Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Kỳ 7: Ngày khai trường không dành cho trẻ lang thang cơ nhỡ


Ngày khai trường không dành cho trẻ lang thang cơ nhỡ

Nhân ngày khai trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gián tiếp đặt ra cho 19 triệu học sinh cả nước một câu hỏi lớn: "Các em học để làm gì, nói tôi biết?" Thế nhưng, có những trẻ em, ngoài con số 19 triệu đó, lại không thể có cơ hội suy nghĩ về câu hỏi đó. Đó là những trẻ lang thang, cơ nhỡ mà chuyện sống được qua ngày mới là câu hỏi lớn nhất.

LTS: Thế là học sinh trên cả nước lại bước vào một năm học mới. Với cả sự háo hức gặp lại bạn bè, thầy cô, và những điều mới mẻ, xen lẫn chút nuối tiếc một kỳ nghỉ hè thoải mái, vô tư lự.

Nhân ngày khai trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thông qua học sinh trường Việt - Đức (đây là trường PTTH ở Hà Nội, chứ không phải trường đại học ở TP HCM do ông làm Chủ tịch HĐQT) đã gián tiếp đặt ra cho 19 triệu học sinh cả nước một câu hỏi lớn: "Các em học để làm gì, nói tôi biết?"
Đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Nhất là khi ngay cả các nhà hoạch định chính sách và quản lý giáo dục, cũng như các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh, vẫn băn khoăn với câu hỏi "triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?".
Thế rồi, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ câu chuyện của buổi lễ khai giảng vùng cao: "Các em học sinh 5 tuổi vừa nhận được kẹo từ tay chúng tôi đã bỏ ngay vào miệng nhai ngon lành mà không bóc vỏ kẹo. Các em chưa được ăn kẹo bao giờ. Nước ta còn cả những nơi nghèo khó đến vậy..."
Thế nhưng, ngay tại những đô thị lớn bậc nhất Việt Nam lại vẫn có những trẻ em còn nghèo khó hơn cả học sinh vùng cao. Chúng thậm chí không cơ hội đến trường để bỏ ngay "cái kẹo chưa bóc vỏ" từ tay Phó Thủ tướng vào miệng, nói gì đến việc suy nghĩ về câu hỏi của ông. Đó là những trẻ lang thang, cơ nhỡ, mà chuyện sống được qua ngày luôn là câu hỏi lớn nhất.
Nhân dịp ngày khai trường, Tuần Việt Nam xin được đăng lại bài viết của phóng viên Huỳnh Phan, đã đăng trên Báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 22.8.2008, về một bộ phim tài liệu do hãng NDN (Nhật Bản) thực hiện tại Sài Gòn, nơi ông Nguyễn Thiện Nhân từng làm phó chủ tịch thường trực trước khi ra trung ương.
Bộ phim kể về ước mơ tới trường của Phượng, một trong số không ít trẻ lang thang cơ nhỡ mà dường như không cơ quan tổ chức nào của chính phủ Việt Nam có con số thống kê. Đó là một em bé mới 8 tuổi đi bán vé số để tự kiếm sống, và phụ giúp cha mẹ nuôi các em nhỏ của mình.
Bộ phim được thực hiện nhằm mục đích quyên góp một phần tiền "quà vặt" của các em học sinh Nhật Bản, cũng như cha mẹ các em, cho những bạn như Phượng có thể tiếp cận cái chữ...
Các nhà làm phim NDN đã không có tham vọng đặt ra một câu hỏi lớn và sâu sắc như vị lãnh đạo chính phủ Việt Nam. Câu hỏi của đạo diễn bộ phim chỉ đơn giản là: "Tại sao ở một nước đã công bố hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học như Việt Nam, vẫn có những trẻ em không được đến trường?"
Sở dĩ chúng tôi cho rằng câu chuyện này vẫn còn giữ tính thời sự của nó, bởi vì, ngoài chiều hướng đi xuống của nền kinh tế trong mấy năm qua, những nỗ lực được công bố của ngành giáo dục dường như cũng không nhằm vào mục tiêu này.
Một năm học mới lại bắt đầu. Các phụ huynh lại tất bật đưa con em đến trường.
Nhưng cha mẹ của Phượng, nhân vật chính trong bộ phim tài liệu về trẻ em lang thang của công ty truyền thông Telecomstaff của Nhật Bản, lại không có được niềm vui như vậy. Cặp vợ chồng trẻ này (chồng 29 tuổi, vợ 25 tuổi), ngụ tại một khu "ổ chuột" ở quận 2, hàng ngày phải đi bán vé số đến tận đêm để duy trì gia đình có tới bảy miệng ăn.
Phượng, cô con gái đầu, năm nay lên 8 tuổi, cũng phải đi bán vé số để phụ giúp cha mẹ nuôi bốn đứa em, đứa bé nhất giờ mới tám tháng tuổi.
"Tuy không bao giờ nhầm lẫn khi thu tiền, hay thối lại tiền cho khách mua vé số, nhưng Phượng chỉ biết đọc các con số từ 1 đến 10, còn bảo đọc hai chữ số là cô bé bẽn lẽn cười trừ", Trần Huy Công, đại diện NDN (hãng sản xuất chương trình truyền hình Nhật Bản) tại Hà Nội, người tham gia chương trình này, kể lại.
Những giây phút hiếm hoi được trở lại thành trẻ con của cô bé 8 tuổi.
Lịch trình quen thuộc hàng ngày của cô bé là rời nhà khoảng 10h sáng, qua phà Thủ Thiêm, đi bộ đến chợ Xóm Chiếu (quận 4) để bán vé số. Đến trước 4h30 chiều là phải có mặt ở trước cửa tiệm bánh mì Như Lan, đường Hàm Nghi, để giao tiền và vé thừa cho cha cô. Chơi quanh quẩn ở đó đến 5h30, cô bé lại được giao những tờ photocopy kết quả và những tập vé số của ngày hôm sau. Phượng lại tiếp tục đi rao bán vé số ở khu vực đó cho đến 11h rồi tất tả chạy ra bến phà cho kịp chuyến cuối lúc 11h30 đêm.
"Khi chúng tôi dẫn Phượng đi siêu thị, thấy cháu ngẩn ngơ nhìn những bộ đồng phục học sinh, đi qua rồi còn ngoái lại nhìn. Mắt cháu sáng lên khi vào hiệu sách, khi nhìn thấy những cuốn sách lớp 1. Vẻ háo hức hồn nhiên bỗng nhiên trở lại trên khuôn mặt sạm nắng gió và già trước tuổi", Trần Huy Công nói tiếp.
Trần Huy Công cho biết thêm rằng những khoảnh khắc đó đều được ghi lại trong chương trình truyền hình Tấm lòng vàng 100 yen, dự kiến sẽ phát trên Tokyo TV từ 21 - 23h ngày 27.8.2008. Ngoài Việt Nam, các nhà làm phim còn tiến hành quay ở những khu vực khó khăn khác trên thế giới như một nước ở châu Phi và Afghanistan.
Theo những người thực hiện chương trình này, hàng năm trên thế giới có khoảng 100 triệu trẻ em không được đi học, có khoảng 250 triệu lao động là trẻ em, và cũng có hơn 100 triệu trẻ em lang thang cơ nhỡ. Trong khi đó, hàng ngày người Nhật đang tiêu tốn một số lượng lớn tiền bạc. Liệu rằng họ có thể bỏ ra 1% trong số đó, hay 100 yen, bằng một ly nước ngọt, để làm thay đổi cuộc sống của trẻ em đang gặp khó khăn trên thế giới, những người làm chương trình đặt vấn đề.
Theo Trần Huy Công, mỗi nước có một đặc thù riêng. Nếu ở nước châu Phi là câu chuyện của trẻ em bị mắc một căn bệnh do sự nghèo đói và điều kiện vệ sinh kém, ở Afganistan là câu chuyện về hậu quả của cuộc chiến tranh đối với trẻ em, thì ở Việt Nam đó là câu chuyện mang màu sắc xã hội. Đó là câu chuyện của khoảng cách giàu nghèo.
"Có một điều khá thú vị ở nhân vật Phượng là cô bé mù chữ này hàng ngày vẫn đi bán cái 'hy vọng đổi đời' - cách giải thích phổ biến nhất cho thói quen mua vé số của nhiều người Việt Nam", Trần Huy Công nói.
Trần Huy Công kể lại, trong quá trình thực hiện bộ phim (kể cả quá trình đi tiền trạm) trong khoảng ba tuần, ngày nào đạo diễn Moriyama Hiroaki cũng đặt ra với ông những câu hỏi: "Việt Nam công bố rằng đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, mà tại sao trẻ em lang thang, cơ nhỡ ở Việt Nam vẫn chưa được đến trường? Làm sao để chúng được đến trường?"
Và Moriyama Hiroaki lấy ngay trường hợp của bé Phượng làm ví dụ.
"Một ngày trung bình cô bé bán được 100 vé số loại 5.000 đồng/vé, tức là thu nhập hàng tháng của cô bé là 1,5 triệu đồng, trừ tiền ăn ra phải đủ tiền đóng học phí chứ", vị đạo diễn này lập luận.
"Tôi phải giải thích đi giải thích lại rằng, thứ nhất, nếu bé Phượng được đến trường, ai sẽ kiếm ra khoản thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng để lo tiền ăn tiền học cho cháu, cũng như tiền giúp bố mẹ cháu nuôi bốn đứa em.
Thứ hai, muốn đến trường, theo qui định, phải có đăng ký hộ khẩu, mà nhà cô bé này lấy đâu ra hộ khẩu, khi cha cô bé cũng là trẻ lang thang từ Tiền Giang lên, còn mẹ cô bé cũng vốn là trẻ lang thang ở đất Sài Gòn.
Hơn nữa, bé Phượng, tuy lang thang kiếm sống, vẫn còn có cha mẹ, nhưng còn nhiều những đứa trẻ khác không cha mẹ, ngủ ghế đá công viên, gầm cầu, thì thậm chí đến giấy khai sinh còn chẳng có, trường nào nhận vào học", Trần Huy Công thuật lại.
Mori Shita đang dạy Phượng tập viết tên mình
Tuy bộ phim chưa được phát, nhưng ngày 19.8 vừa rồi, Trần Huy Công đã nhận được email từ phía Nhật thông báo rằng bước đầu đã có 164 học sinh trường tiểu học Kotfudai San-iku, những em đã được tham khảo về ý tưởng xây dựng nhân vật Phượng, trong số sáu nhân vật được đạo diễn tuyển chọn, đóng góp mỗi em 100 yen giúp đỡ các bạn khó khăn ở Việt Nam.
Những người thực hiện chương trình hy vọng, sau khi bộ phim được phát, nhất là từ sau ngày 1.9, khi năm học mới bắt đầu ở Nhật Bản, họ sẽ nhận được nhiều tiền quyên góp từ các em học sinh, cũng như cha mẹ chúng.
Với riêng Phượng, nhóm làm phim đã mua tặng sách vở, bút, và một chiếc bàn học Xuân Hoà. Bộ đồng phục mà em thích, họ không dám tặng... Đằng nào em cũng chẳng được đến trường!
Thay vào đó, Phượng được các nhà làm phim gửi gắm vào học theo chương trình chăm sóc trẻ em đường phố Thảo Đàn dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ngay tại công viên bờ sông Bạch Đằng. Vào chiều thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, em và các bạn cùng hoàn cảnh khác sẽ được các anh các chị tình nguyện viên dạy chữ, dạy toán, và cả dạy hát nữa.
Nhưng điều Phượng thích nhất là lần đầu tiên em đã viết được tên của mình, do chính người dẫn chương trình Mori Shita, ngồi cầm tay em dạy em viết ngay trên vỉa hè trước cửa tiệm bánh mì Như Lan.
Khi chia tay nhóm làm phim, Phượng nói với Mori Shita: "Em sẽ cố học viết để viết thư cho chị". Mori Shita đã khóc.
Về phần mình, Shita đã nói với Trần Huy Công: "Thu xếp xong công việc, tôi sẽ nhanh chóng quay trở lại Việt Nam. Ở đây, tôi đã có một người bạn nhỏ."
"Nghĩ đi nghĩ lại, anh đạo diễn Nhật kia hoàn toàn có lý. Một nước đã công bố phổ cập giáo dục tiểu học rồi, mà tại sao trẻ em lang thang cơ nhỡ vẫn không được đến trường nhỉ?", đến lượt Trần Huy Công lại day dứt với câu hỏi này.
  • Theo SGTT

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Có được thì có mất


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Có được thì có mất
11:30, 30/12/2011
Hồng Thanh Quang (Www.Hongthanhquang.Vn)
Ảnh: Minh Trí.
"Sống đến lúc nào đấy ta sẽ thấy danh lợi nó vô nghĩa. Chuyện có tiền hay không đối với tôi bây giờ không quan trọng nữa, nhiều khi nhiều tiền mà mình không biết cách tiêu hay sử dụng nó, nó chỉ gây tại họa thôi", nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, chia sẻ.
Dễ đến hơn một năm nay tôi không có dịp được gặp lại nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, kể từ sau cuộc phỏng vấn tại một quán cà phê trong ngõ Hàng Hành, Hà Nội, trước Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII hồi tháng 8/2010. Hai kỳ báo kể lại một phần nội dung những gì đã trao đổi với anh hôm ấy đã được dư luận quan tâm thích đáng và gợi mở cho không ít người những suy tư mới về nghề và nghiệp của kẻ cầm bút. Tuy nhiên, do quá bận bịu, với lại bản tính không mấy khi không có việc rất cần mà lại dám tới làm mất thời gian của những bậc đàn anh trong nghề nên tôi cũng đã không tranh thủ cơ hội để tới gần nhà văn mà tôi lúc nào cũng kính trọng, mặc dù cũng đã không ít lần tôi muốn tìm Nguyễn Huy Thiệp để trò chuyện cho khuây khỏa những tâm sự không dễ chia sẻ với những người khác...
Thế rồi một tối mùa đông tháng chạp này, khi tôi đang vội lái xe về nhà (sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi lúc nào cũng muốn mau mau chóng chóng về nhà để chơi với hai đứa con của mình - ai ở trong tình cảnh cha già con cọc như tôi chắc rất dễ hiểu tâm trạng này) thì bỗng nhiên tôi nhận được cú điện thoại từ một số máy lạ.
Và vang lên giọng nói, nghe quen quen nhưng cũng hơi thảng thốt đến xa xôi: “Ông Quang à, tôi Thiệp đây...”. Sau vài giây phân vân, tôi đã nhận ra anh và ngoan ngoãn thưa: “Dạ, em đây, anh Nguyễn Huy Thiệp đấy à...”. Anh nói với tôi một thôi một hồi về chuyện mà anh đang phải rất bận tâm và cần được tư vấn... Dĩ nhiên, tôi đã nhận lời giúp anh vào ngày mai khi tới cơ quan dù không biết mình sẽ phải làm gì để cho có hiệu quả... Tới sáng, vừa tới cơ quan, chưa kịp triển khai lời hứa với anh thì tôi lại nhận được điện thoại của Nguyễn Huy Thiệp. Anh bảo, thôi, cảm ơn ông, mình đã thu xếp được rồi... Tôi vừa mừng cho anh nhưng cũng hơi cụt hứng, vì nói thực là, với những người như anh, tôi lúc nào cũng rất muốn giúp được một việc gì đó. Mà anh thì rất ít khi quấy quả, lại càng không mấy khi nhờ vả những đứa em trong nghề như tôi...
Tôi nhớ, ở đầu những năm 90, khi tôi mới vào nghề, còn rất “vô danh tiểu tốt”, ghé vào nhà anh chơi, đã luôn được anh đối xử rất trọng thị và chân tình... Cách đối xử như thế chẳng bao giờ tôi quên được...
Tối về nhà, vào đọc lại những ghi chép cũ, tôi lại tìm thấy bài phỏng vấn anh mà tôi đã thực hiện dễ đến hơn 5 năm. Đó là một cuộc phỏng vấn không suôn sẻ vì lần đầu, khi chúng tôi kéo “đại binh” tới nhà anh, được anh đãi rượu thịt linh đình thì toàn bộ băng ghi âm những gì đã trao đổi với anh đều bị hỏng, không thể khôi phục được. Thế là tôi đã lại phải một mình lọ mọ tìm tới anh, nói khó để anh tiếp lần nữa để có được bài in cho kịp số...
Hôm nay, lúc ngày cùng tháng tận của năm 2011, đọc lại bài phỏng vấn đó, tôi có cảm giác như nó vừa được thực hiện. Nhất là khi đọc tới đoạn anh ngậm ngùi đồng ý lúc tôi khơi chuyện “Anh có cảm thấy rằng sự anh minh của chúng ta đôi khi lại không soi rọi được những gì gần gũi nhất?”, tự dưng tôi thấy cay cay ở mũi...
Thì ra, có những điều mà chúng ta đã nói ra một lần thì không thể nào nói khác được nữa, không thể nào nói được gì mới hơn được nữa...
“Chúng ta đều yếu ớt”
Hồng Thanh Quang: Trong văn chương, anh quyết liệt, nhưng trong đời sống thì đôi khi anh lại rất nhũn nhặn. Đấy là bản năng tự vệ của anh?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Xét cho cùng, tất cả chúng ta đều rất yếu ớt... Và ở đời luôn có nhiều nghịch lý. Tác phẩm có thể thế này thế nọ nhưng trong cuộc sống, tôi cũng là con người chừng mực chứ không quá khích. Bạn bè bảo, mình là “người hiền”, tức là...
- Độ lượng với bạn bè, dễ tha thứ những lầm lẫn của người thân?
- Đúng. Và đã làm một nhà văn, rõ ràng là dù anh viết kiểu gì mà trong sản phẩm của anh không có giá trị thẩm mỹ, không có giá trị nhân văn thì vứt đi! Cái điều ấy nó phải nhuyễn từ trong cuộc sống hằng ngày, từ cách ứng xử, chứ khác đi, người đời sẽ nhận ra ngay là có một sự giả mạo nào đấy!
- Đôi khi nhà văn thể hiện trong tác phẩm những điều mà trong đời thực họ không làm được. Anh có cảm giác là một tác phẩm của anh chính là sự thể hiện một bản năng nào đó mà trong các hành vi ứng xử đời thường, anh không bao giờ thực hiện?
- Có lẽ điều ấy cũng chỉ là một phần thôi, chứ cũng không thể nào đúng hết tất cả được. Theo tôi, mỗi một tác phẩm văn học ra đời đều có một cái gì đó riêng, thật khó biết, khó lý giải, kể cả bản thân người viết. Nhiều khi, ta ngồi vào viết một truyện ngắn hay một tiểu thuyết chỉ vì một câu nói nào đó của một ai đó bỗng nhiên đánh thức toàn bộ tiềm năng ở ta... Hôm ở Văn Miếu, trong cuộc giao lưu của các nhà văn thuộc khối Cộng đồng Pháp ngữ, tôi có đặt ra một câu hỏi đối với các đồng nghiệp Canada, Thụy Sĩ, Pháp... “Tại sao ông viết văn?”. Đấy là một câu hỏi khó, nếu trả lời thành thực!
- Bản thân nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sau chừng ấy năm làm nghề đã có thể trả lời một cách giản dị và rõ ràng chưa?
- Cái đấy thì phải chia ra rất nhiều giai đoạn khác nhau, thậm chí có thể phụ thuộc vào từng tác phẩm cụ thể. Thí dụ, khi là một thanh niên 16-17 tuổi, viết một bài thơ chỉ từ một ý nghĩ vớ vẩn, như để tán gái chẳng hạn, thì việc này cũng chả có gì là xấu. Lớn lên một chút thì có thể viết vì danh. Việc khao khát danh tiếng cũng là tốt đẹp thôi, anh muốn thể hiện mình, khẳng định mình, muốn để người đời không khinh rẻ nọ kia... Hoặc đến lúc nào đó, anh tưởng bở, anh lại viết vì lợi, anh nghĩ rằng tác phẩm văn học có thể đem lại cho mình tiền bạc. Cũng là ham muốn lành mạnh. Nhưng cuối cùng, đến một lúc nào đấy, thì rõ ràng nhà văn sẽ thấy cái ý thức xã hội của người cầm bút phải là rất lớn.
- Có thể anh chỉ nghĩ đơn giản là viết một tác phẩm để tặng một cô gái nhưng lại thành bài thơ tình để đời, còn có thể anh viết với một động cơ rất cao cả, rất mỹ miều, song tác phẩm lại dở?
- Đúng! Và tính thẩm mỹ và tính nhân đạo mới chính là giá trị của nhà văn. Nhưng ông phải sống thế nào, phải tu thân thế nào, phải làm việc thế nào mới có được những cái ấy.
- Rất nhiều người còn tiếp tục hy vọng vào Nguyễn Huy Thiệp như một nhà văn, nhưng có thể nói lên điều này: anh đã làm được phần lớn sự nghiệp của anh trong văn học! Đến bây giờ, anh có thể trả lời một cách giản dị rằng rốt cuộc Nguyễn Huy Thiệp viết văn vì cái gì?
- Cái câu này thì không thể giả nhời được.
“Tôi cũng ân hận”
- Có bao giờ Nguyễn Huy Thiệp viết một tác phẩm nào đó chỉ để thanh toán “ân oán giang hồ” với một vài đồng nghiệp?
- Không bao giờ! Vì việc ấy quá ư tầm thường.
- Không bao giờ? Anh có thể lý giải như thế nào về một số tên nhân vật, một số chi tiết trong những chuyện ngắn rất hay của mình, ví dụ như “Kiếm sắc” chẳng hạn?
- Thời tôi xuất hiện trên văn đàn, cả xã hội ta cùng đổi mới. Lúc đó cũng xuất hiện thái độ phê phán rất gay gắt đối với cơ chế bao cấp, sự trì trệ trong làng văn. Và những cá nhân có trách nhiệm trong những chuyện đó thì phải chịu trách nhiệm...


- Có những người có lỗi không phải vì những việc họ đã làm mà vì họ đã không làm những công việc mà phận sự, chức danh bắt buộc phải làm. Và điều đó làm cho những người trẻ tuổi, nhất là những văn nghệ sĩ trẻ tuổi buồn...
- Đúng! Đúng! Thậm chí trước khi viết Kiếm sắc, tôi chưa bao giờ gặp mặt ông Nguyễn Đình Thi, ông Nguyễn Khải...
- Nhưng ông Nguyễn Khải đã nói về anh rất tốt...
- Đúng, chính vì điều đó nên sau này tôi cũng thấy ân hận. Hay là thái độ đối xử của ông Nguyễn Đình Thi đối với tôi cũng rất đàng hoàng... Và sau này mình cũng nhận ra rằng họ cũng chả có tội gì, họ cũng là người của cơ chế mà thôi... Và cũng phải nói rằng, trong việc tôi đã làm cũng có sự lành mạnh của nó, nếu xét theo một khía cạnh nào đó. Và nếu như tôi không phải là một nhà văn hồn nhiên thì tôi không bao giờ viết được như thế.
- Một khi chấp nhận Nguyễn Huy Thiệp với những giá trị văn học anh đã làm được, thì phải chấp nhận những khía cạnh khác gọi là hệ lụy kèm theo trong tính cách?
- Đúng rồi.
- Và không thể nói như một số nhà phê bình rằng, giá như thế này, giá như thế kia?
- Đúng rồi, nó là mối tổng hòa các quan hệ thôi mà. Anh phải chịu tất cả những sự đắng-cay, ngọt-nhạt, tủi-buồn, vui-giận trong xã hội chứ!
- Điều đó không có nghĩa là, khi chúng ta làm một điều ác, dù là vô tình, thì chúng ta không ân hận?
- Đương nhiên. Thế nhưng trong cái nọ lại có cái kia. Trong thiện có ác, trong ác có thiện. Trong cái thị có cái phi, trong cái phi có cái thị. Trong cái phải có cái quấy, trong cái quấy nó cũng có cái phải của nó!
- Chính cái sự va đập ấy sẽ điều chỉnh xã hội?
- Đúng rồi. Cuộc sống là thế! Văn học cũng nên có một sự chấp nhận lành mạnh đối với tất cả những chuyện thiện-ác, thị-phi, phải-quấy, tốt-xấu, hay-dở...
- Và trong vấn đề này ta không nên rành rẽ quá? Không nên giải thích quả trứng có trước hay con gà có trước, cũng như không thể nói rằng một nhà văn quấy viết văn hay tốt hơn, hay là một nhà văn rất đạo mạo, tử tế nhưng viết văn không hay tốt hơn?
- Đúng rồi...
Kinh nghiệm mà chi
- Anh bắt đầu xuất hiện bằng chùm truyện “Những ngọn gió Hua Tát”, và có người nói rằng, Nguyễn Huy Thiệp đã “thừa hưởng” tất cả những văn hóa dân gian ở những năm ông đã dạy học trên miền núi, và sau này ông chỉ khai thác cái mỏ ấy thôi, và đây không thể là sản phẩm của đầu óc tự nhiên của một con người xuất thân từ ven đô như anh. Anh nghĩ thế nào, đấy là sự bôi bác anh hay là sự thật?
- Cái truyện đầu tiên Trái tim hổ tôi viết năm 21 tuổi, năm 23-24 tuổi, tôi viết được hai truyện tiếp theo: Con thú thứ nhất và Tiệc xòe thứ nhất. Mãi về sau khoảng độ năm 26-27 tuổi, tôi mới hoàn chỉnh được 10 cái truyện ấy. Lúc đó, tôi chưa trải qua nhiều kinh nghiệm va chạm với cuộc đời, thậm chí chưa biết gì về ái tình, về sự vinh nhục, danh lợi... Thế nhưng, mình viết không hiểu sao cứ như ông già ấy, rất là chín...
- Các nhà phê bình thường hay rút ra những khuôn mẫu để hình thành nhà văn, nhưng thực chất một nhà văn lớn không bao giờ nằm trong cái khuôn mẫu nào cả, mà họ thường là những hiện tượng dị biệt?
- Những chuyện ấy đúng là trời cho. Giờ có kinh nghiệm, tôi có thể viết được 10 đến 20 truyện Những ngọn gió Hua Tát nữa, nhưng chắc chắn sẽ không còn được cái hương vị như thế.
Không xả thân, khó thành công
- Thời gian gần đây, anh hay viết những bài giới thiệu thơ. Phải chăng anh không viết được truyện ngắn nữa nên anh “chuyển nghề” sang lĩnh vực mà không ít người cho rằng không phải là sở trường của Nguyễn Huy Thiệp?
- Tôi nghĩ, nhu cầu viết về người này hay người khác, cũng như nhu cầu viết những bài tiểu luận mang tính chất phê bình - lý luận... đều là tự nhiên của người cầm bút. Nhìn rộng ra đội ngũ đương thời của mình, phát hiện ra những cái hay và cổ vũ những cái đó cũng là một nhu cầu bình thường của người cầm bút. Và như thế mới có được không khí văn học lành mạnh. Không ai có thể sống chỉ một mình, anh phải có bạn chơi chứ, anh phải có người trao đổi chứ! Ông Huy Cận có một câu thơ, hay trích lại lời nói của ai có ý là: Văn chương nó như một tiếng kêu gọi đàn. Tôi thấy điều đó rất là đúng! Làm sao có một nhà văn cô đơn tuyệt đối ở giữa đồng loại, ở giữa những người đương thời của mình được? Ông phải chú ý đến người nọ người kia, đến không khí văn chương lúc đó thì ông mới có thể viết ra một tác phẩm hợp thời chứ. Tôi vẫn nói là văn chương Việt Nam cũng giống như bóng đá Việt Nam: có nhiều người đá vào chân và cũng có nhiều người đá vào bóng, có người “đá” bằng tay, có người “đá” bằng đầu và cũng có người “đá” bằng các quan hệ. Thì một anh nhà văn Việt Nam cũng phải tham gia cái trận cầu ấy, ông cũng phải lớn lên, cũng phải trưởng thành. Đấy, tôi nghĩ các nhà văn nổi tiếng trên thế giới họ cũng thế thôi, các tác giả được giải thưởng Nobel cũng vậy thôi, cũng phải từ những sân bãi chật hẹp của họ, từ Brazil, từ Thụy Điển hay từ một nơi hoang vắng nào đó...
- Đơn giản là việc giới thiệu một số tác giả, tác phẩm của anh là do nhu cầu muốn hòa nhập vào đời sống văn học đương thời chứ không phải như một số người nói rằng là dường như Nguyễn Huy Thiệp đang muốn tìm những người kế cận theo mình?
- Không! Tôi chẳng làm điều ấy bao giờ, và dù công phu thế nào, tôi cũng chẳng làm được. Chẳng có ai theo tôi!
- Những tác giả cụ thể trong văn học Việt Nam hiện nay mà anh cảm thấy gần gụi về mặt nhận thức chân lý?
- Nói thế thì rất khó. Tôi nghĩ, ở trên văn đàn hiện nay, rất nhiều người có tài. Chỉ tiếc rằng, vì lý do nọ hay lý do kia, đáng lẽ ra họ cần nỗ lực hơn nữa, vất vả hơn nữa, dấn thân hơn nữa...
- Thực ra đối với một nhà văn, không thể nào thành đạt về mặt nghề nghiệp nếu không có sự xả thân và hy sinh tất cả những cái khác không phải là nghệ thuật? Không thể nào ăn gian?
- Đúng rồi. Văn học không phải là công việc dễ dàng gì. Phải sống thế nào đấy, đi thế nào đấy, đọc thế nào đấy mới viết được. Tôi lấy một thí dụ, một trường hợp cụ thể của anh Nguyễn Việt Hà. Anh ta là người có tài, đọc nhiều, thế nhưng anh ta lại muốn tìm đến danh lợi trong văn học rất dễ dàng. Tôi vẫn thường xuyên nói với anh ta: Nếu ông vẫn vợ đẹp con khôn, đi làm lương vẫn cao, vẫn đi uống cà phê ở Hai Bà Trưng hằng ngày, rồi ông vẫn sung sướng với những lời tán dương về tác phẩm cũ ấy thì rất khó!
- Văn học ấy, cũng theo cái kiểu như tình yêu “theo tình tình phớt, phớt tình tình theo”, nếu anh không cố tìm danh lợi trong văn học thì may ra mới đạt được, còn phần lớn những người cố tình tìm thì chắc chắn không đạt được?
- Đúng. Khổ lắm ông ạ.
- Trong Kinh Thánh có khái niệm “người được lựa chọn”, đó là việc rất tình cờ, anh phải được lựa chọn vào việc đấy cơ thì may ra anh mới đạt được, còn anh cố tình phấn đấu thì cùng lắm anh chỉ ở cái tầm thê đội 2, không bao giờ lên được ngoại hạng?
- Cũng có người nói như thế, thiên tài 99% là kiên nhẫn, còn 1% còn lại là thiên phú. Cũng có người nói ngược lại, 99% là trời mang đến. Theo tôi thì nó có cả hai yếu tố đấy, 50-50.
- Người ta bảo, khát vọng làm giàu của Nguyễn Huy Thiệp cho đến hôm nay vẫn còn chưa chấm dứt, điều đó có đúng không?
- Không có đâu. Khi còn trẻ thôi. Sống đến lúc nào đấy ta sẽ thấy danh lợi nó vô nghĩa. Chuyện có tiền hay không đối với tôi bây giờ không quan trọng nữa, nhiều khi nhiều tiền mà mình không biết cách tiêu hay sử dụng nó, nó chỉ gây tại họa thôi. Thế nên người ta nói: Mưu cái lợi cho thiên hạ mới là lợi lớn, mưu cái danh cho muôn đời thì mới gọi là cái danh lớn. Nếu anh chỉ mưu cái lợi cho mình cá nhân anh mà xã hội không phát triển, không lành mạnh thì bản thân cái lợi của anh là bi kịch chứ, phải không?
- Thi sĩ Nga Andrey Voznhesensky viết bài thơ có ý: khi mà các triệu phú vênh vang với cái nhẫn kim cương và cái vòng vàng xa hoa của mình, mà xã hội vẫn còn những người đói khát, những kẻ bần hàn, thì đấy là một sự vô liêm sỉ chứ không phải cái gì hay ho. Ở ta có khá nhiều người chỉ lo cho con mình, cho nhà mình nhiều tiền, còn với người thiên hạ thì “sống chết mặc bay”. Và cái sứ mệnh của văn học có lẽ là làm sao để càng nhiều người hiểu ra điều này?
- Đúng rồi. Nhưng tác động của văn học chỉ là một phần thôi. Chứ còn với mỗi cá nhân, chính cái sự ăn đòn từ cuộc sống sẽ giúp họ ngộ ra.
- Cái sự “ăn đòn” ấy đôi khi chúng ta phải trông cậy vào Trời, thuyết “ác giả ác báo”, hay là thế nào?
- Điều ấy là đương nhiên thôi.
Quan trọng là tu thân
- Anh có nghĩ rằng, tiền bạc cũng như tình yêu, nó làm cho người tốt trở nên tốt hơn, và những kẻ xấu thì càng xấu đi?
- Cái gì cũng có hai mặt... Làm sao anh phải biết trung dung, biết hóa giải ở mức độ vừa phải, không để đến mức bi kịch.
- Quan trọng vẫn phải là cốt cách của từng người một. Không có cốt cách thì mọi phúc lộc của giời chỉ có thể làm cho anh tồi tệ hơn?
- Nói cốt cách thì hơi to, nhưng nhìn chung thì phải biết tu thân. Ngày xưa các cụ đã nói điều này rất nhiều rồi, nếu anh đức mỏng mà danh lớn, hoặc lợi lớn thì chỉ bi kịch mà thôi.
Mọi sự đều có lý riêng
- Khi anh mới xuất hiện, anh đã làm cho các nhà văn đàn anh sững sờ. Và bây giờ, dù muốn hay không, với một lớp trẻ nào đấy, Nguyễn Huy Thiệp cũng đã trở thành cũ rồi. Anh có cảm thấy đau khi nhận thấy điều này không?
- Chẳng có gì mà đau cả! Tôi nói thật với ông, với cuốn tiểu thuyết mới của tôi Tuổi hai mươi yêu dấu, tôi bảo đảm nó sẽ là một cuộc tranh luận văn học lớn. Nó sẽ là một cú sốc đối với tiểu thuyết Việt Nam!
- Phải chăng thiên chức của văn học là để gây sốc?
- Hoàn toàn không phải. Tất cả những nhà tiểu thuyết của chúng ta đều loanh quanh, đều ngậm ngùi về những thứ gì đã qua rồi. Tác phẩm của tôi là mang ý thức công dân rất cao. Tại vì tôi viết về vấn đề hiện nay gay cấn nhất, đấy là tầng lớp thanh niên hiện nay. Một nhà báo đã tới hỏi tôi qua cuốn Tuổi hai mươi yêu dấu, ông muốn gửi thông điệp gì? Tôi có nói là: Tôi cũng có tham vọng gửi nhiều thông điệp khác nhau tới độc giả, nhất là độc giả trẻ. Chí ít có hai điều mà tôi muốn nhấn mạnh. Một, hãy trở lại với thiên nhiên, tự nhiên. Xã hội càng phát triển, càng hiện đại bao nhiêu, ngoài những giá trị tích cực ra thì ở đó có chứa ẩn nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ bấy nhiêu. Chỉ có thể trở về với tự nhiên, trở về với thiên nhiên, “trở về với Mẹ ta thôi”, thì lúc đấy con người mới tìm thấy cái tôi đích thực của mình. Hai, cuộc sống là tươi đẹp, tuổi trẻ là tươi đẹp, đừng nên vì bất cứ lý do gì mà hủy hoại hay làm tổn thương nó.
- Thông điệp là rất hay, nhưng xin lỗi, thông điệp này của anh cũng không mới hơn tất cả những thông điệp đã có?
- Đúng rồi. Không có một cái thông điệp nào mới cả, ông ạ. Thế nhưng nó mới ở cách đi vào lòng người.
- Cách diễn đạt của anh sẽ đi vào lớp độc giả trẻ hiện nay? Anh có tin không?
- Tôi tin chứ.
- Bởi vì sao? Anh tin như thế vì đây là tác phẩm khá nhất của anh từ trước tới nay?
- Đây không phải là một tác phẩm khá nhất. Tại vì nhiều lý do mà tôi chỉ đạt được 6/10 yêu cầu mà tôi đặt ra. Nhưng mà chỉ riêng như thế thôi, tôi bảo đảm với ông, nó vẫn sẽ là một sự kiện của tiểu thuyết Việt Nam!
- Biên giới giữa một trí tuệ thực sự minh mẫn của một trí thức và tất cả sự ảo tưởng về thiên chức của mình bao giờ cũng mong manh. Thực tế thế giới hiện đại cho thấy những nhóm người nào cứ tự cho mình thiên chức đi khai hóa các dân tộc khác thì thường mang lại cái ác. Anh có cảm thấy sự mâu thuẫn khi một mặt chúng ta muốn sống lại với thiên nhiên, nhưng mặt khác lại muôn vươn tới những khuôn mẫu của một nền văn minh đô thị, sự bế tắc nào đấy thôi. Làm sao để những người bình thường phân biệt được?
- Văn minh đô thị không phải là xấu. Nếu xấu thì ai lại đi xây nhà như vậy, nó phải có một cái lý gì của nó chứ! Nhưng tại sao cũng có những người qua cái đấy rồi thì lại mua nhà trên Xuân Mai, mua đất trên Ba Vì, lại đi về vùng biển? Cái nào cũng có giá trị của nó! Tất cả những cái ấy đều tồn tại song song với nhau cơ mà!
- Như vậy, vấn đề là anh sẽ lựa chọn cái gì hợp với anh?
- Đúng rồi! Nhà văn phải đặt ra những vấn đề ấy để độc giả lựa chọn, thanh niên lựa chọn.
- Chúng ta không bao giờ được coi mình thông minh hơn người khác và tìm cách áp đặt? Tất cả những ai vẫn nghĩ rằng chỉ theo mình mới là đúng thì thường lại gây tai họa nhiều hơn. Quan trọng là phải tạo ra sự chọn lựa, và quan trọng là phải có tính thuyết phục.
- Đúng rồi. Giáo dục văn minh có bắt ép sinh viên đâu. Ông lên lớp thì lên, ông không lên lớp thì thôi, họ chỉ hướng dẫn sách này kia phải đọc, còn tùy ông lựa chọn đề tài, phương pháp... Họ bắt ông động não chứ không làm hộ ông khâu suy nghĩ...
Như một cái cây
- Nhật Bản từng có một truyện rất hay “Đèn không hắt bóng”. Anh có cảm thấy rằng sự anh minh của chúng ta đôi khi lại không soi rọi được những gì gần gũi nhất?
- Đương nhiên rồi.
- Anh chấp nhận điều đó, anh nói đương nhiên nhưng hẳn anh phải đau chứ?
- Đau chứ! “Dao sắc không gọt được chuôi”, phải không?
- Nhưng mà vẫn phải sống để viết? Và nếu mình không giúp được mình thì mình sẽ giúp được ai đó?
- Mỗi con người phải có bài học riêng. Ông phải sống đến một mức nào đó để ông hiểu trời sinh ra ông để làm gì. Trời sinh ra chỉ để làm một việc thôi!
- Còn những việc khác đôi khi cũng phải thua. Ai mà muốn thắng trong tất cả mọi việc thì người ấy rất dễ gây ra tội ác.
- (Cười): Khó lắm! Tham thì thâm! ông được thì ông phải mất! Ông muốn sướng thì ông phải có đau! Ông nhận thức được cái hay thì ông phải sống qua cái dở, thế thôi!
- Anh có cảm thấy anh có cái dở gì không?
- Hả? Nhiều chứ! Tôi cũng là một con người dao động, là một con người thiếu tự tin.
- Có nhiều cách dao động khác nhau. Có cách dao động của thân cây, gió chiều nào thì ngả về chiều ấy, nhưng vẫn đứng nguyên tại chỗ...
- Không, mình vẫn phải có một số nguyên tắc nào đấy chứ! Tôi vẫn là một người Việt Nam, tôi vẫn hiểu được những giá trị văn minh Việt Nam, vẫn hiểu được những giá trị của cội nguồn Việt Nam, và tôi chẳng bao giờ dao động văng đi khỏi cái gốc của mình. Hay là tôi có thể bồ bịch lăng nhăng nhưng không bỏ vợ. Hay là tôi có thể làm nghề này nghề khác nhưng viết văn vẫn là cái trục chính. Thế thôi!
- Vẫn là cái ý dao động nhưng không rời khỏi chỗ?
(Cười): Ừ! Hay tôi là một cái thằng có thể nói là hèn, ít chịu hy sinh mà cũng không dám mất nhiều?

XUNG QUANH VẤN ĐỀ NHÂN SỰ CẤP CAO KHÓA 18 CỦA TRUNG QUỐC


THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

XUNG QUANH VẤN Đ NHÂN SỰ CẤP CAO KHÓA 18 CỦA TRUNG QUC

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ sáu, ngày 30/12/2011
TTXVN (Hồng Công 23/12)
Tạp chí Open của Hồng Công số tháng 12 cho biết chỉ chưa đầy một năm nữa, Đại Hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vấn đề phân phối quyền lực tối cao của Trung Quốc đã trở thành điểm nóng của giới truyền thông Hồng Công và cũng dần được giới truyền thông quốc tế quan tâm chú ý. Sau khi Thời báo Niu Yoóc (Mỹ) đưa ra dự đoán về nhân sự cấp cao khóa 18 của Trung Quốc, gần đây giới truyền thông còn lưu truyền một bản danh sách các nhà lãnh đạo khóa 18 của Trung Quốc có xuất xứ từ Hàn Quốc.
Theo tạp chí Open, các phóng viên nước ngoài rất khó có thể hiểu được nền chính trị của Trung Quốc, nhưng lại thường biết lợi dụng giá trị của mình để moi lấy một số thông tin nội bộ. Bản danh sách đang được lưu truyền nêu trên gồm có 9 vị Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và 11 vị Ủy viên Bộ Chính trị, tổng cộng là 20 người. Cụ thể như sau:
Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, gồm: 1/ Tập Cận Bình (Phó Chủ tịch nước đương nhiệm) làm Tổng Bí thư, chờ đảm nhiệm chức Chủ tịch nước; 2/ Lý Khắc Cường (Phó Thủ tướng Thường trực đương nhiệm) làm Chủ tịch Quốc hội; 3/ Vương Kỳ Sơn (Phó Thủ tướng đương nhiệm) làm Thủ tướng; 4/ Lưu Diên Đông (Ủy viên Quốc vụ viện đương nhiệm) làm Chủ tịch Chính hiệp; 5/ Bạc Hi Lai (Bí thư Thành ủy Trùng Khánh đương nhiệm) làm phó Thủ tướng; 6/ Lưu Vân Sơn (Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương đương nhiệm) làm Ủy viên Bộ Chính trị; 7/ Lý Nguyên Triều (Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đương nhiệm) chờ đảm nhiệm chức Bí thư Ủy ban Kỉ luật Trung ương; 8/ Lệnh Kế Hoạch (Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đương nhiệm) chờ làm phó Chủ tịch nước và 9/ Mạnh Kiến Trụ (Bộ trưởng Công an đương nhiệm) chờ làm Bí thư Ủy ban Chính trị- Pháp luật Trung ương.
11 vị Ủy viên Bộ Chính trị gồm: 10/ Vương Hộ Ninh (Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu Chính sách Trung ương đương nhiệm); 11/ Tôn Chính Tài (Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm đương nhiệm); 12/ Doãn úy Dân (Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Nhân lực và Bảo đảm Xã hội) 13/ Quách Kim Long (Thị trưởng Bắc Kinh đương nhiệm); 14/ Triệu Hồng Trúc (Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang đương nhiệm); 15/ Thường Vạn Toàn (ủy viên Quân ủy Trung ương đương nhiệm); 16/ Hứa Kỳ Lượng (Tư lệnh Không quân đương nhiệm); 17/ Uông Dương (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông đương nhiệm, chờ thay Lưu Vân Sơn làm Trưởng Ban Tuyên truyền); 18/ Trầm Dược Dược (Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đương nhiệm); 19/ Khương Dị Khang (Bí thư tỉnh ủy Sơn Đông đương nhiệm) và 20/ Hàn Chính (Thị trưởng Thượng Hải đương nhiệm).
Open cho rằng so với những gì tờ tạp chí đã đưa, bản danh sách này đáng được phân tích ở một số điểm như sau:
Thứ nhất là vị trí của Lý Khắc Cường. Nhân vật này vào Thường vụ Bộ Chính trị từ Đại hội 17, là người kế cận của phái Đoàn Thanh niên, lọt vào mắt xanh của Hồ cẩm Đào. Sau khi Giang Trạch Dân chọn Tập Cận Bình, phe Thái tử chiếm ưu thế trong vấn đề kế nhiệm. Đến nay, vị trí kế nhiệm của Tập Cận Bình trở thành vấn đề đã định, không ai có thể thách thức. Từ chỗ được bồi dường làm người kế cận thứ nhất, trong Đại hội 17, Lý Khắc Cường đã chuyển sang thành lựa chọn thứ hai. Vị trí tương lai của Lý Khắc Cường là chiếc ghế Thủ tướng có thực quyền. Sau Hội nghị Trung ương 6 khóa 17 diễn ra vào trung tuần tháng 10 vừa qua, nhận thức chung về “thể chế Tập-Lý” đã hình thành.
Nếu Lý Khắc Cường kế nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội (hiện do Ngô Bang Quốc nắm giữ), điều đó cho thấy phe Đoàn Thanh niên tiếp tục thua thêm một nước cờ nữa trong vòng cạnh tranh chính trị lần này. Việc không bảo vệ đựợc vị trí Thủ tướng của Lý Khắc Cường không chỉ nói lên rằng phe Hồ Cẩm Đào đã bất lực trong việc ủng hộ nhân vật này, mà còn cho thấy tình trạng hoài nghi về năng lực cầm quyền của Hồ cẩm Đào vẫn chưa thay đổi. Vương Kỳ Sơn là quan chức đợt đầu được lựa chọn trong làn sóng trẻ hóa cán bộ sau cải cách mở cửa, có thời gian dài công tác trong lĩnh vực kinh tế, chủ trương hội nhập tiến trình quốc tế hóa, rất được phố Uôn hoan nghênh. Nếu sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong tương lai yếu, cần gấp tới sự giúp đỡ của bên ngoài, Vương Kỳ Sơn làm Thủ tướng sẽ tốt hơn Lý Khắc Cường. Việc Lý Khắc Cường hay Vương Kỳ Sơn làm Thủ tướng vì thế vẫn còn phải chờ tới kết quả đấu tranh giữa hai phe Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân.
Thứ hai là việc Lưu Diên Đông vào Thường vụ Bộ Chính trị. Trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngoài Giang Thanh dựa vào sự bá quyền của Mao-Trạch Đông để bước vào tầng lớp lãnh đạo tối cao, chưa ai làm được điều này. Vì thế, mọi người thông thường cho rằng khả năng Lưu Diên Đông vào Thường vụ Bộ Chính trị không phải là rất cao và không có tiền lệ. Lưu Diên Đông chỉ có thể phá vỡ tiền lệ nếu có cống hiến to lớn, được ghi vào lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Xem xét việc Lưu Diên Đông từng kinh qua chức Trưởng Ban Công tác Mật trận Thống nhật Trung ương, vị trí tới đây nhiều khả năng nhất của Lưu Diên Đông là Chính hiệp nhưng các đời Chủ tịch Chính hiệp chưa nhân vật nào từng làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ươmg đảm nhiệm Do đó khả năng Lưu Diên Đông tiếp bước tiền lệ Ngô Nghi, tấn thăng làm phó Thủ tướng, là tương đối lớn.
Tuy nhiên, Lưu Diên Đông cũng có khả năng vào Thường vụ Bộ Chính trị. Gần đây, trong một số bài báo, việc Lưu Diên Đông được xếp cùng với Lý Nguyên Triều và Lưu Vân Sơn dường như cho thấy công tác nhân sự Thường vụ Bộ Chính trị đang phát triển theo hướng có lợi cho nhân vật này. Xem xét ở khía cạnh thành tích chính trị, 9 vị Thường vụ Bộ Chính trị hiện nay cũng thường thường, không thấy nổi trội. Nhưng việc xuất hiện một nữ Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị kèm theo hi vọng giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc tạo ra ấn tượng quốc tế mạnh vẫn là một ẩn số. Được biết, có không ít nhà quan sát đánh giá cao khả năng Lưu Diên Động vào Thường vụ Bộ Chính trị, cho rằng Lưu Diên Đông là nhân vật thuộc phái Đoàn Thanh niên, nên có thể giành điểm.
Thứ ba là khả năng Bạc Hi Lai vào Thường vụ Bộ Chính trị. Thông thường mà nói, trong việc phân công công tác của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, quan chức cao cấp thiên tả về chính trị sẽ được sắp xếp phụ trách công tác đảng. Bạc Hi Lai có kinh nghiệm cả trong công tác hành chính lẫn cương vị người đứng đầu địa phương. Hơn nữa, Bạc Hi Lai từng kinh qua vị trí của một trưởng ngành (Bộ trưởng Thương mại), nên có thể nói lý lịch của nhân vật này là hoàn chỉnh, có ưu thế hơn người khác thậm chí không loại trừ mục tiêu cuối cùng của Bạc Hi Lai là chiếc ghế phó Chú phó chủ tịch nược. Tuy nhiên, điểm bất lợi của Bạc Hi Lai là một số cán bộ lão thành và phân tử trí thức trải qua Cách mạng Văn hóa rất phản cảm với phong cách chấp chính của nhân vật này cũng như việc Bạc Hi Lai cổ súy hát nhạc đỏ, tán tụng Mao Trạch Đông. Họ thậm chí còn cho rằng nếu Bạc Hi Lai lên năm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc sụp đổ càng nhanh hơn. Bên cạnh đó, ở Trung Quốc hiện còn tồn tại lo lắng rằng nếu Bạc Hi Lai chủ quản Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương, tiến hành tấn công xã hội đen trên tọàn quốc không biết số vụ án oan sẽ là bao nhiêu. Chỉ có điều người ta không biết những phản ứng này ở bên dưới sẽ ảnh hưởng ở mức độ nào tới quyết sách cấp cao?
Thứ tư là liên quan tới Uông Dương. Vì tồn tại sự cạnh tranh giữa Uông Dương và Bạc Hi Lai, nên khả năng tấn thăng quyền lực và những bất đồng chính trị giữa Uông Dương và Bạc Hi Lai trở thành điểm nóng của truyền thông, thậm chí đã xuất hiện thuyết “mô hình Trùng Khánh” và thuyết “mô hình Quảng Đông”, nhận được sự quan tâm lớn của truyền thông Anh, Mỹ. Bạc Hi Lai chủ trương chia bánh công bằng, Uông Dương chủ trương trước tiên phải làm cho chiếc bánh to lên. Uông Dương cho rằng lý luận phát triển của Đặng Tiểu Bình tuyệt đối quan trọng hơn chủ nghĩa Mác-Lênin truyền thống. Ngược lại với việc tấn công các điểm đen xã hội của Trùng Khánh, Quảng Đông đồng tình với phong trào công nhân, chủ trương đàm phán với công hội, nhận được những bình luận tốt của “chủ nghĩa thực dụng”. Giới học giả còn cho rằng cuộc đấu tranh giữa Trùng Khánh và Quảng Đông là sự kéo dài của cuộc đấu tranh giữa hai đường lối trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì thế, không có ai hoài nghi khả năng hai nhân vật đại diện cho nó là Bạc Hi Lai và Uông Dương sẽ vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18.
Tuy nhiên, trong bản danh sách trên, Uông Dương không vào được Thường vụ Bộ Chính trị và xếp ở vị trí thứ 17. Về phía Trùng Khánh, tin đồn về việc Hồ Cẩm Đào khảo sát Trùng Khánh không ngừng xuất hiện (trong 9 vị ủy viên Thướng vụ Bộ Chính trị Trung Quốc hiện nay, chỉ có Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo là chưa tới Trùng Khánh). Nếu xem xét việc phái tả giương oai thế lực khắp nơi, Uông Dương dường như lép vế. Nếu không vào được Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18, làm Trưởng Ban Tuyên truyền, Uông Dương sẽ giống như Lý Trường Xuân, phải đợi thêm một khóa mới vào được Thường vụ Bộ Chính trị, con đường hoạn lộ sẽ ngày càng hẹp, Uông Dương khẳng định sẽ không muốn bỏ lỡ 5 năm ở vị trí bê bối mà Lý Trường Xuân và Lưu Vân Sơn nắm giữ nhiêu năm. Vị trí mà Uông Dương muốn hướng tới là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và phó Thủ tướng.
Thứ năm là việc Lý Nguyên Triều chờ đảm nhiệm chức Bí thư Ủy ban Kỉ luật Trung ương. Lý Nguyên Triều nhiều năm làm Trưởng Ban Tô chức Trung ương, rất thích hợp với vị trí Bí thư Ủy ban Kỉ luật Trung ương. Từng kinh qua chức vụ tại Bộ Văn hóa, tỉnh ủy Giang Tô và Ban Tổ chức Trung ương, Lý Nguyên Triều rõ ràng là đối thủ mạnh nhất của Bạc Hi Lai. Do đó, Lý Nguyên Triều cũng có khả năng trở thành phó Chủ tịch nước. Nếu phe Hồ cẩm Đào nhượng bộ trong vấn đề chức vụ của Lý Khắc Cường đương nhiên sẽ phải tìm sự cân bằng ở vị trí tương lai của Lý Nguyên Triều. Bố cục “song Lý” của Hồ Cẩm Đào sớm bắt đầu từ khi Ly Nguyên Triều ở tỉnh ủy Giang Tô.
về khả năng Mạnh Kiến Trụ vào Thường vụ Bộ Chính trị, chờ đảm nhiệm chức Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương, theo tạp chí Open đây là sự sắp xếp mang tính chiết trung. Bộ Công an tiếp nhận chức Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương nên là thông lệ, nhưng rõ ràng là việc này đã che phủ dư luận xuất hiện gần hai năm nay trên chính trường Bắc Kinh rằng Bạc Hi Lai có khả năng tiếp quản ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương. Là nhân vật lãnh đạo thuộc phái Thượng Hải, có khuynh hướng xử lý công tác giữ gìn ổn định mềm dẻo, Mạnh Kiến Trụ là một ứng cử viên cho chức Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương tương đối gây tranh cãi.
về việc Lệnh Kế Hoạch vào Thường vụ Bộ Chính trị, tạp chí Open cho rằng đây cũng là chuyện khó lý giải. Lệnh Ke Hoạch và Vương Hộ Ninh (Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu Chính sách Trung ương) được coi là cánh tay trái và cánh tay phải của Hồ cẩm Đào, chỉ là những quan chức đại nội, khi chủ không còn cầm quyền, nhiều khả năng không thể tấn thăng làm lãnh đạo nhà nước.
Tạp chí Open kết luận từ nay tới Đại hội 18 còn gần một năm, việc phân phối quyền lực ở Trung Quốc chắc chắn vẫn chưa kết thúc. Do đo, danh sách Thường vụ Bộ Chính trị nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và chỉ có thể phản ánh một số động hướng nào đó trong giai đoạn hiện nay. Nếu Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 vẫn giữ kết cấu 9 ủy viên, chí ít có hai đến ba nhân vật trong danh sách trên đứng trước nguy cơ không xác định rất lớn.
Năm 2012, bốn trong năm nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc sẽ có các cuộc “bầu cử” quan trọng. Nhưng có thể nói cuộc “bầu cử” chọn lãnh đạo mới ở Trung Quốc được giới quan sát và truyền thông quan tâm nhiều nhất.
Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc, dự tính sẽ diễn ra vào mùa Thu năm tới, sẽ chính thức quyết định ai là người thay thế ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo trong vai trò Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Trung Quốc trong 5 hay 10 năm tới đây. Ngoài ra, với việc từ nhiệm của ông Hồ, ông Ôn và năm người khác vào dịp Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc, bảy trong chín ủy viên thường vụ của Bộ chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc cũng được bầu chọn trong đại hội này.
Với vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, lập trường và đường lối của giới lãnh đạo Trung Quốc không chỉ quyết định hướng đi của quốc gia 1,3 tỷ người này mà còn tác động đến kinh tế và an ninh chung của thế giới.
Tập Cận Bình
Người được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua là ông tập Cận Bình vì dù “bầu cử” chưa chính thức diễn ra nhưng giới Quan sát đều chắc chắn rằng ông sẽ lên thay thế ông Hồ cẩm Đào giữ chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước sau kỳ đại hội.
Sinh năm 1953, Tập Cận Bình là con trai của Tập Trọng Huân, người đã từng tham gia Vạn lý Trường Chinh cùng Mao Trạch Đông, sau đó được giữ chức Phó Thủ tướng và được coi là một trong những công thần của chế độ. Dù bị thanh trừng trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa, ông được Đặng Tiểu Bình khôi phục, trọng dụng và đóng một vai trò quan trọng trong việc cải cách kinh tế Trung Quốc vào những năm 1980, giúp nước này đạt những thành quả kinh tế vượt bậc.
Cũng vì mang “dòng máu cách mạng”, ông Tập Cận Bình thường được nhắc đến như là một nhân vật thuộc phe “thái tử” và sự nghiệp chính trị của ông cũng tương đối dễ dàng. Ông đã từng được giao những chức vụ quan trọng khác nhau ở cấp địa phương, trong đó có Bí thư thành ủy
Thượng Hải. Nhưng tên tuổi của ông chỉ được nhắc đến nhiều kể từ khi ông được bầu vào Thường vụ Bộ chính trị năm 2007. Tháng 3/2008, ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước Và một năm sau, Tạp chí Time đã chọn ông là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới và tin rằng ông sẽ giữ chức chủ tịch nước vào năm 2012.
Mọi đồn đoán về vai trò lãnh đạo của ông dường như đã trở thành hiện thực khi ông Tập được trao chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương thang 10/2010 vì theo truyền thống bầu chọn lãnh đạo của Trung Quốc, nếu ai được giao giữ chiếc ghế đầy quyền lực đó, chắc chắn người ấy sẽ trở thành lãnh đạo tương lai của nước này. Tuy vậy, mặc dù được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, ít ai biết rõ lập trường chính trị của ông. Như một bài viết của Geoff Dyer trên The Financial Times ngày 4/3/2011 nhận định, vì tránh đề cập đến những chủ đề gây tranh cãi, ông Tập ít khi bày tỏ chính kiến. Đó cũng là lý do người ta khó nắm bắt được quan điểm của ông.
Nhưng dựa trên thân thế và sự nghiệp của ông Tập, bài viết này đưa ra hai giả thiết về đường lối lãnh đạo trong tương lai của ông. Thứ nhất, nếu thừa kế được lập trường của cha mình, ông Tập sẽ có đường lối cởi mở vì cha ông là một người có tư tưởng cải cách và là người đã từng công khai phản đối cuộc đàn áp ở Thiên An Môn năm 1989. Thứ hai, ông sẽ là một người bảo thủ vì ngay từ bước đầu trong sự nghiệp chính trị của mình, ông đã quyết định theo sát đường lối, lập trường chính thống của đảng va chính con đường này đã giúp ông thăng tiến trên bậc thang quyền lực. Hơn nữa khi thời điểm lên ngôi của mình đang đến, ông tìm cách gia tăng sự ủng hộ từ những thành phần thuộc các gia đình cách mạng và quân đội, hai lực lượng luôn muốn duy trì hiện trạng, không chấp nhận thay đổi.
Cũng theo Geoff Dyer, vì có quan hệ thân thiết với quân đội ông Tập có thể dễ dàng tác động đến lực lượng này và cũng vì có mối liên hệ gần gũi như vậy, có thể ông có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa.
Trong bài viết của mình được đăng trên tạp chí The National Interest của Mỹ ngày 28/9/2011, Bruce Gilley cũng cho rằng ông Tập có lập trường cứng rắn cả về đối nội và đối ngoại, và có những dấu hiệu cho thấy ông theo đuổi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trong chính sách ngoại giao. Một ví dụ được Bruce Gilley đưa ra để chứng minh thái độ cứng rắn của ông là việc ông công khai chỉ trích lại những ai chỉ trích Trung Quốc trong chuyến thăm Mêhicô của ông năm 2009.
Lý Khắc Cường
Nhân vật thứ hai được nhắc đến nhiều là Lý Khắc Cường, sinh năm 1955, hiện là Phó Thủ tướng và là người dường như chắc chắn sẽ thay thế ông Ôn Gia Bảo giữ chức Thủ tướng. Cũng giống như ông Tập, ông Lý được bầu vào thường vụ Bộ Chính trị năm 2007.
Nhưng trái ngược với ông Tập Cận Bình, ông Lý Khắc Cường không thuộc diện “con ông cháu cha”. Giống như Hồ cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, ông đi lên từ phong trào thanh niên cộng sản. Đó cũng là lý do tại sao giới quan sát cho rằng ông được hai người này bảo vệ, nâng đỡ.
Là một sinh viên luật tại Đại học Bắc Kinh, ông thi vào đại học năm 1977, sau thời kỳ Cách mạng Văn hóa và có bằng tiến sỹ kinh tế, ông được coi là một trí thức, có đầu óc cải cách.
Một bài viết của Chris Buckley thuộc Reuters từ Bắc Kinh ngày 28/10/2011 cho biết, trong số những bạn bè học đại học với ông nhiều người cổ vũ cho dân chủ và sau này trở thành những nhà bất đồng chính kiến chống lại chính phủ. Những bạn bè ông được trích lời nói rằng khi nói chuyện ông cũng không đề cập đến những khẩu hiệu của Mao Trạch Đông. Ông rất mê học tiếng Anh. Và theo bài viết này, so với lớp lãnh đạo trước như Hồ cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, thông thạo tiếng Anh cũng là một lợi thế của thế hệ lãnh đạo sắp tới của Trung Quốc.
Trước đại hội 17 của đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007, ông thường được coi là ứng viên cho vị trí lãnh đạo cao nhất. Nhưng theo một bài viết của Malcolm Moore trên The Guardian ngày 11/1/2011, vì cho rằng ông có lập trường tự do, cởi mở nên nhiều thành phần bảo thủ trong đảng đã quay sang ủng hộ đối thủ của ông là Tập Cận Bình.
Nhân vật khác
Hai nhân vật khác cũng được nhắc nhiều là Bạc Hy Lai, Bí thư thành ủy Trùng Khánh và Uông Dương, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông. Họ được coi là hai ứng viên nặng ký trong khoảng 14 ứng viên khác cho bảy chiếc ghế còn trống tại Thường vụ Bộ chính trị.
Thân thế của ông Bạc Hy Lai, sinh năm 1949, cũng giống như Tập Cận Bình, ông là con trai của Bạc Nhất Ba, một công thần chế độ, bị trù dập trong thời Cách mạng Văn hóa, nhưng sau đó được Đặng Tiểu Bình trọng dụng và đóng vai trò quan trọng việc cải cách, mở cửa của Trung Quốc. Vì vậy, ông Bạc Hy Lai cũng gần gũi với Tập Cận Bình, một nhân vật thuộc phe thái tử khác. Còn con đường sự nghiệp của ông Uông Dương, sinh năm 1955, lại giống con đường của ông Hồ cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Lý Khắc Cường, lớn lên từ phong trào đoàn.
Theo một bài viết trên Asia Times ngày 22/7/2011, hai nhân vật này không chỉ có thân thế trái ngược nhau mà quan điểm chính trị cũng rất khác nhau. Ông Bạc chủ trương quay lưng lại với các chính sách kinh tê thị trường và theo đuổi chủ nghĩa quân bình của thời Mao Trạch Đông, giới hạn khoảng cách giàu nghèo. Ngoài ra, ông cũng khuyến khích hát những ca khúc nhạc đỏ yêu nước, học thuộc lòng những tác phẩm của Mácxít và Maoít nhằm khôi phục lại những giá trị, tư tưởng thời Mao Trạch Đông. Trái lại, ông Uông Dương chủ trương tiếp tục chính sách kinh tế thị trường
và tiến hành thêm cải cách.
Một bài viết trên The Economist, số ra ngày 26/11/2011 và một bài viết của De La Grange đăng trên nhật báo Pháp, Le Figaro, ngày 14/10/2011, cũng đề cập đến hai nhân vật này và bình luận rằng họ đang theo đuổi hai mô hình phát triển khác nhau tại Trung Quốc. Hai bài báo này cũng cho rằng đây là hai khuynh hướng đối lập đang tranh giành ảnh hưởng hiện tại ở Trung Quốc.
“Mô hình Quảng Đông” cổ vũ tự do, ủng hộ kinh tế thị trường, giới hạn sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế cũng như cuộc sống của người dân. Trong khi đó “mô hình Trùng Khánh” lại thiên về chủ nghĩa xã hội, nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước và những giá trị xã hội chủ nghĩa truyền thống.
Bài viết của Asia Times cho rằng vì sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn tại Trung Quốc, xem ra quan điểm của ông Bạc Hy Lai đang được công chúng ủng hộ hơn. Bài viết này cũng cho rằng ngay trong đảng Cộng sản Trung Quốc, những cuộc đấu đá chính trị đang âm thầm diễn ra và không ai ngoài cuộc có thể đoán được quan điểm nào sẽ thắng thế trước đại hội 18 năm tới.
Chưa thay đổi
Đúng vậy, chưa ai có thể đoán được lập trường, đường lối của thế hệ lãnh đạo mới như thế nào hay khuynh hướng nào sẽ thắng thế vì như một bài viết cúa The Economist, trong số đặc biệt The World in 2012 (Thế giới năm 2012), nhận định cho tới khi ông Tập Cận Bình lên ngôi và yên vị trong chức vụ mới không nên đoán trước ông sẽ làm gì trong tư cách lãnh đạo mới của Trung Quốc.
Theo bài viết này, trong năm tới cũng sẽ không có gì mới trong chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Thậm chí có ít đổi mới về chính trị dù giới trí thức, nhà báo và một số đảng viên đòi hỏi có thêm cải cách trong lĩnh vực này. Trái lại, có thể Chính phủ Trung Quốc sẽ có thái độ cứng rắn hơn với những giới bất đồng chính kiến để bảo đảm rằng không ai có thể làm rung chuyển hệ thống trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.
Vì vậy, dù nóng lòng muốn biết lập trường, đường lối cụ thể về đối nội đối ngoại của thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc như thế nào, các nhà chiến lược, giới quan sát, phân tích vẫn phải chờ đợi. Chẳng hạn, dù quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á trong thời gian vừa qua có nhiều sóng gió, đặc biệt liên quan đến tranh chấp Biển Đông, dư luận chung đều cho rằng chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới Việt ,Nam và Thái Lan lần này cũng không mang đến những thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc./.