Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Xã hội hoá văn hoá: Đừng ghẻ lạnh với tư nhân


Ngày 30.12.2007, 18:14 (GMT+7)
Xã hội hoá văn hoá: Đừng ghẻ lạnh với tư nhân
Tại hội nghị Sơ kết hai năm triển khai thực hiện nghị quyết 05 của Chính phủ về việc đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao, bà Nguyễn Thế Thanh, phó giám đốc sở Văn hoá thông tin TP.HCM cho biết 85% số lượng biểu diễn nghệ thuật của cả nước đã diễn ra tại một thành phố chiếm dưới 15% dân số toàn quốc, trong đó trên 80% các chương trình do các đơn vị ngoài công lập thực hiện. Trao đổi với SGTT bên lề hội nghị, bà Thanh cho rằng sở dĩ các địa phương khác, ngay cả thủ đô Hà Nội, chưa làm được chủ yếu là do nhận thức về bản chất của xã hội hoá chưa thật trúng
Bà Nguyễn Thế Thanh
Xã hội hoá có phải tư nhân hoá?
Trong một số các tham luận tại hội nghị, tôi thấy họ đều nhấn mạnh cái luận điểm là xã hội hoá không phải là tư nhân hoá. Phải chăng họ đang gói vào trong luận điểm đó sự e dè nhất định đối với tư nhân, và quá trình tư nhân hoá? Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã nói rằng nhu cầu của xã hội bao giờ cũng lớn gấp nhiều lần khả năng đáp ứng của nhà nước, cho dù ở những nước phát triển, có GDP trên đầu người hơn chúng ta tới nhiều chục lần.
Có một vấn đề tôi thấy cần lưu ý ở đây là cách tiếp cận và trách nhiệm trong quá trình tư nhân hoá như thế nào. Tại sao vừa rồi chúng ta được đọc nhiều sách hay, được xem nhiều phim hay, trong đó có nhiều bộ phim với ý nghĩa triết lý cao, giá trị tư tưởng cao? Câu trả lời: nhờ tư nhân đấy!
Tôi xin đi quá ra ngoài lĩnh vực của mình một chút để nói rằng quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước của mình thực chất là như vậy. Tức là chúng ta giữ phần đóng góp của nhà nước, và trả nó về đúng cái vai trò mà nó có thể đóng góp cho xã hội. Bài toán liên kết luôn luôn là một vấn đề để duy trì sức cạnh tranh, duy trì tính hiệu quả, ngay cả trong các xã hội phát triển.
TP.HCM có 8 đơn vị nghệ thuật nhà nước với kinh phí hoạt động giai đoạn 2007 2009 là 22,7 tỉ đồng, đó là chưa kể xe cộ nhà nước mua, trang thiết bị nhà nước giao, nếu anh chỉ làm ra từng ấy hoặc ít hơn, thì đâu có hiệu quả. Trong khi tư nhân không được nhà nước đầu tư cái gì cả, nhưng chỉ cần làm ra 6 8 tỉ, họ vẫn hiệu quả hơn nhiều.
Còn về giá trị tinh thần, giá trị tư tưởng thì sao? Tôi thấy vở kịch nào ở chỗ Idecaf của các anh Huỳnh Anh Tuấn Thành Lộc, vở nào cũng tử tế, cũng dạy người ta làm người tử tế cả. Những cái tử tế đó có thể coi ngang bằng với một cái gì đó thuộc về giáo dục truyền thống cách mạng không?
Bản thân tôi là con một liệt sĩ, tôi coi trọng giá trị truyền thống cách mạng chứ. Nhưng chúng ta đều phải hiểu rằng chiến tranh dù dài đến mấy cũng là cái bất thường, còn cuộc sống hoà bình với bao lo toan, tính toán, có cả những cái tầm thường, thậm chí là đê hèn, mới là những cái bình thường. Vai trò của nghệ thuật là phải chỉ ra những cái đang ẩn núp đó cho khán giả.
Xã hội hoá đơn vị công lập: liên kết với tư nhân
Nhiều người quản lý nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật công lập quen với cái não trạng là cứ làm nghệ thuật là phải bao cấp, để người nghệ sĩ không phải vướng bận vì những thứ vật chất tầm thường, và dành trọn mình cho nghệ thuật. Nghe có vẻ rất có lý?! Nhưng hãy trả lời hộ tôi tại sao Thành Lộc diễn hay thế, mặc dù cậu ta bị áp lực về việc khán giả có mua vé vào rạp không? Mà không phải rẻ, tới 70.000 đồng một vé lận.
Chúng ta đã từng ghẻ lạnh với tư nhân, ghẻ lạnh với thương mại. Nhưng chúng ta không hiểu rằng thương mại hoàn toàn khác với thương mại hoá. Thương mại hoá là nhìn mọi thứ dưới lăng kính thương mại, còn thương mại là phải tính đến yếu tố thương mại, bên cạnh các yếu tố khác, như tính nghệ thuật, tính nhân văn... để tăng tính hiệu quả. Nói cách khác, người làm nghệ thuật không thể nhân danh điều tốt đẹp mà làm lỗ hết tỉ này đến tỉ khác tiền nhà nước, mà thực chất là tiền đóng thuế của người dân.
Chỉ có cỡ nghệ sĩ yêu nghề, yêu nước như Tạ Bôn mới chịu nhận 150.000 đồng cho một bản concerto soạn cho violon mà ông kéo, trong khi ở Hong Kong người ta trả ông 1.000 USD. Nghệ sĩ trẻ họ đâu có chịu, bởi nhu cầu của họ bây giờ khác nhiều, lớn hơn nhiều. Như vậy, nếu muốn giữ họ lại với nghề, với đơn vị của anh, người lãnh đạo phải quan tâm đến việc tạo nguồn thu và giảm những chi phí bất hợp lý.
Trong ba năm vừa rồi, các đoàn nghệ thuật nhà nước do chúng tôi quản lý đã bị thử thách, khi người ta đem tư nhân ra so sánh với họ. Họ sĩ diện vì họ là nghệ sĩ mà bị nhà tài trợ yêu cầu điều này điều nọ, họ tức giận vì logo của họ bị logo của người khác đè lên. Nhưng họ quên rằng, để đổi lại, về mặt nghề nghiệp, họ lại có một chương trình được dàn dựng tử tế, mà lại bằng tiền của người khác, và cuộc sống họ rõ ràng khá hơn để chuyên tâm với nghề.
Trong đơn vị công lập nghệ sĩ được đào tạo bài bản, kỹ thuật biểu diễn tốt, nhưng khâu quản lý lại quá kém. Đầu tư 200 triệu, dựng xong vở kịch diễn năm buổi rồi bỏ đó, diễn không có lời. Tư nhân thì khác, họ chọn kịch bản xong, chọn đạo diễn giỏi, dàn dựng tốt để diễn luôn 50 70 buổi.
Sở Văn hoá thông tin thành phố đang chuẩn bị cho một mô hình liên kết thí điểm để trình lãnh đạo thành phố duyệt, theo đó mời đơn vị tư nhân tốt cùng khai thác một mặt bằng biểu diễn với một đơn vị công lập, và mạnh dạn giao cho một nữ nghệ sĩ ưu tú, đang làm cho đơn vị tư nhân làm giám đốc, vì người của chúng tôi làm không nổi.
Huỳnh Phan (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét