Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư - Tạp chí Kinh doanh Uy tín hàng đầu, số: Cơ hội đầu tư nhà thuốc GPP, ra ngày 21-06-2010 |
Nhà đầu tư Mỹ trở lại |
Tác giả: Huỳnh Phan NCĐT 21/06/2010 |
Việt Nam hiện đã nhảy lên nhóm 3 địa chỉ hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Mỹ, sau Trung Quốc và Ấn Độ. |
Nhịp Cầu Đầu Tư đã trao đổi với ông Fred Burke, Giám đốc hãng luật và tư vấn Baker McKenzie Vietnam, xung quanh sự kiện đoàn doanh nghiệp Mỹ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam và triển vọng thu hút đầu tư vào Việt Nam, nhất là từ Mỹ.
Ông nghĩ thế nào về việc 23 tập đoàn, công ty của Mỹ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Đó có phải là dấu hiệu kinh tế Mỹ đã bắt đầu phục hồi và doanh nghiệp Mỹ tìm được nguồn tín dụng để đi đầu tư?
Rõ ràng là như vậy. Cách đây 1 năm rưỡi - 2 năm, khi khủng hoảng bùng ra, mọi thứ đều bị cắt để tiết kiệm tiền. Có những dự án lớn ở Việt Nam đã bị hoãn lại. Còn hiện nay tình hình có đổi khác, các nhà đầu tư Mỹ đã trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, có hai loại nhà đầu tư: đầu tư tài chính và đầu tư sản xuất.
Tôi vẫn nghĩ rằng các nhà đầu tư tài chính chưa vội vàng quay lại đâu, bởi thị trường chứng khoán Việt Nam khá ảm đạm. Họ có thể đầu tư vào trái phiếu ở Ý, có lời hơn nhiều.
Còn các nhà sản xuất, như trong lĩnh vực điện tử, nhu cầu thị trường đã phần nào hồi phục. Họ sẽ vào nếu ở đây mọi người không cố gắng làm rối rắm mọi thứ lên với các thủ tục, quy định mới và nhất là khắc phục nhược điểm về nguồn nhân lực.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn tới?
Việt Nam hiện đã nhảy lên nhóm 3 địa chỉ hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Mỹ, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Riêng trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đang trở nên cạnh tranh hơn. Vì hiện nay Trung Quốc đang gặp phải 2 bất lợi lớn. Thứ nhất, đồng nhân dân tệ có xu hướng dần dần tăng giá dưới sức ép của Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Thứ hai, giá nhân công ở Trung Quốc cũng ngày càng tăng.
Việt Nam không chịu sức ép phải tăng giá đồng tiền, bởi tuy Mỹ là nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng thị phần xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ quá nhỏ.
Thông qua việc tiếp xúc với khách hàng, tôi được biết dường như đang có một làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực chế tạo. Trong 5 năm trở lại đây, đầu tư vào Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, dịch vụ, hoặc gia công về công nghệ. Còn hiện nay, xu hướng đầu tư mới là vào lĩnh vực chế tạo và như thế sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Ông nghĩ thế nào về việc ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ Ex-Im Bank vừa quyết định khoản tín dụng nửa tỉ USD để các công ty Mỹ có thể bán thiết bị sang Việt Nam?
Khó đoán lắm, bởi tôi ngồi ở đây, chứ không phải Washington, nơi quyết định này được đưa ra. Nhưng có một điều tôi có thể nói chắc chắn: Đó là tín hiệu tốt, bởi Ex-Im Bank đánh giá Việt Nam có đủ độ tín nhiệm để nhận khoản tiền này.
Cách đây 5 năm, vị trí của Việt Nam đối với các nhà đầu tư Mỹ là như thế nào? Và ông lý giải thế nào về việc Việt Nam đã lọt vào nhóm 3 nước thu hút đầu tư nhất đối với Mỹ?
Tôi nghĩ trong nhiều năm liền Việt Nam nằm ở nhóm 5 nước hấp dẫn đầu tư nhất. Có được vị trí đó là vì, tuy Việt Nam có những thăng trầm trong quá trình phát triển, nhưng những thăng trầm trên thế giới còn tệ hơn. Còn việc nhảy lên vị trí thứ 3 là do những nước như Thái Lan gặp phải khủng hoảng nặng nề về chính trị.
Thế nhưng tại Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam vừa rồi, đại diện các cộng đồng đầu tư đều nói rằng quá trình cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, đặc biệt với những nút nghẽn như đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng và cải cách thủ tục, diễn ra quá chậm. Điều đó khiến người ta có thể nghi ngờ về nhận xét của ông, ông nghĩ sao?
Anh phải hiểu đó là diễn đàn cho chúng tôi nêu lên tất cả các kiến nghị để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Vì vậy, đến đó chắc chắn chỉ nghe thấy những lời phàn nàn. Còn nhà đầu tư thì nhìn vấn đề rộng hơn. Họ có tiền và họ muốn đầu tư. Nếu không tìm được nơi tốt nhất, họ sẽ tìm nơi ít xấu nhất (cười).
Hai tháng trước khi xảy ra đảo chính ở Thái Lan, người ta cho rằng môi trường đầu tư ở Thái Lan tốt hơn nhiều. Nhưng sau đó thì khác. Mới đây, có một nhà chế tạo chip bán dẫn lớn của Mỹ, cũng chẳng thua kém gì mấy so với Intel, đã cân nhắc việc đầu tư vào Thái Lan hay Việt Nam và cuối cùng đã quyết định yêu cầu chúng tôi cung cấp đầy đủ các thông tin về Việt Nam cho họ. Tôi nghĩ họ đang xây dựng kế hoạch đầu tư nhà máy ở Việt Nam.
Gần đây, có những khách hàng nào tìm đến ông? Chủ yếu là các nhà chế tạo lớn?
Cả lớn cả nhỏ. Cả chế tạo lẫn đầu tư bất động sản. Có những doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực phần mềm cũng tìm đến chúng tôi, họ muốn tìm đối tác Việt Nam để thuê ngoài.
Ông nhận thấy Việt Nam đã có những thay đổi gì sau hơn 3 năm gia nhập WTO?
Thật khó trả lời. Nhưng nếu nhìn vào sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong 3 năm qua, rõ ràng là tình hình đã có tiến bộ, mặc dù cả thế giới đang khủng hoảng. Và đằng sau những con số xuất khẩu tăng lên là công ăn việc làm được tạo thêm. Tôi nghĩ về phương diện kinh tế vĩ mô, đó là điều đáng khích lệ.
Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một khía cạnh khác. Ở Việt Nam, nhất là cấp các cơ quan chính phủ, người ta có xu hướng nghĩ rằng các quy định của WTO là cái trần và cố gắng chỉ với tay đụng trần là đủ. Chẳng hạn, họ từ chối những dự án về công nghệ rất có ích cho Việt Nam, vì cho rằng trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật và Việt Nam được phép mở cửa theo lộ trình. “Cứ chờ đã”, có những lãnh đạo địa phương nói với các nhà đầu tư như vậy.
Tôi có kinh nghiệm ở Trung Quốc khá nhiều và tôi thấy ông Đặng Tiểu Bình vào giữa những năm 1990 có quan điểm khác hẳn. Ông nói với các quan chức chính phủ và địa phương rằng họ phải đi ra ngoài quan sát, học hỏi thế giới, cái gì tốt thì cứ mang về áp dụng cho Trung Quốc. Trung Quốc từ đó đã làm được cuộc “đại nhảy vọt” thực sự.
Hay một ví dụ khác về chính sách quản lý giá. Có một khách hàng của tôi là một công ty xi măng của Nhật muốn đưa công nghệ mới vào Việt Nam để hiện đại hóa việc sản xuất xi măng, giảm ô nhiễm. Tất nhiên là tỉ suất đầu tư phải lớn và giá bán phải cao thôi. Nhưng nhà đầu tư này đã phải gác dự án đó lại vì chính sách kiểm soát giá của Việt Nam. Mà ai cũng biết, chính điều này đã tạo ra những thị trường chợ đen của các nhà đầu cơ.
Các quan chức ở Bộ Tài chính còn nói rằng quy định của WTO là đối xử công bằng, không ai hơn ai. Nhưng điều đó không có nghĩa là các doanh nghiệp nước ngoài cũng bị đối xử dở như các doanh nghiệp Việt Nam.
|
Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011
Nhà đầu tư Mỹ trở lại
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét