Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Thời gian để ngẫm


Ngày 24.01.2009, 09:26 (GMT+7)
Nhà văn Xô Viết (gốc Gruzia) Dumbadze trong cuốn tiểu thuyết Quy luật của muôn đời, nổi tiếng cả ở Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước, đã nói đại ý rằng “trong cuộc đời ít nhất người ta phải nhập viện một lần để có thời gian suy ngẫm lại quãng đời đã sống”. Liên Xô đã sụp đổ khi chưa kịp “nhập viện”. Bản thân nhà văn không hiểu còn sống, hay đã mất. Nhưng một trong những thông điệp của “quy luật muôn đời” mà ông đề cập vẫn tồn tại. Và nó đang hiển hiện trong nền kinh tế thế giới trong năm 2009. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, sau một thời gian cố sức guồng theo dòng chảy hội nhập.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, một trí thức Việt kiều Nhật, cơn khủng hoảng mà thế giới đang phải trải qua dường như không phải mang tính chu kỳ nữa, mà là sự cáo chung cho một phương thức tồn tại chừng sáu thập kỷ, trong đó tiền tệ đóng vai trò vận hành và điều tiết kinh tế, sản xuất. Khủng hoảng tài chính xảy ra, bắt đầu từ Mỹ, khi hệ thống tiền tệ không đáp ứng được nhu cầu tín dụng tiêu dùng, và cùng với nó là sản xuất hàng hoá. Nền sản xuất của những nước, nhất là các nước châu Á, lấy thị trường Mỹ định hướng phát triển tự nhiên bị lâm vào ngõ cụt.
“Tôi cảm thấy đây sẽ là thời điểm chuẩn bị cho một thời kỳ mới. Nhưng thời kỳ gì thì các nhà nghiên cứu kinh tế và hoạch định chính sách kinh tế chưa nghĩ ra”, ông Dũng nói.
Nhưng ông Dũng biết Việt Nam phải bắt đầu một thời kỳ mới như thế nào. Theo ông, xu thế chung của thế giới hiện nay là dân số tiếp tục tăng, và như vậy giá nông sản sẽ tăng, tuy có thể không sốt như nửa đầu năm 2008. “Vì vậy, hướng đi phù hợp nhất của Việt Nam là xây dựng một chính sách công nghiệp mới lấy nông nghiệp làm nền tảng”, ông Dũng nói.
Theo ông, nếu được đầu tư khoa học kỹ thuật và hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, trong vòng 10 năm tới Việt Nam hoàn toàn có thể tăng năng suất lên hai, ba lần, và trở thành một trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu trên thế giới. Trên cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp, các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, hay chế biến nông sản cũng theo đó mà được định hướng đầu tư và phát triển.
“Chính sách kích cầu phải lấy người nông dân làm trung tâm, để họ yên tâm sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, và chính họ, chiếm tới 70% dân số, khi ăn nên làm ra, sẽ là những người tiêu dùng tiềm năng nhất của nền sản xuất công nghiệp”, ông Dũng nói tiếp. Việc đầu tư cho nông nghiệp càng có ý nghĩa dưới góc độ ngắn hạn, khi ông lưu ý rằng, phần lớn số công nhân thất nghiệp, dự báo lên tới 300.000 trong năm nay, liệu còn chỗ nào để đi nếu không quay về nông thôn.
Theo ông Dũng, điều đó không có nghĩa là Việt Nam đi ngược lại với chiến lược công nghiệp hoá. Điều quan trọng là phải xác định lại xem chúng ta nên phát triển những ngành công nghiệp nào, và phát triển theo cách nào. “Việt Nam vẫn có thể tiếp tục duy trì việc gia công cho nước ngoài, nhưng phải nhanh chóng tiếp nhận quá trình chuyển giao công nghệ, và nguồn nhân lực được đào tạo là nhân tố quyết định cho quá trình chuyển giao này”, ông Dũng quả quyết. Ông nói thêm rằng hai cái thiếu lớn nhất trong chương trình giáo dục đào tạo ở Việt Nam là ý thức kỷ luật và trách nhiệm với công việc.
Giáo sư Kennichi Ohno, giám đốc diễn đàn Phát triển Việt Nam, cũng đồng ý với nhận định này. Ông nói thêm rằng giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, tuy đã được lãnh đạo ngành này định hướng phát triển theo nhu cầu xã hội, vẫn đang được thực hiện một cách quá mơ hồ với những chỉ tiêu quá chung chung. “Việt Nam cần xác định quy mô phát triển trong tương lai của từng ngành ưu tiên, rồi mới tính xem nên đào tạo bao nhiêu quản lý, kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân theo đúng đặc thù của ngành đó”, ông nói.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển, cho rằng làn sóng suy thoái toàn cầu này, với việc thị trường xuất khẩu sẽ được xác định lại, là một cơ hội tốt để sàng lọc những doanh nghiệp có khả năng tồn tại và phát triển, để từ đó có các chính sách khuyến khích đúng địa chỉ. Theo ông, việc Nhà nước tập trung đầu tư vào những ngành như đóng tàu biển là vấn đề cần phải xem xét lại, khi nhu cầu về tàu lớn của thế giới đã và vẫn tiếp tục bão hoà trong một số năm nữa.
Cách đây ít năm, với kỳ vọng sản xuất và xuất nhập khẩu trên thế giới vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhiều hãng tàu hàng đầu thế giới đã đồng loạt cho đặt đóng tàu cỡ lớn. Ông Đậu Thanh Châu, phó giám đốc APL Vietnam (một trong năm hãng tàu lớn nhất hoạt động ở Việt Nam), cho biết cước vận tải container sang châu Âu chỉ còn bằng 50%, thậm chí 25%, so với cách đây sáu tháng. “Có những hãng đã đặt cọc 25% giá trị con tàu, rồi cũng phải bỏ của chạy lấy người”, ông Châu nói.
Cũng theo ông Nguyễn Quang A, đây cũng là lúc phải đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, để Nhà nước không phải bỏ thêm những khoản ngân sách, vốn đã ít ỏi, để duy trì những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. “Lúc đầu, mục tiêu ưu tiên của cổ phần hoá là để nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập. Thế nhưng, khi chỉ số chứng khoán ở Việt Nam trở về với giá trị thật của nó, sau khi tăng ảo vùn vụt, người ta lại viện rằng làm thế mất vốn nhà nước vào tay tư nhân, vào tay nước ngoài”, ông A nói.
“Có thể quá trình cổ phần hoá, tái cấu trúc doanh nghiệp và thậm chí phá sản hàng loạt, sẽ khiến cho nhiều người mất việc làm. Nhưng vấn đề tất yếu đó sẽ giúp Chính phủ đỡ băn khoăn hơn trong việc xác định những ai đúng là đối tượng được hưởng gói kích cầu kinh tế, xét về cả góc độ kinh tế lẫn xã hội”, ông A kết luận.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét