Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Tiến trình của một chiếc mũ


Ngày 14.12.2007, 19:06 (GMT+7)
Tiến trình của một chiếc mũ
Cách đây dăm năm, nhiều người đổ xô đi mua mũ bảo hiểm. Sau một thời gian ngắn, chiến dịch kiểm tra kết thúc, những chiếc mũ được đem cất, đóng bụi.
Cách đây dăm bảy tháng, sau hai vụ tai nạn giao thông có tiếng vang vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam xảy ra với hai nhà khoa học nổi tiếng, một của Việt Nam, một đến từ Mỹ, Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy nguy cơ mất an toàn xã hội làm méo mó đi hình ảnh một đất nước vốn nổi tiếng là yên bình trong mắt giới đầu tư và du khách nước ngoài, và kiên quyết ra tay.
Một đồng nghiệp Nhật Bản, khi sang đây tìm hiểu vấn đề này, đã thắc mắc với chúng tôi rằng tại sao các nhà chức trách Việt Nam lại phải mất nhiều thời gian đến như vậy cho việc bắt buộc người dân phải đội mũ bảo hiểm xe máy, khi mà ai cũng thừa nhận tác dụng của nó.
Tuy nhiên, anh bạn nhà báo nước ngoài đâu có hiểu được bản tính người Việt Nam, những người không thích và ngại đội mũ bảo hiểm vì những lý do rất con người của họ. Có rất nhiều lý do để họ không thích chụp chiếc nồi cơm điện lên đầu. Hoặc nó quá nặng, hoặc đội quá nóng, và nhất là làm hỏng hết kiểu tóc mới làm của họ, hoặc không hợp với bộ quần áo đang mặc...
Nếu không phải những lý do trên thì cũng rất nhiều người cảm thấy bất tiện khi luôn phải kè kè chiếc mũ trên tay khi đến cơ quan, những nơi công cộng, đi xem ca nhạc, hoặc đi ăn tiệc cưới... Với các cặp tình nhân trẻ thì rất khó tay trong tay.
Công bằng mà nói, ngay cả tại các nước phát triển, việc buộc những người tham gia giao thông đường bộ đội mũ bảo hiểm cũng chẳng hề đơn giản. Ở Mỹ chẳng hạn, cách đây vài chục năm người đi xe máy cũng phản đối quyết liệt quy định đội mũ bảo hiểm và các nhà chức trách lúc đầu đã phải nhượng bộ, trước khi số lượng ca chấn thương sọ não tăng bất thường khiến Chính phủ Mỹ phải phát động chiến dịch bàn tay sắt.
Còn ở tại nước láng giềng Thái Lan, khi quy định bắt buộc đội mũ được ban hành, người dân, và đặc biệt là nghiệp đoàn xe ôm, đã phản đối rất mạnh mẽ. Nhưng Chính phủ Thái Lan đã rất kiên quyết với lập trường của mình, và giờ đây đội mũ bảo hiểm đã trở thành một thói quen của người dân Thái. Nếu có dịp đi xe ôm ở Bangkok, bạn chắc chắn sẽ không ngồi được lên xe nếu từ chối đội mũ bảo hiểm từ tay bác tài.
Nhưng ông Greg Craft, chủ tịch quỹ Thương vong châu Á, vẫn kiên trì với sứ mệnh tuyên truyền cho mũ bảo hiểm của mình. Ngoài việc lớn tiếng chất vấn phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm khi ông này gặp gỡ với các thành viên Amcham trước khi sang Mỹ, ông này đã lôi kéo được những đồng minh lớn như ngân hàng Thế giới, một trong những nhà tài trợ ODA cho các công trình giao thông ở Việt Nam, để tổ chức một cuộc họp báo hoành tráng vào tháng 4.2007.
Trong suốt buổi họp báo kéo dài hơn hai tiếng, người đàn ông Mỹ có chiều cao khiêm tốn này (khoảng hơn 1,6 mét) xuất hiện cùng hoa hậu cao kều Mai Phương Thuý trong những chiếc mũ Protec đỏ rực, với một thông điệp ngầm: Tôi đứng cạnh Mai Phương Thuý trông bất tiện thật đấy, nhưng đó là việc cần làm. Các bạn cũng cần như vậy!.
Có lẽ, trong lần gặp Amcham năm tới, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm không phải cười trừ trước những câu nói gay gắt của ông Craft, mà bây giờ một số người gọi vui là Mr. Land Craft.
Huỳnh Phan - Từ Ban Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét