Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Thay cái bình đã hết đát


 Chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước: Thay cái bình đã hết đát (15/09/2010)
 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Từ 01/07/2010, hơn 1.000 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên để họat động theo luật Doanh nghiệp chung. Liệu việc chuyển đổi này có khiến cho môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên bình đẳng hơn, và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, để Việt Nam thực sự có một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa, cũng như sớm được các đối tác trong WTO công nhận? ĐTNN đã trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xung quanh các nội dung này.
ĐTNN: Xin bà cho biết việc giữ quá nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có ảnh hưởng gì tới việc các đối tác trong WTO sớm công nhận Việt Nam có qui chế kinh tế thị trường, như mong muốn của Việt Nam, hay không?
Bà Phạm Chi Lan: Thực ra Mỹ, hay Liên minh châu Âu, không đưa ra yêu cầu là bắt Việt Nam phải cắt giảm DNNN. Họ chỉ yêu cầu các DNNN đó phải hoạt động như các doanh nghiệp khác trên một sân chơi bình đẳng.
Điều đó có nghĩa là những ưu đãi phải bị cắt bỏ đi. Nhà nước không được cấp tín dụng đặc biệt, cho thuê đất với giá đặc biệt (thực ra là giao đất), không được trao quyền kinh doanh riêng cho những doanh nghiệp này, như xưa nay vẫn làm. Hoặc, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cũng không có đặc quyền tiếp cận các dự án của Nhà nước mà các doanh nghiệp tư nhân không được tham gia. 
Thứ hai, mua sắm của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không được coi là mua sắm nhà nước, tức là không được dùng vốn ngân sách. Chẳng hạn, việc Quốc hội vẫn thông qua đề nghị của Chính phủ cho Petro Vietnam giữ lại 40% doanh số để tái đầu tư là không được nữa, vì điều đó vi phạm nguyên tắc thị trường. 
Theo tôi được biết qua trao đổi với các chuyên gia nước ngoài, WTO và các đối tác khác sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ, và sẽ có những đòi hỏi mạnh mẽ để Việt Nam phải thực hiện theo đúng những tiêu chí của WTO, mới quyết định có công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không.
Nói tóm lại, Việt Nam ngay từ bây giờ phải có kế hoạch và lộ trình cổ phần hóa các công ty TNHH một thành viên (nhà nước) này, sau khi đã buộc phải làm cái chuyện bất đắc dĩ là “đổ rượu cũ qua bình mới” vì bình cũ (luật Doanh nghiệp nhà nước) đã hết đát.
Theo bà, việc chậm trễ cổ phần hóa các DNNN có tác động gì đến câu chuyện tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, khi nền kinh tế phải mở cửa để hội nhập? Bởi, họ hầu như chiếm hết những ngành then chốt, và được hưởng đầy đủ những ưu đãi, từ đó có thể chèn ép sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân?
Việc dành ưu đãi, đặc biệt là quyền kinh doanh cho DNNN sẽ để lại một hậu quả lớn, là một số ngành then chốt, khi phải mở cửa ra bên ngoài rộng hơn theo lộ trình cam kết WTO, có thể sẽ rơi vào tay nước ngoài vì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước yếu. Chẳng hạn về hạ tầng, với một nhu cầu quá lớn như thế này, làm sao Nhà nước một mình tiếp tục đầu tư được nữa, mà doanh nghiệp nước ngoài lại cạnh tranh tốt hơn DNNN. Tôi e rằng đến một lúc nào đó giật mình tỉnh lại, sẽ thấy các ngành thiết yếu rơi hết vào các đại gia bên ngoài, và trong nền kinh tế sẽ nảy sinh nguy cơ mới là sự mất tự chủ ở mức độ nhất định.
Còn đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, sẽ xảy ra hai câu chuyện. Thứ nhất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị DNNN chèn ép khó ngóc đầu lên, và không thể đóng góp có hiệu quả cho nền kinh tế, trong đó có việc tăng cường tính tự chủ, như được kỳ vọng. Thứ hai, xu hướng này lái một số doanh nghiệp tư nhân chạy theo, bắt chước các DNNN. Tức là họ không tiếp tục kinh doanh bằng năng lực thực sự, có khi đã thành danh của mình, mà cũng đi vận động hành lang, đi bằng con đường của chủ nghĩa thân hữu, và dần biến nền kinh tế này phát triển dựa trên quan hệ thân hữu.
Câu chuyện về cái tập đoàn tư nhân chuyên về xây dựng khu công nghiệp là một dẫn chứng tốt, khi họ nhờ mỗi quan hệ nọ quan hệ kia đầu tư vào bất động sản, và phất lên từ đó. Hay cái tập đoàn mà ở Hà Nội, TP. HCM, hay bất cứ đâu có mảnh đất vàng để làm văn phòng, siêu thị cho thuê… là có mặt họ, cũng là câu chuyện thành công trên quan hệ với những người có quyền chức cả.
Lúc đầu họ có thể có năng lực thật, có ước mơ hoài bão thật, nhưng rồi thấy con đường đó vất vả quá, trong khi con đường của các đàn anh DNNN lớn ngon lành bao nhiêu. Thứ hai, họ đã nhận thấy rằng sự ưu ái trên cơ sở có đi có lại không nhất thiết phải bó gọn trong khu vực DNNN nữa, nên tận dụng thời cơ luôn.
Nguy hiểm hơn nữa, điều này không chỉ xảy ra với tư nhân trong nước, mà cả tư nhân nước ngoài, và một số nhà đầu tư nước ngoài đã thắng ở Việt Nam bằng con đường thân hữu. Họ khống chế được chính sách thuế, cũng như một số qui định pháp lý khác. Công nghiệp ô tô là một ngành điển hình, hay công nghiệp thép cũng tương đối rõ.
Bà có thấy sự liên quan gì giữa sự lần lữa trong tiến trình cổ phần hóa tới  nguy cơ phá sản của đề án tái cấu trúc nền kinh tế? Bởi cốt lõi của đề án tái cơ cấu là phân bổ lại nguồn lực cho hiệu quả hơn, trong khi việc chuyển đổi DNNN thành công ty TNHH một thành viên (nhà nước) được nhận xét là cơ bản không thể hiện sự thay đổi tư duy về vai trò của khu vực kinh tế nhà nước?
Ban đầu Nhà nước có vẻ rất hào hứng với tái cấu trúc nền kinh tế. Khi khủng hoảng xảy ra, các vị lãnh đạo đều thúc giục các ngành phải làm đề án tái cấu trúc ngành mình, đồng thời giao bộ Kế hoạch và đầu tư lập một đề án chung, tìm kiếm thúc đẩy các hướng đi. Thậm chí, họ đã từng tuyên bố rằng Việt Nam phải đi theo mô hình tăng trưởng khác, bởi mô hình tăng trưởng cũ là bất ổn…
Nhưng khi đề án chung hoàn thành và trình lên lãnh đạo Chính phủ, thì sự tiếp nhận dường như rất hờ hững. Trong kế hoạch 5 năm tới, không thấy bóng dáng của tái cấu trúc nữa. Ngay cả ngôn từ cũng có sự thay đổi. Các anh ở viện Quản lý kinh tế Trung ương có nói với tôi rằng họ được giải thích từ bên trên rằng nói tái cấu trúc tức là cấu trúc hiện nay hóa ra lại sai à. Tức là, theo quan điểm của họ, với tư duy “sai đâu sửa đó”, lâu nay Việt Nam liên tục có sự chuyển đổi cơ cấu.
Theo quan điểm của giới chuyên gia chúng tôi, cái cao nhất của tái cấu trúc không phải là bớt làm nông nghiệp đi, tăng công nghiệp – dịch vụ thêm, mà thay đổi cách phân bổ sử dụng nguồn lực, nhất là thay đổi mô hình tăng trưởng chỉ tính theo tốc độ mà không tính theo hiệu quả. Vì vậy, yêu cầu cao nhất của tái cấu trúc là lấy hiệu quả làm thước đo chính, từ đó kéo theo sự phân bổ lại nguồn lực để phục vụ cho cái hiệu quả đó.
Từ đó phải xem lại các ngành, qui hoạch các vùng, và xem lại vai trò nhà nước đến đâu, vai trò doanh nghiệp tới đâu. Trong đó, ở khu vực doanh nghiệp ai là người chơi thực sự và mang lại hiệu quả cao hơn. Hay, những ngành làm ăn không hiệu quả buộc phải dẹp đi, hoặc thu gọn lại, tạo ra những ngành mới…
Tuy nhiên, ngay cả với nội dung đã được viết lại rất ngắn và sơ lược so với bản thảo ban đầu, đề án này đã được chỉ đạo đưa sang bộ phận soạn thảo chiến lược như một tài liệu tham khảo, chứ không còn vai trò độc lập như ban đầu.

Huỳnh Phan (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét