Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Vị Chủ tịch nước và ông già Việt kiều


Ngày 23.11.2009, 08:15 (GMT+7)
Vị Chủ tịch nước và ông già Việt kiều
SGTT - Trong số gần 900 Việt kiều về dự Đại hội người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, diễn ra tại Hà Nội vào 21 – 23.11, ông Lê Văn Ninh là một trong những người có nhiều cảm xúc nhất. Đây là lần đầu tiên ông trở lại Sài Gòn, sau khi cùng gia đình sang Mỹ một tuần trước ngày 30.4.1975.
Các đại biểu Việt kiều tranh luận dù hội nghị đã kết thúc
Ông kể rằng ông càng thấy cảm động hơn, khi thấy Hà Nội vẫn còn giữ được những nét xưa trong ký ức ông. Cậu học trò 16 tuổi trường Chu Văn An đã theo bố mẹ vào Nam chỉ một tháng trước khi bộ đội Việt Nam về tiếp quản thủ đô.
Sự chân tình của vị Chủ tịch nước
“Nhưng điều tôi thấy cảm động nhất là khi vị nguyên thủ quốc gia không chỉ nói với chúng tôi về những thành quả, như một điều tự nhiên trong phát biểu của các vị lãnh đạo, mà lại nhấn mạnh nhiều tới những khó khăn, những thực tế tồn tại”, ông Ninh nói.
Ông Nguyễn Minh Triết, trong phát biểu khai mạc đại hội, đã thẳng thắn thừa nhận: “Kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc và chất lượng chưa cao. Sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam còn yếu. Cơ sở hạ tầng còn thấp kém. Nguồn nhân lực dồi dào nhưng chất lượng còn nhiều hạn chế”.
Ngay cả với vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, thường được coi là nhạy cảm trong những sự kiện như thế này, ông Triết cũng không né tránh. Ông nói: “Tôi hay nói vui rằng ở nước người ta muốn tham nhũng cũng khó, vì hệ thống luật pháp chặt chẽ, còn ở mình không muốn tham cũng động lòng tham”. (Cả hội trường vỗ tay rất to và dài).
Ông Triết cho rằng tham nhũng gia tăng đã làm xấu đi hình ảnh đặc trưng của người Việt Nam. “Chứ bảo người Việt Nam ta tham nhũng nhất thế giới là không phải. Người Việt Nam thông minh, dám xả thân vì nước, vì độc lập tự do của Tổ quốc, anh hùng lắm chứ. Nhưng khi gặp hoàn cảnh do quản lý yếu kém hay sinh ra tiêu cực”, ông Triết diễn giải.
Đề cập tới cuộc sống của kiều bào, ông Triết lưu ý rằng người Việt Nam ở nước ngoài, bên cạnh sự thành đạt, cũng còn có những người khó khăn, địa vị pháp lý cũng chưa ổn định. Ông cho rằng quan tâm đến kiều bào là nếu xuất hiện những khó khăn gì của họ, các cơ quan Việt Nam phải bàn bạc, can thiệp kịp thời, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bà con. “Là người đứng đầu quốc gia, thế mà trong câu chuyện quốc gia của ông ấy vẫn có những người dân. Phải chịu khó theo dõi, quan tâm đến họ mới không quên họ trong câu chuyện của mình”, ông Ninh nhận xét.
Tự cho mình là người rất kỹ tính, ông Ninh cho biết ông bị lôi cuốn bởi cách nói năng nhã nhặn, tình cảm, chứ không khô cứng (ông Triết không đọc bài diễn văn được chuẩn bị sẵn mà nói vo), hay kiểu bề trên.
Thông tin không chỉ qua tuyên truyền
Ông Triết nói: “Còn một chút ít (kiều bào) do thông tin chưa đầy đủ, đã có hành động, phát ngôn đi ngược lại mong muốn của bà con, của trong nước. Những khó khăn này chúng ta thông cảm chia sẻ với nhau”.
Ông Ninh cho rằng cách đặt vấn đề như vậy là vừa phải, và mở những cơ hội cho trong nước và bên ngoài hiểu nhau hơn. Ông cũng đồng ý rằng việc đưa những thông tin chân thực ra bên ngoài, cũng như việc ông Triết kêu gọi kiều bào đấu tranh với các lập luận cực đoan, sai sự thật, là cần thiết.
Ông Ninh kể: “Chẳng hạn, về vấn đề biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, ngay cả giáo sư Nguyễn Văn Canh là một nhà luật học nổi tiếng ở miền Nam trước đây, cũng viết báo nói rằng Việt Nam mất Ải Nam Quan rồi. Tôi đọc, và hỏi anh chủ nhiệm tờ báo đó: Ải Nam Quan do ai xây, năm nào? Tại sao Việt Nam xây không gọi là Ải Bắc Quan? Như vậy, tại sao gọi là mất? Ông ấy không trả lời được”.
“Tôi chịu đọc, và tự suy luận nên biết. Nhưng với những người ít học, họ không biết ý nghĩa của Ải Nam Quan thế nào, họ nghe vậy và bức xúc là phải thôi. Chính vì vậy không nên ngần ngại, phải thông tin cho càng nhiều người biết càng tốt. Để họ đỡ nghi ngờ, đỡ bị chia rẽ hơn”.
Nhưng ông Ninh, từ trải nghiệm của mình, biết rằng việc đấu tranh phản bác với những thông tin, lập luận không đúng là điều rất khó khăn. Ông cho biết, với những người trong chính quyền cũ, quân đội Sài Gòn cũ, trước khi qua định cư bên Mỹ phải đi cải tạo mười mấy năm, họ có nói gì ông cũng im lặng. “Phải chấp nhận thôi, chứ tôi không dám nói lại. Bản thân họ có khi cũng không cực đoan vậy đâu, nhưng ra đám đông bị khích động nên có lời nói, hành động quá khích thôi. Nhưng do họ đã trải nghiệm quá đau đớn”, ông Ninh giải thích.
“Thường chỉ với những ông ra đi hồi năm 1975, gia đình chẳng mất ai, mà cứ nói những chuyện quá đáng, tôi mới phản bác”, ông Ninh, người đã có hai người em ruột trong quân đội Sài Gòn bị chết trận, nói tiếp.
Ngay cả việc thông tin, tuyên truyền, thông qua đại diện ngoại giao Việt Nam ở Mỹ, ông Ninh cũng thấy chưa có hiệu quả. “Gia đình tôi và bạn bè tôi ít thu nhận được thông tin về chuyện nọ chuyện kia từ trong nước qua kênh này lắm. Và cũng khó cho họ, bởi nhân viên sứ quán chỉ có thời gian nhiều lo việc visa, đâu có nhiều thời gian làm việc thông tin tuyên truyền”, ông Ninh nói.
Theo ông Ninh, cách tuyên truyền hiệu quả nhất là làm từ trong nước, thông qua những cảm nhận của kiều bào về làm ăn, du lịch, hay thăm thân nhân. Ông rất thích câu nói của ông Triết rằng “nếu trong nước mà làm ăn bê bết quá, bà con bên ngoài cũng buồn”.
“Nếu người ta thấy được xã hội thay đổi đi lên, thấy được chính sách thông thoáng, thấy được đối xử thân thiện, tử tế, người ta sẽ nói tốt, kể tốt cho Việt Nam ở bên đó”, ông Ninh kết luận.
bài và ảnh Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét