Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Bàn cờ địa chính trị sẽ được sắp lại?


Ngày 13.08.2008, 14:02 (GMT+7)
Nga mong muốn điều gì trong cuộc thương lượng sắp tới về vấn đề Gruzia? Bàn cờ giữa các nước lớn sẽ được sắp lại như thế nào? Đó là những vấn đề mà Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với chuyên gia về các vấn đề quốc tế Nguyễn Ngọc Trường
Ông Nguyễn Ngọc Trường
Tổng thống Medvedev đã tuyên bố chấm dứt các hoạt động quân sự chống Gruzia, theo ông, Nga đã đạt được những mục tiêu gì?
Về quân sự, mục tiêu trực tiếp của Nga là thiết lập lại nguyên trạng của hai nước cộng hoà tự xưng là Nam Ossetia và Abkhazia, và đẩy quân đội Gruzia ra xa khỏi biên giới. Hơn nữa, theo giới truyền thông, ngoài các cơ sở quân sự, Nga đã đánh cả các cơ sở kinh tế, nhất là các mỏ dầu, làm suy yếu Gruzia về lâu dài. Về mục tiêu quân sự chiến lược, họ đã lần đầu tiên đưa được những dàn hoả tiễn hiện đại và xe tăng T72 vào Nam Ossetia và Abkhazia, những điều trước đây nếu thực hiện sẽ vấp phải sự phản đối quốc tế mạnh mẽ.
Mục tiêu lâu dài của Nga là đánh dấu sự trở lại của nước Nga trong những khu vực ảnh hưởng truyền thống của mình, nhất là khu vực ngoại Caucasus, sát sườn với an ninh của họ. Nếu trước đây, họ đã trở lại bằng các vấn đề kinh tế, dầu lửa khí đốt, bằng sức ép, thì bây giờ dùng cái cớ là sự manh động của Tổng thống Mikhail Saakashvili (Gruzia). Và Nga, như cái lò xo bị ép suốt thời gian hậu chiến tranh lạnh, đã bung ra rất mạnh.
Ý ông nói là Tổng thống Saakashvili đã đọc nhầm thông điệp của Mỹ, khi viện trợ quân sự và giúp huấn luyện quân đội nước này?
Đúng. Họ muốn dựa vào Mỹ để cân bằng mối quan hệ với Nga. Nhưng nước xa không dập được lửa gần. Và họ cũng đọc nhầm cả ý chí chính trị của Nga và sự chuẩn bị sẵn sàng của quân đội Nga. Việc ông Saakashvili chọn thời điểm ngày toàn phát (8.8.2008) để khởi chiến, khi ông Putin đang ở Bắc Kinh, nhằm gây bất ngờ cho Nga, cũng thất bại. Họ không bất ngờ, tức là rất có thể họ đã có sự chuẩn bị từ trước.
Hồi đó, cũng như các cuộc chiến tranh ở Somalia, và một số nước khác, người Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh nhân danh mục đích nhân đạo. Bây giờ, Nga cũng nhân danh điều này, khi ông Medvedev đã tuyên bố phải đưa quân vào Nam Ossetia và Abkhazia để bảo vệ những người Nga chiếm đa số ở đó, cũng như những dân thường vô tội khác. Đây là câu trả lời cho Kosovo, và tôi nghĩ, Mỹ hiểu điều đó.
Mặt khác, tôi nghĩ rằng sau khi Liên Xô tan rã, những nước cộng hoà tách ra chưa có một truyền thống ngoại giao, hay một nền ngoại giao đúng nghĩa, bao gồm những tiêu chí, giá trị, cách ứng xử. Họ chưa biết cách ứng xử thế nào thì đã bị các nước lớn lôi vào vòng xung đột.
Nói một cách hình tượng, Gruzia đã hành xử như một cô gái mới 17 tuổi trong quan hệ nhằng nhịt với các đại gia lão luyện trường đời. Ông Tổng thống Gruzia đặt tên đại lộ đi từ sân bay quốc tế vào thủ đô là George Bush – Tổng thống Mỹ, một người đang sống. Một nước có văn hiến và một truyền thống ngoại giao, người ta không làm như thế.
Ông Charles De Gaulle đã từng nói rằng trong lịch sử chỉ có một điều nhất quán: Đó là địa chính trị. Trong địa chính trị, các nước nhỏ ở châu Âu luôn bị kẹt giữa các nước lớn, có lúc họ là nạn nhân, có lúc họ là con tốt đi đầu. Tôi nghĩ đây là bài học đầu tiên của Gruzia, và cũng là bài học chung của các nước nhỏ khác.
Tờ New York Times đã trích lời ông đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc rằng có thể Nga muốn thay đổi “người hùng” Gruzia quá thân với phương Tây. Tôi nghĩ đây là vấn đề đáng lưu ý. Tuy đây là chuyện nội bộ của từng nước, nhưng nếu sức ép tăng đến mức độ đáng kể, rất có thể điều này sẽ diễn ra, để cuộc thương lượng có thể diễn ra theo hướng thuận lợi. Trên thế giới đã từng có tiền lệ rồi.
Theo ông, việc thương lượng sẽ diễn ra như thế nào?
Trong chiến tranh, có chuyện là đánh để thương lượng, và Nga đã làm đúng như vậy. Nhưng thương lượng với ai? Nga đánh cuộc chiến tranh này bởi vì nguyên nhân sâu xa là việc NATO đang tìm cách mở rộng về phía đông. Vì vậy, họ sẽ thương lượng với NATO, theo cơ chế đối thoại Nga – NATO. Cũng có thể việc thương lượng cũng diễn ra theo một kênh khác song song trên cơ sở cơ chế an ninh và hợp tác châu Âu.
Còn nội dung thương lượng ư? Theo tôi, vấn đề trước mắt là Nga muốn có cam kết rằng Gruzia sẽ không gia nhập NATO. Cuộc chiến vừa rồi cũng có thể là một cảnh báo với Ucraina, và như vậy, vấn đề mở rộng NATO sang phía đông phải được xem xét lại trên một bàn cờ địa chính trị mới.
Tôi cho rằng mục đích nhất mà Kremlin mong muốn khi tiến hành cuộc chiến tranh này là sắp lại bàn cờ liên quan đến lợi ích thiết thân của mình. Theo giới phân tích chính trị, quân sự và ngoại giao, cuộc chiến vừa rồi đã kết thúc thời kỳ gọi là hậu chiến tranh lạnh, và tôi tạm gọi thời kỳ mới sẽ là hậu của hậu chiến tranh lạnh.
Huỳnh Phan (thực hiện)
Nam Ossetia: tạm ngừng các hoạt động quân sự
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hôm qua (12.8) đã bay đến Nga tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Nam Ossetia. Theo Itar-tass, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trước khi gặp Tổng thống Pháp đã ra lệnh ngưng các hoạt động quân sự tại Gruzia. Đích thân ông Medvedev gọi điện thông báo quyết định trên cho Liên minh châu Âu.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đang giúp Gruzia đưa 2.000 quân của nước này làm nhiệm vụ ở Iraq trở về, tuy nhiên Mỹ khẳng định không hỗ trợ quân sự cho Gruzia. Gruzia cáo buộc máy bay Nga sáng ngày 12.8 đã ném bom xuống thị trấn Gori của Gruzia khiến nhiều dân thường bị thương, ít nhất 5 người chết. Hãng tin AFP cho biết một phóng viên quay phim của Hà Lan đã thiệt mạng và một phóng viên khác bị thương trong khi đang đưa tin tại khu vực Gori. Đại tướng Anatoly Nogovitsyn của quân đội Nga bác bỏ thông tin Nga tấn công Gori, nhưng xác nhận việc quân đội Nga vẫn ở lại Nam Ossetia sau lệnh ngưng tấn công quân sự. Cùng ngày, đại diện khu tự trị Abkhazia cho biết họ đã thực hiện một số hoạt động quân sự đẩy lui quân Gruzia ra khỏi Kodori Gorge, một khu vực thuộc Abkhazia đang bị Gruzia kiểm soát.
Ông Medvedev đưa ra hai điều kiện giải quyết vấn đề Nam Ossetia thứ nhất, quân lính Gruzia về đúng vị trí ban đầu trước khi xảy ra xung đột, thứ hai cả Nga và Gruzia sẽ ký một thoả thuận không dùng vũ lực giải quyết vấn đề.
Kim Dung (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét