Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Tạo dựng hình ảnh mới bằng ngoại giao văn hoá


Ngày 13.01.2008, 17:44 (GMT+7)
Tạo dựng hình ảnh mới bằng ngoại giao văn hoá
Khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi thăm Mỹ giữa năm ngoái, có triển lãm Nền văn hoá lúa nước của Chu Lượng. Còn trong chuyến thăm Nhật Bản cuối tháng 11 vừa rồi, có đoàn nhã nhạc Huế biểu diễn tại Hoàng cung Nhật. Phải chăng đã có sự chuyển hướng trong hoạt động ngoại giao, tập trung vào quảng bá văn hoá? SGTT đã đặt câu hỏi này với vụ trưởng vụ Văn hoá UNESCO (bộ Ngoại giao)
Phạm Sanh Châu. Ông Châu nói:
Quốc gia nào cũng có ba lợi ích: an ninh chính trị, phát triển kinh tế và tạo dựng uy tín về hình ảnh. Tuỳ từng giai đoạn cụ thể mà đề cao nhiệm vụ. Từ năm 1995, nhiệm vụ của ngành ngoại giao là đưa đất nước hội nhập về mặt kinh tế, thông qua việc tham gia AFTA, APEC, rồi gia nhập WTO. Đầu năm ngoái, Việt Nam đã vào WTO, tức là đã hoàn tất thủ tục tham gia cuộc chơi kinh tế – thương mại toàn cầu. Như vậy đã đến lúc phải tập trung tạo dựng hình ảnh của mình. Vậy tạo hình ảnh tốt nhất là gì? Câu trả lời là: văn hoá!
Cho đến nay, nhiều người nước ngoài vẫn còn biết đến Việt Nam thông qua cuộc chiến cách đây hơn ba chục năm, một số khác biết đến thông qua công cuộc đổi mới. Ông có tin rằng bộ Ngoại giao sẽ thành công với thử nghiệm lựa chọn văn hoá để tạo dựng hình ảnh mới về Việt Nam trên thế giới?
Không còn là chuyện tin, hay thử nghiệm nữa, người đứng đầu ngành ngoại giao hiện nay, phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, đã xác định văn hoá là vũ khí quan trọng nhất để giới thiệu hình ảnh một Việt Nam khác – một đất nước thanh bình với những con người có những sắc thái văn hoá cũng thú vị không kém so với việc giỏi đánh giặc, hay năng động trong chuyển đổi tư duy kinh tế. Việc của vụ Văn hoá UNESCO chúng tôi là làm sao cụ thể hoá chiến lược này mà thôi.
Cơ sở để chúng tôi tin tưởng là nhiều nước đã thành công trong việc tạo dựng hình ảnh đất nước thông qua văn hoá. Pháp có tiềm lực nên đầu tư nhiều về văn hoá, Đức đã mở 183 viện Goethe trên toàn thế giới, Anh thì có mạng lưới British Council...
Riêng ở châu Á, tôi thấy thành công nhất trong việc quảng bá hình ảnh đất nước mình tại Việt Nam là Hàn Quốc. Phim ảnh Hàn Quốc chiếm lĩnh hầu hết các đài truyền hình, rạp chiếu phim, kéo theo đó là mỹ phẩm, thời trang, đồ điện tử Hàn Quốc bán rất chạy ở Việt Nam.
Như vậy, các ông xác định dùng văn hoá để tạo dựng hình ảnh về lâu dài như các nước châu Âu, hay dùng văn hoá để bán hàng như Hàn Quốc, hoặc cả hai như Mỹ?
Điều này các học giả vẫn đang tranh luận, và xem chừng còn lâu mới thống nhất được quan điểm. Theo quan điểm cá nhân tôi, điều này phụ thuộc vào từng loại sản phẩm văn hoá mà chúng ta định quảng bá ra ngoài. Nếu là những giá trị di sản, hay văn hoá lễ hội, âm nhạc… thì đó là vấn đề tạo dựng hình ảnh lâu dài. Còn những sản phẩm văn hoá ẩm thực như Phở 24 chẳng hạn, có thể là bánh xèo nữa, tất nhiên phải bán chứ, bởi càng nhiều người mua, hình ảnh càng được quảng bá rộng.
Các ông có sợ dẫm chân lên bộ Văn hoá – thể thao – du lịch với chức năng quản lý nhà nước về văn hoá không?
Có dẫm đâu mà sợ! Bộ Ngoại giao không tạo ra sản phẩm văn hoá, mà chỉ chọn những sản phẩm văn hoá đặc sắc nhất của Việt Nam, và, theo kinh nghiệm của chúng tôi, phù hợp với bên ngoài để quảng bá thôi. Và đây là thế mạnh riêng của chúng tôi với hơn 80 cơ quan đại diện tại nước ngoài, mối quan hệ với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, và sự gắn bó ngày càng chặt hơn với cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Tạm thời, chúng tôi đi theo hai hướng chính: liên lạc với các địa phương có các sản phẩm văn hoá để tìm cách phối hợp quảng bá trong sự kết hợp với các sự kiện đối ngoại lớn, và hỗ trợ các chương trình quảng bá theo yêu cầu của các địa phương. Nếu các cá nhân có ý tưởng thì chúng tôi cũng hỗ trợ họ, chẳng hạn như tham gia tổ chức đại nhạc hội guitar quốc tế vào tháng 11 năm nay tại Hà Nội.
Những năm qua, khi chuyển sang phục vụ phát triển kinh tế, nhiều sứ quán từng lúng túng trong việc phối hợp với các doanh nghiệp trong nước đi tìm thị trường. Ông có lo lắng gì về nguồn nhân lực thực hiện chiến lược ngoại giao văn hoá không?
Tôi hiểu. Việc trước mắt, đối với những cán bộ ngoại giao đương chức, chúng tôi phải xây dựng được sổ tay văn hoá đối ngoại, đưa được những nội dung cần thiết vào đó để họ coi như một cẩm nang khi cần tiếp xúc với nước ngoài, hay ra nước ngoài công tác.
Các sứ quán cũng sẽ phải thay đổi cách quảng bá, những đồ dùng, bưu thiếp, rồi menu ẩm thực cho các cuộc chiêu đãi cũng phải được chuẩn hoá, nhằm tạo một hình ảnh đặc trưng thống nhất của văn hoá Việt Nam.
Về lâu dài, chúng tôi sẽ đưa vấn đề ngoại giao văn hoá vào chương trình giảng dạy tại học viện Quan hệ quốc tế cho các nhà ngoại giao tương lai, rồi đào tạo các cán bộ chuyên ngành văn hoá.
Huỳnh Phan thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét