Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư - Tạp chí Kinh doanh Uy tín hàng đầu, số: Ngân hàng trước cột mốc 3.000 tỉ đồng, ra ngày 30-11-2009 |
Việt kiều và những rào cản |
Tác giả: Lưu Hương NCĐT 30/11/2009 |
Rào cản thủ tục và thiếu cơ chế theo dõi xử lý kiến nghị là những nguyên nhân chính khiến kiều bào không thể đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước. |
Tại Đại hội Việt kiều toàn thế giới tổ chức ở Hà Nội vào ngày 21-23.11, Thứ trưởng Khoa học - Công nghệ Lê Đình Tiến đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò cầu nối khoa học của các chuyên gia Việt kiều trong thời kỳ hội nhập. “Họ tham gia đóng góp tại các hội nghị về chính sách kinh tế, giáo dục, khoa học - công nghệ, tại các hội nghị chuyên đề, đưa các nhà khoa học trẻ Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài và đưa các chuyên gia quốc tế vào Việt Nam để tăng cơ hội giao lưu tiếp xúc”, ông nói.
Cần đơn giản hóa thủ tục
Giáo sư Vật lý Trần Thanh Vân, Việt kiều Pháp, là một trong những người như vậy. Ông đã giúp Việt Nam tổ chức 6 hội thảo quốc tế về vật lý với sự góp mặt của nhiều tên tuổi hàng đầu thế giới, trong đó có cả những nhà vật lý đoạt giải Nobel. Ông kể: “Có những người tham dự hội thảo lần đầu năm 1993, khi trở lại hội thảo lần thứ 6 vào năm 2006, đã thốt lên rằng diện mạo Việt Nam thay đổi đến ngỡ ngàng.” Dù rất vui và tự hào khi nghe lời nhận xét như vậy, GS. Vân không dám nói với các vị đồng nghiệp nước ngoài là thủ tục để mời họ vào giao lưu, trao đổi với giới vật lý Việt Nam qua ngần ấy năm vẫn không thay đổi là mấy.
“Vẫn khó khăn, phức tạp và kéo dài”, ông nhận xét. Ông cho biết thêm, nếu không có mối quan hệ cá nhân với Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, chắc ông đã chẳng thể tổ chức được cuộc hội thảo nào ở Việt Nam.
Ông cho biết, đối với kiều bào về nước, thủ tục cũng chẳng dễ dàng hơn là mấy, mặc dù về nguyên tắc, kiều bào được kêu gọi về đóng góp cho đất nước trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, tại hội nghị Việt kiều được tổ chức cách đây 4 năm với khoảng 100 đại biểu kiều bào, ông đã kiến nghị đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh. Sau 4 năm, tại đại hội lần này với gấp 10 lần số kiều bào được mời tham dự, ông lại phải nêu lại chính cái kiến nghị ấy.
Kiến nghị thứ hai của ông là làm sao để Việt kiều mua nhà tại Việt Nam dễ dàng hơn. “Đã 8 năm kể từ khi Luật Đất đai cho phép Việt Kiều có công được mua nhà, mà đến này chỉ có khoảng 40-50 người có nhà”, ông nói.
Bản thân GS. Vân cho đến thời điểm đại hội diễn ra vẫn chưa nhận được căn hộ ông đăng ký mua tại TP.HCM. Cách đây 6 tháng, mặc dù ông đã nộp tiền và hoàn tất các thủ tục khác, nhưng cán bộ phường vẫn nhất định bắt nhà khoa học đã 75 tuổi phải chứng minh rằng mình có gốc gác Việt Nam thì mới cho đăng ký. “Bí quá, tôi thuê một công ty luật lo giúp và bây giờ mới xong được phần thủ tục”, ông nói.
“Cho Việt kiều mua nhà rất có lợi cho đất nước, vì nó góp phần thúc đẩy thị trường địa ốc phát triển. Bản thân họ thì thấy quê hương thực sự là nhà của mình”, ông nhận xét.
Còn bà Gia Hòa Ryan, làm cho Hội Từ thiện Việt - Mỹ và có mặt tại Việt Nam suốt 17 năm qua, lại có niềm ưu tư khác. Một trong những công việc của Hội là đưa người Việt Nam sang Mỹ đào tạo, thời hạn ngắn thì một tuần, dài thì hai năm. “Bên trên thì phê duyệt rồi, nhưng ở cấp phường xã luôn đòi chúng tôi phải chi thêm khoản này, nộp thêm khoản kia, mới chịu hoàn tất thủ tục cho các em đi. Làm từ thiện ở Việt Nam mà cực hơn kiếm tiền bên Mỹ”, bà nhận xét.
Cần có cơ chế theo dõi xử lý kiến nghị
Mặc dù vậy, nhiều Việt kiều tham dự đại hội vẫn mong muốn được đóng góp cho đất nước. Hàng loạt các đề xuất được các chuyên gia Việt kiều đưa ra, đặc biệt là trong lĩnh vực Việt Nam rất cần là chuyển giao công nghệ.
Chẳng hạn, ông Đỗ Hữu Mười, cựu Tổng đại diện Tập đoàn Hàng không Snecma/Safran (Pháp) tại Việt Nam, đã đề xuất ngành hàng không Việt Nam nên nâng cấp 2 xưởng bảo dưỡng máy bay ở Hà Nội và TP.HCM, nắm bắt nhu cầu bảo dưỡng máy bay trên thế giới lên tới 45 tỉ USD mỗi năm. Hay Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, lại gợi ý Việt Nam nên phát triển lĩnh vực chế tạo turbin phục vụ cho ngành năng lượng và vận tải.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khu Công nghệ cao TP.HCM, việc chuyển giao công nghệ không được như mong đợi. Từ kinh nghiệm sau 7 năm về nước làm việc, ông đã chỉ ra những khó khăn cũng như những mâu thuẫn về lợi ích.
Thứ nhất, theo ông, chuyển giao công nghệ về nước rất khó khi Việt kiều còn ở nước ngoài. Thứ hai, làm khoa học công nghệ ngay trong nước sẽ đối đầu với các tập đoàn nghiên cứu khoa học công nghệ trong nước sử dụng nguồn ngân sách. Thứ ba là khó tránh được sự đố kỵ trong quan hệ với các nhà khoa học trong nước. Và cuối cùng là các chuyên gia Việt kiều khó tìm được sự hỗ trợ về tài chính của Bộ Khoa học - Công nghệ, cũng như ở cấp sở.
“Phải có tinh thần hợp tác, kiên trì và đoàn kết trên cơ sở tinh thần thi đua yêu nước mới có thể vượt qua được mâu thuẫn kể trên”, ông Khê nói. Ông cũng cho biết thêm, điều ông kỳ vọng nhiều nhất là sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân.
Ngoài việc kiến nghị Nhà nước nên có sự đối xử bình đẳng giữa chuyên gia trong nước và Việt kiều và bảo đảm cho họ được tự do trong hoạt động nghiên cứu, ông đề xuất rằng đề tài nghiên cứu nhà nước không nên chỉ giới hạn đối với các chuyên gia trong nước.
Về vấn đề này, một quan chức Bộ Ngoại giao (xin được giấu tên) có nhiều năm làm công tác Việt kiều nhận xét: “Ai cũng biết để đăng ký được một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước và được cấp kinh phí từ ngân sách, các chuyên gia trong nước phải chạy qua bao nhiêu cửa với khoản nọ khoản kia. Chúng ta để các nhà khoa học Việt kiều cũng phải làm điều tương tự thì còn ra thể thống gì!”.
GS. Vân, cũng như một số chuyên gia Việt kiều khác, đều cho rằng để những kiến nghị của Việt Kiều có thể được xem xét và tiếp thu một cách nghiêm túc, rất cần có một cơ chế theo dõi xem những kiến nghị đó được xử lý ra sao, theo tiến trình nào. “Các chuyên gia khác cũng đồng ý với tôi rằng cần phải nâng cao vị thế và tiếng nói thực sự của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Nếu họ chỉ là một đầu mối tiếp nhận ý kiến thì không có ý nghĩa gì cả”, GS. Vân nói. Và ông nói thêm, ông mong khi đến Đại hội Việt kiều toàn thế giới lần 2, ông không phải một lần nữa lặp lại những kiến nghị lần này
Vai trò cầu nối khoa học của các chuyên gia Việt kiều được nhấn mạnh tại Đại hội Việt kiều tổ chức ở Hà Nội tuần qua.
|
Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011
Việt kiều và những rào cản
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét