Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Nguyên nhân & hệ luỵ


Ngày 16.08.2006, 11:03 (GMT+7)
Thất bại Doha
Nguyên nhân & hệ luỵ
Vòng đàm phán Doha đã thất bại!
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy cay đắng thốt lên: “Không có kẻ lợi người thiệt,... chỉ có những kẻ chiến bại!”. Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Saint Petersburg, tổng giám đốc WTO Pascal Lamy đã cảnh báo về khả năng sụp đổ nếu các nước phát triển không tiến hành những bước đi cụ thể.
Pascal Lamy (trái): “Không có kẻ lợi người thiệt,... chỉ có những kẻ chiến bại!”
Trớ trêu thay, những bước đi cụ thể của các nước phát triển này là “buộc tội nhau về sự thất bại”. Chính phủ Mỹ kiên quyết không giảm mạnh trợ cấp nông nghiệp, trừ phi EU giảm thuế đối với sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, còn EU lại yêu cầu Mỹ phải hành động trước. Điều duy nhất mà họ có thể chia sẻ quan điểm với nhau là việc chỉ trích các nước đang phát triển đã không có nhân nhượng đúng mức, bằng việc tiếp tục mở cửa thị thường đối với hàng công nghiệp của họ.
Theo các nhà phân tích quốc tế nổi tiếng, nguyên nhân chính của sự sụp đổ của vòng đàm phán là vấn đề các nền kinh tế phát triển chưa chấp nhận sự từng bước tháo bỏ các trợ cấp cho ngành nông nghiệp của họ và tháo dỡ các hạn chế thương mại của chính họ, như đã hứa, nhằm thúc đẩy thương mại đa phương, nhất là với các nước đang phát triển. Còn theo nhà kinh tế Stiglitz, người đoạt giải Nobel năm 2001, “thất bại đó có nguyên nhân trực tiếp là chính sách đơn phương, coi thường sự đa nguyên và dân chủ toàn cầu của Mỹ”.
“Những vấn đề nội bộ” của các nước lớn
Thủ tướng Tony Blair của Anh đang đứng trước một cuộc khủng hoảng nội bộ trầm trọng, trong khi Tổng thống Pháp Jacques Chirac vừa mới trải qua một cơn “ác mộng” vì các cuộc biểu tình chống cải cách và mở cửa thị trường, và những nước phát triển khác như Nhật luôn có "vấn đề" lớn đối với việc trợ giá, trợ cấp nông sản.
Đối với Mỹ, cuộc bầu cử vào tháng 11 đang đến gần với những bất lợi ngày càng tăng về uy tín chính trị đối với Đảng Cộng hoà cầm quyền (cả ở ngành hành pháp lẫn lập pháp). Trong bối cảnh đó, những lời hứa khi phát động Vòng Đàm phán Doha đã không còn bao nhiêu gam trọng lượng, và, không phải lợi ích quốc gia của nước Mỹ, mà chính những lá phiếu mới là điều các chính trị gia Mỹ quan tâm nhất hiện nay.
Nhà kinh tế Joseph Stiglitz đã đưa ra những con số rất cụ thể: “Cho dù có muốn cứu vãn vòng đàm phán Doha, Tổng thống Mỹ cũng không thể “hy sinh” 25 nghìn cử tri trong ngành bông, khoảng 10 nghìn nông dân trồng lúa và những người Mỹ liên quan khác, khi cuộc bầu cử đang đến gần”.
“(Lợi ích) chính trị đã lấn át sự khôn ngoan”, tờ Washington Post đã bình luận như vậy.
Trong xu thế thúc đẩy thương mại toàn cầu hiện nay, vòng đàm phán phát triển Doha lẽ ra đã có thể là một chiếc chìa khoá vàng giúp các nước nghèo đẩy mạnh các chương trình phát triển và xoá bỏ nghèo nàn, lạc hậu và là một bước đi “cùng có lợi” (win-win) cho các nước “phương Nam” cũng như các nước “phương Bắc” của địa cầu.
Cũng theo tờ Washington Post, sau sự kiện 11.9 (2001), Mỹ và các nước đồng minh đã quyết tâm khởi xướng vòng Doha để giảm các rào cản và thúc đẩy thương mại, nhằm mang lại sự thịnh vượng cho các nước đang phát triển, và, nhờ đó, chống chủ nghĩa khủng bố từ gốc. Nhưng vì những lợi ích chính trị nội bộ, họ đã sẵn sàng “lờ” đi cái mục đích “cao cả” khi khởi xướng nó, cũng như những điều đã hứa khi lôi kéo các nước đang phát triển trong Tổ chức Thương mại thế giới tham gia vào “cuộc chạy marathon” này.
Những phân tích trên có thể “vận” vào cuộc vận động Quốc hội Mỹ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam, để hình dung một cách rõ ràng hơn, tại sao với lợi ích so sánh tương đối lớn về kinh tế và thương mại trong quan hệ với Việt Nam làm nền tảng, một triển vọng phát triển mới trong quan hệ hợp tác có tính tới yếu tố địa chính trị, một sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều tầng lớp trong xã hội Mỹ từ chính khách, giới doanh nghiệp, cựu binh..., và kể cả dư luận, mà dự luật này vẫn chưa được đưa ra xem xét thậm chí ở cấp uỷ ban tại Hạ viện?
Với việc Mỹ “nhỡ nhịp” vào tháng 8 vừa rồi với PNTR, nhất là khi tác động của cuộc bầu cử còn chưa lớn, rõ ràng sức ép lên những nỗ lực của Việt Nam quả là lớn hơn chúng ta vẫn tưởng tượng rất nhiều!
Huỳnh Phan - Vũ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét