Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Ngân sách quốc phòng Việt Nam quá khiêm tốn


Ngày 16.12.2009, 16:09 (GMT+7)
Báo Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu góc nhìn, thông tin của một chuyên gia nước ngoài – đây cũng là cái nhìn từ bên ngoài về vấn đề được đánh giá là ngày càng cởi mở hơn của Việt Nam: ngân sách và hợp tác quốc tế về quốc phòng.
Giáo sư Carlyle Thayer
Ngân sách quốc phòng Việt Nam quá khiêm tốn
SGTT - Nhân việc Việt Nam vừa công bố Sách trắng quốc phòng và nhân chuyến thăm Mỹ, bắt đầu từ 10.12, của bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh; giáo sư Carlyle Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc, đã có cuộc trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về ý nghĩa của Sách trắng quốc phòng và về những mối quan tâm của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng với Việt Nam.
Các nhà quan sát nước ngoài, như ông, nhìn nhận việc Việt Nam công bố Sách trắng quốc phòng vào thời điểm này như thế nào?
Sách trắng cũng được nhìn nhận như một phần của một chiến lược bao trùm hơn về chính trị – ngoại giao nhằm công bố đánh giá chiến lược của Việt Nam cho thế giới bên ngoài. Việc công bố này cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong minh bạch hoá, với mức chi tiêu quá khiêm tốn là xấp xỉ 2% GDP.
Sách trắng quốc phòng nói chung thường thể hiện sự đánh giá của một quốc gia về môi trường chiến lược. Rõ ràng những diễn tiến trên Biển Đông là mối quan ngại của Việt Nam. Sách trắng quốc phòng mới này, cùng với những bình luận của tướng Nguyễn Chí Vịnh, chỉ ra một cách rõ ràng rằng Việt Nam đang tìm kiếm giải pháp hoà bình đối với các tranh chấp liên quan tới yêu sách chủ quyền trên biển và không muốn xung đột vũ trang xảy ra.
Có thể giải thích rằng việc công bố sách trắng lần này gắn với việc một kế hoạch năm năm sắp sửa kết thúc, và một kế hoạch năm năm mới đang được vạch ra với định hướng chiến lược cho giai đoạn đó.
Nhân chuyến thăm Mỹ của bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, xin ông cho biết đánh giá của mình về quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ trong những năm vừa qua.
Quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ đang dần tiến triển, và bao gồm cả thoả thuận thể hiện những hoạt động mà hai bên có thể hợp tác trong một chu trình định sẵn. Mỹ là nước có sáng kiến đề nghị thiết lập mối quan hệ quân đội với quân đội giữa hai nước.
Trong khi đó, Việt Nam luôn xử lý những đề nghị này một cách thận trọng và từ từ. Có lẽ, Việt Nam muốn nhìn thấy sự đóng góp lớn hơn của Mỹ trong việc giải quyết hậu quả của chất độc da cam.
Quan hệ quốc phòng giữa hai nước đạt được bước tiến có ý nghĩa vào tháng 10.2008 với việc tổ chức cuộc đối thoại đầu tiên về chính trị, quốc phòng và an ninh tại thủ đô Washington giữa bộ ngoại giao hai nước. Nhưng Việt Nam cũng nên cân nhắc cơ chế đối thoại thuần tuý quốc phòng với Mỹ, để phát triển song song với đề xuất của Việt Nam về cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN với bộ trưởng quốc phòng các nước đối thoại.
Theo ông, trong chuyến thăm Mỹ của bộ trưởng Phùng Quang Thanh, phía Mỹ chờ đợi những gì?
Theo những gì tôi biết, các quan chức quốc phòng Mỹ có một loạt vấn đề muốn hai bên hâm nóng lại.
Thứ nhất, Mỹ muốn Việt Nam tăng cường sự tham gia vào những chương trình rất đa dạng mà IMET (Chương trình đào tạo và huấn luyện quân đội quốc tế) hỗ trợ. Ví dụ như Mỹ muốn Việt Nam chấp nhận những chuyến viếng thăm của nhóm huấn luyện quân sự của Mỹ để xử lý những vấn đề cụ thể như an ninh hàng không. Việc Việt Nam tham gia chương trình IMET vẫn chỉ giới hạn trong việc cử một số tương đối ít sĩ quan sang học tiếng Anh ở Mỹ, hay sử dụng quỹ IMET để hỗ trợ quân y, hợp tác nhân đạo và một số trao đổi về khoa học kỹ thuật.
Thứ hai, Mỹ muốn Việt Nam đồng ý tăng số lượng tàu hải quân được phép viếng thăm cảng Việt Nam. Chẳng hạn, tàu UNS Heezen chỉ được phép thăm cảng Việt Nam vì tàu này là tàu nghiên cứu thuỷ văn, chứ không phải chiến hạm.
Thêm vào đó, Mỹ muốn có sự hợp tác giữa quân đội hai nước trong những lĩnh vực như nghiên cứu khí tượng và thuỷ văn. Một số sĩ quan cao cấp của Việt Nam đã tham quan tàu sân bay của Mỹ ở Biển Đông, và Mỹ muốn ngày càng có nhiều cuộc tham quan như vậy. Mỹ cũng mong muốn thúc đẩy sự hợp tác, cụ thể là sự tập luyện chung giữa hải quân hai nước, trong hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, cũng như một số hoạt động khác.
Thứ ba, Mỹ cũng muốn Việt Nam tham gia vào quy trình mua bán vũ khí nước ngoài (Foreign Military Sales). Phía Mỹ đã giải thích cho Việt Nam quy trình tham gia và đơn từ cần thiết. Việt Nam có thể tìm kiếm sự cho phép, từ phía Mỹ, để mua phụ tùng xe thiết giáp và sự hỗ trợ kỹ thuật để những chiếc trực thăng UH-1 chiến lợi phẩm có thể hoạt động lại được.
Thứ tư, Mỹ cũng khuyến khích Việt Nam ký hiệp định ACSA để nhận được sự trợ giúp về hậu cần trong thời gian các chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ và trong những trường hợp khẩn cấp. Điều này có thể mở rộng ra đối với sự hỗ trợ hậu cần cho các chương trình luyện tập và huấn luyện chung.
Cuối cùng, ở mức độ chiến lược hơn, Mỹ muốn Việt Nam chấp nhận sự tài trợ từ sáng kiến GPOI, và tham gia sáng kiến PSI. Trong đó, sáng kiến đầu tiên bao gồm cả việc tài trợ cho những quốc gia chấp nhận huấn luyện quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình, và sáng kiến thứ hai nhằm tìm kiếm sự hạn chế đối với việc phổ biến vũ khí giết người hàng loạt.
Huỳnh Phan (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét