Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Đâu chỉ đơn giản là thất thoát tiền


Ngày 29.02.2008, 16:16 (GMT+7)
Đầu tư nhà nước thiếu hiệu quả:
Đâu chỉ đơn giản là thất thoát tiền
Cùng với nỗ lực đề ra nhiều biện pháp chống đỡ lạm phát, nếu như việc quản lý ngân sách của chính phủ tốt hơn, thì cũng góp phần không nhỏ vào những nỗ lực ấy
Theo báo cáo kiểm toán, số tiền chi sai mục đích trong chương trình mục tiêu về giáo dục đào tạo tới trên dưới 30 tỉ đồng. Nếu số tiền đó mà xây trường lớp, hỗ trợ học sinh nghèo, có phải nhiều em không phải bỏ học không. Sự lãng phí quá lớn.
Vào cuối quý 3 năm ngoái, khi chỉ số tiêu dùng tám tháng đã lên tới 6,8% so với đầu năm, một số chuyên gia đã cảnh báo chính phủ về nguy cơ lạm phát cao, và khuyến nghị cần xem xét lại chính sách tiền tệ, và cân nhắc việc giãn tiến độ giải ngân cho các công trình dự án nhà nước.
Chính phủ đã quyết định vẫn đẩy nhanh tốc độ giải ngân, nhằm đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng ấn tượng 8,48%. Và cái giá phải trả là lạm phát lên tới mức kỷ lục 12,63%.
Đầu tháng 3 tới, trong chuyến công du châu Âu của mình, thủ tướng dự kiến sẽ gặp gỡ trao đổi với giới lãnh đạo ngân hàng để học hỏi về kinh nghiệm điều hành chính sách tiền tệ. Nhất là trong bối cảnh lạm phát hai tháng đầu năm đã lên tới 6%.
Còn vấn đề thứ hai, kết quả kiểm toán vừa được công bố, tuy chưa đầy đủ bởi rất nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa được kiểm toán, về sự thiếu hiệu quả của các dự án đầu tư nhà nước, đã cho thấy các chuyên gia đã có lý khi đưa ra khuyến nghị trên.
Sài Gòn Tiếp Thị xin lược đăng ý kiến của bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên ban Tư vấn của chính phủ.
Sai lầm từ khâu lập dự án
Lâu nay, những khoản đầu tư kém hiệu quả của Việt Nam đã được cảnh báo nhiều. Thậm chí, một số chuyên gia nước ngoài còn nhận định rằng, nếu đầu tư hiệu quả, chỉ số tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 1 – 2%. Những con số kiểm toán nhà nước là những chứng minh rõ ràng nhất cho những cảnh báo, nhận định trên.
Nguyên nhân, qua kết quả bóc tách của kiểm toán, là bài toán đầu tư ngay từ đầu đã có khiếm khuyết, thậm chí sai lầm. Cụ thể là cách lập dự án không chặt chẽ, thể hiện sự tắc trách với tiền đóng thuế của dân và sự yếu kém của cả nơi lập dự án đầu tư, nơi thẩm định và cấp quyết định.
Điều này thể hiện cả ở những dự án tiến hành đúng tiến độ, không xảy ra thất thoát, hay sử dụng tiền sai mục đích, nhưng lại không hiệu quả khi hoàn thành, ít mang lại lợi ích cho người dân, cho xã hội.
Chẳng hạn, về nhiều địa phương thấy nhiều nhà văn hoá uy nghi, hoành tráng, nhưng đóng cửa để… chờ xin kinh phí sửa chữa, do xuống cấp sau ít năm. Trong khi đó, nếu chuyển số tiền đó sang làm bệnh viện trường học thì tốt biết bao.
Hay chẳng nói đâu xa, theo báo cáo kiểm toán số tiền chi sai mục đích trong chương trình mục tiêu về giáo dục đào tạo tới trên dưới 30 tỉ đồng. Nếu số tiền đó mà xây trường lớp, hỗ trợ học sinh nghèo, có phải nhiều em không phải bỏ học không. Sự lãng phí quá lớn.
Về điều hành vĩ mô, nhu cầu với một nước nghèo, thiếu thốn như nước ta, cái gì mà chả cần. Nhưng cái gì cần trước, cái gì cần sau, cần đến mức nào là hợp lý, là một chuyện phải hết sức cân nhắc, và vai trò điều hành vĩ mô nằm ở đây.
Sự bình quân chủ nghĩa hiện nay trong phân bổ đầu tư, xuất phát từ sự nể nang giữa các ngành, các địa phương, và, thậm chí giữa các vị lãnh đạo với nhau. Việc thẩm định cũng không dựa trên một cái chuẩn chung, dựa trên tiêu chí lớn nhất là hiệu quả đầu tư và đối tượng được thụ hưởng lợi ích. Đông đảo người dân, hay một nhóm nhỏ cần thành tích để báo cáo?
Thẩm định dự án nhà nước như dự án tư nhân
Theo tôi, để giảm thiểu những dự án đầu tư không hiệu quả của nhà nước, chúng cũng phải được thẩm định tương tự như các dự án của tư nhân, hay của nước ngoài. Chúng ta đòi hỏi họ phải có dự án khả thi, rồi kiểm toán độc lập để xác minh, sao với dự án nhà nước dễ vậy?
Các dự án nhà nước đầu tư vẫn chỉ được thẩm định trong phạm vi tương đối hẹp, và, theo quy trình, lệ thuộc rất nhiều vào chính bản thân nơi đề xuất. Tiếng nói các cơ quan khác rất yếu.
Hơn nữa, đều là các cơ quan nhà nước, đều có nhu cầu đầu tư nhiều, làm thẩm định cho nhau, họ rất dễ có tâm lý “ta dễ cho người, người dễ cho ta”. Không có một sự phản biện thực sự từ người dân, xét cho cùng, chính là người bỏ tiền và người thụ hưởng những công trình, dự án đó, tính khách quan và công minh không thể được đảm bảo.
Một câu hỏi đặt ra ở đây: trong khi nhà nước quản lý việc thực hiện các dự án đầu tư chưa tốt, quyết định đầu tư nhiều dự án sai, vậy có nên đẩy nhanh tốc độ giải ngân để đầu tư hay không?
Theo tôi, nếu những dự án mới được chứng minh có hiệu quả thì vẫn nên làm. Còn với những dự án đang thực hiện thiếu hiệu quả, thời gian đầu tư kéo dài, thì phải mạnh dạn thu hẹp lại, hoặc thậm chí dẹp bỏ đi. Biết dừng đúng lúc cũng là quan trọng.
Điều này nhà nước nên học tập ở doanh nghiệp, bởi khi thị trường có khó khăn là họ dừng ngay dự án để xem xét lại toàn bộ, trước khi quyết định đầu tư tiếp, hay chuyển sang lĩnh vực khác. Vừa rồi, TP.HCM có ra quyết định rà soát lại tất cả các dự án đầu tư là một việc làm rất cần thiết.
Huỳnh Phan (ghi)
Tâm lý sợ trách nhiệm, sợ thừa nhận mình sai, sợ phải phủ định lại quyết định của mình, âu cũng là một tâm lý thông thường. Nhưng, biết lỗi của mình, rồi biết sửa, cũng là một cách nâng uy tín của mình, hơn rất nhiều so với thấy sai rồi cứ lao theo, uy tín ngày càng giảm sút.
Chế tài của Việt Nam đối với vụ như thế này có cái dở là ít khi hồi tố. Vả lại, những quyết định mang tính tập thể, khó có thể quy kết trách nhiệm cho cá nhân. Rồi khi truy cứu trách nhiệm, người ta hay truy cứu trách nhiệm của những người thực hiện, mà ít khi truy cứu người thẩm định, người quyết định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét