Ngày 22.10.2008, 07:49 (GMT+7)
Tiếp cận lịch sử từ các góc nhìn khác nhau
LTS: Giáo sư Tsuboi bảo vệ luận án tiến sĩ liên quan đến những mâu thuẫn trong nội tại ở Việt Nam dưới thời Tự Đức, dẫn đến sự thất bại trong việc tổ chức chống Pháp. Sau đó, ông xuất bản cuốn sách Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa bằng tiếng Pháp, và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu dịch sang tiếng Việt vào năm 1989.
Theo đánh giá của một số nhà sử học, cuốn sách này đã có đóng góp đáng kể trong việc xác định lại phương pháp tiếp cận lịch sử thời đó, và toàn bộ giai đoạn lịch sử của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn.
Nhân dịp giáo sư Tsuboi tham dự hội thảo quốc gia về nhà Nguyễn ở Thanh Hoá, SGTT đã có cuộc trao đổi với ông.
Ông đánh giá thế nào về cuộc hội thảo này?
Tôi đồng ý với ý kiến của giáo sư Phan Huy Lê, rằng đây là một bước ngoặt lớn và quan trọng trong nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam. Chúng ta đang kỷ niệm 450 năm ngày chúa Nguyễn Hoàng mang gươm đi mở cõi, nhưng hãy hình dung cách đây 50 năm, tức là năm 1958, một lễ kỷ niệm 400 năm làm sao mà tiến hành được.
Nhận thức về nhà Nguyễn đã thay đổi một cách căn bản. Tức là chúng ta không chỉ xuất phát từ quan điểm mác xít thuần tuý để nhìn nhận một triều đại phong kiến, mà còn phải dựa vào những phương pháp khác như lịch sử xã hội, lịch sử văn hoá, với những chứng cứ và khai thác những khía cạnh mới về triều Nguyễn.
Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy rằng những nghiên cứu của Việt Nam về những di sản như kinh thành Huế, phố cổ Hội An, hay thánh địa Mỹ Sơn… vẫn chưa sâu. Họ đã cố gắng tôn tạo, cố gắng phục hồi lại các loại hình sân khấu, các điệu múa, hay nhã nhạc…, nhưng những gì thể hiện vẫn chưa đạt được đúng tầm, vẫn chưa thực sự lôi cuốn khán thính giả. Theo tôi, kỹ thuật là quan trọng, nhưng hiểu biết về văn hoá, phong cách triều Nguyễn còn quan trọng hơn để đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật.
Tôi nói điều này còn vì giới trẻ bây giờ đã khác, họ có xu hướng thực dụng hơn, thích giải trí hơn là những giá trị văn hoá truyền thống thực thụ. Vì vậy, để có thể duy trì truyền thống, tính kế thừa, những gì thuộc về truyền thống phải được thể hiện với trình độ cao, đủ sức thu hút giới trẻ.
Tôi phải xin lỗi trước khi đưa ra nhận xét rằng một số ít các nhà sử học Việt Nam có quan điểm quá hẹp hòi, theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Tôi đã đề xuất nên tăng cường các cơ hội tiếp xúc, trao đổi với các học giả nước ngoài, để tầm nhìn của họ có thể vươn ra thế giới, rồi so sánh những trải nghiệm của Việt Nam với những trải nghiệm của các nước khác
|
Tôi nghĩ đây là vấn đề liên quan đến chính sách của Chính phủ. Tôi nghĩ Chính phủ phải bỏ tiền ra để gửi các học giả, nhà nghiên cứu đi các nước trên thế giới để thu thập tư liệu từ những kho lưu trữ trên thế giới để có thể tiến hành nghiên cứu so sánh. Nhiều học giả Việt Nam không thể tiếp cận được với những tư liệu mang tính chuyên sâu, vì vậy họ chỉ cố gắng đạt được những lập luận ở những mức chung chung, chứ chưa đi đến tận cùng của vấn đề.
Sau những đồng thuận, hay xích lại gần nhau trong cách nhìn nhận về những vấn đề nhất định liên quan đến nhà Nguyễn, theo ông, giới nghiên cứu nên đi tiếp như thế nào?
Tôi đã có hai đề xuất. Thứ nhất, lịch sử luôn gắn bó với hiện tại. Các nhà sử học Việt Nam đặt nặng nghiên cứu của mình về những gì diễn ra trong quá khứ, và cố gắng mô tả và phân tích theo hướng đó. Nhưng sự liên hệ, thậm chí là lồng ghép giữa quá khứ và hiện tại là cực kỳ quan trọng. Đó là một nguyên tắc cơ bản trong phương pháp nghiên cứu lịch sử. Nếu xuất phát từ quan điểm đó, thời nhà Nguyễn sẽ là một kho tư liệu quý báu và dồi dào cho các nhà nghiên cứu.
Tôi phải xin lỗi trước khi đưa ra nhận xét rằng một số ít các nhà sử học Việt Nam có quan điểm quá hẹp hòi, theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Tôi đã đề xuất nên tăng cường các cơ hội tiếp xúc, trao đổi với các học giả nước ngoài, để tầm nhìn của họ có thể vươn ra thế giới, rồi so sánh những trải nghiệm của Việt Nam với những trải nghiệm của các nước khác. Chẳng hạn, khi nghiên cứu về thời vua Minh Mệnh rất nên so sánh với những trải nghiệm của thời kỳ Minh Trị bên Nhật, hay các vị vua Triều Tiên, Trung Quốc, hay Thái Lan cùng thời đó.
Tại sao giới nghiên cứu Nhật Bản lại quan tâm đến Việt Nam như vậy?
Nhật Bản rất tương đồng với Việt Nam về phông văn hoá, như ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, Hán tự, Nho giáo… Như vậy, những dân tộc có những điểm tương đồng cần phải học hỏi của nhau.
Thứ hai, Việt Nam là một dân tộc trẻ trung, còn Nhật Bản là một dân tộc đang già đi. Hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, Nhật Bản hy vọng được bù đắp bởi sự năng động của Việt Nam. Đổi lại, Nhật Bản có thể cung cấp cho Việt Nam công nghệ, thông tin và kinh nghiệm.
Hơn nữa, việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam giúp Nhật Bản tìm hiểu lịch sử của chính mình. Tôi xin lấy ví dụ về cuộc khai quật Hoàng thành. Công bằng nói rằng di tích Hoàng thành chứa đựng nhiều giá trị quan trọng không chỉ với Việt Nam, mà hầu như tất cả các quốc gia châu Á. Chúng tôi cũng hy vọng tìm được những chứng cứ về sự giao thương giữa tổ tiên chúng tôi với tổ tiên các bạn. Vào thế kỷ thứ 7, tức là thời nhà Đường bên Trung Quốc, một đô đốc người Nhật là Nakano đã đặt chân tới đất Hà Nội này, và trong thời gian lưu lại đó ông đã viết một bài thơ rất hay được nhiều người Nhật yêu thích và ghi nhớ.
Huỳnh Phan thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét