Sự trở lại của “cố nhân" (Câu chuyện thứ 3)
Câu chuyện về quá trình làm một bộ phim kể về Việt Nam, liên quan đến một cựu chiến binh Mỹ từng bị bắt giam tại Hoả Lò. Người đó về sau trở thành đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam: ông Pete Peterson.
Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: Pete Peterson, một phần nhờ dư luận lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ sau khi bộ phim “Our Man in Hanoi” (Người của chúng ta ở Hà Nội) phát trên Kênh Truyền hình CBS News vào khoảng tháng 3/1997, cuối cùng đã vượt qua thử thách tại Quốc hội Hoa Kỳ.
|
Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chọn ông Pete Peterson, Hạ nghị sĩ Liên bang của bang Florida, làm đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng việc bổ nhiệm này lại cần có sự thông qua của Thượng viện Mỹ do Đảng Cộng hoà chiếm đa số.
Lúc đó, một số thượng nghị sĩ không muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam, đã kịch liệt chống lại việc cử ông Peterson làm đại sứ. Bởi họ hiểu rằng ông Peterson sẽ là người đóng góp vào việc đặt những viên gạch tiếp theo trong quan hệ vừa mới được bình thường hoá giữa hai cựu thù.
Trước đó, sau khi trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1991, ông Pete Peterson đã đưa ra những bài học rút ra từ cuộc chiến đối với lợi ích của nước Mỹ và kêu gọi đóng góp xây dựng lại một đất nước đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Khi mọi sự còn chưa ngã ngũ trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước còn chưa suôn sẻ, mọi động thái, cử chỉ đều bị “soi” dưới nhiều lăng kính, thì một bộ phim dài khoảng 60’ mang tựa đề “Our Man in Hanoi” (Người của chúng ta ở Hà Nội) phát trên Kênh Truyền hình CBS News vào khoảng tháng 3/1997 đã được dư luận Mỹ đánh giá là "có một ý nghĩa rất tích cực".
Một số người phản đối ông Peterson hoàn toàn có thể “lập luận” rằng một con người với một quá khứ không mấy vui vẻ như vậy ở Việt Nam rất dễ mang mặc cảm cá nhân đó trong suốt quá trình thực hiện “mission” (nhiệm vụ) của mình trên đất nước này. Vô hình trung, điều đó sẽ cản trở sự tiến triển trong quan hệ giữa hai nước.
Một số khác lại có thể dùng chuyện ông bị bắt làm tù binh làm cái cớ để cho rằng “chẳng may trong khi bị giam giữ ông đã bị mua chuộc thì sao?”, và nếu vậy, trên cương vị đại sứ, ông sẽ không hành động vì quyền lợi nước Mỹ.
|
Bộ phim tài liệu về ông Peterson đã giúp trả lời rất nhiều câu hỏi cho cử tri và những nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó có các thành viên Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ - những người (sau đó chừng 1 tháng) trực tiếp bỏ phiếu khẳng định sự bổ nhiệm này .
“Our Man In Hanoi”
Bộ phim của CBS News kể lại cuộc đời của ông Peterson từ trước khi tham gia quân ngũ, sang Việt Nam bị bắn rơi và bắt làm tù binh, nỗi vui mừng khi gặp lại người thân trong lễ trao trả tù binh, việc bắt đầu lại cuộc sống bình thường sau khi giải ngũ với cương vị một ông giáo, rồi một nhà kinh doanh máy tính, trước khi trở thành một chính khách chuyên nghiệp.
Trong con mắt của khán giả Mỹ, hình ảnh của ông Peterson đã hiện lên như một sĩ quan có trách nhiệm cả trong chiến trận lẫn khi bị bắt làm tù binh và một nhà chính khách đầy bản lĩnh đã vượt qua chính mình với kỷ niệm không mấy vui vẻ đó để góp phần vào việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với những người đã từng bắn hạ và giam cầm mình.
Một điều khác biệt của bộ phim tài liệu này là tuy nói về “Our man In Hanoi” nhưng cảnh quay ở Việt Nam lại không có nhân vật chính vì lúc đó ông đang phải chờ Thượng viện Mỹ phê chuẩn nên không được phép sang đây với đoàn làm phim.
Chính vì vậy, đoàn làm phim đã phải vất vả thêm rất nhiều trong cố gắng tìm kiếm những đoạn phim tư liệu cũ về các tù binh Mỹ trong đó có viên cựu phi công Peterson trong thời gian bị giam giữ ở Hoả Lò.
Các nhà làm phim đã khai thác được những thước phim tư liệu quí báu ở Việt Nam như cảnh sinh hoạt trong tù ra sao, tù binh Mỹ đón Noel và Lễ Tạ ơn tại “Hanoi Hilton” như thế nào. Khán giả Mỹ còn được thấy cả những con gà tây truyền thống với người phương Tây trong những buổi lễ đó.
Sau này, khi gặp lại Vũ Bình với tư cách phiên dịch cho một nhà lãnh đạo Việt Nam trong một cuộc tiếp xúc, và nghe anh tự giới thiệu đã tham gia thực hiện bộ phim, mắt ông Đại sứ Peterson chợt sáng lên. Ông tươi cười nói với anh: “Bộ phim đó quả là đã giúp tôi được dễ dàng thông qua ở Thượng viện”.
|
“Bản thân những nhà làm phim Mỹ rất bất ngờ và xúc động khi nghe tôi kể rằng mỗi tháng một người dân Hà Nội thời kỳ đó chỉ được cấp mười mấy cân gạo theo sổ và mấy lạng thịt theo phiếu, trong khi đó khẩu phần lương thực và thực phẩm của tù binh Mỹ lại được bảo đảm ở mức cao nhất có thể được”, Vũ Bình kể.
Để có những thước phim quý giá này, nhiều lúc Vũ Bình phải đến trình bày trực tiếp với một lãnh đạo cao cấp của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam về nội dung cuốn phim, những trục trặc khi thực hiện, và ý nghĩa của nó đối với tiến trình bình thường hoá quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Hoa kỳ. Nhà lãnh đạo quân sự cao cấp này sau đó có viết thư cho Bảo tàng Quân đội và Viện Tư liệu Phim Quân đội, yêu cầu họ giúp giải quyết một số vấn đề về tư liệu trực tiếp liên quan đến ông Peterson.
Trong khoảng 10’ của bộ phim quay ở Việt Nam có đoạn phỏng vấn ông Nguyễn Văn Chộp và một cựu dân quân nữa đã cùng bắt ông Peterson khi máy bay của ông bị bắn hạ. Họ đã kể lại một cách rất sinh động câu chuyện ngày xưa, nhất là việc họ đã phải cố sức ngăn những người dân, vốn đang hừng hực lòng căm thù vì bom Mỹ thả xuống quê hương và giết chết người thân của họ, lao vào định đánh cho chết viên phi công Peterson.
Trả lời câu hỏi “Với tư cách là một cựu dân quân ông nhìn nhận quan hệ hai nước thế nào, và với thiệt hại lớn lao của cuộc chiến tranh như thế này ông sẽ đón tiếp ông Peterson khi ông ấy sang đây làm đại sứ ra sao?”,
ông Nguyễn Văn Chộp đã có những câu nói rất hóm hỉnh: “Ngày xưa bắt được ông ấy tôi rất mừng và tôi mãi tự hào vì thành tích bắt sống được một phi công Mỹ. Còn nếu ông ấy được cử sang đây làm đại sứ thì tôi lại càng tự hào hơn vì tôi đã từng bắt sống được một ông đại sứ, nhưng tôi rất sẵn sàng trở thành bạn bè, anh em với ông ấy!”.
Khi sang Việt Nam nhậm chức ông Peterson có mời ông Chộp đến tư dinh của mình “uống rượu” mừng ngày tái ngộ. Sau này, mỗi khi nhắc đến ông Đại sứ Peterson, ông Chộp lại toét miệng cười: “Thằng em tôi đấy!”
Sau đó ông Peterson đã nói: “Lúc đó rất có thể tôi đã bị giết, nhưng rất may là có những người ngăn lại, và tôi vô cùng biết ơn vì điều đó!”
|
Những người dân cùng làng với ông Chộp ở Hải Dương khi được hỏi cũng bày tỏ sự vui mừng nếu ông Peterson được cử làm đại sứ Mỹ tại Việt Nam và tin tưởng rằng một người như ông Peterson chắc chắn dám bỏ qua quá khứ để hướng tới tương lai.
Thông điệp từ Việt Nam
“Tôi nói với họ nên quay cảnh đồng quê yên ả dưới ánh nắng chan hoà với một vài người nông dân đang làm công việc đồng áng để thể hiện Việt Nam là một đất nước thiết tha với hoà bình để có thể yên ổn làm ăn, và hình ảnh sẽ thay cho lời bình trong việc chuyển thông điệp”, Vũ Bình nhớ lại.
Anh với đạo diễn bộ phim này là Michael Gavshon đã từng cộng tác trong bộ phim “Sáng kiến cựu binh” trước đó kể về sáng kiến của cựu binh Mỹ trong việc cung cấp thông tin giúp ta tìm hài cốt các liệt sĩ, nên vai trò đồng đạo diễn của anh trong bộ phim này hầu như là mặc nhiên. Gợi ý này của anh được chấp nhận ngay.
“Do ý tưởng gặp nhau, nên khác với những bộ phim tôi tham gia trước đây tôi với những nhà làm phim Mỹ hầu như không phải tranh luận gì cả mà chỉ cố làm sao bàn cách thể hiện ý tưởng một cách hiệu quả nhất”, Vũ Bình mỉm cười.
Tuy vậy vẫn có những khác biệt về văn hoá và tâm lý mà anh phải giải thích khá cặn kẽ với Michael Gavshon, chẳng hạn như khi chọn cảnh quay để thể hiện nước Việt Nam đang rất gặp khó khăn về kinh tế.
Đầu tiên, đạo diễn Mỹ định chọn những cảnh sinh hoạt lam lũ của người dân, nhưng theo quan điểm của Vũ Bình, những cảnh đó dễ gây phản cảm với người Việt Nam vì họ nghĩ người nước ngoài bôi bác họ, và như vậy hiệu quả sẽ không trọn vẹn đối với cả hai phía, đó là chưa nói đến việc quay phim cũng không hề dễ dàng.
“Tôi bảo Mike là đối với một nước phát triển ở trình độ cao như Mỹ không thiếu gì cách để khán giả hiểu được sự khó khăn của Việt Nam, chẳng hạn hãy chọn cảnh người nông dân Việt Nam dùng tay quay cối xay lúa trong khi ở Mỹ thì người ta đã dùng máy xay từ bao nhiêu thập kỷ nay rồi”, Vũ Bình nhớ lại.
Khi gửi cuốn băng về bộ phim cho Vũ Bình với lời cảm ơn, Mike Jackson có viết: “Không ngờ hình ảnh người phụ nữ nông dân bên chiếc cối xay với sự uyển chuyển của đôi cánh tay và cả thân hình đang chuyển động như trong một vũ điệu lại gây hiệu quả lớn như vậy. Nhiều người sau khi xem cảnh này trong phim đã nói với tôi là họ sẽ sang Việt Nam du lịch”.
Và một hình ảnh mới về Việt Nam được quay trực tiếp tại Việt Nam đã được giới thiệu đến công chúng Mỹ từ những tháng ngày như vậy.
- Hoàng Ngọc
Khi chuẩn bị cho Diễn đàn “Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ: Con đường đi tới” , thay mặt cho Hội Việt - Mỹ, Vũ Bình đã thuyết phục được ông Peterson tham gia (vì có lúc ông đã có ý định từ chối vì chuyện này hay chuyện khác).
Khi đến Hà Nội và được thông báo về chương trình, bà Peterson (Vi Lê) có phàn nàn với anh: “Chúng tôi cứ tưởng ông nhà tôi chỉ đến đây đọc tham luận, hay cùng lắm là tham gia hết buổi sáng thôi, ai ngờ anh lại bắt tội ông ấy phải chủ toạ thảo luận cả một ngày, rồi dự cả Gala Dinner nữa”. (Ông Peterson đến Việt Nam ngoài việc dự diễn đàn còn kết hợp thực hiện thêm một chương trình riêng nữa).
Vũ Bình cảm nhận lời trách “thân mật” này đồng nghĩa với sự nhận lời và sự khẳng định cho mối quan hệ giữa anh và ông Peterson.
Tại diễn đàn, ông Peterson đã thể hiện rất tốt vai trò chủ toạ của mình và nhóm của ông thảo luận rất sôi nổi, đóng góp được nhiều ý kiến hữu ích cho việc thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ nói chung và cho chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải nói riêng.
|
Câu chuyện thứ 4: Cái bắt tay trên chiến trường xưa...
Vi