Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Đào tạo tiến sĩ: Quan trọng là sử dụng thế nào?


Ngày 06.01.2009, 08:12 (GMT+7)
Chỉ đầu tư nguồn lực từ ngân sách quốc gia và tài trợ quốc tế vào khoa học chưa thể giúp khoa học nước nhà phát triển mà còn cần phải cân nhắc cả mối quan hệ giữa các nhà khoa học với kinh tế và văn hoá ở Việt Nam. Đó là những gì mà Eren Zink, nghiên cứu sinh tiến sĩ của trường đại học Uppsala, Thuỵ Điển, trao đổi với SGTT, sau một thời gian tiếp xúc với hàng chục nhà khoa học Việt Nam
Eren Zink đồng thời làm việc cho một quỹ quốc tế về khoa học chuyên cấp học bổng cho các nhà khoa học trẻ ở các nước đang phát triển. Đó là lý do ông đã chọn đề tài nghiên cứu tiến sĩ là “Giới khoa học Việt Nam phản ứng như thế nào đối với những thách thức của biến đổi khí hậu”. Zink đã tìm hiểu, trao đổi với khoảng 60 nhà khoa học trẻ Việt Nam, đặc biệt là những người lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài. Các cuộc tiếp xúc đã giúp ông hiểu được những cơ hội và thách thức của các nhà khoa học trẻ khi họ quay trở về Việt Nam sau khi được đào tạo ở nước ngoài.
Theo ông, các nhà khoa học trẻ Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài gặp phải những thách thức gì?
Sau thời gian đi học ở nước ngoài, họ phải tìm cách thích nghi, và chứng tỏ với các đồng nghiệp ở đây rằng họ xứng đáng được tin tưởng. Họ còn phải tìm cách tiếp cận với những khoản kinh phí từ ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học. Nhưng khoản ngân sách khiêm tốn này thường ưu tiên cho các nhà nghiên cứu lớp trước.
Do phần lớn các nhà khoa học trong các viện nghiên cứu, hay các trường đại học dành thời gian cho các hợp đồng tư vấn ngắn hạn, dạy ngoại ngữ tại các lớp buổi tối, nên họ ít có thời gian và động lực làm việc nhóm. Đồng lương thấp khiến họ mất nhiều thời gian kiếm sống, nên rất khó tổ chức làm việc nhóm, trong khi việc hoạt động đơn lẻ là điều tối kỵ trong nghiên cứu khoa học. Họ cần làm việc nhóm, chia ra các phần việc để cùng thực hiện, rồi trao đổi các ý tưởng với nhau trong khi thực hiện.
Họ có nói với ông rằng họ gặp khó khăn khi trao đổi quan điểm với thế hệ các nhà khoa học lớn tuổi? Ông có nghĩ rằng có ý thức phản kháng, hay tự vệ của các nhà khoa học đàn anh trước những thách thức của các tư tưởng và kiến thức mới của thế hệ trẻ?
Họ nói với tôi rằng có khó khăn trong việc nói thẳng những suy nghĩ, ý tưởng, và quan điểm của mình. Họ nói rằng ở Việt Nam tư tưởng Nho giáo vẫn còn nhiều ảnh hưởng, nên rất khó cho những người trẻ tuổi tranh luận thẳng thắn với thế hệ đàn anh.
Nhưng không ai nói với tôi về ý thức phản kháng hay tự vệ của các nhà khoa học đàn anh. Đa số cho biết sự khác biệt thế hệ dẫn đến sự khác biệt trong quan niệm “cái gì là quan trọng”. Họ có những phông kiến thức khác nhau do sự tiếp nhận những quá trình đào tạo khác nhau, và vì vậy họ có quan niệm khác nhau về công việc nghiên cứu khoa học.
Tại sao chủ đề nghiên cứu của ông là biến đổi khí hậu mà ông lại đi vào ngả rẽ về giới khoa học trẻ Việt Nam?
Thực ra, biến đổi khí hậu là một vấn đề cực lớn, mà để giải quyết thì cần nhiều yếu tố đóng góp. Trong đó có yếu tố các nhà khoa học. Vì vậy, phần nghiên cứu về các nhà khoa học trẻ sẽ chiếm khoảng 10 – 15% trong luận văn tiến sĩ của tôi.
Việt Nam đang dành một khoản ngân sách đáng kể để phát triển khoa học, trong đó có việc đào tạo các nhà khoa học trẻ để giúp ứng phó với biến đổi khí hậu. Vấn đề nằm ở chỗ đầu tư nhiều nguồn lực để đào tạo các nhà khoa học, nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp sử dụng những nhà khoa học. Khi các nhà khoa học không được đóng góp, không được cống hiến, tức là có sự lãng phí lớn cho cả họ lẫn đất nước.
Tôi nghe nói rằng phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân có kế hoạch rất tham vọng là đào tạo 20 ngàn tiến sĩ. Điều này là rất tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu ông ấy cũng có kế hoạch cụ thể để sử dụng hiệu quả những gì mà số lượng tiến sĩ này học được.
Có vẻ như với phát hiện của mình ông muốn đưa ra một thông điệp nhiều hơn là một bản nghiên cứu sâu?
Đúng thế. Nói rộng hơn, Chính phủ Việt Nam đã có những kế hoạch tham vọng sử dụng năng lực của khoa học để đạt được những mức độ cao hơn trong phát triển kinh tế và để giảm nghèo. Tuy nhiên, qua nghiên cứu tôi thấy việc chỉ tiếp tục đầu tư nguồn lực từ ngân sách quốc gia và tài trợ quốc tế vào khoa học chưa thể giúp đạt được những mục tiêu trên. Để có thể hưởng lợi từ tài năng của các nhà khoa học thế hệ mới, đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng mối quan hệ giữa cấu trúc của cộng đồng khoa học với kinh tế và văn hoá ở Việt Nam. Lý tưởng nhất là điều này sẽ được thể hiện trong những chiến lược khuyến khích các nhà khoa học nhiều thế hệ cùng hợp tác nhằm đạt mục tiêu chung của quốc gia.
Huỳnh Phan (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét