Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Doanh nghiệp nói, ai nghe?


Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư - Tạp chí Kinh doanh Uy tín hàng đầu, số: Sáng - tối thị trường bảo hiểm, ra ngày 19-04-2010
Doanh nghiệp nói, ai nghe?
Tác giả: Lưu Hương    NCĐT 19/04/2010
Để tiếng nói của doanh nghiệp được lắng nghe tại các cuộc họp ASEAN, các hiệp hội nên được chọn là người đại diện, chứ không phải những tập đoàn lớn của Nhà nước.
Trong cuộc họp của Hội đồng Kinh tế ASEAN, diễn ra trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 tại Hà Nội, khi bàn về các biện pháp thúc đẩy sự liên kết kinh tế trong khối, có một kết luận quan trọng được rút ra. Đó là thúc đẩy hơn nữa đối thoại giữa Chính phủ và doanh nghiệp để những cam kết liên kết về kinh tế trong khối này trở nên khả thi hơn. NCĐT đã trao đổi về vấn đề này với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người đã có nhiều năm theo dõi tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam.
Bà đánh giá gì về kết luận trên, nhất là đối với trường hợp của Việt Nam?
Lẽ ra, điều đó phải được đưa ra từ lâu rồi. Chẳng hạn, quá trình đàm phán thương mại của Việt Nam với Trung Quốc, trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc, hầu như giới doanh nghiệp không được mời tham vấn là nên mở cửa đến đâu và với những sản phẩm nào. Các cơ quan xem đó là công việc riêng của mình. Thậm chí, khi đã cam kết rồi lại coi đó là tài liệu mật. Tôi còn nhớ mãi chuyện Việt Nam và Mỹ hoàn tất hiệp định thương mại song phương. Trong khi Mỹ đã công bố hết những cam kết lên mạng thì ở Việt Nam, các văn bản của các bộ liên quan vẫn còn đóng dấu mật.
Nếu có được mời tham vấn thì Chính phủ chỉ mời các doanh nghiệp lớn của Nhà nước. Trong nhiều trường hợp, lợi ích của họ không phản ánh lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Tức quy trình của Việt Nam vẫn là từ trên xuống?
Đúng vậy. Chưa nói đến chuyện quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, ngay giữa các cơ quan liên quan, sự phối hợp với nhau cũng rất yếu, ngành nào biết việc ngành đó. Chẳng hạn, thương mại nông sản thì liên quan đến cả Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tuy nhiên, hai cơ quan này phối hợp không ăn ý, khiến cho hàng nông sản Việt Nam chưa bao giờ đạt được giá trị xuất khẩu cao nhất.
Hoặc hệ thống thuế quan vẫn thể hiện tư tưởng là tận thu cho ngân sách, thay vì có cả chức năng hỗ trợ phát triển. Ở đây, có sự mâu thuẫn giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, liên quan đến cải tiến công nghệ để gia tăng sức cạnh tranh về lâu dài. Xi-măng là ví dụ rõ nhất. Trong một thời gian dài, Việt Nam đã duy trì mức thuế cao, để ngành xây dựng, giao thông phải chịu giá xi-măng trong nước rất cao, thay vì có thể mua xi-măng Thái Lan với giá cạnh tranh. Đó là chưa kể đến vấn đề chất lượng. Các địa phương coi như đã được bật đèn xanh để nhập công nghệ sản xuất xi-măng lạc hậu (công nghệ lò đứng) do Trung Quốc thải ra. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng vì thế mà chỉ lao vào những ngành được Nhà nước bảo hộ như ôtô.
Sau nhiều năm kiến nghị, Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN, kể từ năm 2007, đã được phép đối thoại với lãnh đạo trước mỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN hay Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN. Đại diện Việt Nam trong hội đồng này là một lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện của Ngân hàng Đông Nam Á và Ngân hàng BIDV. Theo bà, họ có đại diện một cách đầy đủ cho lợi ích của doanh nghiệp?
Kể từ lần đầu tiên được mời tham dự cuộc họp của Liên đoàn Các phòng Thương mại và Công nghiệp ASEAN vào năm 1994, tôi nhận thấy, ngoài đại diện của phòng thương mại và công nghiệp các nước, luôn có sự hiện diện của đại diện hiệp hội công nghiệp, đại diện cho các nhà sản xuất.
Ở Việt Nam, tuy VCCI đại diện cho cả các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp, nhưng tiếng nói lớn nhất chỉ đến từ các tổng công ty lớn của Nhà nước. Vì vậy, nhiều khi kiến nghị của họ mang lợi ích cục bộ nhiều hơn là lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp. Đáng mừng là xu hướng này đang giảm dần, do các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang ngày càng mạnh dạn phản ứng lại.
Hơn nữa, không như phòng thương mại và công nghiệp ở nhiều nước ASEAN, VCCI là một tổ chức bán chính phủ, nên vai trò đối thoại và phản biện những chính sách của Chính phủ có lẽ vẫn chưa thật quyết liệt. Vì vậy, theo tôi, các hiệp hội ngành nghề mới thực sự là đại diện của doanh nghiệp.
Không như nhiều nước ASEAN khác, các hiệp hội ở Việt Nam được thành lập theo kiểu hành chính, nhiều khi chỉ là danh nghĩa. Lãnh đạo nhiều hiệp hội lại là những quan chức đã về hưu. Như vậy, liệu họ có dám nói lên tiếng nói của doanh nghiệp, nhất là khi quyền lợi của doanh nghiệp mâu thuẫn với lợi ích của Chính phủ?
Nếu nói nhiều hiệp hội doanh nghiệp là cánh tay nối dài của Nhà nước cũng chẳng oan gì. Tình trạng hành chính hóa hoạt động của các hiệp hội này quá nặng nề. Đó là chưa kể đến việc nhiều hiệp hội do các doanh nghiệp lớn, đa phần là quốc doanh, cầm trịch. Tiếng nói lợi ích của họ át đi tiếng nói lợi ích của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc các quan chức về hưu được bổ nhiệm làm chủ tịch các hiệp hội, ít hay nhiều, cũng mang phong cách hành chính của họ vào hiệp hội. Rồi do mối quan hệ quen biết với những người đương nhiệm, nên nhiều khi họ khó ăn khó nói.
Theo tôi, ngoài việc chấn chỉnh lại quy chế của các hiệp hội theo đúng chức năng, Việt Nam cũng nên học hỏi các nước phát triển hơn trong ASEAN. Theo quan sát của tôi từ nhiều năm qua, trước khi họ đến họp ASEAN, những vấn đề của doanh nghiệp đã được đưa ra bàn thảo trước với chính phủ nước họ. Họ đến với ASEAN chỉ là để góp thêm tiếng nói cho những ý tưởng, chính sách đã được thống nhất giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Một trong 4 mục tiêu của năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN là tăng cường kết nối ASEAN về kinh tế. Bà có nghĩ rằng điều này là hơi khó, khi ngay tại Việt Nam, việc phối hợp giữa doanh nghiệp với Chính phủ và giữa các cơ quan với nhau lại có vấn đề?
Đúng vậy. Sự liên kết đầu tiên phải xuất phát từ lợi ích của đất nước mình, sau đó mới vì sự liên kết trong hội nhập. Ý thức được việc này, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Hội nhập Kinh tế Quốc tế. Có điều, vai trò của cơ quan liên ngành này lại không như mong muốn vì những vị trí chủ chốt hầu như đều được kiêm nhiệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét