Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Bốn bất biến trong ngoại giao Hồ Chí Minh


Ngày 19.05.2010, 07:58 (GMT+7)
Bốn bất biến trong ngoại giao Hồ Chí Minh
SGTT - Bị rối loạn tiền đình từ ba tuần nay, nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan vẫn cố gắng tiếp phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, khi nhận được đề nghị nói về phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam đã kể lại những điều, dường như đã được ông suy ngẫm rất lâu, về Hồ Chủ tịch, mà ông coi là một nhà ngoại giao kiệt xuất.
Ông Vũ Khoan nói:
Nhìn lại các nhà lãnh đạo trên thế giới, hiếm có nhà lãnh đạo quốc gia nào trên thế giới lại dành nhiều công sức, tâm huyết cho hoạt động ngoại giao như Hồ Chủ tịch. Ông đã bôn ba hải ngoại, đặt chân tới mấy chục quốc gia trên thế giới, nhiều khi đi một mình, vì ngành ngoại giao lúc đầu chỉ có 6 – 7 người. Cũng hiếm có lãnh tụ nào trên thế giới lại nói được nhiều thứ tiếng như Hồ Chủ tịch, tới cả chục thứ tiếng.
Trong dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, di sản ngoại giao của Hồ Chủ tịch, lẽ ra rất đáng được nói tới, trong thời đại toàn cầu hoá và bối cảnh một thế giới đang diễn biến phức tạp, lại ít được đề cập.
Hồ Chủ tịch có một câu nói mà người ta rất hay trích dẫn khi nói đến hoạt động đối ngoại. Đó là, trước khi đi Pháp, Hồ Chủ tịch có dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Vậy những gì là bất biến trong tư tưởng của Hồ Chủ tịch? Tôi thấy nổi lên bốn điều.
Bất biến thứ nhất là độc lập cho dân tộc và thống nhất cho Tổ quốc, xuyên suốt trong mọi hoạt động ngoại giao nào của Hồ Chủ tịch. Khởi đầu là Hiệp định sơ bộ 6.3.1946. Không thoả thuận được công thức Việt Nam độc lập, ông đã cố chuyển sang công thức Việt Nam tự do. Tạm ước 14.9.1946 cũng xoay quanh chủ đề đó. Hay, trong hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân thế giới năm 1960 ở Moscow, Hồ Chủ tịch cũng là người kiên trì đưa nội dung giải phóng dân tộc vào tuyên bố chung.
Bất biến thứ hai là hoà bình. Dù còn một cơ hội nhỏ nhất, Hồ Chủ tịch vẫn cố gắng tối đa để giữ hoà bình cho dân tộc, mà không dễ dàng chấp nhận chiến tranh. Trong lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến Hồ Chủ tịch nói: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới…”
Nhưng khi kháng chiến đã bùng nổ rồi, Hồ Chủ tịch vẫn tiếp đại diện Chính phủ Pháp ở Thái Nguyên để cố cứu vãn nền hoà bình. Rất tiếc là họ đã đưa ra những điều kiện quá ngạo mạn, trái với cái bất biến đầu tiên là độc lập cho dân tộc và thống nhất cho Tổ quốc.
Trong thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hồ Chủ tịch vẫn gửi thư cho Tổng thống Mỹ mấy lần, kêu gọi ngừng chiến trên cơ sở đảm bảo độc lập dân tộc và thống nhất đất nước cho Việt Nam. Nếu không có những nỗ lực trước đó của Hồ Chủ tịch, làm gì có hội nghị Paris năm 1968.
Míttinh kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sáng 18.5, tại thủ đô Hà Nội, ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thành phố Hà Nội đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã ôn lại những cống hiến to lớn và ý nghĩa thời đại sâu sắc của tư tưởng, tấm gương, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa, cũng như cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội ở Việt Nam và thế giới
(mời bạn đọc xem toàn văn nội dung bài phát biểu của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh).
Bất biến thứ ba là nỗ lực phấn đấu cho tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc. Đối với những nước đối địch, Hồ Chủ tịch phân biệt rất rõ những kẻ xâm lược với nhân dân những nước đó. Ngay trong bức thư đầu tiên cho nhân dân Pháp sau Cách mạng tháng 8, rồi cả trong chuyến đi Pháp sau đó, Hồ Chủ tịch đã thể hiện rất rõ tình cảm của nhân dân Việt Nam, và cá nhân mình, đối với nhân dân Pháp.
Tôi đã sống ở Trung Quôc và Liên Xô trong thời gian khá lâu, và nhận thấy sự khác biệt khá rõ ràng. Chẳng hạn, nhân dân Trung Quốc đã chịu đựng sự dã man của quân đội Nhật, và sự ác cảm với người Nhật vẫn giữ cho đến bây giờ; hay người Nga với người Đức luôn có một tâm tư rất khác, so với những dân tộc khác.
Hay, đối với Mỹ, không ít lần Hồ Chủ tịch đánh tín hiệu sang, đề nghị thiết lập quan hệ bình thường với họ.
Nhân đây, tôi muốn nhấn mạnh tới một nhánh nữa trong đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh. Điều này, vốn ít được nhắc đến xưa nay, chính lại là nền tảng cho chính sách ngoại giao của chúng ta hiện nay: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả. Năm 1946, Hồ Chủ tịch đã nói: “Nước Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.
Sau đổi mới năm 1986, chúng ta đã bắt đầu chính sách mở cửa, hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài… Chẳng qua chỉ là thực hiện những điều Hồ Chủ tịch đã nói từ năm 1946. Đó là:
“Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực.
a. Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.
c. Nước Việt Nam chấp nhận tham gia một tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hiệp quốc”.
Bất biến thứ tư là chính sách láng giềng thân thiện. Hiện nay, chúng ta coi trọng đoàn kết và hợp tác trong cộng đồng Đông Nam Á. Nếu đọc lại thư từ của Hồ Chủ tịch ngay sau Cách mạng tháng 8 thành công, ta có thể thấy đầu tiên là thư gửi các nước láng giềng, như Lào, Campuchia, và Trung Hoa Dân quốc. Còn những phái bộ Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam là sang các nước Đông Nam Á, như Thái Lan và Miến Điện. Chỉ sau này, Việt Nam mới cử phái bộ sang Liên Xô và Đông Âu.
Có thể nói thêm là Hồ Chủ tịch rất quan tâm đến đoàn kết quốc tế, nhất là cố gắng dàn xếp mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc. Tại hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân thế giới, tuyên bố chung không ra được chủ yếu do mâu thuẫn này. Hồ Chủ tịch đã phải thực hiện “ngoại giao con thoi” giữa hai ông Khrushev ở Kremlin và Lưu Thiếu Kỳ ở nhà khách bộ Ngoại giao ở đường Alexei Tolstoi.
HUỲNH PHAN (GHI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét