Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh


Ngày 17.05.2010, 07:25 (GMT+7)
Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh
SGTT - Trong bài Bác Hồ ở Indonesia năm 1959 trên tuần báo Quốc Tế, cựu trung tướng Soehario Padmodiwirio đã kể với ký giả Đỗ Ngân Phương rằng, trong thời gian hai tuần Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Indonesia, ông (lúc đó mang quân hàm đại tá) đã được đích thân Tổng thống Sukarno cử đi bảo vệ.
Sự cẩn thận của Tổng thống Sukarno có lý do riêng của mình. Bởi, ngay tối hôm đầu tiên đến Jakarta, vị thượng khách của Tổng thống Sukarno đã làm ông một phen “đứng tim”.
Vi hành trong đêm
Tổng thống Soekarno che dù cho Hồ Chủ tịch tại Bandung, nhân chuyến thăm Indonesia của Bác Hồ năm 1959 Ảnh: T.L
Ngày 27.2.1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Jakarta, bắt đầu chuyến thăm chính thức Indonesia. Đây là quốc gia thứ ba theo đường lối dân tộc chủ nghĩa mà Hồ Chủ tịch đi thăm, sau Ấn Độ và Miến Điện.
Ngay tối hôm đó, sau lễ đón chính thức, lúc trở về nghỉ ở tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Jakarta, Hồ Chủ tịch đã nói với ông Hoàng Tuý, một cán bộ tổng lãnh sự quán, rằng ông muốn đến thăm một gia đình Việt kiều ở Jakarta. Đó là một gia đình Việt kiều có nhiều gắn bó với quê hương, thông qua cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam.
“Thưa Bác, tại sao lại phải đến ngay lúc này? Bác mới sang còn mệt, chờ sáng mai cũng được mà”, ông Hoàng Tuý hỏi lại.
“Nhưng đúng lúc này bà con lại rất mong mình. Vả lại, chú đừng có lo. Mình lặng lẽ đi, không để ai biết cả, sẽ không có chuyện gì đâu”, Hồ Chủ tịch vừa nhìn thẳng vào ông Hoàng Tuý vừa đáp, như đọc được nỗi lo lắng trong mắt nhà ngoại giao trẻ tuổi.
Khi ông Hoàng Tuý đưa Hồ Chủ tịch tới gia đình Việt kiều đó, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ông là cả gia đình đang quây quần bên chiếc radio, nghe tường thuật lại về chuyến thăm của vị nguyên thủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. “Khỏi phải nói họ đã từ ngỡ ngàng đến mừng rỡ thế nào, khi thấy Bác Hồ”, ông Hoàng Tuý kể lại.
Sau khi thăm hỏi, Hồ Chủ tịch mời cả gia đình về tổng lãnh sự quán. Khi họ tới, Hồ Chủ tịch đã nói với các nhân viên phục vụ người Indonesia: “Mời các bạn về nghỉ. Đây là việc trong nhà của chúng tôi”.
Tất cả mọi người trong tổng lãnh sự quán, kể cả vị tổng lãnh sự, đều phải vào vai phục vụ. Đun nước, pha trà, bày bánh kẹo, hoa quả…
Hôm sau, một nhân viên bảo vệ người Indonesia trong tổng lãnh sự quán nói với ông Hoàng Tuý: “Tôi phục Ông Cụ quá! Anh biết đấy, cũng như ở mọi cơ quan đại diện ngoại giao, các nhân viên phục vụ ở đây đều là sĩ quan an ninh cả đấy. Tôi quý Việt Nam thì không sao. Chứ những người khác, khi Ông Cụ rời khỏi đây, họ sẽ đến hoạnh hoẹ, hạch sách cái gia đình Việt kiều đó”.
Viên sĩ quan an ninh cũng kể lại với ông Hoàng Tuý rằng ngay sau khi nhận được tin Hồ Chủ tịch “vi hành” tối hôm đó mà không có xe cảnh sát bảo vệ, Tổng thống Sukarno đã gọi điện khiển trách bộ trưởng Nội vụ.
“Tổng thống Sukarno chỉ thay đổi thái độ, thậm chí cười tươi, khi sáng hôm sau, những tờ báo lớn của Indonesia trên bàn của ông đều giật những cái tít lớn, ý đại loại như Hồ Chí Minh quá tin tưởng vào nền an ninh của Tổng thống Sukarno”, ông Hoàng Tuý kể lại, và cho biết thêm tình hình Indonesia lúc đó khá phức tạp.
Ứng xử với học giả và báo giới
Nhà ngoại giao trẻ tuổi Hoàng Tuý cũng đã mục sở thị về những sự linh hoạt khác trong ứng xử thường ngày của Hồ Chủ tịch. Có hai câu chuyện mà ông thường kể lại cho học trò và con cái.
Từ trái sang (hàng ngồi): Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng thống Soekarno, giáo sư Sjafei Soemardja tại học viện kỹ thuật Bandung năm 1959. Ảnh: Flickr
Một lần, Hồ Chủ tịch được mời đến giao lưu với giới học giả ở Jakarta. Đứng trên bục diễn giả, Hồ Chủ tịch đọc bài nói chuyện được chuẩn bị sẵn bằng tiếng Việt, chờ, thông dịch viên dịch sang tiếng Anh. Sau chừng dăm phút, ông Hoàng Tuý đã nhận thấy dưới các hàng ghế cử toạ nhiều khuôn mặt tỏ ra lơ đãng, thậm chí có những mái đầu bạc trắng đã hơi ngoẹo sang một bên, “Thôi, hỏng rồi”, ông thầm nghĩ.
“Các vị buồn ngủ lắm phải không?” Hồ Chủ tịch đột nhiên bật ra một câu tiếng Anh, Cả hội trường tự nhiên đầy tiếng lao xao.
“Nói chuyện với các học giả như các vị mà lại nói theo công thức, lại qua giọng đều đều của thông dịch viên nữa, các vị không buồn ngủ mới lạ”, Hồ Chủ tịch nói tiếp.
Những cánh tay giơ lên đặt câu hỏi. Cuộc trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh giữa Hồ Chủ tịch và giới học giả Indonesia đã diễn ra cực kỳ rôm rả. “Hồ Chí Minh đã chuyển bại thành thắng”, một vị học giả quen biết nói nhỏ vào tai ông Hoàng Tuý.
Một lần khác, trong một cuộc họp báo quốc tế, một phóng viên Mỹ đứng lên đặt câu hỏi: “Thưa ông Hồ Chí Minh, ông đánh giá về vai trò của Mỹ trong khối SEATO (tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á, gồm Úc, Pháp, Anh, New Zealand, Pakistan, Philippines, Thái Lan và Mỹ?”
Trước đó, Tổng thống Sukarno, dù thể hiện sự ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong sự nghiệp thống nhất đất nước, vẫn đề nghị Hồ Chủ tịch không nhắc đến tên nước Mỹ trong các phát biểu của mình trên đất Indonesia. Đơn giản bởi vì lúc đó Chính phủ của Sukarno đang nhận viện trợ của Mỹ.
“Ông là phóng viên của hãng nào?”, Hồ Chủ tịch hỏi lại.
“UPI”, phóng viên Mỹ dõng dạc xướng tên hãng.
“Thưa ông, SEATO là một tổ chức của Đông Nam Á. Vậy sự có mặt của những nước không thuộc Đông Nam Á trong tổ chức này có hợp lý không?”, Hồ Chủ tịch tiếp tục.
Phóng viên UPI im lặng.
Hồ Chủ tịch hướng ánh mắt về phía các phóng viên Liên Xô và Đông Âu. Một số tiếng “không” vang lên từ phía đó.
“Các vị là phóng viên của những hãng nhỏ mà trả lời được câu hỏi này. Thế mà ông phóng viên của một hãng hàng đầu trên thế giới lại không biết”, Hồ Chủ tịch khẽ lắc đầu.
Phóng viên UPI lặng lẽ bước ra khỏi phòng họp báo.
“Tôi đã được nghe nhiều chuyện về cách ứng xử của Bác Hồ với người Pháp, người Liên Xô, hay người Trung Quốc, nhưng những điều tận mắt chứng kiến như trên khiến tôi tin người ta đã đúng khi nói rằng có một phong cách Hồ Chí Minh”, ông Hoàng Tuý kết luận.
HUỲNH PHAN

Biển Đông khó chen vào nghị trình


Ngày 10.05.2010, 10:09 (GMT+7)
Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần thứ 4
Biển Đông khó chen vào nghị trình
SGTT - Hôm nay, 10.5.2010, đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tiếp những người đồng cấp trong ASEAN, trước khi cùng nhau chính thức tham dự hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 4 (ADMM-4), kéo dài ba ngày.
Tuy trọng tâm của hội nghị là những vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống, nhưng trước những căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, nhất là kể từ khi Việt Nam tiếp nhận vai trò chủ tịch ASEAN 2010, việc vấn đề Biển Đông có được đưa vào chương trình nghị sự của ADMM-4 hay không đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong và khu vực.
Khó đưa vào nghị sự
Trong cuộc họp báo vào giữa tuần trước, trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, phó chủ nhiệm tổng cục Chính trị (Quân đội nhân dân Việt Nam), vẫn bỏ ngỏ khả năng đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự.
GS Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á của học viện Quốc phòng Úc cho rằng trên thực tế, rất ít có khả năng để vấn đề Biển Đông được đưa vào chương trình nghị sự của ADMM-4. Mặc dù về nguyên tắc, chương trình hoạt động ba năm của cơ chế ADMM, được thông qua vào tháng 11.2007, có bao gồm cả vai trò đóng góp của ADMM vào việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
“Do việc thực hiện DOC đã được bàn ở cấp nhóm công tác ASEAN – Trung Quốc vào 16 – 17.4 vừa rồi tại Hà Nội, vấn đề này đang nằm trong tay các quan chức dân sự. Những kiến nghị của nhóm công tác sẽ được trình lên hội nghị các quan chức cao cấp, để rồi cuối cùng lên tới bàn nghị sự của các lãnh đạo ASEAN – Trung Quốc. Bất cứ quyết định nào liên quan đến vấn đề DOC đều phải được thông qua tại cuộc họp cấp cao ASEAN trước đã”, GS Thayer giải thích.
Tuy vậy, theo GS Thayer, tướng Thanh vẫn có cơ hội nêu ra những quan ngại của phía Việt Nam, như một phần của quá trình đối thoại trong cơ chế ADMM. “Tướng Thanh có thể tự nguyện thông báo về tình hình Biển Đông trong phiên họp kín không chính thức giữa ông với những người đồng cấp trong ASEAN, hay các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị”, GS Thayer nói.
Chính ông Thanh đã nêu vấn đề Biển Đông trong các cuộc gặp song phương bên lề ADMM-3 vào tháng 11 năm ngoái. Lần đó, bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam kêu gọi sự hợp tác liên quan đến hải quân giữa Việt Nam với Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Brunei, trong việc xử lý các tàu đánh cá xâm nhập lãnh hải những nước này, trên quan điểm không sử dụng vũ lực, hoặc phá huỷ tàu đánh cá.
Tuy nhiên, GS Thayer nhận xét còn quá sớm để hy vọng vấn đề Biển Đông sẽ được nêu ra trong tiến trình ADMM. Bởi, trong khi Việt Nam có thể nhận thấy lợi ích của mình bị đe doạ bởi các hành động của phía Trung Quốc, thì các thành viên ASEAN khác lại chưa bị thuyết phục rằng đó là một vấn đề an ninh cần bàn tay giải quyết của giới quốc phòng.
Giáo sư Thayer giải thích thêm rằng Trung Quốc quá “lọc lõi trường đời”, khi không sử dụng tàu hải quân để thi hành lệnh cấm đánh bắt cá, mà lại dùng tàu ngư chính (trong đó có những chiếc hoán cải từ tàu chiến – NV).
Mở rộng hợp tác an ninh – quốc phòng trong cơ chế ADMM +
Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng cũng thông báo rằng các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN sẽ xem xét thông qua hai tài liệu quan trọng nhằm phục vụ cho hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +), được dự kiến diễn ra vào tháng 10.2010 tại Hà Nội. Đó là “ADMM +: cơ cấu và thành phần” và “ADMM +: thể thức và thủ tục”.
ADMM+ là diễn đàn ý tưởng mới nhất về hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác, trong đó có các nước lớn mà ASEAN đang duy trì cơ chế hợp tác trong khuôn khổ hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Tại ADSOM-4, các thứ trưởng Quốc phòng ASEAN đã thống nhất đề xuất với các bộ trưởng của họ mời tám nước đối tác đối thoại là Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Mỹ và Trung Quốc tham dự ADMM + lần đầu tiên này.
Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp chủ quyền sẽ không được đưa ra bàn thảo, giải quyết trong cơ chế này. “Các nước bên ngoài khu vực có thể thoải mái lên tiếng về những quan ngại của họ liên quan đến các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhưng bất cứ sự hợp tác nào để giải quyết vấn đề Biển Đông sẽ bị chi phối bởi sự nhất trí của các bên liên quan, cũng như một tiến trình phù hợp với tất cả. Nói một cách khác, nếu Trung Quốc bác bỏ, hoặc chống lại việc thảo luận về vấn đề Biển Đông, ADMM+8 cũng chẳng làm gì được”, GS Thayer lập luận.
HUỲNH PHAN

Thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và ba tỉnh Trung Quốc


Ngày 28.04.2010, 10:48 (GMT+7)
Thủ tướng Việt Nam công du Trung Quốc
Thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và ba tỉnh Trung Quốc
SGTT - Thoả thuận đầu tư xây dựng nhà máy phát điện từ rác thải tại Việt Nam, trị giá 150 triệu USD, được coi là văn bản hợp tác quan trọng nhất được ký kết tại Nam Kinh ngày hôm qua, 27.4.2010, giữa Việt Nam và tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), trước sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam.
Trước đó một ngày, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc, theo lời mời của lãnh đạo ba tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải, nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các tỉnh này.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đã phát triển nhanh, tăng gấp đôi chỉ sau ba năm, với 21,3 tỉ USD năm 2009, chủ yếu nhờ nhập khẩu từ quốc gia Đông Bắc Á này (nhập siêu năm 2009 đạt 11,5 tỉ USD so với tổng nhập siêu là 12 tỉ USD).
Tại diễn đàn doanh nghiệp tại Nam Kinh, ông Dũng kêu gọi các doanh nghiệp tích cực sang Việt Nam đầu tư kinh doanh, và hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho họ. Năm 2009, thương mại giữa Việt Nam và Giang Tô, tỉnh có số dân gần bằng dân số Việt Nam, đạt khoảng 2,2 tỉ USD. Tính đến cuối năm 2009, tổng vốn đầu tư từ Giang Tô vào Việt Nam đạt 74 triệu USD, cao hơn 14 triệu USD so với đầu tư từ Việt Nam sang tỉnh này.
Điểm nhấn quan trọng nhất trong chuyến đi kéo dài một tuần của ông Dũng là Thượng Hải, nơi ông sẽ tham dự lễ khai mạc hội chợ quốc tế Thượng Hải – một hội chợ có lịch sử hơn thế kỷ rưỡi và kéo dài sáu tháng trời. Tại đây, theo dự kiến, ông Dũng sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Ôn Gia Bảo, và hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Năm 2010 là năm hai nước kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
HUỲNH PHAN

Thoả thuận giữa Trung Quốc và cả khối ASEAN


Ngày 19.04.2010, 07:57 (GMT+7)
Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông
Thoả thuận giữa Trung Quốc và cả khối ASEAN
SGTT - Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thừa nhận Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông là thoả thuận giữa Trung Quốc với cả khối ASEAN. Trước đây, Trung Quốc luôn lập luận các tranh chấp về Biển Đông là vấn đề song phương.
Thuyền trưởng tàu QNg6597-TS Dương Văn Hưởng (dấu X), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được thả về nhà ngày 14.8.2009. Ảnh: Minh Đức
Cuộc họp nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) diễn ra tại Hà Nội vào 16 – 17.4, bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Tại cuộc họp, đại diện các nước kiểm điểm lại quá trình thực hiện DOC, thảo luận về phương thức phối hợp và một số cách thức cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả DOC, trên tinh thần nhất trí tôn trọng và thực hiện đầy đủ tuyên bố này. Theo một chuyên gia về ASEAN của học viện Ngoại giao Việt Nam, giấu tên, trong bối cảnh triển vọng xây dựng một bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), không mấy sáng sủa vì thiếu sự hưởng ứng của một bên liên quan (Trung Quốc), việc khởi động lại tiến trình DOC với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, lại hé ra tia hy vọng cho quá trình xây dựng lòng tin vì hoà bình và hợp tác phát triển.
Cũng theo chuyên gia nói trên, chính sự kiện này diễn ra mang một ý nghĩa tự thân quan trọng. Lần đầu tiên, Trung Quốc đã thừa nhận DOC, được ký năm 2002, là thoả thuận giữa Trung Quốc và cả khối ASEAN, chứ không phải cam kết với từng nước riêng lẻ, như trước đây.
Hiện nay, sự hợp tác kinh tế – thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đang gặp phải những trục trặc, khi không chỉ ở Indonesia, mà cả Thái Lan, Philippines, hay Malaysia, các hiệp hội công nghiệp đã phản ứng tiêu cực về hiệp định tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ đầu năm nay, do lo ngại không cạnh tranh nổi với hàng hoá giá rẻ từ “công xưởng của thế giới” này. Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đương kim chủ tịch ASEAN, đã hàm ý về điều này khi bày tỏ tin tưởng tại cuộc họp báo kết thúc ASEAN 16 rằng: “Với thiện chí và vì lợi ích chung của khu vực, các bên liên quan sẽ tiếp tục tuân thủ DOC và Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển năm 1982”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam, trong năm chủ tịch của mình, Việt Nam cùng với các thành viên còn lại của khối ASEAN, chọn một cách tiếp cận mới, tuy chậm nhưng chắc chắn và khả thi hơn. Tuyên bố của chủ tịch ASEAN 16 đã nêu rõ các nhà lãnh đạo ASEAN “giao cho các bộ trưởng và quan chức cấp cao liên quan tăng cường sử dụng các cơ chế và công cụ hiện có của ASEAN, trong đó có DOC, nhằm đảm bảo hoà bình và an ninh khu vực”.
Kết quả của cuộc họp nhóm công tác chung lần này sẽ được đệ trình lên cuộc họp các quan chức cấp cao (SOM) giữa ASEAN và Trung Quốc về triển khai DOC xem xét. Tuy nhiên, theo trợ lý ngoại trưởng Phạm Quang Vinh, người chủ trì chuyện này, lịch họp SOM ASEAN – Trung Quốc về DOC vẫn chưa được xác định. “Đây dường như là một sự khởi đầu tốt. Tuy nhiên, sự tiến triển tiếp theo mới khẳng định rõ đây là thiện chí thật, hay chỉ là động tác giả”, TS Nguyễn Ngọc Trường bày tỏ chút hoài nghi của mình.
Trong một diễn biến khác, theo nguồn Hỗ Liên Võng (internet) bằng tiếng Hoa ngày 16.4, ngày bắt đầu cuộc họp của nhóm công tác DOC, 20 hạm tàu Trung Quốc (có hai chiếc tàu ngầm hạng Kilo) đã tập kết tại Nam Hải (Biển Đông). Trong đó, có bảy hạm tàu thuộc hạm đội Bắc Hải đến Trường Sa, mười hạm tàu của hạm đội Đông Hải, và ba hạm tàu khác trở về từ vịnh Eden.
Trước đó, vào ngày 14.3, mạng của bộ Quốc phòng Nhật Bản, cho biết từ ngày 10.3 hạm đội Đông Hải, bao gồm cả hai tàu ngầm Kilo, hai khu trục hạm mang tên lửa và ba hộ vệ hạm, đang “nam hạ”. Cũng theo mạng này, hạm đội này sẽ đi sát đảo Okinawa, trước khi vào Biển Đông.
HUỲNH PHAN
Trung Quốc vừa họp vừa bắt thêm tàu Việt Nam
Ngày 14.4, phía Trung Quốc bắt giữ vô cớ tàu cá QNg 66478-TS do ông Mai Phụng Lưu quê ở huyện đảo Lý Sơn làm thuyền trưởng (trên tàu có mười lao động), khi tàu này hành nghề lặn hải sâm ở đảo Đá Lồi, trong quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bà Lan, vợ thuyền trưởng Lưu cho biết thêm: “Phía Trung Quốc yêu cầu thân nhân gia đình các ngư dân nói trên nộp khoản tiền chuộc là 70.000 nhân dân tệ (hơn 180 triệu đồng), mới chịu thả người”.
Vụ bắt giữ xảy ra sau khi hội nghị cấp cao ASEAN 16 vừa kết thúc, trong đó có bàn đến DOC, và vài ngày trước khi cuộc họp nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) diễn ra.
Trước đó, theo Thông tấn xã Việt Nam trong các ngày 22.3.2010, 7 – 8.12.2009, Trung Quốc liên tục bắt các tàu cá Việt Nam, đòi tiền chuộc, dù các tàu này hoạt động trong vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền Việt Nam. Chưa kể, cuối tháng 9.2009, nhân viên vũ trang Trung Quốc nổ súng vào 16 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi khi những tàu này vào tránh bão số 9 tại quần đảo Hoàng Sa. Khi bão tan, số thuỷ thủ trên tàu còn bị binh lính Trung Quốc đánh đập, thu giữ tài sản, trang thiết bị.
MINH ĐỨC

Triển vọng hợp tác hạt nhân với Mỹ


Ngày 14.04.2010, 17:44 (GMT+7)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Mỹ
Triển vọng hợp tác hạt nhân với Mỹ
Theo nguồn tin Chính phủ Việt Nam, sáng 13.4, theo giờ Việt Nam, lãnh đạo các quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Washington DC (Mỹ) đã bắt đầu thảo luận với chủ đề “Mối đe doạ khủng bố hạt nhân”. Trong tham luận của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết rằng luật pháp Việt Nam có nhiều quy định về bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, nghiêm cấm các hành động buôn bán bất hợp pháp các vật liệu để sản xuất vũ khí huỷdiệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân. Ông cũng cho biết Việt Nam coi trọng việc gia nhập các điều ước quốc tế, và sẵn sàng tham gia tích cực vào các hoạt động song phương và đa phương về chống khủng bố.
Bước tiến trong hợp tác hạt nhân với Mỹ
Những cam kết nói trên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hai nước đang chuẩn bị ký hiệp định liên chính phủ về hợp tác năng lượng hạt nhân (dự kiến trong năm nay), sau bản ghi nhớ được ký cách đây hai tuần tại Hà Nội. Hiệp định này, theo viện trưởng viện Năng lượng nguyên tử Vương Hữu Tấn, được coi là sự bật đèn xanh cho mọi kế hoạch hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân của Việt Nam với bên ngoài, chứ không riêng gì Mỹ. Hiện nay, các công ty từ Pháp, Nhật, Hàn Quốc và cả Mỹ đang rất quan tâm các dự án điện hạt nhân ở Việt Nam, ngoài một dự án đã được tuyên bố là trao cho Nga.
Trong chiều hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với phó Tổng thống Mỹ Joseph RobinetteBiden. Theo cộng tác viên của Sài Gòn Tiếp Thị từ Washington D.C, ông Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện mong muốn các công ty Mỹ tham gia tích cực vào các dự án điện hạt nhân ở Việt Nam, cũng như đầu tư vào khu công nghệ cao Hoà Lạc. Hai nội dung này cũng đã được đề cập trong câu chuyện trước đó của thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Hormats, người bắt đầu chuyến thăm Việt Nam từ đầu tuần, với lãnh đạo chính phủ và quan chức các bộ liên quan của Việt Nam.
Trước khi gặp ông Biden một ngày, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tiếp lãnh đạo tập đoàn năng lượng GE – Hitachi, đại diện cho sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Nhật Bản trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Nhật Bản tiến thêm một bước quan trọng trong hợp tác hạt nhân với Việt Nam
Sáng sớm 13.4 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama. Theo một cộng tác viên của Sài Gòn Tiếp Thị từ Washington D.C, hai nội dung chính trong cuộc gặp này chính là câu chuyện giữa ODA (cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam) và nhà máy điện hạt nhân.
Về dự án đầu tiên, ông Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn rằng Nhật Bản sẽ là nhà tài trợ cho dự án nhiều chục tỉ đôla này. Ông Hatoyama cho biết rằng hiện nay phía Nhật đang tính toán lại về giá cả từng hạng mục của dự án, cũng như xem xét về lãi suất cho vay. Ông hứa sẽ kiểm tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể được.
Về dự án thứ hai, ông Hatoyama tái khẳng định mong muốn hợp tác với Việt Nam. Còn ông Nguyễn Tấn Dũng nói rằng Việt Nam đánh giá cao tính an toàn của công nghệ hạt nhân Nhật Bản.
Trước đó, ngày 6.4, hiệp hội Công nghiệp nguyên tử Nhật Bản đã thành lập văn phòng liên lạc tại Hà Nội, với nhiệm vụ chuẩn bị cho các công ty Nhật tham gia đấu thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Mười năm trước, hiệp hội này đã ký thoả thuận hợp tác với uỷ ban Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
HUỲNH PHAN

Cần các lĩnh vực liên kết phù hợp hơn


Ngày 12.04.2010, 21:58 (GMT+7)
Xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN
Cần các lĩnh vực liên kết phù hợp hơn
SGTT - Trong các cuộc họp từ cấp quan chức cao cấp đến bộ trưởng kinh tế và hội đồng kinh tế ASEAN, 12 lĩnh vực ưu tiên được xác định nhằm thúc đẩy quá trình liên kết ASEAN để xây dựng một cộng đồng kinh tế vào năm 2015. Bà Phạm Chi Lan, nguyên phó chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, nếu vẫn duy trì cả 12 lĩnh vực ưu tiên này như cũ, chuyện liên kết trong nhiều lĩnh vực lại chủ yếu là chuyện nội bộ của ASEAN 4 là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV).
Theo bà, phải xem xét lại, trên cơ sở tỷ trọng của từng lĩnh vực đó trong GDP và xuất khẩu của từng thành viên, để xác định những lĩnh vực liên kết được đặt ra cách đây đã mười năm còn có ý nghĩa thực tế hay không bởi trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, cấu trúc kinh tế thế giới, trong đó có ASEAN, đang thay đổi. Bà nói: “Theo tôi, ASEAN nên liên kết trong khoảng 5 – 6 lĩnh vực, như du lịch, logistics và nông nghiệp, hay công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp. Nói tóm lại, việc xem xét lựa chọn lại những lĩnh vực ưu tiên phải dựa trên tầm nhìn năm 2020, hoặc xa hơn nữa, chứ không chỉ tới năm 2015, khi cộng đồng kinh tế được hình thành theo mục tiêu đề ra”.
Trong mười năm qua, Việt Nam có tận dụng được gì trong mô hình liên kết này không?
Rất ít. Chẳng hạn, ngay từ đầu những năm 2000, chúng tôi đã đề xuất rằng nhiều nước cùng gia công dệt may, tại sao hiệp hội Dệt may Việt Nam không bàn với các hiệp hội của các nước khác cùng đầu tư phát triển vùng phụ liệu và nguyên liệu dệt chung cho đỡ tốn kém. Tuy nhiên, cho đến nay liên kết đầu tư vẫn chưa đạt được.
Ngoài AFTA, trong ASEAN còn có liên kết công nghiệp, tuy nhiên, khi họp hàng năm, người ta tổng kết rằng có rất ít dự án ở Việt Nam sử dụng cơ chế hỗ trợ công nghiệp trong ASEAN, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Như Samsung làm về điện tử, doanh nghiệp của Nhật làm về ôtô đã tận dụng được, mở nhà máy ở một nước và được hưởng lợi ích chung ở các nước khác.
Có những lĩnh vực một số nước ASEAN làm được với nhau, như du lịch, nhưng Việt Nam chỉ tham gia cầm chừng. Trong các tour ASEAN của du khách bên ngoài đi ba nước được ưu đãi về vé máy bay (đi ba nước rẻ hơn đi hai nước), ngoài việc miễn visa. Còn nếu kết nối với Việt Nam thì bị vướng về visa. Hơn nữa, giá của Việt Nam là giá cứng, từ khách sạn đến giá vé máy bay. Gần đây mới có sự giảm giá theo mùa.
Thưa bà, các chọn lựa, thoả thuận, hay cam kết, được quyết định ở cấp chính phủ thực hiện, nhưng chủ thể thực hiện lại là doanh nghiệp. Với kinh nghiệm của mình, ở các cương vị khác nhau, bà thấy tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp được thể hiện như thế nào trong các quyết sách, cam kết của ASEAN?
Lần đầu tiên tôi đi dự cuộc họp các phòng thương mại ASEAN là vào năm 1994, trước khi Việt Nam vào ASEAN. Đi thì mừng, nhưng về thì buồn. Bởi vì thấy mối quan hệ và ảnh hưởng của giới doanh nghiệp đối với chính phủ của họ rất mạnh.
Tôi còn nhận thấy một điều nữa rằng ở các nước ASEAN khác, như Thái Lan, Singapore, Malaysia, hay Indonesia, bên cạnh phòng thương mại, còn có các tổ chức khác như hiệp hội công nghiệp tham gia họp. Tiếng nói của họ ở ASEAN vừa đại diện cho những ngành then chốt, vừa thể hiện lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Trước khi họ đến, những vấn đề của doanh nghiệp từng nước đã được đưa ra bàn thảo với chính phủ của họ. Đến với ASEAN, họ chỉ góp thêm tiếng nói từ góc độ doanh nghiệp cho những ý tưởng, chính sách đã được thống nhất giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Thế còn sự phối hợp của Việt Nam như thế nào?
Lẽ ra, Việt Nam phải có sự phối hợp tốt như vậy. Nhưng ngược lại, chúng tôi phải tự lo lấy hết. Việc tìm hiểu thông tin và quan điểm của các cơ quan chính phủ lại hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của từng quan chức, công chức liên quan. Có những nơi, thậm chí họ còn coi đó là bí mật quốc gia, hay nói thẳng rằng chuyện đàm phán, thoả thuận là chuyện riêng của Chính phủ.
Nhưng chuyện đó không chỉ dừng lại ở đó. Các vấn đề kinh tế thường là chuyện liên ngành, nhưng sự phối hợp giữa các ngành với nhau rất yếu. Chẳng hạn, thương mại nông sản liên quan đến cả bộ Thương mại (giờ đây là Công thương), và bộ Nông nghiệp. Nhưng sự phối hợp không tốt giữa hai cơ quan này khiến nông sản hàng hoá của Việt Nam chưa bao giờ đạt được giá trị cao nhất.
Có ý kiến khuyên rằng Việt Nam nên tách khỏi nhóm ASEAN 4, hoặc chí ít điền tên mình vào nhóm VIP (Việt Nam, Indonesia và Philippines), bởi với một tham vọng cao hơn, tiếng nói và bước đi cũng mạnh mẽ hơn. Quan điểm của bà?
Tôi có nghe điều này trong một diễn đàn về AFTA và cộng đồng kinh tế ASEAN. Người ta nói Việt Nam nên tham gia ASEAN với tư cách một trong bảy thành viên phát triển hơn, chứ đừng đứng quá lâu ở nhóm ASEAN 4 nữa. Lý do chính là điều đó tạo ra sức ỳ quá lớn trong cả các ngành, lẫn các doanh nghiệp Việt Nam.
Chúng ta đang quá trông chờ vào sự nương nhẹ và chiếu cố về lộ trình mở cửa thị trường, và phần hỗ trợ chả đáng bao nhiêu của ASEAN. Thế nhưng, Việt Nam đâu có xuất quá nhiều sang ASEAN, mà chủ yếu vẫn ở mức 20 – 25% tổng xuất khẩu, và cũng chẳng được lợi nhiều. Còn nếu thoát ra khỏi khối bốn nước, Việt Nam sẽ nhanh chóng tăng cường sức cạnh tranh hơn, và có vị thế tốt hơn. Dệt may, giày dép của Việt Nam hoàn toàn có thể coi là những ngành mạnh trong ASEAN.
Như người ta vẫn nói, góp giỗ ít, thì ngồi chiếu dưới, và tiếng nói cũng nhỏ.
HUỲNH PHAN THỰC HIỆN

Việt Nam vẫn còn cơ hội thúc đẩy


Ngày 12.04.2010, 09:13 (GMT+7)
Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông
Việt Nam vẫn còn cơ hội thúc đẩy
SGTT - Kết thúc hội nghị cấp cao ASEAN 16, Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc trao đổi về với giáo sư Carl Thayer, người được coi là am hiểu khá sâu về khu vực này, đang làm việc tại học viện Quốc phòng quốc gia Úc.
Nhiều tàu cá của Việt Nam không dám ra khơi vì sợ “tàu lạ”. Nếu bộ quy tắc ứng xử được thông qua với một cơ chế ràng buộc, hy vọng “tàu lạ” sẽ không còn ngang ngược tấn công tàu cá Việt Nam. Ảnh: Mai Kỳ
Ông đánh giá thế nào về kết quả hội nghị cấp cao ASEAN 16, mà nhiều người cho là không như mong muốn, liên quan tới sự nhất trí trong lập trường của ASEAN về việc thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC)? Liệu có tác động từ bên ngoài, hay ưu tiên số một của nước chủ tịch vẫn là việc dàn xếp vấn đề Myanmar?
ASEAN luôn có một chính sách nhất quán, kể từ Tuyên bố về Hiệp ước Bali II năm 2003. Tuyên bố này nhằm hỗ trợ thúc đẩy COC, tiếp theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Trung Quốc luôn chủ động trong việc sử dụng sức ép ngoại giao lên các thành viên ASEAN nhằm giải quyết các tranh chấp theo kiểu song phương thay vì đa phương. Có điều, đúng là các thành viên khác của ASEAN không coi vấn đề Biển Đông là việc đặc biệt cấp thiết để xứng đáng với một tuyên bố chung.
DOC, về thực chất, nằm trong số các văn kiện của ASEAN trong mục tiêu xây dựng một cộng đồng chính trị – an ninh. Tuyên bố Chủ tịch của ASEAN 16 đã nêu rõ: “…giao cho các bộ trưởng và quan chức cấp cao liên quan tăng cường sử dụng các cơ chế và công cụ hiện có của ASEAN như Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) hay DOC…, nhằm đảm bảo hoà bình và an ninh khu vực”.
Có thể nói, mục tiêu chính của hội nghị cấp cao lần này là thúc đẩy cho một cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Liệu có một cơ hội khác để thúc đẩy vấn đề này, trong năm Việt Nam là chủ tịch, chẳng hạn ở diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7, hay tại cấp cao ASEAN 17 vào tháng 10?
Trung Quốc luôn thành công trong việc dập tắt mọi ý định đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn đa phương, như ARF. Nhưng điều đó không có nghĩa là vấn đề này sẽ không được nêu ra ở ARF. Có điều, từ nay đến đó thời gian chuẩn bị là không đủ. Cấp cao ASEAN 17 sẽ là nơi thích hợp hơn, bởi ASEAN sẽ gặp Trung Quốc trong cấp cao ASEAN – Trung Quốc diễn ra ngay sau đó.
Ông đánh giá thế nào về việc Liên minh châu Âu (EU) sắp tham gia TAC, cũng như các lãnh đạo ASEAN khuyến khích các cường quốc như Nga và Mỹ tham gia cấp cao Đông Á (EAS)?
EU đã là thành viên của ARF. Việc các nước ASEAN thoả thuận để EU tham gia TAC là sự công nhận vai trò đặc biệt của châu Âu trong việc đại diện cho các thành viên của mình. Khi EU tham gia vào TAC, điều đó có nghĩa là hiệp ước này có cả sự tham gia của Anh, thành viên thường trực duy nhất của Hội đồng Bảo an cho đến nay vẫn đứng ngoài hiệp ước này.
Còn việc ASEAN quyết định khuyến khích Nga và Mỹ cân nhắc việc tham gia, với tư cách thành viên, vào EAS, cho thấy khối này mong muốn thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp. Chính Chủ tịch ASEAN 16, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuyên bố rằng: “Chúng tôi khuyến khích Nga và Mỹ tăng cường tham gia vào cấu trúc khu vực đang nổi lên, bao gồm cả khả năng các nước này tham gia EAS, qua các thể thức phù hợp, có tính đến tính chất của EAS là diễn đàn của lãnh đạo, mở và thu nạp”.
Lúc đầu, ASEAN từng im lặng khi Nga xin tham gia. Sau đó, Chính quyền Obama cũng phát tín hiệu rằng họ đang nghiên cứu vấn đề này. Điều đó là tiền đề cho cuộc tranh luận giữa các thành viên ASEAN rằng liệu Mỹ có đáp ứng tiêu chí là một nước Đông Á. Mỹ sẽ chẳng bao giờ xin gia nhập EAS, nếu họ biết trước sẽ bị phản đối. Bây giờ bóng đã ở trong chân họ để tự quyết định việc nộp đơn.
Sáng kiến này của ASEAN rõ ràng đã nhấn chìm các sáng kiến đơn lẻ của Úc và Nhật trong việc tạo ra cấu trúc an ninh mới của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và đảm bảo cho vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực. Giờ đây có khả năng là mọi “tay chơi chính” sẽ nằm cùng trong một tổ chức – EAS. Các thành viên ASEAN luôn là một phần của tiến trình này, và Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã bị chỉ trích tại Singapore năm ngoái, khi cố gắng thành lập một nhóm cốt lõi gồm 8 – 10 thành viên, mà lại không lấy ASEAN làm nòng cốt.
Về mặt kỹ thuật, ASEAN đã đồng ý để Indonesia thay thế Brunei làm chủ tịch ASEAN 2011 vì Indonesia không thể làm chủ tịch cả ASEAN lẫn APEC vào năm 2013. Nhưng, thực chất, liệu sự thay thế này còn có vai trò thúc đẩy những gì được khởi đầu tại Hà Nội?
Việc Indonesia thay thế Brunei là chủ tịch ASEAN năm tới sẽ đặt một thành viên tích cực trong khối lên vai trò dẫn dắt. Lãnh đạo Việt Nam đã từng khá lo ngại rằng những sáng kiến họ thúc đẩy với tư cách chủ tịch ASEAN, như chương trình hành động đầy ý nghĩa cho hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + 8, sẽ bị đình trệ dưới sự lãnh đạo của Brunei và Campuchia (2012). Sự thay thế của Indonesia sẽ đảm bảo cho sáng kiến này giữ được đà thúc đẩy.
HUỲNH PHAN
thực hiện
Chủ tịch ASEAN đã thành công trong cách đề cập vấn đề Myanmar
Trong cuộc họp báo về kết quả hội nghị cấp cao ASEAN 16 vào cuối tuần trước ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, nói rằng “hội nghị thành công tốt đẹp”. Ông có những lý do để tin vào điều đó.
Ngoài sự khởi động suôn sẻ cho kế hoạch xây dựng một cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Chủ tịch ASEAN đã khéo léo dàn xếp để vấn đề Myanmar, vốn được coi là có thể gây chia rẽ giữa các thành viên khối này, được đề cập theo cách chấp nhận được với tất cả, bao gồm cả Myanmar. Tuyên bố của Chủ tịch “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoà giải dân tộc ở Myanmar và việc tổ chức tổng tuyển cử một cách tự do, bình đẳng, và có sự tham gia của các đảng phái”, thay vì nêu đích danh nhân vật bất đồng chính kiến Aung San Suu Kyi, như đòi hỏi trước đó của Philippines, hay Indonesia.
Đặc biệt, vấn đề tranh chấp Biển Đông cũng được đề cập trong chương trình nghị sự cấp cao. Mặc dù các thành viên trong ASEAN vẫn chưa đạt được sự nhất trí trong lập trường thúc đẩy xây dựng một bộ quy tắc ứng xử chung của các bên có tranh chấp trên Biển Đông (COC), mà chỉ nhất trí tiếp tục triển khai Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông, một văn bản mang tính đạo đức hơn là ràng buộc trong ứng xử.
Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, đã nhận xét: “Đây là một khởi đầu tốt, nếu tính đến sự phức tạp của vấn đề và so với cấp cao ASEAN 15, khi vấn đề này bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự”.
Cuối cùng là vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế liên kết khu vực đã được khẳng định, khi EU sắp tham gia hiệp ước Thân thiện và hợp tác (TAC), cũng như Nga và Mỹ được khuyến khích tham gia Thượng đỉnh Đông Á.

Tiền đề của Cộng đồng Đông Á


Ngày 07.04.2010, 11:25 (GMT+7)
Cộng đồng ASEAN
Tiền đề của Cộng đồng Đông Á
SGTT - Nhân hội nghị cấp cao ASEAN 16 tại Hà Nội diễn ra trong tuần này, Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Võ Trí Thành về tiến trình khu vực này, mối quan hệ với các tiến trình khác và triển vọng của nó, cũng như vai trò của Việt Nam với tư cách đương kim chủ tịch ASEAN.
Cuối năm 1998, Việt Nam lần đầu tiên trở thành chủ tịch ASEAN, sau ba năm gia nhập tổ chức khu vực này. Cũng vào khoảng thời gian đó, tiến sĩ Võ Trí Thành đã kết thúc khoá học ở Úc. Từ đó, ông đã bắt đầu tham gia quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, trong đó có hội nhập kinh tế khu vực, dưới góc độ một chuyên gia.
Từ khi Việt Nam làm chủ tịch lần đầu tiên (năm 1998) đến lần này, đã có những sự thay đổi gì về tư duy ASEAN, nhất là về kinh tế?
Ngay cả khi Việt Nam đã gia nhập ASEAN và tham gia AFTA, tức là đến cuối những năm 1990, nhiều nhà hoạch định chính sách của chúng ta dường như vẫn chưa coi ASEAN là đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Có lẽ xuất phát từ quan điểm cho rằng ASEAN chỉ gồm toàn nước nhỏ, làm sao tương trợ được cho Việt Nam.
Nhưng từ năm 2000 trở đi, ngoài vấn đề chính trị, chúng ta ngày càng thấy rõ vai trò chiến lược của ASEAN đối với Việt Nam. Về thương mại và đầu tư, các nước ASEAN cùng với các nước Đông Bắc Á chính là đối tác và nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
Nhưng quan trọng nhất, ASEAN chính là cái sân chơi tập dượt để Việt Nam có thể bắt đầu bước vào sân chơi toàn cầu, để Việt Nam có những kinh nghiệm tốt hơn mà mặc cả, đàm phán. Quá trình hội nhập của Việt Nam từ khu vực (AFTA), song phương (BTA với Mỹ), rồi mới đa phương (WTO) thể hiện rõ điều đó.
Đó không phải là thay đổi mang tính bước ngoặt, nhưng cực kỳ quan trọng, về chiến lược của Việt Nam trong cách chơi với ASEAN.
ASEAN đang muốn tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài, nhưng vẫn muốn giữ ASEAN là trung tâm của mọi liên kết. Nhưng, thực sự, ASEAN có đủ hấp dẫn để giữ vị trí trung tâm của những liên kết này?
Trong quan hệ quốc tế, có khái niệm trong tiếng Anh là “hub”, tức là trục, hay trung tâm. Về nguyên tắc, “hub” phải mạnh, như ở Cộng đồng châu Âu là Pháp và Đức. Do những vấn đề lịch sử và văn hoá, cả Đông Bắc Á lẫn Đông Nam Á đều không có cái tương tự như ở châu Âu.
Theo một tầm nhìn dài hạn, cái đích cuối cùng là xây dựng một Cộng đồng Đông Á, chứ không chỉ đơn thuần là Cộng đồng Đông Nam Á. Cách đi vẫn tranh cãi, nhưng đa số các học giả thấy tính khả thi của quá trình này là ASEAN cần gắn kết với nhau, như một điều kiện tiên quyết.
Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, ASEAN đã mang bản sắc chính trị rất đậm nét, với sáu nước thành viên sáng lập một bên và ba nước Đông Dương một bên. Nhưng dần dần bản sắc kinh tế trở nên mạnh mẽ hơn và đến nay đã chiếm vị trí chủ đạo.
Đóng góp đầu tiên của Việt Nam là đưa hai nhóm nước ASEAN xích lại gần nhau hơn. Thứ nhất, vị thế đó do vị trí địa – chính trị và quá trình lịch sử của Việt Nam tạo ra. Thứ hai, câu chuyện thoát nghèo của Việt Nam nghe thuyết phục hơn.
Liên kết của ASEAN là liên kết kiểu châu Á của mười nước nhỏ, nếu thành công, hay thậm chí với cả những khiếm khuyết, sẽ là một bài học cho liên kết rộng lớn hơn sau này.
Hơn nữa, ASEAN là nơi các nước trong khu vực cùng ngồi với nhau trao đổi thuận lợi hơn. Các nước lớn ở ngoài khu vực cũng có những phức tạp hay hạn chế riêng, nhiều khi kỵ nhau, nên họ cũng muốn ASEAN là diễn đàn để họ thể hiện mình. Các diễn đàn như ARF, ASEAN cộng…, hay Đông Á, có ý nghĩa như vậy.
Các nhà nghiên cứu thường đưa ra khái niệm “tiến tới Cộng đồng Đông Á theo chiến lược vòng tròn đồng tâm”, và đây cũng là lý do vì sao ASEAN có vai trò trung tâm trong các liên kết. Trên thực tế, về kinh tế – thương mại, sau khi có AFTA rồi, các đối tác bên ngoài đã nhìn ASEAN thành một khối, để rồi từ đó có các FTA của ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand, hay EPA (hiệp định Đối tác kinh tế) với Nhật Bản.
Ông đánh giá thế nào về thời hạn 2015 để xây dựng một cộng đồng kinh tế ASEAN? Có những thách thức gì cho quá trình này?
Mối liên kết của ASEAN chỉ thành công khi khoảng cách phát triển ngày càng thu hẹp. Bởi, nếu những nước vào sau thấy càng chơi thì khoảng cách càng giãn ra, họ chơi tiếp làm gì. Trong trường hợp đó, họ có thể chọn cách chơi lẻ với một đối tác nào đó bên ngoài.
Gạo Thái có mặt trên đất Việt ngày một nhiều nhờ nhiều lý do, trong đó có các thoả thuận thương mại nội khối ASEAN, như AFTA. Sau khi có AFTA, các đối tác bên ngoài đã nhìn ASEAN thành một khối. Ảnh: Hồng Thái
Có điều, do lịch sử và khoảng cách phát triển quá xa trong ASEAN, hiện nay những quốc gia đi đầu có thể sợ bị níu chân, vì vậy muốn bứt hẳn lên trước. Sự bứt tốp này ắt sẽ tạo ra áp lực cho quá trình liên kết ASEAN. Ngoài việc những quốc gia đó không còn dành toàn bộ công sức và nguồn lực cho liên kết ASEAN, có thể hình thành cái gọi là “xu hướng ly tâm”, khiến cho quá trình xây dựng lòng tin bị giảm đi.
ASEAN muốn xây dựng một cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Tức là đến lúc đó một cơ sở sản xuất và thị trường thống nhất được hình thành. Do nhu cầu tự thân, tôi tin chắc rằng ASEAN phải liên kết với nhau, nhưng không thể nói là chắc chắn đến năm 2015 sẽ hình thành được một cộng đồng kinh tế ASEAN theo đúng nghĩa.
Tuy nhiên, đến lúc đó “cảm nhận ASEAN” (ASEAN sense) chắc chắn sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Điều đó không chỉ có ý nghĩa trong ASEAN mà cả với bên ngoài, và gắn với hợp tác. Nói cách khác gắn kết kinh tế ASEAN không chỉ là một FTA thông thường, mà gắn với hợp tác, bao gồm nâng cao năng lực, hỗ trợ nước nghèo hơn, phát triển kết cấu hạ tầng cứng mềm, thuận lợi hoá thương mại – đầu tư và chuyển giao công nghệ. Chỉ khi đó hình ảnh AEC mới có thể được tạo dựng theo đúng mục tiêu mà ASEAN muốn.
Việt Nam có thể đóng góp gì cho quá trình liên kết kinh tế ASEAN, nhất là trong năm chủ tịch này, với mục tiêu xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN bắt đầu được khởi động?
Đóng góp đầu tiên của Việt Nam chính là làm nhịp cầu đưa hai nhóm nước ASEAN xích lại gần nhau hơn.
Thứ nhất, vị thế đó do vị trí địa – chính trị và quá trình lịch sử của Việt Nam tạo ra.
Thứ hai, về tầm cỡ kinh tế, Việt Nam tuy không phải là quốc gia lớn nhất để chèn ép ai, nhưng cũng không phải nhỏ để không được người ta tôn trọng. Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn, và đang chuyển đổi từ một nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, với không ít thành công bên cạnh các vấp váp, khó khăn. Nói một cách hình tượng, câu chuyện thoát nghèo của Việt Nam sẽ dễ nghe và dễ thuyết phục các nước nghèo khác hơn.
HUỲNH PHAN
thực hiện
Xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN
Cần tăng cường đối thoại chính phủ – doanh nghiệp “ASEAN sẽ có cách nhìn nhận mới liên quan đến phát triển bền vững, đó là gắn thương mại với môi trường, và, đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN”, ông Lê Quang Lân, phó vụ trưởng vụ Thương mại đa biên, bộ Công thương, nói, khi thông báo về kết quả cuộc họp của các quan chức kinh tế cao cấp ASEAN (SEOM) diễn ra vào 6.4.2010, chuẩn bị cho hội nghị bộ trưởng kinh tế sẽ diễn ra hôm nay, 7.4.2010.
Cho đến nay, doanh nghiệp hầu như có rất ít tiếng nói trong quá trình hội nhập kinh tế nội khối, hay của khối này với các đối tác bên ngoài, khiến họ cảm thấy thua thiệt, khi các cam kết được thực hiện. Chẳng hạn, các hiệp hội doanh nghiệp Indonesia đã gây sức ép lên chính phủ nước này, đòi hoãn thực hiện hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực dệt may, giày dép, hay sắt thép.
Tuy hội đồng Kinh tế ASEAN chưa nhận được yêu cầu chính thức từ Indonesia, theo ông Lân, nhưng, rõ ràng, phản ứng từ doanh nghiệp nước này là một sự cảnh báo quan trọng, đối với quá trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN. “Bên cạnh cơ chế đối thoại giữa đại diện hội đồng doanh nghiệp với các bộ trưởng kinh tế, hay nguyên thủ, như trước đây, chúng tôi đang xây dựng cơ chế đối thoại giữa từng hiệp hội, theo 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập nội khối, với chính phủ nước phụ trách lĩnh vực cụ thể, để xem xét và điều chỉnh phù hợp với lợi ích của doanh nghiệp”, ông Lân nói.
HUỲNH PHAN