Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Tầm nhìn tham vọng, chính sách khiêm tốn


 Mục tiêu công nghiệp hóa vào 2020: Tầm nhìn tham vọng, chính sách khiêm tốn (Phỏng vấn GS Kennichi Ohno) (05/04/2009)
 
GS. Kennichi Ohno
 Những năm gần đây, có hai chuyên gia tư vấn nước ngoài làm việc tại Việt Nam được nhiều người biết đến. Đó là giáo sư (GS) David Dapice, đến từ Mỹ, cùng nhóm Harvard của ông, và GS Kennichi Ohno, đến từ Nhật, với Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF). Nhìn vào cách làm của họ có thể nhận xét rằng: Nhóm của giáo sư David Dapice chọn cách tư vấn từ chính quyền địa phương, những nơi lãnh đạo ở đó có mong muốn thay đổi, để đạt những kết quả cụ thể, trước khi hướng sự chú ý lên cấp cao hơn. Trong khi đó, GS Kennichi Ohno cùng các cộng sự của mình ngay từ đầu đã cố gắng đưa tư vấn thẳng vào cấp lãnh đạo ở cấp cao trong việc hình thành chiến lược công nghiệp, và xây dựng một mối quan hệ đối tác chiến lược trong công nghiệp, chủ yếu là các ngành công nghiệp lắp ráp.
Theo thừa nhận của chính GS Kennichi Ohno, đồng nghiệp người Mỹ của ông dường như đã đi đúng hướng khi mà vào đầu năm 2008, các thành viên Chính phủ trong quá trình tìm kiếm giải pháp chống lạm phát đã trực tiếp lắng nghe những phân tích, và có lẽ, phần nào đó tiếp thu những khuyến nghị của nhóm này.
Tuy nhiên, với việc hai nước Việt nam, Nhật Bản chính thức ký Hiệp định Đối tác kinh tế (EPA) với phần phụ lục là triển khai một số đề án, trong đó có việc phát triển công nghiệp phụ trợ, sự kiên nhẫn sau gần hai thập kỷ ở Việt Nam của GS Kennichi Ohno có vẻ như đã được đền đáp.
Tạp chí ĐTNN đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh đề án này.

ĐTNN: Thưa giáo sư, hẳn ông đã thấy hài lòng khi EPA đã được ký kết?
GS Kennichi Ohno: Có thể nói như vậy nếu xét những gì chúng ta đã đạt được cho đến bây giờ, đặc biệt là trong năm 2008. Hai bên đạt được thỏa thuận này, chúng ta cũng phải kể đến vai trò của Đại sứ Sakaba, người đặc biệt quan tâm đến công nghiệp phụ trợ.
 
 Trước khi sang Việt Nam đầu năm ngoái, ông ấy có đến gặp tôi. Tôi có đưa cho ông xem một số tài liệu của VDF về công nghiệp phụ trợ, và nói rằng nó trở nên rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Sau đó, chỉ trong vòng 6 tháng, đã có gần chục cuộc gặp nội bộ tài nhà riêng Đại sứ Nhật tại Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia Nhật, và thỉnh thoảng có sự góp mặt của các chuyên gia, hay quan chức Việt Nam. Hai vị Phó thủ tướng Chính phủ là ông Hoàng Trung Hải và ông Nguyễn Thiện Nhân, cũng như Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đều có sự quan tâm khá đặc biệt. Đề án phát triển ngành công nghiệp phụ trợ đã được thúc đẩy từ phía Việt Nam sau những cuộc gặp này.      
 
Nhưng đó mới chỉ là thỏa thuận nguyên tắc bước đầu. Con đường đi còn rất dài phía trước, một khi Việt Nam vẫn chưa xác định rõ sẽ phát triển những ngành công nghiệp ưu tiên như thế nào. Có quá nhiều ngành công nghiệp được tuyên bố là ưu tiên phát triển, tức là chẳng có ngành nào được đặc biệt ưu tiên.
 
Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện nay vẫn dậm chân tại chỗ sau nhiều năm. Ông có nghĩ rằng Đề án phát triển công nghiệp phụ trợ nói trên sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam? Hay Việt Nam có nên xem lại kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô của mình?
   
Một câu hỏi rất hay. Các nhà sản xuất ô tô như Honda, Toyota, hay Ford đang rất lo ngại bởi lộ trình giảm thuế của AFTA/ASEAN. Họ không chắc là đến năm 2018, ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam có thể đủ lớn để cạnh tranh được với xe giá rẻ từ Thái Lan, hay Indonesia tràn vào. Trong bối cảnh hạ tầng giao thông kém phát triển như hiện nay, rồi những qui định về hạn chế ô nhiễm, ở Việt Nam người ta vẫn chưa thống nhất được với nhau là ngành công nghiệp này có lợi hay có hại.
 
Nếu Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô một cách nghiêm túc, họ phải dừng ngay việc gây cản trở ngành công nghiệp này bằng việc đưa ra những chính sách thiếu tích cực như hiện nay. Họ phải có một nỗ lực rất lớn để có thể cạnh tranh được với Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, và thậm chí Hàn Quốc, bởi những nước này đang có lợi thế rất lớn là sản xuất qui mô lớn, hệ thống cung ứng lớn và máy móc đã khấu hao gần hết. Việt Nam không thể cứ máy móc đi theo họ, mà phải tìm được khe hở trong thị trường, tức là tìm ra sản phẩm nào đó mà các nước kia không sản xuất.
 
Ngay từ năm 1996, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Nomura đã chỉ ra rằng hai sự lựa chọn cho Việt Nam. Thứ nhất, chọn một số loại phụ tùng nào đó mà Việt Nam có lợi thế phát triển, và cung ứng cho Toyota, hay Honda, hay Nissan, toàn cầu. Thứ hai, là tập trung chuyên sản xuất một chủng loại xe duy nhất nào đó mà chưa ai để ý. Thái Lan đã thành công với việc sản xuất loại xe pick-up, Indonesia với loại xe du lịch loại nhỏ, Ấn Độ chỉ tập trung sản xuất mini-car với giá rẻ... Trong khi đó, Nhật tập trung vào những chiếc xe hi-tech đắt tiền.
 
Sau hơn 10 năm, ông có nhận thấy sự chuyển biến trong tư duy của các nhà hoạch định ngành công nghiệp ô tô không?
 
Khi tôi mới sang đây, Hà Nội chỉ có một vài khách sạn tử tế và có ít ô tô chạy trên đường. Nay thì Hà Nội có rất nhiều khách sạn 5 sao, và ô tô chạy đầy đường. Nhưng dường như tư duy của các nhà hoạch định chính sách vẫn vậy. Cho đến giờ họ vẫn nói đến những thứ chung chung như phải đưa công nghệ vào, hay kích cỡ thị trường Việt Nam còn nhỏ… Và các cuộc gặp giữa các bộ với hiệp hội các nhà lắp ráp ô tô vẫn chỉ là những màn chỉ trích qua lại về khả năng phát triển của ngành này. Tất cả những điều trên chỉ giúp tôi ngày càng tin rằng phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam là chuyện cực kỳ khó khăn.     
 
Chính phủ Việt Nam có một tầm nhìn rất tham vọng đến 2020 là biến Việt Nam thành một nước công nghiệp hóa, có qui hoạch tổng thể, nhưng qui hoạch đó không được các doanh nghiệp, những người trực tiếp thực hiện, ủng hộ, hay nói cách khác thiếu tính khả thi. Qui hoạch tổng thể cho công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ, vì vậy, vẫn còn nằm trên giấy. Không thể nuôi hy vọng cho các nhà lắp ráp nhưng lại bằng cách cứ im lặng ngồi yên được.
 
Theo ông lý do tại sao đến giờ vẫn chưa có chuyển biến gì trong ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam?
 
Việt Nam phản ứng quá chậm. Ở các nước khác, khi có sự cố, các nhà hoạch định chính sách tập trung giới doanh nghiệp, các chuyên gia lại cùng bàn thảo, và cùng nhau đưa ra một gói giải pháp sau ít tháng. Họ cũng có thái độ nghiêm túc tương tự khi giải quyết những vấn đề liên quan đến sản xuất công nghiệp. Việt Nam nên làm như vậy để từ đó kịp thời đưa ra chính sách phù hợp.
 
Ông đã trao đổi những kinh nghiệm này với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam?
 
Có chứ. Có lúc này lúc kia khi có điều kiện là tôi trao đổi nhưng thực sự là tôi chưa có dịp nào nói điều này với các lãnh đạo cấp cao. Người cao nhất tôi gặp mới là chỉ là một thứ trưởng Bộ Công thương thôi. Biết làm sao được!
Huỳnh Phan (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét