Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Ông thầy Nhật về tỉnh lẻ


Ngày 02.06.2010, 09:03 (GMT+7)
Sống trên đất Việt
Ông thầy Nhật về tỉnh lẻ
SGTT - Trong gần 40 năm kể từ khi Việt – Nhật có quan hệ ngoại giao, mối quan hệ giữa hai nước trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và chính trị. Nhưng mối quan hệ giữa con người với con người lại không chịu sự chi phối này. Câu chuyện của thầy giáo tiếng Nhật Miyahara Akira là một trong số đó.
Thầy giáo tiếng Nhật Miyahara Akira. Ảnh: Huỳnh Phan
Tháng 5.1973, bốn tháng sau khi hiệp định Paris được ký kết, có một nhóm giáo viên Nhật sang trường đại học Ngoại thương giảng dạy. Bộ Ngoại thương Việt Nam lúc đó thông qua hội Mậu dịch Nhật – Việt mời họ sang đào tạo phiên dịch tiếng Nhật, nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước. Lúc đó, những học sinh khoá 1 đã bắt đầu học được ba tháng.
Đào tạo thế hệ chuyên gia tiếng Nhật đầu tiên
Ông Miyahara được phân công dạy lớp phiên dịch khoá 1, gồm những người đã học tiếng Nhật từ những năm 60, kể cả học ở Bắc Triều Tiên. Ông kể rằng, tuy mang theo giáo trình từ Nhật sang, nhưng vừa dạy, thầy vẫn phải cùng với các đồng nghiệp Việt Nam cải tiến giáo trình.
“Tôi phải đọc tất cả những gì viết về Việt Nam, nhất là những bài báo, để soạn những nội dung để vừa dễ hiểu với học viên, vừa thiết thực cho công việc sau này của họ. Làm phiên dịch là phải nói cho người Nhật hiểu được những gì người Việt Nam muốn chào bán chứ”, ông Miyahara vừa cười vừa giải thích.
Trường Ngoại thương Hà Nội lúc đó, theo trí nhớ của ông Miyahara, là những mái nhà tranh, vách đất lụp xụp, và học sinh luôn ở tình trạng đói và rét. “Mùa đông, quần áo không đủ, họ phải choàng lên người tất cả những gì có thể choàng được. Có học sinh nữ còn than thở với tôi là ăn cùng mâm với các bạn nam thì lúc nào cũng đói, vì họ ăn nhanh quá”, ông Miyahara nhớ lại.
“Nhưng họ rất ham học, chỉ có học và học. Họ tận dụng mọi cơ hội để hỏi thầy cô, nói chuyện bằng tiếng Nhật với thầy cô. Và đa số họ đều là những chuyên gia tiếng Nhật gạo cội của Việt Nam hiện nay, hoặc những quan chức chủ chốt đảm trách mối quan hệ Việt – Nhật”, ông Miyahara nói.
Năm 1993, khi quan hệ Nhật – Việt được nối lại, ông Miyahara trở lại Hà Nội. Ông đến thăm trường cũ. Các giáo viên tiếng Nhật ở đại học Ngoại thương Hà Nội nói với ông rằng họ nói đang soạn từ điển, và muốn ông giúp. Thế là, thay vì đi du lịch, ông đã dành cả ba tuần nghỉ hè ngắn ngủi vùi đầu vào những trang từ điển.
Xây dựng một nền móng mới
Năm 2006, khi đã nghỉ hưu, ông lại thấy nhớ Việt Nam. Ông liên lạc với đại học Ngoại thương Hà Nội, và được họ mời sang dạy cho ba lớp phiên dịch.
Đã sang tuổi 70, mà hiện giờ ông Miyahara vẫn đều đặn lên lớp hàng ngày. Có điều, học viên của ông không còn là những sinh viên của một trường đại học danh tiếng hàng đầu Việt Nam nữa. Đó chỉ là những thanh niên nông thôn thi trượt đại học, hoặc thậm chí còn không dám nghĩ đến chuyện nộp đơn thi đại học.
Đã gần một năm nay, ông Miyahara về Nam Định dạy học, theo lời mời của một học sinh cũ của thầy vào những năm 70. Ông Nguyễn Hữu Lợi, người đồng sáng lập trung tâm Văn hoá và ngôn ngữ Nam Định, mở trung tâm này với mục đích tạo cho những thanh niên nông thôn, nghèo có cơ hội sang Nhật làm việc, hay làm việc cho các công ty Nhật ở Việt Nam.
Ông Miyahara giải thích ông cảm thấy mệt mỏi sau ba năm dạy ở đại học Ngoại thương Hà Nội. “Tôi có soạn một giáo trình tiếng Nhật sơ cấp, trên cơ sở gần 40 năm kinh nghiệm làm việc với sinh viên nước ngoài, trong đó có các sinh viên Việt Nam. Bởi tôi thấy giáo trình bê nguyên xi từ Nhật sang khiến sinh viên tiếp thu một cách khổ sở quá”, ông Miyahara tâm sự.
Nhưng, theo ông Miyahara, các giáo viên ở đó, có lẽ do bận bịu quá nhiều việc khác, đã chọn cách dễ dàng cho mình, và đẩy phần khó khăn sang cho học sinh. “Trong khi đó, anh Lợi lại chia sẻ quan điểm này với tôi, và thế là tôi nhận lời”, ông Miyahara nói.
Ông Miyahara không phải ân hận về quyết định về tỉnh lẻ của mình. “Sau gần hết một năm dạy ở đây, tuy thời gian đầu khá vất vả, nhưng với một giáo trình phù hợp và sự nỗ lực vượt bậc của thầy lẫn trò, nhiều học sinh hiện nay của tôi không hề thua kém so với các em cùng lứa tôi đã dạy ở đại học Ngoại thưong Hà Nội”, ông Miyahara hào hứng khoe.
HUỲNH PHAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét