Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Cơ hội cho nông sản và dệt may


Ngày 17.09.2008, 16:08 (GMT+7)
Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật
Cơ hội cho nông sản và dệt may
Hôm nay (17.9), Việt Nam và Nhật Bản tiến hành phiên thứ 9 vòng đàm phán hiệp định Đối tác kinh tế (EPA) tại Hà Nội. Trong khoảng thời gian 3 – 4 ngày, cả hai bên đều mong muốn sẽ giải quyết được những bất đồng cuối cùng để có thể ký tắt hiệp định sau 21 tháng đàm phán. Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với thứ trưởng bộ Công thương Phan Thế Ruệ, trưởng đoàn đàm phán phía Việt Nam, về những triển vọng cũng như những thách thức đặt ra
Việt Nam hy vọng sẽ được lợi gì từ những thoả thuận trong EPA?
Lợi ích trông thấy trước mắt là một số mặt hàng đã áp dụng thuế cao sẽ được giảm thuế theo lộ trình, có những cái giảm ngay lập tức. Thuế nhập khẩu dệt may có thể giảm luôn, còn hàng nông sản có thứ thuế giảm ngay, có thứ giảm theo lộ trình 5 – 10 năm.
Ông Phan Thế Ruệ
Theo tôi, những mặt hàng có thể tăng nhanh kim ngạch vào thị trường Nhật bao gồm sản phẩm dệt may, sản phẩm cơ khí – những thứ mà Nhật đã chuyển sản xuất sang các nước khác, hàng thủ công mỹ nghệ, hoa quả nhiệt đới và thuỷ sản.
Đặc biệt, có những mặt hàng như hoa quả nhiệt đới và một số nông sản chế biến cho tới nay chưa vào được thị trường Nhật do phải qua cả hai hàng rào thuế quan và kỹ thuật, tức an toàn vệ sinh thực phẩm, khi hiệp định có hiệu lực hoàn toàn có thể vào được. Dự kiến theo thoả thuận, Việt Nam và Nhật Bản sẽ phối hợp kiểm dịch động thực vật, một việc từ trước đến nay chưa hề có hợp tác. Tức là hai bên có thể lập trạm kiểm dịch một nơi, có thể là ở Việt Nam, với sự tham gia của chuyên gia hai bên, và hàng hoá khi sang Nhật không phải kiểm dịch nữa.
Thứ hai, nếu hiệp định này được ký kết sẽ là tiền đề cho một hiệp định về xuất khẩu lao động, theo đó hộ lý và y tá Việt Nam có thể sang Nhật làm việc.
Các nước khi đàm phán, ký kết EPA với Nhật đều kêu ca nhiều về quan điểm cứng rắn của Nhật trong việc mở cửa thị trường nông sản. Đối với Việt Nam lần này như thế nào?
Nông nghiệp của Nhật chiếm tỷ lệ rất nhỏ, ở trình độ công nghệ rất cao, và, cũng như các nền nông nghiệp ở những nước công nghiệp phát triển khác, được bảo hộ rất mạnh. Những mặt hàng như gạo, dứa… tức là những gì Nhật sản xuất ra được họ bảo vệ đến cùng. Một số mặt hàng thuỷ sản mà Nhật đánh bắt được thì mình cũng khó vào. Chúng tôi phải “gãi” liên tục, tức là đưa ra những điều kiện khác để “ép” họ.
Chẳng hạn, khi họ yêu cầu mình mở cửa thị trường ô tô, sắt thép…, mình lại phải “rắn”, coi đó là những mặt hàng nhạy cảm của Việt Nam, cũng như gạo, nông sản của Nhật. Hai bên phải nhượng bộ từng cái một, theo kiểu “ông đưa chân giò, bà thò nậm rượu”.
Tại sao lại phải có một hiệp định riêng rẽ về xuất khẩu lao động?
Chúng ta cũng muốn đưa ngay vấn đề xuất khẩu lao động vào hiệp định này, tức là Nhật phải nhận ngay các y tá, hộ lý của chúng ta. Tuy nhiên, cái khó ở đây là ta chưa có trường đào tạo y tá, hộ lý theo đúng tiêu chuẩn của Nhật, tức là phải thông thạo ngoại ngữ, chuyên môn và có tác phong làm việc chuyên nghiệp. Để giải quyết chuyện này, có thể phía Nhật sẽ cho chúng ta vay vốn mở trường đào tạo y tá, hộ lý, theo tiêu chuẩn của họ. Tôi nghĩ chắc là mất 1 – 2 năm mới ký được hiệp định về xuất khẩu lao động.
Tuy không đạt được yêu cầu trước mắt, nhưng tôi nghĩ điều này cũng hay bởi chúng ta có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ có lợi về lâu dài. Bởi tuy đây là một thị trường rất có tiềm năng do số lượng người già cần chăm sóc của Nhật rất lớn, vì tuổi thọ trung bình của người dân Nhật là 83 tuổi, nhưng chúng ta vẫn sẽ phải cạnh tranh với những nước đã có bề dày kinh nghiệm như Philippines, hay Indonesia.
Đổi lại cho những lợi ích trên, Việt Nam phải có những nhượng bộ gì cho phía Nhật?
Trước mắt, các doanh nghiệp Nhật có mặt ở Việt Nam sẽ có lợi, bởi hàng công nghiệp như sắt thép, vật tư, phụ kiện đều được giảm thuế. Hàng hoá do các doanh nghiệp Nhật sản xuất ở Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn, ngay cả trong việc xâm nhập các thị trường khác. Theo tôi, chiến lược của người Nhật là dùng Việt Nam làm bàn đạp tiến sang các thị trường khác, như Myanmar, Lào, Campuchia, hay Ấn Độ. Như vậy, việc này cũng giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sản xuất ở Việt Nam ra thị trường thế giới.
Còn hàng tiêu dùng xuất từ Nhật sang Việt Nam khó có khả năng xâm nhập vào thị trường Việt Nam, bởi hàng của họ là hàng quá cao cấp so với một thị trường có mức thu nhập thấp như Việt Nam. Nhưng hàng tiêu dùng của Nhật sản xuất ở Việt Nam sẽ trở nên rất cạnh tranh. Đây là thách thức không nhỏ với những doanh nghiệp Việt Nam đang cạnh tranh với họ, nhưng lại là cơ hội đối với những doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất của họ.
Trong hiệp định có nói gì đến ngành công nghiệp phụ trợ không?
Chương trình phụ trợ thoả thuận trong hiệp định có cả dệt may, cơ khí, và chế biến thực phẩm. Nhưng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào phía Việt Nam có làm được không. Chẳng hạn đối với dệt may, họ nói thẳng là họ không chấp nhận một công đoạn trong công nhận xuất xứ vì họ sợ mình nhập vải từ nước thứ ba về để may và xuất sang Nhật. Và họ cũng nói rằng Việt Nam cứ phải chấp nhận hai công đoạn, họ sẽ hỗ trợ mình để phát triển ngành dệt may.
Ông có dự báo gì về cán cân thương mại giữa hai nước khi hiệp định có hiệu lực không?
Tôi nghĩ tổng kim ngạch sẽ tăng khá trong những năm tới. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức tranh thủ điều kiện thuận lợi do hiệp định mang lại để tăng xuất khẩu sang Nhật, ít nhất là đảm bảo cân bằng cán cân đã duy trì được từ năm 2002 đến nay.
Xin cảm ơn thứ trưởng.
Huỳnh Phan (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét