Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Việt Nam học (1)


Ngày 04.12.2008, 15:54 (GMT+7)
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba
Quảng bá hình ảnh về Việt Nam qua các nhà khoa học
Ngày 5.12 tới, hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba sẽ diễn ra tại Hà Nội, kéo dài ba ngày. Đây là cuộc hội thảo Việt Nam học lớn nhất từ trước đến nay với 531 tham luận được trình bày (trong số 868 tham luận gởi tới), trong đó có 160 tham luận của các nhà nghiên cứu nước ngoài (trong số 174 gởi tới), ở 18 tiểu ban. SGTT đã có cuộc phỏng vấn riêng GS–TS Vũ Minh Giang, trưởng ban tổ chức hội thảo
Một trong những mong muốn của các nhà tổ chức hội thảo này là tăng cường hơn nữa sự hiểu biết của thế giới đối với Việt Nam, đồng thời quảng bá hình ảnh về Việt Nam thông qua cái nhìn và nghiên cứu của các nhà khoa học. Như vậy, thực ra đây chính là công tác ngoại giao, là công tác thông tin đối ngoại. Vậy tại sao chúng ta không gắn kết hoạt động nghiên cứu với các chương trình của các cơ quan chính phủ phụ trách lĩnh vực này cho thống nhất và hiệu quả hơn?
Ở đây có cả vấn đề của học thuật và vấn đề của chính trị. Hội thảo lấy học thuật làm nền tảng nên nhu cầu tự nhận thức Việt Nam được đặt lên hàng đầu. Những báo cáo trong hội thảo cho mình cái nhìn Việt Nam từ những góc độ khác nhau và chúng ta cần tiếp nhận. Còn thông tin đối ngoại thì chỉ nhằm quảng bá hình ảnh hay nói cách khác là để các nước bạn hiểu hay về mình.
Hai hoạt động này cũng có quan hệ chặt chẽ với nhau trong mục tiêu quảng bá hình ảnh đất nước. Tuy nhiên, các học giả nước ngoài họ muốn môi trường học thuật phải là đậm nét. Chứ nếu đây là hoạt động mang tính chất thông tin đối ngoại thì chưa chắc đã thu hút được nhiều học giả thế giới tham gia.
Nhưng rõ ràng nhờ có những hoạt động học thuật này mà công tác thông tin đối ngoại, hay ngoại giao được hưởng lợi, khi mà các chuyên gia, học giả tới nghiên cứu và mang những nghiên cứu đó về tiếp tục truyền bá ở đất nước họ. Vậy tại sao ngân sách nhà nước không đầu tư cho các học giả nước ngoài tới đây nghiên cứu về đất nước ta, rồi sau đó quảng bá cho ta?
Thực ra khía cạnh đó chúng tôi có nghĩ tới. Trong quá trình chuẩn bị chúng tôi đã báo cáo với nhiều cơ quan liên quan, nhưng để thành một chủ trương lớn thì chưa có. Chính vì thế hoạt động này nhiều năm nay vẫn giữ không khí của một hoạt động học thuật. Còn chuyện rất nhiều cơ quan khác có thể khai thác và hưởng lợi từ chuyện này thì cũng bình thường thôi.
Cho tới nay, sự liên thông liên kết giữa các cơ quan phụ trách các lĩnh vực khác nhau để phục vụ những nhiệm vụ chung chưa thật chặt chẽ. Đó là một hạn chế thực tế mà chúng ta cần nhìn nhận.
Đối với cộng đồng cư dân Việt Nam ở nước ngoài, các nhà quản lý Việt Nam có nhận thức được vai trò quan trọng của nghiên cứu Việt Nam học trong việc thu hút họ hướng về đất nước không?
Có. Ví dụ hiện nay trong một công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về nghiên cứu văn hoá và con người Việt Nam thì có hẳn một nhánh nghiên cứu về người Việt Nam ở nước ngoài, để có nhận thức đầy đủ hơn về các cộng đồng cư dân Việt ở hải ngoại. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã soạn giáo trình về lịch sử, văn hoá Việt Nam, và cả tiếng Việt cho bên ngoài, cũng như cử chuyên gia sang các nước giảng dạy.
Sự tham gia của các nhà nghiên cứu nước ngoài trong sự kiện này, ngoài ý nghĩa tăng cường hiểu biết của nước ngoài về Việt Nam, có những đóng góp nhiều về mặt học thuật không, thưa ông?
Cách đây khoảng vài chục năm, ta quan niệm về Việt Nam thì người Việt Nam là giỏi nhất và hầu như không quan tâm tới các kết quả nghiên cứu nước ngoài về người Việt Nam. Nhưng dần dần do hội nhập và đọc sách, xem bài vở của họ, chúng ta đã nhận thấy rằng quan niệm như vậy là thiển cận. Ví dụ trong lĩnh vực lịch sử, một vị giáo sư Nhật Bản đã có một bài nghiên cứu về việc bản dịch văn bia Vĩnh Lăng có nhầm lẫn một chữ mà tất cả các nhà sử học Việt Nam đã không phát hiện ra.
Nhưng quan trọng hơn là chúng ta tiếp nhận được về phương pháp. Phương pháp nghiên cứu theo khu vực là chúng ta tiếp nhận của các học giả nước ngoài, chứ trước đó chúng ta vẫn theo chuyên ngành. Lịch sử Việt Nam trình bày lịch sử, văn học Việt Nam trình bày văn học… Nhưng nhìn các khu vực khác nhau của Việt Nam như một chỉnh thể để nghiên cứu thì đó là cách nhìn của học giả nước ngoài đưa vào. Và tác động mạnh nhất là họ chính là nhân mối, tạo nên mạng lưới nghiên cứu Việt Nam học quốc tế. Thậm chí, có thể nói các nhà khoa học nước ngoài đã tác động thúc đẩy nghiên cứu Việt Nam học ngay tại Việt Nam.
Huỳnh Phan – Xuân Thi (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét