Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Thoả thuận đào tạo chuyên gia quân sự và chuyển giao công nghệ quốc phòng


Ngày 26.03.2010, 10:06 (GMT+7)
Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nga
Thoả thuận đào tạo chuyên gia quân sự và chuyển giao công nghệ quốc phòng
SGTT - Chuyến thăm Việt Nam của bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdiukov, bắt đầu từ 23.3, được cho là xoay quanh hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước. Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, trong cuộc gặp với người đứng đầu ngành quốc phòng Nga, đã khẳng định điều này khi nói rằng, trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, Việt Nam đã giành chiến thắng nhờ vũ khí Nga và trí tuệ Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh rằng, trong công cuộc xây dựng và gìn giữ hoà bình hiện nay, Việt Nam mong muốn tiếp tục và tăng cường sự hợp tác quân sự với Nga.
Theo hãng thông tấn Nga Itar-Tass, trong năm 2009 Việt Nam đã ký hợp đồng mua vũ khí của Nga với tổng trị giá 3,5 tỉ USD, so với khoảng 1 tỉ USD một năm trước đó. Và chỉ trong quý 1 này, Việt Nam đã ký tiếp hợp đồng khác giá trị hơn 1 tỉ USD. Các hợp đồng nói trên tập trung vào các vũ khí hiện đại, như tàu ngầm Kilo và máy bay tiêm kích SU-12MK.
Việt Nam đã từ lâu nằm trong danh sách năm bạn hàng trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga, cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Algeria và Venezuela. Nhưng theo nhận xét của phó giám đốc cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Alexandr Fomin, được Itar-Tass dẫn lời, không loại trừ trong những năm tới đây Việt Nam sẽ vượt lên vị trí thứ hai trong bộ ngũ này.
Itar-Tass cũng cho biết, một trong hai chủ đề chính trong cuộc gặp giữa ông Serdiukov với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, cũng như của cuộc hội đàm trước đó với người đồng cấp phía Việt Nam, đại tướng Phùng Quang Thanh, là vấn đề an ninh khu vực. Được biết, vấn đề tranh chấp Biển Đông dự kiến sẽ có vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh ASEAN, diễn ra trong khoảng hai tuần tới tại Hà Nội.
“Khác với vị trí của một bộ trưởng quốc phòng là uỷ viên bộ Chính trị thời Liên Xô cũ, bộ trưởng Quốc phòng của Nga hiện nay không có quyền quyết định việc bán vũ khí, bởi quyền đó là của tổng cục Công nghiệp quốc phòng”, một sĩ quan cao cấp của bộ Quốc phòng Việt Nam, giấu tên, giải thích với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị. Viên sĩ quan này cho biết thêm chủ đề hợp tác kỹ thuật quốc phòng giữa ông Serdiukov, xuất thân từ dân sự và được Tổng thống Nga bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc phòng đầu năm 2007, với ông Phùng Quang Thanh chủ yếu xoay quanh chương trình đào tạo chuyên gia quốc phòng, và phần nào đó là chuyển giao công nghệ quốc phòng.
Việc đào tạo chuyên gia quốc phòng dự kiến sẽ tiến hành theo hai cách: Nga tiếp nhận các học viên từ Việt Nam vào các trường quân sự của mình, và cử chuyên gia sang giảng dạy ở Việt Nam. Trong chuyến thăm Nga cách đây gần hai tuần, phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thống nhất với người đồng cấp phía Nga về việc thành lập trường đại học quốc tế Việt – Nga, trên cơ sở của học viện Kỹ thuật quân sự tại Hà Nội.
Học viện này hàng năm có mở hai hệ quân sự và dân sự, với số tuyển hàng năm khoảng trên 500 học viên, trong đó số học viên quân sự khoảng trên 200. Trong suốt nhiều năm nay, đối với những chuyên ngành như vũ khí, đạn dược, xe tăng, tên lửa, ngư lôi, pháo hạm…, việc học tiếng Nga, như một ngoại ngữ, là bắt buộc. Bởi, khi làm đồ án, những học viên này chỉ có toàn giáo trình tiếng Nga để tham khảo, và đội ngũ giảng dạy chủ yếu được đào tạo ở Liên Xô cũ.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét