Ngày 24.06.2010, 18:40 (GMT+7)
Phòng chống tham nhũng và bộ tiêu chí Việt
Thế là thấm thoát đã hơn ba năm kể từ khi văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương (ban chỉ đạo) ra mắt. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã thông qua luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), phê chuẩn công ước liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng và đề ra chiến lược phòng chống tham nhũng đến năm 2020.
Nguyên chủ tịch UBND quận Gò Vấp (đúng) trả lời thẩm vấn trong vụ Gò Môn. Ảnh: T.L
|
Đó là chưa kể Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng ban cũng đã được ban hành trước khi ban chỉ đạo ra mắt nửa năm.
“So với nhiều nước thể chế phòng chống tham nhũng của chúng ta là tốt, và được quốc tế đánh giá cao”, Chánh văn phòng ban chỉ đạo Vũ Tiến Chiến nhận xét bên lề cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng chống tham nhũng ở cấp quốc gia”, diễn ra tại Hà Nội vào ngày hôm qua 23.6.
Trước khi chủ trì cuộc hội thảo này, ông Chiến đã có dịp đi trao đổi kinh nghiệm với Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ, cũng như lần dự hội nghị phòng chống tham nhũng của 50 nước châu Á và Trung Đông tại Cairo (Ai cập). “Họ chỉ nhắc nhở chúng ta có mỗi một điều rằng quan trọng nhất là hiệu quả của thể chế đó khi đưa vào cuộc sống”, ông Chiến nói tiếp.
Bói quả
Hiệu quả sau ba năm vừa rồi, theo ông Chiến, là “giữa quyết tâm chính trị và hành động còn có khoảng cách đáng kể, chưa đạt được mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng”. Kết quả cuộc điều tra xã hội do Ban Tuyên giáo trung ương vào cuối năm ngoái cũng khẳng định đánh giá của ông Chiến. “Khi được hỏi về tham nhũng so với năm trước, người dân nói cũng không tăng mà cũng không giảm”, ông Chiến dẫn kết quả điều tra.
Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), với những tiêu chí riêng của mình, cũng chia sẻ nhận định này. Thứ bậc của Việt Nam trong bảng xếp hạng của tổ chức này chỉ tăng được ba bậc sau ba năm, và vẫn thuộc nhóm kém minh bạch nhất (từ 123 lên 120 trong số 180 quốc gia).
Chính phủ Việt Nam lại không đồng tình với nhận định trên. Trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2009, chính phủ cho rằng số vụ việc tham nhũng giảm dần, năm sau ít hơn năm trước, và nhiều địa phương đánh giá công tác phòng chốn tham nhũng có chuyển biến tích cực.
Đại diện của cục chống tham nhũng, thuộc Thanh tra chính phủ, khẳng định rằng, cho đến nay, trong các báo cáo công tác phòng chống tham nhũng trước quốc hội, chính phủ không sử dụng kết quả đánh giá, xếp loại của các tổ chức quốc tế làm căn cứ đánh giá. “Đây chỉ là một kênh thông tin tham khảo”, vị đại diện cục chống tham nhũng nói.
Bộ tiêu chí Việt cho người Việt
“Do chế độ chính trị khác nhau, tổ chức nhà nước khác nhau, trình độ kinh tế khác nhau, và trình độ quản lý khác nhau, các quốc gia có cách tiếp cận để đánh giá khác nhau. Mục đích của cuộc hội thảo này là tranh thủ kinh nghiệm quốc tế về nhận định tham nhũng và đánh giá công tác phòng chống tham nhũng”, ông Chiến nói, hàm ý về một bộ tiêu chí Việt, gồm sáu tiêu chí.
Tuy vậy, ông Chiến vẫn thấy băn khoăn về mô hình và tính thực quyền của cơ quan chống tham nhũng. Ông cho biết: “Những nước như Indonesia, hay Hàn Quốc, có ủy ban chống tham nhũng quốc gia. Còn ở Trung Quốc cục phòng ngừa tham nhũng quốc gia nằm trong ủy ban kiểm tra – giám sát.”
Còn Việt Nam có một mô hình rất riêng là ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. “Ban chỉ đạo chỉ có chức năng chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, hay đôn đốc các cơ quan chuyên môn thôi. Ban chỉ đạo là ông nhạc trưởng, chứ không phải anh đánh trống, hay anh thổi kèn”, ông Chiến giải thích.
Có điều, ông Chiến cũng phải thừa nhận rằng đôi khi “chiếc gậy nhạc trưởng” không đủ “uy” để ngăn cái cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Ông dẫn ra ví dụ trong khi bộ công an đang soạn thảo qui chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, thì bộ nội vụ lại đi soạn thảo qui chế khen thưởng cho họ.
“Qua kinh nghiệm ở nhiều nước thì một trong những biện pháp bảo vệ tốt nhất là bảo vệ bí mật cho người tố cáo, mà đã khen thưởng thì khó giữ bí mật. Ở Việt Nam nếu đối tượng bị tố cáo là người có quyền hành, anh ta có thể dùng tổ chức, hay nhiều hình thức khác để trả thù, chứ không cần dùng vũ lực.”, ông Chiến lý giải, và nhận xét thêm rằng phần thưởng lớn nhất đối với người tố cáo không phải là tiền, mà quan trọng là công bằng xã hội và vi phạm được xử lý cho nghiêm.
Khi được hỏi về sự tham gia của ban chỉ đạo vào việc phòng ngừa tham nhũng, cụ thể là trong quá trình hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, ông Chiến đã im lặng. Mặc dù, trong báo cáo đề dẫn của văn phòng ban chỉ đạo nhấn mạnh rằng “hệ thống pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, như đất đai, xây dựng, ngân hàng, thuế, hải quan, khai thác khoáng sản…, có đủ khả năng là công cụ hữu hiệu để phòng ngừa, kiểm soát và chống tham nhũng một cách hiệu quả hay không”, như một tiểu tiêu chí đánh giá quan trọng.
Nhưng giới doanh nghiệp – những người hàng ngày phải đối mặt với vấn đề này – có thể trả lời thay ông Chiến. Ông Lương Văn Lý, chủ tịch kiêm tổng giám đốc hãng tư vấn luật DNL Partners kể rằng, các khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài thường nói với tôi rằng mỗi văn bản pháp qui ra đời đều thấy có những khe hở, hay lỗ hổng. Điều đó, chứng tỏ văn phòng ban chỉ đạo của ông Chiến chưa có đủ thời gian và nguồn lực để theo dõi và kiểm soát quá trình này.
“Nhưng quan trọng hơn, họ đặt câu hỏi rằng những khe hở, lỗ hổng đó ai cũng dễ dàng thấy, mà những người soạn thảo và rà soát để thông qua lại không thấy nhỉ?”, ông Lý hỏi lại người viết bài này.
HUỲNH PHAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét