Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Quyền nhập khẩu và phân phối của doanh nghiệp nước ngoài


Ngày 06.12.2007, 16:46 (GMT+7)
Vấn đề nổi cộm tại VBF: Quyền nhập khẩu và phân phối của doanh nghiệp nước ngoài
Có lẽ khó tìm được một chính sách nào của một cơ quan chính phủ lại khiến các cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tìm được sự nhất trí cao như vậy trong thái độ phản hồi như thông tư 09 của bộ Thương mại (nay là bộ Công thương), hướng dẫn chi tiết thực hiện nghị định 23 của Chính phủ, liên quan đến quyền nhập khẩu và quyền phân phối của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Sự bức xúc của nhà nhập khẩu nước ngoài
Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra sáng hôm qua ở Hà Nội, các hiệp hội thương mại Mỹ, châu Âu, Úc và cả Singapore đã đồng loạt lên tiếng phản ứng lại những quy định mới trong thông tư này, coi đó là bước đi không phù hợp với cam kết của Việt Nam với quy định của tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Thay vì chỉ được phép bán một chủng loại hàng hoá nhất định cho một nhà phân phối Việt Nam duy nhất (được hiểu là nhà phân phối độc quyền) như thông tư 09 quy định, đại diện các nhà nhập khẩu nước ngoài yêu cầu Chính phủ
Việt Nam cho phép họ có thể bán hàng cho một nhà phân phối hay nhiều nhà phân phối do mình lựa chọn miễn là nhà phân phối đó được phép phân phối các sản phẩm đó trên lãnh thổ Việt Nam, được ghi rõ trong khoản 147 trong bản báo cáo của ban công tác và điều 3.4 của nghị định 23.
Chủ tịch Amcham Christopher Muessel thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng với quy định nhà phân phối độc quyền, Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc ứng xử quốc gia, khi các nhà nhập khẩu Việt Nam không bị sự hạn chế tương tự.
Luật sư Lê Hồng Phong thuộc văn phòng Bizconsult nhận xét: Biểu thuế nhập khẩu hiện hành có tới 97 chương, tương đương với 97 nhóm hàng, trong khi đó nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài kinh doanh nhiều loại hàng hoá khác nhau. Như vậy, họ phải làm việc với rất nhiều thương nhân, rồi phải đăng ký với cơ quan cấp phép. Quá phức tạp!
Cái lý người Việt
Nguyên bộ trưởng bộ Thương mại, Trương Đình Tuyển, trong lễ ra mắt vào đầu năm nay của công ty VDA được chung tay bởi bốn nhà cung cấp và bán lẻ hàng đầu Việt Nam, đã hùng hồn tuyên bố: Trong thương mại hiện nay, ai nắm được hệ thống phân phối, người đó có thể thao túng thị trường và khống chế sản xuất.
Điều đó có thể giải thích vì sao trong quyết định sau cùng trên cương vị bộ trưởng cuối cùng của bộ Thương mại, ông đã cố tình vi phạm cam kết WTO khi hạn chế quyền phân phối trá hình của các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Tuyển giải thích với báo giới: sở dĩ Việt Nam chỉ cho phép doanh nghiệp nước ngoài bán sản phẩm nhập khẩu cho một thương nhân chứ không phải nhiều thương nhân, vì nếu được bán một loại sản phẩm cho nhiều thương nhân, vô hình trung, đã giúp họ thiết lập một mạng lưới phân phối trá hình.
Những người trong cuộc cho rằng đó là cách vụng chèo khéo chống của ông Tuyển, khi đoàn đàm phán của ông đã thất bại trong việc kéo dài lộ trình bảo hộ cho mạng lưới phân phối nội địa còn non trẻ và phân tán. Và chính bộ của ông, do quá tập trung nguồn lực vào đàm phán, đã quên đi việc xây dựng mạng lưới phân phối nội địa nhanh chóng và bài bản.
Tổng thư ký Vasep Nguyễn Hữu Dũng đã nhận xét: Việc thành lập một hệ thống phân phối quốc gia, được coi là xương sống của hệ thống thương mại toàn quốc, lẽ ra là việc của bộ Thương mại. Nhưng trong ngần ấy năm, họ đã không làm được, lại còn bảo việc đó là chuyện của các công ty, tổng công ty, tập đoàn
Giải thích lý luận của mình, ông Dũng đưa ra trường hợp tại sao các tập đoàn, như Co.opMart, đã không phát triển ra phía Bắc. Co.opMart không đặt chân ra Hà Nội, vì Hà Nội không cấp đất cho họ, trong khi vẫn cấp cho Metro, cho Big C. Vấn đề là Hapro muốn tung hoành ở đất này, ông Dũng bật mí và nói thêm rằng khi Nhà nước đứng ra, là 4 anh (Hapro, Co.opMart, Phú Thái và Satra) ngồi với nhau được ngay.
Chuyện được mất
Chủ tịch Auscham Paul Fairhead chia sẻ: Tất nhiên, Chính phủ Việt Nam đang cố tạo điều kiện cho những tập đoàn bán lẻ nội địa lớn như Hapro phát triển, và khi Wal-Mart vào, họ đã có mạng lưới tốt, những vị trí tốt nhất để cạnh tranh. Nhưng người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi, chẳng hạn những mặt hàng phục vụ sức khoẻ mà Úc rất có thế mạnh không thể vào.
Còn bà Anne-Laure Nguyen, thuộc nhóm sản xuất & phân phối của VBF, cho biết các nhà phân phối Việt Nam cũng sẽ chịu tác động của quy định trong thông tư 09, bởi các hợp đồng phân phối hiện tại phải huỷ bỏ nhằm tuân theo yêu cầu mới về nhà phân phối độc quyền. Điều này, theo bà, cũng khiến cho các chuỗi cung ứng trở nên kém linh hoạt và kém cạnh tranh, và người bị thiệt hại không chỉ bao gồm người tiêu dùng, mà cả các nhà sản xuất và xuất khẩu, bởi giá trị nguyên liệu thô và các phụ tùng sẽ chịu tác động tiêu cực.
Nguyên tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, Vũ Duy Khiên đã từng lập luận tại hội nghị thương mại, diễn ra gần nửa năm trước khi thông tư 09 này ra đời, là Chúng ta cứ nói mãi về chuyện giải quyết nguyên liệu cho ngành gỗ, nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày. Nếu cho các công ty cung ứng của nước ngoài vào lập kho bãi để nhập nguyên phụ liệu có phải rẻ hơn hay không?.
Theo ông Khiên, việc mở cho các công ty thương mại nước ngoài vào Việt Nam có thể là thách thức với hệ thống phân phối nội địa, nhưng lại tạo đầu ra cho các công ty sản xuất. Họ vào đây lại mua hàng Việt Nam để bán ra thế giới, tức là xuất khẩu tại chỗ, ông giải thích.
Phó chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Singapore Seck Yee Chung lưu ý Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của Singapore, một quốc gia đã đạt được thành công trong phát triển ngành bán lẻ để thu hút được rất nhiều lượt du khách, trong đó có không ít người Việt, tới mua sắm.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét