Việt Nam gia nhập WTO vào mùa thu này
Trong khi chờ Thoả thuận song phương về mở cửa thị trường liên quan đến việc Việt Nam gia nhập WTO được ký kết chính thức, TS
Xin chào mừng bà trở lại Việt Nam. Xin hỏi bà một câu hỏi truyền thống: Bà đáng giá thế nào về thoả thuận song phương sẽ được ký kết chiều nay (31-5)?
- Tôi nghĩ chúng ta đã kết thúc một thoả thuận lớn, nhưng còn một thoả thuận "cả gói" lớn hơn đối với việc Việt Nam gia nhập WTO đang chờ phía trước. Tuy nhiên tôi vẫn hy vọng rằng mọi chuyện sẽ kết thúc suôn sẻ vào mùa thu này.
Trước khi hai bên bước vào vòng đàm phán cuối cùng bà đã khuyến cáo USTR rằng việc áp dụng biện pháp tự vệ liên quan đến dệt may sẽ phá hỏng toàn bộ công sức đàm phán. Lời khuyến cáo đã được lắng nghe, hai bên nói chung đã kết thúc theo cách đó. Thế nhưng thách thức hiện nay là sự phản ứng rất mạnh của các nhà sản xuất dệt may thông qua những tổ chức của họ, và họ đã "đe doạ" sẽ vận động Quốc hội không thông qua PNTR. Bà đánh giá thế nào về thách thức này?
- Phía Mỹ đã biết rằng quan điểm kiên quyết của Việt Nam là không chấp nhận "biện pháp tự vệ" trong dệt may, họ đã tôn trọng điều đó và không ép Việt Nam phải lùi quá cái ngưỡng có thể lùi. Những nhà sản xuất dệt may, vốn đã lobby rất mạnh để bảo vệ quyền lợi của mình, đã tỏ ra không hài lòng với thoả thuận đạt được.
Tôi biết rằng họ sẽ lobby rất mạnh để Quốc hội không thông qua PNTR cho Việt Nam, nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng vấn đề dệt may sẽ không phá được việc trao PNTR cho Việt Nam.
Tại sao bà nghĩ vậy?
- Tôi hoàn toàn tin tưởng như vậy. Chúng ta có thể mất một số phiếu, nhưng sẽ thắng với đa số, khi vấn đề này được đưa ra bỏ phiếu ở hai viện. Câu hỏi lớn nhất không nằm ở đây mà ở vấn đề thời gian. Chính vì vậy Liên minh ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO đang thúc đẩy rất mạnh để cuộc bỏ phiếu PNTR có thể diễn ra trước kỳ nghỉ của Quốc hội vào đầu tháng 8 này, và Việt Nam có thể được kết nạp vào WTO trước Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11.
Chúng ta có rất ít thời gian, mà năm nay lại là năm bầu cử hạ viện, và theo thông lệ thì những vấn đề đối nội được coi trọng hơn đối ngoại. Liệu có khả năng những người chống lại PNTR sẽ lợi dụng cơ hội này để đẩy những vấn đề liên quan đến lợi ích nội bộ vào chương trình nghị sự vốn đã dày đặc của Quốc hội để đẩy PNTR ra?
- Thời gian biểu thực sự là vấn đề đáng lo nhất. Nhưng xét về cán cân lực lượng giữa "phe tích cực" và "phe tiêu cực", chúng ta có thể nhận thấy cán cân lực lượng nghiêng về "phe tích cực". Điều này được thể hiện qua việc có sự ủng hộ của cả hai đảng ở Quốc hội Hoa Kỳ trong suốt hơn 15 năm của quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.
Tất nhiên tuỳ vào tình thế cụ thể mà có thể có sự thay đổi, nhưng ít nhất cho đến bây giờ tôi vẫn chưa nhận thấy có dấu hiệu nào. Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam khác rất nhiều so với quan hệ giữa Mỹ với các nước gia nhập WTO trong những năm trở lại đây.
Như vậy chúng ta có thể bắt đầu quá trình đưa PNTR ra Quốc hội với sự bảo trợ rất mạnh của các nghị sĩ Cộng hoà cũng như Dân chủ, các cựu chiến binh Việt Nam, của những người như tôi, cộng đồng doanh nghiệp, và cả ở các uỷ ban liên quan nữa, không kể tới bên chính quyền. Tôi có thể khẳng định rằng chúng ta có một luận cứ vững chắc, một lực lượng ủng hộ mạnh mẽ cho việc đưa vấn đề PNTR ra thông qua tại Quốc hội.
Tất nhiên chúng ta còn rất nhiều công việc phải làm, nhưng ở mỗi lĩnh vực số người tin rằng thoả thuận vừa rồi và việc Việt Nam gia nhập WTO là có lợi cho nước Mỹ đều chiếm đa số.
Đảng Dân chủ đang muốn giành lại vị trí phe đa số tại Hạ Viện từ tay Đảng Cộng hoà. Liệu những người Dân chủ sẽ ra tranh cử có chống lại quyết định của Tổng thống thuộc Đảng Cộng hoà hay không? Vả lại, mối quan tâm truyền thống của Đảng Dân chủ là vấn đề trong nước, chẳng hạn như việc làm. Khi đánh giá về nền chính trị Mỹ, nguyên nghị sĩ Đảng Cộng hoà Tip O"Neil đã từng nói: "All politics is local" (Cử tri quyết định quan điểm chính trị)?
- Anh phải tin một điều rằng trong suốt quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, những người Dân chủ đóng vai trò tiên phong, từ Tổng thống (Clinton) đến nghị sĩ hai viện. Đừng nghĩ sai về họ, dù năm nay là năm bầu cử.
Liên quan đến những lực lượng chống lại PNTR cho Việt Nam, liên quan đến nhóm "nhân quyền" chúng ta đã thắng áp đảo tại cuộc chơi "Jackson-Vanik" đến mức từ năm 2003 đã không còn cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội liên quan đến quyết định hàng năm của Tổng thống về việc tạm dỡ bỏ tu chính án này. Nhưng khi nhóm "nhân quyền" và nhóm "thua thiệt" theo cam kết của thoả thuận này lại liên kết với nhau thì sao, thưa bà? Chúng ta liệu còn nắm chắc phần thắng không? Thế rồi còn cả những nhóm chống toàn cầu hoá, hay tự do thương mại nói chung, chứ chẳng riêng gì Việt Nam, chẳng hạn như AMTAC (The American Manufacturing Trade Action Council). Họ cũng đã phản ứng dữ dội đối với những gì gây ra mất việc làm ở Mỹ, bất kể đó là thoả thuận vừa rồi với Việt Nam, hay Hiệp định Tự do Thương mại Trung - Mỹ cách đây ít năm?
- Theo tính toán của tôi hai vấn đề kể trên đúng là những gì mà Việt Nam cần quan tâm đặc biệt, nhất là trong hai tháng ngắn ngủi này. Quan điểm của tôi vẫn khá lạc quan. Không phải ai, bất kể ở Mỹ hay Việt Nam, đều hài lòng với mỗi thoả thuận thương mại và muốn chống lại nó, nhưng họ chỉ là thiểu số thôi.
Thế còn sự kiện tuần trước việc bỏ phiếu thông qua bổ nhiệm của Tổng thống Bush với bà Susan Schwab đã bị hoãn lại bởi sự ngăn cản của một thượng nghị sĩ Dân chủ? Liệu đây có phải là dấu hiệu rằng tín nhiệm với Chính quyền ông Bush đang bị giảm sút, và cũng là một trở ngại nữa cho việc thông qua những đề nghị của Tổng thống, trong đó có PNTR bill?
- Cuộc đối thoại giữa Chính quyền ông Bush, USTR với ông Thượng nghị sĩ này vẫn đang diễn ra. Tôi nghĩ rằng đề nghị hoãn bỏ phiếu sẽ được rút lại trong thời gian ngắn thôi.
Quay trở lại với Liên minh Ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO theo sáng kiến của Hội đồng Thương mại Mỹ - ASEAN và Hội đồng Thương mại Mỹ -Việt của bà, cho đến nay Liên minh này đã làm được những gì?
- Chúng tôi đang tìm những nhà bảo trợ cho dự luật này được đưa ra hai viện. Hiện chúng tôi đã tìm được 8 nghị sĩ nhận bảo trợ tại Thượng viện, còn ở Hạ viện thì đang trong quá trình thảo luận, chắc cũng nhanh thôi. Về nguyên tắc để một dự luật được đưa ra xem xét, cần có 1 hoặc hai nghị sĩ bảo trợ là đủ, và trong quá trình đó số người tham gia bảo trợ sẽ tăng lên. Đó là "dự án" quan trọng nhất của Liên minh với 20 đồng chủ tịch, và chúng tôi vẫn tiếp tục vận động để tăng số thành viên của Liên minh lên.
Như vậy lần này vấn đề sẽ được đưa ra Thương viện trước?
- Có thể như vậy. Dự luật này sẽ được đưa ra Thượng viện (cụ thể là Uỷ ban Tài chính) vào tuần đầu, hay chậm nhất là tuần thứ hai sau dịp nghỉ lễ (đến ngày 4/6). Còn việc viện nào thông qua trước lại là chuyện khác, phụ thuộc vào lịch trình và độ phức tạp ở từng nơi.
Một cựu quan chức của Sứ quán Việt Nam tại Mỹ chuyên về quốc hội có nói rằng trong những trường hợp như thế này nếu Thương viện thông qua trước sẽ gây một áp lực nào đó khiến Hạ viện phải nhanh chóng thông qua?
- Đúng vậy.
Liệu Liên minh có thuê lobby không? Tôi thấy có tên của một nhà lobby chuyên nghiệp trong danh sách thành viên?
- Fontheim? Không! Các thành viên sẽ tự lobby thông qua các mối liên hệ (contacts) riêng của mình. Về mặt tổ chức, tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau, cùng trao đổi thông tin và những phương án tiếp theo.
Như vậy chúng ta chủ yếu trông chờ vào sự năng nổ của ông bạn của chúng ta là Andre Sauvageot (Tư vấn cao cấp của Fontheim)?
-Vâng, chúng ta có thể nói rằng đây là người đã tham gia vào quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước từ những ngày đầu tiên cho đến nay. Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng rằng Andre sẽ làm mọi cách mà ông nghĩ ra để thúc đẩy quá trình này. Một volunteer với phong cách và kỹ năng hoàn toàn chuyên nghiệp!
Thế còn phía Việt nam? Bà có nhận xét hay lời khuyên gì không?
-Trong tháng Sáu có rất nhiều đoàn của Việt Nam đến Washington. Để cho Quốc hội Mỹ được nghe tiếng nói trực tiếp từ Quốc hội Việt nam là điều hết sức quan trọng. Đến tháng 7 Quốc hội Mỹ, khi bỏ phiếu, sẽ phải nhận thức được rõ ràng rằng điều này thực sự có lợi cho nước Mỹ, và Quốc hội Việt Nam cũng vậy.
Bà có nghĩ rằng những người "thua thiệt" ở Việt Nam do cam kết mở cửa thị trường cũng nên "lên tiếng" tương tự như những người "thua thiệt" ở Mỹ do quota dệt may bị dỡ bỏ, bởi đó cũng là một "đối trọng" về dư luận có lợi cho PNTR?
-Thứ nhất, không đáng lo về việc này. Mất việc làm hiện tại sẽ được bù bằng những cơ hội việc làm mới do đầu tư sẽ tăng nhanh, số doanh nghiệp được thành lập mới sẽ nhiều, việc làm sẽ nhiều hơn. Luận cứ của những người được coi là thua thiệt ở Mỹ chắc cũng khó biến nó thành sự thật bởi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ lắm, và cũng khó tăng nhanh. Còn việc đối trọng như anh nói, tôi không biết rõ lắm. Nhưng tại sao không thử nhỉ?
Theo bà, cuộc bỏ phiếu thông qua PNTR ở Quốc hội sẽ diễn ra vào thời điểm nào?
-Thời gian khả thi nhất là nửa sau của tháng 7. Đó cũng là mục tiêu của Liên minh chúng tôi.
Lần này bà có ghé Hà Nội không?
-Không. Tôi rời thành phố HCM vào tối mai. Có một núi việc đang chờ tôi ở nhà.
Xin cám ơn bà!
Huỳnh Phan (thực hiện)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét