Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Lãnh đạo Vinamex: Lao động Việt Nam, không ít người lắm tật!


Ngày 12.10.2008, 19:58 (GMT+7)
Đi Phần Lan hái berry
Lãnh đạo Vinamex: Lao động Việt Nam, không ít người lắm tật!
Trên SGTT số ra ngày 10.10.2008 có bài "Chua loét" chuyến hái berry thuê". Để rộng đường dư luận, Sài Gòn Tiếp Thị đã mang những thắc mắc của người lao động đến Vinamex, công ty đã đưa số 100 lao động Việt Nam sang Phần Lan hái berry. Dưới đây là ý kiến của ông Nguyễn Đức Cường, phó giám đốc Vinamex.
Thưa ông, những người lao động vừa trở về từ Phần Lan nói rằng trước khi đi họ không hề biết trước thông tin về những rủi ro sẽ gặp phải như trong trường hợp của các lao động mà SGTT đã tường thuật. Ông giải thích ra sao?
Ông Nguyễn Đức Cường, phó giám đốc Vinamex trả lời phỏng vấn của SGTT.
Lúc tuyển chọn, phỏng vấn, chúng tôi đã nói hết mọi thứ với từng người, và không chỉ một lần. Khi tuyển, chúng tôi cũng nói rõ là đi có thể bị rủi ro, có chấp nhận hay không. Người ta đã trả lời là chấp nhận bất cứ giá nào.
Thu nhập năm nay không được đảm bảo vì mất mùa. Chủ bên kia (Phần Lan) cho tôi xem cả biểu đồ, sau 13 năm mới có thời tiết khắc nghiệt như năm nay.
Thông tin về việc thời tiết xấu dẫn đến ít quả berry, các ông có biết trước?
Ngày 19.6, bên công ty Phần Lan nói mùa năm nay thời tiết tốt. Vì vậy, họ mới nhận đủ 100 người như thỏa thuận. Chúng tôi phải chờ đến phút chót mới làm các thủ tục visa, hay đặt mua vé.
Ông đại sứ Phần Lan tại Hà Nội có nói rằng nếu gặp phải rủi ro khách quan như thế này, công bằng nhất là các bên liên quan phải chia sẻ gánh nặng của người lao động. Chẳng hạn, Vinamex nên trả lại phí tuyển dụng cho người lao động. Ý ông thế nào?
Chúng tôi sẽ xem xét. Nhưng không phải đồng đều, những người vi phạm sẽ bị gạt sang một bên. Tức là 9 người bán quả ra chợ, 4 người đâm chết tuần lộc và 8 người ăn cắp xăng. Tổng cộng 21. Những trường hợp còn lại chúng tôi tiếp tục phân loại theo mức độ chăm chỉ. Ví dụ trong 60 ngày phải làm ít nhất 50 công. Nếu dưới cũng không thể xem xét được.
Xin ông cho biết cụ thể hơn. Ông có bằng chứng không?
4 người đâm chết tuần lộc định đưa lên xe để mang về ăn đã bị người dân phát hiện và báo số xe cho cảnh sát. Nhóm 8 người đi trên một chiếc xe bị hết dầu, đã xách can đi lấy trộm xăng ở một chiếc máy kéo trong rừng, và đã bị chủ xe bắt được, gọi điện báo cảnh sát.
Còn 9 người mang quả berry ra chợ bán thay vì phải bán cho công ty Phần Lan như đã thỏa thuận. Trong đoàn này, chúng tôi có con em của cán bộ trong công ty nên quay phim được làm bằng chứng. Không phải vì vấn đề chênh lệch giá, mà là anh em thích tiền tươi.
Tiền sang Phần Lan họ phải nộp trước, lại còn tiền thế chấp 3.000 USD nữa, tức là các ông đã nắm đằng chuôi. Tại sao không đề nghị phía Phần Lan trả tiền trực tiếp cho anh em?
Phía Phần Lan cũng đề nghị trả trực tiếp theo tuần, nhưng chúng tôi thấy nên giữ tiền cho anh em, để khỏi mất cắp, hay dùng tiền đánh bạc. Có những người cứ tối về là đánh bạc, thời gian đâu mà nghỉ ngơi lấy sức mai làm tiếp. Đã có hiện tượng mất cắp, có trường hợp mất 300 euro ở nhà tắm, có người khác để dưới gối mất 700 euro. Chúng tôi phải vận động người lấy cắp trả lại bằng cách ném tiền vào phòng. Chúng tôi phải giáo dục anh em đừng sung sướng trên đau khổ của người khác.
Ông có con số thống kê về ngày công lao động của từng lao động?
Chúng tôi có, nhưng bên kia chưa gửi về. Sản lượng quả người ta thu được cũng là một cách đánh giá chăm hay lười, bởi nếu chấm công chỉ biết người ta rời khỏi chỗ ở thôi, chứ không biết được người ta đi làm hay đi chơi, đi vào siêu thị. Đã có trường hợp bị phía Phần Lan bắt quả tang đang ở siêu thị trong giờ làm.
Trong khi đó người Thái làm rất chăm chỉ. Một hôm, tôi đi quay cảnh người Thái nộp sản phẩm vào lúc 6 giờ chiều, người cao nhất được 114 kg, người thấp nhất cũng được 39 kg. Còn bảng tính lương cuối kỳ của lao động Thái (làm cho cùng ông chủ như lao động Việt) người cao nhất được 5.000 euro, người thấp nhất được 1.700 euro. Người mình cao nhất chỉ được 2.400-2.500 euro.
Hái quả đơn giản, không nặng nhọc, chỉ cần cần cù thôi. Năm ngoái, những người Việt đi Phần Lan về nói rằng 6 giờ sáng họ đã đi rồi, đến 8 giờ tối mới về. Đằng này anh em của mình 7-8 giờ mới đi, và chiều 4 giờ đã về, thời gian ít nên hái được ít. Thế thôi.
Bài học các ông rút ra ở đây là gì?
Quảng cáo cuộn băng mà tôi quay được, người thật, việc thật, và nói chi tiết, kỹ càng hơn. Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị với phía chủ là phải tiền trạm phân vùng có quả, rồi nhờ người dân Phần Lan hỗ trợ thông tin. Đặc biệt là phải tuyển kỹ hơn, chủ yếu là đối tượng nông dân.
Chứ lần này nông dân thực sự có khoảng 50%. Còn những người chịu khó lao động ở quê khoảng 35%. Số còn lại là những người cũng chịu khó lao động nói chung ở các tỉnh. Ở Hà Nội thì hầu như gạt hết.
Theo đánh giá của ông, trong số người này, bao nhiêu phần trăm có ý thức tốt?
Chỉ là thiểu số thôi, may ra được 40-50%.
Theo như ông nói, đợt vừa rồi các ông đã tuyển rất kỹ, không phải nông dân thì cũng toàn người chịu khó lao động. Vậy lần sau liệu có khá hơn không? Và liệu có nên tiếp tục vụ làm ăn này nữa, khi mà theo lời ông, người lao động Việt Nam lắm tật quá?
Khó thực sự. Khó nhất là những người tốt nhất lại phải đủ điều kiện tài chính để đi. Nhưng tất nhiên mình phải cố gắng, không chùn bước. Người lao động cũng vậy, rất nhiều người muốn đi đợt sang năm. Tôi khẳng định với anh như thế. Lên xe họ vui lắm, họ có khoản tiền mà mình không kiểm soát được.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét