Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Với bên ngoài và bên trong đều lỏng lẻo


Ngày 26.05.2010, 09:58 (GMT+7)
Hợp tác sử dụng và bảo vệ nguồn nước
Với bên ngoài và bên trong đều lỏng lẻo
Hội thảo khoa học quốc tế “Đập và phát triển nguồn nước bền vững”, trong khuôn khổ hội nghị Uỷ hội đập lớn thế giới (ICOLD) lần thứ 78, khai mạc sáng hôm qua, 25.5 tại Hà Nội. Trước giờ khai mạc, GS.TS Phạm Hồng Giang (ảnh), chủ tịch hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD), trả lời phỏng vấn Sài Gòn Tiếp Thị.
Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2010, đang cố gắng đưa vấn đề giải quyết tranh chấp ở Biển Đông vào nghị trình các diễn đàn khác nhau của ASEAN trong năm nay. Vậy, vấn đề gì được VNCOLD, với tư cách chủ nhà hội nghị ICOLD 78, ưu tiên đưa vào chương trình?
Vấn đề trọng tâm của hội nghị quốc tế lần này vừa là vấn đề thời sự trên thế giới, vừa là mối bức xúc của chúng ta. Đó chính là tiêu đề của hội nghị “Đập, nguồn nước và phát triển bền vững”.
Không nước nào có nguồn thuỷ năng mà lại bỏ phí cả. Vấn đề làm sao phải hài hoà các lợi ích.
Hội thảo này là hội nghị khoa học, nên mục đích chính không phải là phê phán, chỉ trích, mà chỉ đưa vấn đề ra phân tích một cách toàn diện và khoa học nhất. Chúng tôi không hy vọng có sự đồng thuận quan điểm, nhưng ít nhất có những khuyến cáo mang tính khoa học được chuyển tải tới các nhà hoạch định chính sách ở các nước. Theo quan điểm của Việt Nam, phải đạt được sự cộng tác, hợp tác về nguồn nước trong tổng thể hợp tác chung.
Hai hội đập lớn Việt Nam và Trung Quốc có cuộc gặp song phương bên lề hội nghị không?
Không. Tuy chúng tôi có quan hệ chính thức với nhau từ năm 2008, nhưng chủ yếu vẫn là trao đổi học thuật. Họ đã mời chúng tôi thăm đập Cảnh Hồng vào năm 2005. Đó là lần duy nhất cho tới nay.
Việc chia sẻ và đảm bảo hài hoà lợi ích trên các dòng sông quốc tế có được tập trung bàn kỹ không?
Tiểu ban bảo vệ và phát triển nguồn nước, một trong tám tiểu ban tại hội nghị, sẽ tập trung thảo luận sâu về chủ đề quy hoạch, trong đó có những tham luận đề cập tới lưu vực sông Mekong.
Việt Nam được cảnh báo là một trong năm nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Vì vậy, trong các báo cáo tại hội thảo có 7 – 8 báo cáo về sông Mekong, đặc biệt là về tác động của nước biển dâng với đồng bằng sông Cửu Long, của uỷ ban sông Mekong Việt Nam, và của các nhà khoa học.
Chủ tịch hội Đập lớn Hà Lan nói cách duy nhất để tìm kiếm sự hài hoà lợi ích giữa các nước thượng nguồn và hạ nguồn sông Mekong là uỷ hội Mekong quốc tế phải tìm cách mời bằng được Trung Quốc tham gia với tư cách thành viên. Việt Nam và các nước có nỗ lực mời Trung Quốc?
Tôi có thời gian khá dài, đến mười năm, làm phó chủ tịch uỷ ban sông Mekong Việt Nam, và uỷ viên hội đồng cấp cao uỷ hội Mekong quốc tế. Năm nào mà chúng tôi chẳng mời Trung Quốc tham gia. Họ không hề thể hiện sự quan tâm tới uỷ hội Mekong quốc tế, đặc biệt là liên quan tới chủ đề thể chế, bảo vệ môi trường lưu vực sông Mekong. Họ hầu như không hồi âm lời mời của chúng tôi.
Riêng đối với việc sử dụng nguồn nước hài hoà, hiệu quả, và hợp lý trên lãnh thổ Việt Nam, sự phối hợp giữa tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với tư cách nhà sản xuất điện, bộ Công thương (MOIT), với tư cách nhà hoạch định chính sách phát triển thuỷ điện, và VNCOLD, với tư cách tổ chức điều hoà các lợi ích, có thường xuyên và chặt chẽ không?
Rất ít phối hợp chính thức. Có chăng chỉ là giữa các chuyên gia của EVN và MOIT với chúng tôi trong những vụ việc cụ thể.
Sự hợp tác giữa VNCOLD và bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là chặt chẽ, bởi họ cần chúng tôi giúp đánh giá, phản biện, hay tìm những phương án sử dụng nguồn nước hợp lý nhất. Nói chung, họ tìm thấy lợi ích từ hội của chúng tôi, bởi mỗi cái đập được xây dựng lên ảnh hưởng trực tiếp tới chính họ. Còn EVN và MOIT chắc không thấy có lợi ích đó, thậm chí là ngược lại.
Đã có văn bản pháp quy nào quy định trước khi quyết định một dự án đầu tư thuỷ điện, cần có tham vấn với các nhà chuyên môn, như hội đập lớn không?
Có chứ, nhưng là ở nước ngoài. Còn ở Việt Nam thì chưa.
HUỲNH PHAN (THỰC HIỆN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét