TPP, thì các nước đàm phán với nhau làm sao để thực hiện các hiệp định này nhưng họ làm theo cách thức công bằng, tự do, minh bạch. Và hai bên cùng nhau đàm phán để cùng nhau tìm ra cách để mở cửa thị trường, tạo ra các cách tiếp cận thị trường công bằng và không gây bất lợi cho bên kia. Vì vậy những tác động của hiệp định thương mại đối với Mỹ hay Việt Nam hay bất cứ nước nào cũng đều phải được xem xét cẩn thận.
Tôi muốn ví dụ về hiệp định thương mại song phương giữa Mỹ và VN. Trước khi có hiệp định này, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước là khoảng 400 triệu đô la. Hiện nay đã là 22 tỷ đô la. Trong số đó VN xuất sang Mỹ giá trị hàng hóa 18 tỷ, Mỹ là 4 tỷ.
Như vậy chúng ta thấy sự phát triển thương mại tăng trưởng, phát triển không làm mất việc làm ở cả Mỹ cũng như VN, ngược lại còn tạo thêm việc làm. Đó là trách nhiệm của các nhà đàm phán làm sao để tạo ra được việc, cơ hội, không gây thiệt hại cho cả 2 bên.
Như vậy hiệp định thương mại song phương BTA đã làm được điều đó cũng như các hiệp định gia nhập WTO của các nước thành viên. Cũng như TPP cũng sẽ làm được điều đó.
Không ai bị ép buộc đi bỏ phiếu
Nhà báo Huỳnh Phan: Có một độc giả trẻ hỏi thế này, trong những lần bầu cử trước, lần bầu cử cuối năm 2008 tôi nhận thấy rằng cử tri trẻ lười đi bâu cử, chỉ đến năm 2008 có nhân tố mới là ông Obama với câu nổi tiếng là Change we need thì cử tri trẻ mới có sự quan tâm trở lại và họ đi bầu khá nhiều, Năm nay có vẻ như không có nhân tố mới nào, Obama cũng là gương mặt quen thuộc, đối thủ của ông cũng không tạo ra sự mới mẻ. Làm thế nào để kéo cử tri đi bầu, thường ở VN chúng tôi có Đoàn thanh niên cộng sản lo việc này. Vậy ở Mỹ liệu có tổ chức nào tương tự hoặc một cách thức nào tương tự để làm vậy không?
Bà Claire A. Pierangelo: Câu hỏi thú vị nhưng tôi không đồng ý với cách phân tích trong câu hỏi. Trong bất cứ cuộc bầu cử nào cũng luôn có sự quan tâm rất to lớn của cử tri trẻ tuổi.
Theo như tôi nhớ kể từ thập niên '60 của thế kỉ trước đã có sự quan tâm rất lớn của cử tri trẻ bởi vì trong một cuộc bầu cử luôn có nhiều vấn đề liên quan đến hoặc mối quan tâm của cử tri trẻ.
Ở Mỹ đi bầu cử là một quyền, không ai bị ép buộc là phải đi bỏ phiếu.
Tôi nhớ ở Mỹ có những tổ chức gọi là tổ chức ở cấp cơ sở họ có những nỗ lực, những chương trình để khuyến khích cử tri hoặc nâng cao nhận thức cho cử tri đi bầu. Tôi nhớ kênh MTV có những nỗ lực để thúc giục các bạn trẻ đi bầu trong ănm 1996, 2000, 2008 đều có những chương trình phát sóng. Các trường đại học cũng có những chương trình để vận động các bạn trẻ đi bầu cử. Bản thân các tổ chức chính trị, đảng phái cũng có những nỗ lực riêng để vận động cử tri đi bầu. Chúng ta sẽ thấy vào ngày thứ 3 tới sẽ rất đông đảo cử tri trẻ đi bầu, cũng như trước đó có các cuộc vận động mạnh mẽ, to lớn đối với những người trẻ tuổi đi bầu.
Ở nước Mỹ không có một tổ chức do Chính phủ điều hành để thúc giục người dân đi bầu.
Ảnh: Lê Anh Dũng
Đối tác trưởng thành
Nhà báo Huỳnh Phan: Mỹ và VN đang tiến tới quan hệ đối tác chiến lược. Chẳng hạn qua những động thái gần đây về phía Mỹ qua việc tăng cường quan hệ kinh tế thương mại thông qua việc khuyến khích VN tham gia đàm phán TPP. Những lúc có vẻ như VN cảm thấy có sự ngại ngùng vì luôn có những phái đoàn của Mỹ sang đây để động viên VN nên tiếp tục hay giải quyết những vấn đề quá khư như dự án tẩy rửa dioxin ở Đà Nãng vừa rồi hoặc chuyến thăm lần thứ 4 của tàu USNS Mercy, Ngoại trưởng Clinton cũng 2 lần thăm VN và khẳng định lập trường thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam của Mỹ. Nhưng dường như có cái gì đó vẫn còn thiếu để 2 nước có thể đẩy nhanh tiến trình này, thì theo bà phía VN thiếu gì hoặc phía Mỹ đã đủ quan tâm đến VN chưa và nếu tái cử liệu Tổng thống Obama có thăm VN không?
Bà Claire A. Pierangelo: Trong bất cứ mối quan hệ nào bạn cũng muốn một đối tác tốt, ổn định, đáng tin cậy và có thể phụ thuộc được. Điều này đúng với việc chúng ta tìm người bạn, bạn đời hay quan hệ giữa hai nước.
Khi Việt Nam trở nên ngày càng trưởng thành như một nền kinh tế, như một đất nước, như là 1 thành viên đóng góp vào cộng đồng quốc tế thì VN cũng sẽ trở thành một đối tác vững mạnh hơn, đáng tin cậy hơn.
Hiện nay quan hệ giữa Hoa Kì và VN đã trải qua 18 năm kể từ khi 2 nước bình thường hóa. Chúng ta đã làm việc nhiều với nhau về rất nhiều vấn đề kể cả những vấn đề riêng của VN cũng như những vấn đề quốc tế.
Khi Hoa Kỳ nhìn VN thì chúng tôi thấy VN là một đối tác của tương lai. Quan hệ đối tác chiến lược là một khuôn khổ sẽ đưa cả Hoa Kỳ và VN đi vào tương lai như những đối tác của nhau. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên hay mới mẻ. Đó là công việc của những nước họ làm với nhau khi họ là những đối tác trưởng thành của nhau.
Khi quan hệ của chúng ta mới bắt đầu thì những lĩnh vực làm việc cùng nhau còn hạn chế, chủ yếu là về kinh tế và những vấn đề của quá khứ, vấn đề chiến tranh. Nhưng VN và Hoa Kì không còn là 2 đất nước của 18 năm về trước nữa. Chúng ta cần cùng nhau nhìn vào tương lai 10 năm, 20 năm tới chúng ta sẽ như thế nào đối với nhau.
Đó là cách mà chúng tôi đang nhìn vào mối quan hệ giữa hai nước và chúng tôi cũng hi vọng VN sẽ có cách nhìn tương tự như vậy để chúng ta định hướng được về quan hệ chính trị, kinh tế.
Tôi đã làm việc ở đây, cách đây 12 năm khi VN và Hoa Kì đàm phán hiệp định thương mại song phương BTA, lúc đó công việc rất khó khăn và nhiều người thấy công việc rất đáng sợ.
Người ta đã đặt câu hỏi là 2 nước liệu như thế nào trong tương lai và chúng ta đã giúp quan hệ tăng trưởng của chúng ta, và bây giờ thì ta đang nói về quan hệ đối tác chiến lược cũng như về hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP và đó là những công việc để chuẩn bị cho tương lai của hai nước. Tương lai không chỉ là những vấn đề về thương mại, kinh tế.
Về Tổng thống Obama, ví dụ như ông ấy thắng cử thì tôi cũng không nói thay cho ông ấy được. Nhưng nếu như VN và Hoa Kỳ kí được hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược, cũng như hiệp định xuyên Thái Bình Dương, thì tôi tin chúng ta có thể có được chuyến thăm của ông ấy.
Có thể điều tôi nói ra chỉ là nói đùa thôi nhưng nói một cách nghiêm túc thì Hiệp định TPP cũng như hiệp định về đối tác chiến lược là những trọng tâm trong nghị trình của chính quyền Obama và họ rất mong muốn đưa quan hệ Hoa Kì và Việt Nam tiến vào tương lai.
Nhà báo Huỳnh Phan: Đó có phải là giấc mơ kèm theo 2 điều kiện?
Bà Claire A. Pierangelo: Tôi không nói thay Tổng thống, nhưng đó là mục tiêu của Tổng thống.
Trung Quốc sử dụng sức mạnh thế nào
Nhà báo Huỳnh Phan: Trong 3 cuộc tranh luận gay gắt trên truyền hình vừa rồi thì vấn đề Trung Quốc được nêu ra khá thường xuyên. Mối quan tâm của người Mỹ hiện nay ra sao, và với sự thắng cử của 1 trong 2 người thì liệu chính sách của Mỹ với Trung Quốc liệu có khác nhau không?
Bà Claire A. Pierangelo: Cả 2 ứng cử viên hay Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Clinton cũng đã nói mối quan hệ và sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là điều bắt buộc phải có. Chúng tôi phải hợp tác với Trung Quốc để giải quyết nhiều các thách thức, không chỉ là giữa 2 nước mà là những thách thức mang tính đa phương, nhũng thách thức trên thế giới.
Vấn đề ở đây không phải là việc Trung Quốc nổi lên như một cường quốc, mà là Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh của cường quốc như thế nào.
Từ Tổng thống Obama, đến Phó Tổng Thống Bidden cho đến Ngoại trưởng Clinton đều nói rằng chúng ta cần phải làm nhiều việc để hợp tác cùng nhau. Thiết lập sự hợp tác cũng như tôn trọng lẫn nhau không phải chỉ quan trọng đối với Hoa Kì và Trung Quốc mà còn quan trọng đối với tất cả các nước khu vực này.
Hoa Kì cũng là một đất nước của Thái Bình Dương, nhiều khi người ta quên rằng là chúng tôi cũng thuộc khu vực Thái Bình Dương. Bản thân Tổng thống Obama cũng đã nhấn mạnh Hoa Kì sẽ đóng vai trò to lớn hơn trong khu vực Thái Bình Dương.
Tuyên bố đó không phải là một lời đe dọa, chúng tôi vẫn thường khẳng định như vậy. Chúng tôi sẽ hợp tác với Trung Quốc, khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng như với thế giới. Nhưng VN cũng biết rõ công việc này không hề dễ dàng.
Chúng ta nghe thấy trong cuộc thảo luận đó là cách xử lí, giải quyết những thách thức trong công việc trong việc quan hệ với Trung Quốc cho dù đó là chính trị hay quan hệ thương mại, kinh tế. Làm sao Trung Quốc phải là một đối tác có trách nhiệm trên quốc tế cũng như làm việc, hợp tác với Mỹ để giải quyết những vấn đề về thương mại, hiệp định WTO, giải quyết những công việc trên trường quốc tế, xây dựng một thế giới hòa bình ổn định.
Nhà báo Huỳnh Phan: Theo bà Trung Quốc đã đủ chin chắn và trách nhiệm?
Bà Claire A. Pierangelo: Tôi nghĩ rằng Trung Quốc và Mỹ đang hợp tác để giải quyết các vấn đề về an ninh, khu vực, WTO và tất cả chúng ta đều có thể nỗ lực để làm việc tốt hơn.
Chúng ta cũng sắp kết thúc cuộc trực tuyến này. Tôi xin cảm ơn lời mời của các bạn và chúng ta thấy rằng ngày thứ 3 ở Mỹ, tức ngày thứ 4 ở VN sẽ là một ngày đáng ghi nhớ, thú vị. Chúng ta không thể biết được ai thắng nhưng chúng ta sẽ biết được tiếng nói của người dân Mỹ. Đây là một quá trình thú vị, 4 năm diễn ra một lần. Tôi xin mời các bạn cho dù là độc giả của VNN hay các cán bộ nhân viên, phóng viên, biên tập viên của VietNamNet cùng chúng tôi theo dõi kết quả bầu cử vào sáng ngày thứ 4 giờ VN. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ tại trung tâm Hoa Kì ở phố Ngọc Khánh, chúng ta sẽ biết kết quả cuộc bầu cử như thế nào. Ở VN đi trước giờ Mỹ nửa ngày nên chúng ta không phải thức cả đêm mà đến sáng thứ 4 là chúng ta đã biết kết quả rồi. Chúng tôi mong có sự tham gia của các bạn ở trung tâm Hoa Kì. Chúng tôi sẽ mở cửa từ 9h đến 12h sáng để theo dõi kết quả bầu cử.
Nhà báo Huỳnh Phan: Cảm ơn bà đã dành thời gian cho độc giả VietNamNet.

Trên ván cờ nước lớn: Từ Geneva đến Paris


Trên ván cờ nước lớn: Từ Geneva đến Paris

Không thể loại bỏ lợi ích riêng của Trung Quốc trong việc thuyết phục Việt Nam chịu ký hòa ước Gieneva, nhưng tôi không tin rằng Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp chịu ký, hay ít nhất không nhượng bộ về giới tuyến, chỉ vì sức ép, hay sự thuyết phục của Chu Ân Lai, TS Pierre Journoud nói.
LTS: Gần 40 năm đã trôi qua kể từ khi Hội nghị Paris về Việt Nam kết thúc. Từ Geneva đến Paris, và ngay cả trước đó và giai đoạn hiện nay, Việt Nam thường xuyên bị đặt ở tình thế đứng giữa các nước lớn, trên bàn cờ chiến lược. Tuần Việt Nam trò chuyện với TS Pierre Journoud, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Quốc phòng Pháp, với kì vọng lí giải cho vị thế đặc biệt này của Việt Nam, và tìm gợi ý chính sách cho giai đoạn hiện tại.
TS Pierre Journoud nói: Việt Nam dường như luôn bị kẹt vào thế một con cờ trong bàn cờ của các nước lớn. Đầu tiên là giữa Pháp và Trung Hoa (thời Nguyễn), rồi đến hai phái Cộng sản và Quốc dân Đảng ở Trung Quốc (1945-1946), rồi Pháp - Mỹ một bên và Liên Xô - Trung Quốc một bên tại hội nghị Geneva (1954), rồi Liên Xô và Trung Quốc từ những năm '60 kéo dài đến hết cuộc chiến ở Campuchia. Bây giờ dường như lại kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc trong câu chuyện liên quan đến tranh chấp Biển Đông...
Trung Quốc không muốn láng giềng mạnh
Xin phép ông trở lại thời điểm đàm phán Geneva. Lập trường của phía Chính phủ Hồ Chí Minh ban đầu là giới tuyến tạm thời sẽ là vĩ tuyến 14, thế nhưng cuối cùng họ phải chấp nhận vĩ tuyến 17. Có thông tin nói rằng đây là chủ ý của Liên Xô,  trong một sự đổi chác nào đó với phía Pháp.
Tôi nghĩ rằng người đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Chính phủ Hồ Chí Minh nhượng bộ là Trung Quốc, chứ không phải Liên Xô.
TS Pierre Journoud nghiên cứu lịch sử thuộc Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Quốc phòng Pháp, chuyên nghiên cứu sự phát triển của các vấn đề chiến lược khu vực Viễn Đông kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Ông đồng thời cũng là giảng viên - nghiên cứu tại trường Đại học Paris I - Sorbonne - Panthéon.
Tôi thì lại nghe rằng người đưa ra ý tưởng là Liên Xô, còn Trung Quốc chỉ là người thực hiện thôi.
Khi bắt đầu cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, và nhất là khi những người cộng sản giành thắng lợi ở Trung Quốc vào năm 1949, Stalin đã trao vai trò ở Đông Nam Á choTrung Quốc. Bởi ông ta không muốn can dự vào Đông Nam Á.
Lý do?
Thứ nhất, bởi Stalin nghi ngại trước việc Hồ Chí Minh không chỉ là một người cộng sản mà còn là một nhà dân tộc chủ nghĩa.
Thứ hai, Stalin còn có quá nhiều mối bận tâm khác ở trong nước và châu Âu. Liên Xô đã để cho Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo ở Đông Nam Á, cho đến giữa những năm '60.
Về phía mình, Trung Quốc có quan điểm là không muốn có những láng giềng mạnh bằng cách chia rẽ họ, nhất là đối với Đông Dương nói chung, và Việt Nam nói riêng. Và điều này đã thể hiện rất rõ trong chính sách họ theo đuổi hiện nay ở khu vực này.
Trong nửa thứ hai của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, và trong cái tạm gọi là khoảng lặng giữa hai cuộc chiến tranh Đông Dương 1954-1964, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng. Họ trang bị và huấn luyện cho quân chủ lực của Việt Nam để đội quân này trở nên chuyên nghiệp.
Sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Chính phủ Hồ Chí Minh dần chuyển từ tài chính - quân sự sang kinh tế - chính trị. Chắc anh chị còn nhớ Chính phủ của ông Hồ Chí Minh đã tiến hành cải cách ruộng đất trước sức ép và với tư vấn của chuyên gia Trung Quốc thế nào.
Trung Quốc chưa bao giờ muốn láng giềng mạnh. Ảnh LAD
Vâng, chúng tôi có nhớ. Nhưng đó là sự kiện mà nhiều người muốn quên.
Sau cải cách ruộng đất, vì tư tưởng cực đoan của những người tiến hành nó, ảnh hưởng của Liên Xô mới bắt đầu tăng lên. Tức là nó đã giúp làm cân bằng hơn ảnh hưởng của Trung Quốc và Liên Xô đối với Việt Nam (Dân chủ Cộng hòa).
Thế nhưng, lúc đó, Liên Xô vẫn chưa thực sự muốn can dự vào câu chuyện Việt Nam. Có một chi tiết thú vị là năm 1957, Liên Xô đã đề nghị Liên Hợp Quốc kết nạp cả hai nước Việt Nam vào tổ chức này (trước đề nghị của Mỹ về việc kết nạp Việt Nam Cộng Hòa - TS). Bây giờ nghe lại thấy quá buồn cười, phải không? Hà Nội lúc đó cũng thấy hết sức sửng sốt.
Bước ngoặt của sự can dự của Liên Xô vào Việt Nam là sự kiện Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc vào đầu năm 1965, và sau đó đưa quân đội sang tham chiến tại miền Nam.
Mỹ vào Việt Nam vì Trung Quốc?
Theo ông, những nguyên nhân gì dẫn đến việc chính phủ Mỹ quyết định trực tiếp đưa quân vào miền Nam Việt Nam?
Về mặt quốc tế, Mỹ muốn ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản xuống khu vực Đông Nam Á. Tôi nghĩ thắng lợi của những người cộng sản ở Trung Quốc là một nguyên nhân cực kỳ quan trọng buộc Mỹ phải thay đổi chính sách đối ngoại của mình. Chính vì vậy, cho dù Việt Nam không phải là một vị trí quan trọng về mặt chiến lược với Mỹ, nhà cầm quyền nước này vẫn phải có sự can thiệp mạnh mẽ về mặt quân sự.
Chắc anh chị còn nhớ cuộc Chiến tranh Triều Tiên trước đó (1950-1953). Mỹ rất lo ngại rằng cả khu vực này sẽ do người cộng sản thao túng. Bởi Mao Trạch Đông chủ trương giúp sức cho tất cả các đảng cộng sản ở tất cả các nước láng giềng, hay trong khu vực.
Và đó là cái cớ rất tốt cho người Mỹ can thiệp?
Ngoài tư duy của thời Chiến tranh lạnh, liệu còn cái cớ gì hay hơn nữa? Chính Mao Trạch Đông đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ các đảng cộng sản trong khu vực tiến hành các cuộc chiến tranh cách mạng ở nước họ. Sự can thiệp của Mỹ có cái lý của nó, bởi lúc đó kẻ thù số một của Mỹ ở khu vực này là Trung Quốc, chứ không phải Việt Nam.
Về mặt quốc nội, trên thực tế, người Mỹ đã can dự vào Việt Nam từ năm 1950, với sự ủng hộ cả về chính trị lẫn kinh tế cho chính quyền Bảo Đại và sau này là chính quyền Ngô Đình Diệm. Các Tổng thống Mỹ, từ Eisenhower đến Johnson, đều tái khẳng định sự ủng hộ với chính quyền Nam Việt Nam, với tư cách một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á.
Trong lúc đó, ở Pháp, cũng trong năm 1954, Tướng De Gaulle lên ngôi Tổng thống. Kể từ đó, trong mọi cuộc gặp gỡ với các tổng thống Mỹ , chẳng hạn với Eisenhower năm 1959, và Kenedy năm 1961, đều ở Paris, ông đều kêu gọi Mỹ hãy "ra khỏi Việt Nam". Anh chị có thể tìm thấy trong kho lưu trữ, và thấy rằng Tổng thống De Gaulle tỏ ra rất quyết liệt trong lập trường của mình.
Lạ nhỉ?
Ông ta đã nhận thức được sai lầm của nước Pháp trong quá khứ, và cho rằng nên tăng cường quan hệ kinh tế - văn hóa với các nước Đông Nam Á, chứ không phải chính trị, hoặc quân sự. Nhưng, như anh chị thấy, cả Tổng thống Eisenhower lẫn Tổng thống Kennedy đều phớt lờ lời kêu gọi của ông.
Theo nghiên cứu của tôi, chủ yếu ở kho tư liệu của Nam Việt Nam, sau cái chết của Ngô Đình Diệm, vai trò và ảnh hưởng của Mỹ đối với các chính quyền quân sự sau đó, từ Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, đến Nguyễn Văn Thiệu, chủ yếu là những người Mỹ ở Sài Gòn, chứ không phải ở Washington.
Nếu anh chị có dịp đọc những báo cáo trong kho tư liệu đó, anh chị sẽ thấy chỉ có một số ít tướng lãnh ở Sài Gòn là mong muốn chiến tranh, còn phái dân sự chỉ muốn hòa bình. Và người Mỹ đã lựa chọn ủng hộ thiểu số tướng lãnh hiếu chiến đó, thay vì đa số còn lại, để quyết định trực tiếp can dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1965.
Có một sự chuyển đổi rất thú vị trong giai đoạn ngắn ngủi từ 1963 đến 1965.
Hòa giải các "anh lớn"
Theo ông, liệu sự kiện Vịnh Con Lợn ở Cuba năm 1962 có ý nghĩa gì trong việc thúc đẩy sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam?
Tôi nghĩ nếu đó là nguyên nhân, thì chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Câu chuyện đó liên quan tới Liên Xô, chứ không phải với Trung Quốc - mối quan ngại lớn nhất của Mỹ ở khu vực châu Á.
À, tôi nhớ ra rồi. Sau đó chủ thuyết của Liên Xô là cùng tồn tại hòa bình. Cốt lõi của chủ thuyết này là các siêu cường cố gắng phân định với nhau khu vực ảnh hưởng của họ.
Cũng do chủ thuyết này mà có sự rạn nứt sâu sắc giữa hai nước lớn nhất trong phe xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc. Và Việt Nam đã vô tình rơi vào cái khe của vết rạn ngày càng lớn này.
Đúng vậy. Sự chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu từ năm 1960, và ông Hồ Chí Minh đã cố gắng hàn gắn sự rạn nứt này, với vai trò một trung gian hòa giải...
Bằng nỗ lực không biết mệt mỏi này, ông Hồ Chí Minh đã rất thành công trong việc tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của cả hai nước đang cực kỳ mâu thuẫn với nhau. Phải nói, về khía cạnh này, ông quá giỏi.
Chỗ đứng của Trung Quốc, từ Gieneva đến Paris
Đi với các nước lớn cũng giống như ta uống thuốc, ta luôn phải chịu tác dụng phụ của nó. Ông có nghĩ với việc cố nuốt trôi "hai viên thuốc lớn" đó, Việt Nam sau này cũng phải chịu những tác dụng phụ? Nói rõ hơn, sau năm 1975, Việt Nam lại bị kéo vào hai cuộc chiến tranh biên giới, một ở phía Bắc, một ở phía Tây Nam...
Tôi nghĩ đó lại là một câu chuyện khác, có nguyên nhân khác. Chứ còn giai đoạn những năm '50, hay '60, thực sự Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam với tư cách một đồng minh.
Trong lập luận của ông, tôi có cảm giác rằng mối quan hệ giữa các quốc gia quan trọng hơn là vấn đề hệ tư tưởng?
Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào từng giai đoạn khác nhau. Nói chung, trong quan hệ với Việt Nam, trong suốt thời kỳ từ 1950 đến 1975, mặc dù đã phạm một số sai lầm lớn mang tính chiến lược, Trung Quốc vẫn là một đồng minh lớn của Việt Nam, và đã có những sự giúp đỡ to lớn về quân sự, kinh tế - tài chính.
Nhưng cũng nhờ sự giúp đỡ to lớn để thúc đẩy cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc cũng có cơ hội để bắt tay với Mỹ, để từ đó thoát khỏi thế bị cô lập.
Vâng, cái bắt tay lịch sử giữa Mao Trạch Đông và Nixon.
Phía Mỹ dự đoán rằng Trung Quốc sẽ là một siêu cường trong tương lai, và đó là một cách tiếp cận đúng. De Gaulle đã nhận ra điều này sớm hơn nhiều, từ năm 1964. Ông đã có một quyết định quan trọng là muốn Trung Quốc can dự vào tiến trình hòa bình ở Việt Nam, một quyết định khiến Mỹ phản ứng rất dữ dội.
Nhờ sự giúp đỡ to lớn để thúc đẩy cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc cũng có cơ hội để bắt tay với Mỹ. Ảnh Lê Anh Dũng
Cuộc gặp của hai nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc vào năm 1972, và quan hệ xích lại gần nhau giữa họ đã làm phức tạp mối quan hệ Việt - Trung. Bởi, mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam, động thái này về chính trị được coi là quá nhạy cảm.
Trước đó, Trung Quốc đã không đồng tình với chiến dịch Mậu Thân của Việt Nam, và sau đó là tiến trình đàm phán hòa bình Paris.
Về chiến dịch Mậu Thân, việc cuộc tấn công diễn ra ngay tại những đô thị lớn ở miền Nam rõ ràng đã đi ngược lại chiến lược của Trung Quốc là lấy nông thôn bao vây thành thị. Còn tiến trình hòa bình Paris, đối với Trung Quốc, chính là một dạng của "cùng tồn tại hòa bình".
Bước ngoặt quan trọng thứ ba trong quan hệ Việt - Trung, là giai đoạn 1973-1974. Khi đó, Trung Quốc, vì quá lo ngại sự mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô đối với bán đảo Đông Dương, đã có những động thái tăng cường quan hệ với Thái Lan, và nhất là lực lượng kháng chiến Khmer Đỏ. Quan hệ Việt - Trung đã gặp nhiều trở ngại.
Nhượng bộ Geneva không vì sức ép
Vai trò của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam trong hòa ước Geneva và Paris rõ ràng khác nhau. Ở Geneva, Chu Ân Lai đã thuyết phục Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, khi hai người này được bí mật mới sang Trung Quốc, phải có sự nhượng bộ về giới tuyến tạm thời.
Đúng là vai trò của Trung Quốc là quá lớn vào năm 1954. Và cũng không thể loại bỏ lợi ích riêng của Trung Quốc trong việc thuyết phục Việt Nam chịu ký hòa ước. Tôi nghĩ lời đe dọa của Mỹ là sẽ can thiệp quân sự vào Đông Dương thực sự có sức nặng lên bàn đàm phán, và đó là điều Trung Quốc không muốn, bởi họ đã có kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, kết thúc một năm trước đó.
Nhưng tôi không tin rằng Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp chịu ký, hay ít nhất không nhượng bộ về giới tuyến, chỉ vì sức ép, hay sự thuyết phục của Chu Ân Lai. Họ thực sự hiểu rõ rằng, nếu không ký hòa ước Geneva theo cách đó, Mỹ sẽ nhảy vào Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, người được Tổng thống Dương Văn Minh cử đến trại David để thương thuyết với phía Bắc Việt Nam về ngừng bắn, đã kể rằng vào sang 30.4.1975, ông đã gặp Tướng Vanuxem ở Dinh Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Lúc đó, Tướng Vanuxem đã thuyết phục Tổng thống Dương Văn Minh cố giữ thêm vài ba ngày nữa, hoặc chí ít là một ngày, và sẽ có sự can thiệp của phía Trung Quốc. Tướng Vanuxem còn nói rằng đã có sắn đường dây nóng với Bắc Kinh tại tòa lãnh sự Pháp tại Sài Gòn.
Tôi thực sự chưa được nghe câu chuyện này. Tôi nghĩ nó rất thú vị, nhưng khả năng hiện thực hóa là ít.
Trung Quốc, tranh thủ lúc Mỹ bỏ rơi chế độ Sài Gòn, đã chiếm nốt phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Liệu điều này có gắn với việc họ giúp đỡ Bắc Việt Nam như một đồng minh, nhưng lại không muốn Việt Nam thống nhất, để hưởng lợi, cũng như bắt tay với Mỹ để thoát khỏi thế cô lập?
Về ý đầu tôi đồng ý với anh. Chính sách nhất quán của Trung Quốc từ rất lâu là không muốn thấy những nước láng giềng mạnh, và cách tốt nhất để thực hiện điều đó là chia rẽ họ. Một Việt Nam thống nhất, lớn mạnh và được hỗ trợ bởi Liên Xô thì càng nguy hiểm hơn đối với tham vọng của họ.
Tôi nghĩ việc Trung Quốc muốn bắt tay với Mỹ không phải ngay từ đầu, mà là hệ quả của mâu thuẫn với Liên Xô lên tới đỉnh điểm trong một cuộc chiến tranh qui mô nhỏ ở khu vực biên giới vào năm 1969. Hoảng sợ trước nguy cơ bị Liên Xô chèn ép, Trung Quốc đã tìm cách bắt tay với Mỹ.
Nếu anh chị đọc những bản ghi chép những cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước, anh chị sẽ thấy lãnh đạo Trung Quốc hững hờ thế nào với triển vọng thống nhất Việt Nam, cũng như những chiến thắng về quân sự của Việt Nam ở chiến trường B (miền Nam).
Rất tiếc là chúng ta không có khả năng tiếp cận kho dữ liệu của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam để khẳng định ý đồ đằng sau của Trung Quốc trong việc ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể tiếp cận các tài liệu đã giải mật của phía Mỹ, Pháp và một số nước châu Âu khác thôi.

'Việt Nam đang chơi mọi quân bài mình có'

Lãnh đạo Việt Nam có thể chọn một cách tương tự như De Gaulle đã làm trong những năm '60. Tất nhiên, bối cảnh đã thay đổi, TS Pierre Journoud, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Quốc phòng Pháp tư vấn.
>>
Tìm điểm rơi
Ông có nói thời điểm này, chính Việt Nam cũng đang đứng trước tình thế là quân cờ trên ván cờ chiến lược của các nước lớn, nhất là trong vấn đề Biển Đông...?
Đúng vậy. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam rất khôn khéo trong việc sử dụng các mối quan hệ song phương. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược, hoặc hướng tới mối quan hệ này đối với Nga, Mỹ, Pháp, Nhật, Anh, Hà Lan, hay Ấn Độ.
Nhưng điều đó cũng ẩn chứa một nguy cơ là mối quan hệ trải rộng khắp nơi mà không có một điểm rơi, một cái neo nào cả. Việt Nam bị dao động trước không chỉ các cường quốc, mà ngay cả những nước nhỏ như Hà Lan.
Nếu ASEAN là một khối gắn kết, thì đó cũng là một chiến lược mới cho Việt Nam.
Nhưng ông có cho rằng ASEAN có thể gắn kết lại, hay là cũng dao động, hệt như Việt Nam, trước các cường quốc?
Không, họ đang bị chia rẽ. và Trung Quốc rất thích chuyện này.
Ông có nghĩ là Trung Quốc đang chủ động trong cuộc này?
Còn gì nữa. Chẳng hạn, họ đang lặp lại nỗ lực này với Campuchia. Chính vì vậy, nỗ lực bắt tay với các nước ngoài lớn nhỏ ngoài khu vực của Việt Nam có thể giải thích được, và Việt Nam cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác.
Ảnh Lê Anh Dũng.
Như ông nói, Việt Nam luôn ở thế là quân cờ trên bàn cờ địa chiến lược của các cường quốc. Làm thế nào để Việt Nam có thể có sự độc lập nhất định?
Độc lập thực ra chỉ là một khái niệm tương đối. Tôi nói ví dụ về nước Pháp. Tổng thống De Gaulle, khi nhậm chức, cũng rất muốn khôi phục lại sự độc lập cho nước Pháp, thế nhưng sự trợ giúp về kinh tế - tài chính của Mỹ để Pháp hồi phục sau Đệ Nhị Thế Chiến đã khiến cho mong muốn này của De Gaulle trở nên rất khó khăn.
Rõ ràng, ông Hồ Chí Minh đã giúp mang lại nền độc lập cho Việt Nam. Thế nhưng, trong bối cảnh của chiến tranh lạnh, khi Mỹ phớt lờ những đề nghị hòa bình của ông, sự lựa chọn của Hồ Chí Minh đi theo con đường cộng sản đã khiến Việt Nam phụ thuộc vào hai đồng minh lớn là Liên Xô và Trung Quốc.
Tôi cũng không hiểu là liệu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc, liệu Việt Nam có thể thắng được trong hai cuộc chiến tranh Đông Dương hay không nữa. Nhưng rõ ràng lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện sự lựa chọn của mình.
Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều từ vũ khí, quân trang quân dụng, đến nhu yếu phẩm... Họ cũng gửi lính hậu cần và công binh sang Việt Nam nữa, khoảng 300 ngàn. Trong đó có khoảng một ngàn bị chết.
Việt Nam đang chơi mọi quân bài họ có
Theo ông, con đường nào cho các nước trong bối cảnh chuyển dịch địa chiến lược đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay, nhất là với sự trỗi  dậy của Trung Quốc, đặc biệt đối với Việt Nam?
Đó là câu hỏi mà nhiều nhà lãnh đạo quốc gia muốn hỏi. Bây giờ là một thế giới mới, một cấu trúc mới, một cán cân quyền lực mới. Đó là một câu hỏi thú vị cho chúng ta, bởi đó là vấn đề chúng ta đang phải đối mặt, một vấn đề rất khó dự báo trước.
Tôi còn nhớ trong một cuộc hội thảo ở Paris về chiến lược của Trung Quốc kể từ thời chiến tranh lạnh, chúng tôi có mời một giáo sư từ Bắc Kinh, và trong phần kết thúc bài tham luận, ông ta đã nói rằng Trung Quốc không có chiến lược.
Tôi không hề ngạc nhiên khi nghe vị giáo sư Trung Quốc nói rằng lãnh đạo Trung Quốc không mạnh về chiến lược, bởi điều đó khó lắm. Theo tôi, sớm hay muộn, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc số một thế giới, có lẽ trong khoảng 2016-2025.
Họ đang cố gắng lấp những khoảng trống của giai đoạn chuyển đổi, để cải thiện vị thế của mình ở mọi nơi, bất kể là châu Phi, hay Đông Nam Á. Họ ý thức được rằng họ phải bảo vệ nguồn năng lượng, bảo vệ huyết mạch giao thông...
Cũng giống như các cường quốc trong quá khứ, như Pháp ở thế kỷ 17, hay Mỹ ở thế kỷ 20, họ cũng phải có chiến lược bảo vệ lợi ích của mình, nhằm duy trì sự ổn định, trước hết là trong nước.
Tôi thì cho rằng Trung Quốc luôn gặp phải những vấn đề nội bộ. Trong suốt quá trình lịch sử hàng ngàn năm của mình, họ chẳng bao giờ thoát khỏi những cuộc xung đột nội bộ.
Nhưng thách thức nội tại của Trung Quốc là gì? Chúng ta biết rằng Trung Quốc có dân số già, và điều đó khiến họ gặp một thách thức lớn trong việc chuyển nguồn tăng trưởng thương mại với các nước đối tác lớn như Mỹ, EU, hay Nhật Bản, thành nguồn tiêu thụ trong nước. Tức là Trung Quốc phải có một bộ phận lớn dân số đủ giàu có để có thể tiêu thị hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Có người nói rằng trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đang bị giữ làm con tin liên quan đến hệ tư tưởng?
Tôi hy vọng là không. Bởi Mỹ và các nước phương Tây không hề có ý định tiến hành một cuộc chiến nào, dù nhỏ, đối với các nước cộng sản, như Trung Quốc, hay Việt Nam. Họ đã có quá đủ trải nghiệm về sự vô ích đó trong quá khứ rồi.
Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Clinton, hay Bộ trưởng Quốc phòng Panetta đã nhắc đi nhắc lại khuyến cáo rằng Trung Quốc không nên sử dụng vũ lực trong quan hệ với các nước láng giềng.
Chính phủ Pháp cũng ủng hộ lập trường về Biển Đông của phía Việt Nam, và phản đối những tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến vấn đề này.
Các bạn hãy tin là các bạn có nhiều bạn bè trên thế giới. Nhưng tôi chắc chắn rằng cả Mỹ lẫn châu Âu đều không muốn tham gia vào bất cứ cuộc chiến tranh nào ở châu Á.
Việt Nam đang thực hiện chủ trương "làm bạn với tất cả". Nhưng liệu điều này có mâu thuẫn với câu thành ngữ "người bạn thực sự là người bạn có mặt khi ta gặp khó khăn"?
Vậy anh nghĩ bạn tốt là người bạn sẽ giúp Việt Nam đánh nhau với kẻ đang đe dọa Việt Nam?
Tôi không nghĩ vậy. Bạn tốt là bạn có thể giúp cho Việt Nam đủ mạnh, đủ tự tin, để có thể không sợ, mỗi khi bị dọa đánh. Trong quan hệ với Trung Quốc, rõ ràng lãnh đạo Việt Nam có những lý do của mình để quyết định làm điều này mà không làm điều kia. Nhưng, tôi nghĩ, có lẽ họ cũng cần phải phần nào đó, theo các nào đó, giải thích cho dân chúng hiểu được tại sao họ phải làm thế, và đó là cách có thể không tốt nhất, nhưng hợp lý và khả thi nhất.
Tôi nghĩ lãnh đạo Việt Nam có thể chọn một cách tương tự như De Gaulle đã làm trong những năm '60. Tất nhiên, bối cảnh đã thay đổi.
De Gaulle đã cố gắng thể hiện rằng lợi ích lớn nhất của dân chúng Pháp là họ phải tập hợp xung quanh một ước vọng lớn như vậy. Muốn trở lại thành một cường quốc như xưa, nước Pháp phải học cách lắng nghe, không chỉ châu Âu, mà cả thế giới thứ ba, như Châu Phi, hay châu Á.
Và chính sách của De Gaulle là chính sách hòa bình, bởi chúng tôi hiểu rõ cái giá của chiến tranh, và hậu quả của nó: Chúng tôi khó có thể hồi phục lại cái vị thế chúng tôi từng có.
Và phương thuốc hữu hiệu nhất mà chúng tôi lựa chọn đối với thế giới thứ ba là tổng hợp, bao gồm cả chính trị, kinh tế và đặc biệt là văn hóa, thông qua tổ chức Francophonie. De Gaulle đã chơi mọi quân bài ông có thể chơi.
Tôi nghĩ lãnh đạo Việt Nam đang chơi mọi quân bài họ có. Đặc biệt, họ rất chú trọng đến mọi mối quan hệ song phương, bên cạnh những tổ chức khu vực như ASEAN, hay Francophonie.
Với Trung Quốc, họ đã mắc sai lầm lớn. Ở đầu những năm 2000, họ đặt khái niệm phát triển hài hòa lên trên hết, nhưng đến bây giờ họ quên mất khái niệm đó rồi. Họ can dự ngày càng mạnh và sâu vào Đông Nam Á, hay gây bất ổn ở Biển Đông.
Ảnh Lê Anh Dũng.
Và tôi nghĩ chính sách đối ngoại của Trung Quốc là sai lầm, không chỉ với Việt Nam, hay một số nước ASEAN khác, mà cả với châu Âu và Mỹ.
Nhiều người Pháp đã rất ngưỡng mộ chính sách đối nội của Trung Quốc, bởi nó đã làm cho Trung Quốc trở thành một cường quốc, nhưng đến bây giờ ngay cả những người này cũng chuyển sang chỉ trích Trung Quốc.
Ông có nghĩ lãnh đạo mới của Trung Quốc sắp tới sẽ cố gắng thay đổi hình ảnh này của Trung Quốc?  Sẽ bớt hung hăng hơn?
Khó nói lắm. Nói chung, chúng tôi có thói quen nhìn nhận vấn đề theo tầm nhìn xa.
Riêng tôi cho rằng vị lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc mà chúng ta sẽ chứng kiến trong vòng ít tuần tới có thể hiện đại hơn về quan điểm, sẽ có các tiếp cận gần gũi hơn với Mỹ, nhưng nhóm lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc sẽ vẫn giữ một quan điểm "quyết đoán" trong quan hệ với các nước láng giềng. Chỉ có điều tôi vẫn chưa hình dung sự "quyết đoán" này sẽ được thể hiện cụ thể thế nào.
Tôi nghĩ tình hình bây giờ còn phức tạp hơn thời kỳ chiến tranh lạnh, bởi có sự thay đổi một vài tay chơi chính..