Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương: Hoàn cảnh mới cần định chế mới


Ngày 26.06.2009, 11:19 (GMT+7)
Việt Nam mong muốn tìm kiếm một định chế đủ mạnh và cân bằng cho khu vực
SGTT - Thủ tướng Úc Kevin Rudd vào tháng 6.2008 đề xuất về một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương (APC) nhằm thúc đẩy tiến trình liên kết khu vực, vào năm 2020. Theo như ông Rudd trình bày tại đối thoại Sangri-La 2009 (Singapore), APC sẽ là một diễn đàn để thảo luận hợp tác quốc phòng và an ninh đa phương, các quan hệ thương mại khu vực, cũng như đối phó với một loạt những thách thức liên quốc gia, bao gồm biến đổi khí hậu, an ninh tài nguyên ‑ lương thực, an ninh sinh học và chủ nghĩa khủng bố.
Úc thể hiện mình là một thành viên tích cực và gắn kết với cộng đồng khu vực. Ảnh: TL
Ông dự định sẽ chính thức trình bày sáng kiến này với các nhà lãnh đạo APC trong hội nghị thượng đỉnh APEC 2009, trước khi tổ chức một cuộc hội thảo dành cho các nhà hoạch định chính sách và giới học giả vào tháng 12 năm nay, nhằm từng bước định hình nó.
Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với phó đại sứ Úc tại Hà Nội, bà Vanessa Wood, xung quanh vấn đề này.
Chúng ta đã có những định chế khu vực, như APEC, EAS, hay ARF… Tại sao lại nhất thiết phải có thêm một định chế như APC?
Theo ông Kevin Rudd, những định chế hiện nay chưa đủ độ bao quát để giúp khu vực của chúng ta giải quyết những thách thức. Chẳng hạn, liên quan tới các cường quốc có ảnh hưởng tới sự hợp tác và phát triển trong khu vực, APEC không bao gồm Ấn Độ, EAS không bao gồm Mỹ và Nga, còn ARF thì không đủ khả năng giải quyết những vấn đề như khủng hoảng hạt nhân ở Bắc Triều Tiên.
Tôi nghĩ ông đặc biệt có ấn tượng với những thành công của một cộng đồng khu vực như ASEAN, trong đó một khi các thành viên đều cảm thấy một nhu cầu bức thiết của hợp tác và hoà nhập, họ sẽ tích cực xây dựng và tham gia các cơ chế hợp tác. ASEAN đã đạt được những kết quả tích cực.
Cho đến nay, các nước đã phản ứng ra sao?
Ông Kevin Rudd đã cử đặc phái viên Richard Woolcott đi tham vấn với các nước trong khu vực. Có thể nói rằng kết quả của quá trình tham vấn rất tích cực, các nước đều thẳng thắn chỉ ra những điểm được và chưa được của những định chế hiện hành.
Úc đặc biệt quan tâm đến phản hồi của Việt Nam vì sang năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN, là chủ nhà của ASEAN+3, ARF và EAS… Sự tích cực của Việt Nam là rất cần thiết để phát triển ý tưởng này.
Ông Woolcott đã có những cuộc trao đổi thẳng thắn với phía Việt Nam, kể cả với ngài thủ tướng vào hồi đầu năm nay. Theo ông Woolcott, Việt Nam tỏ ra hào hứng, bởi Việt Nam mong muốn tìm kiếm một định chế đủ mạnh và cân bằng nhằm đảm bảo sự an ninh và ổn định để phát triển.
Bà nghĩ rằng Úc có tham vọng đóng vai trò gì trong APC?
Úc thể hiện mình là một thành viên tích cực và gắn kết với cộng đồng khu vực, chứ không hề mong muốn đóng vai trò chủ đạo nào. APEC đã được hình thành do sáng kiến của một cựu thủ tướng Úc, và đặc phái viên của ông đã đi khắp khu vực để vận động mọi người ủng hộ.
Các nhà phân tích quốc tế quan tâm nhiều đến thái độ của Mỹ đối với khu vực này, và mặt khác, lại đề cập tới mối quan hệ đặc biệt của ông Rudd với Trung Quốc. Bà nghĩ thế nào?
Ông Rudd công tác ở Trung Quốc khá lâu, và nói tiếng Hoa rất tốt. Ông hiểu sự ảnh hưởng của Trung Hoa đang phát triển với khu vực, và những thách thức đặt ra cho khu vực bởi sự phát triển này. Chính vì hiểu Trung Quốc, ông mong muốn một cách tích cực rằng khu vực này chỉ có thể phát triển khi vấn đề hợp tác chung vì sự phát triển chung được đặt cao hơn tranh chấp vì lợi ích cục bộ.
Còn về quan điểm của Mỹ, chúng tôi cho rằng sự quan tâm của Mỹ vào khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng với việc thúc đẩy ý tưởng về một cộng đồng hợp tác. Bằng chứng là ngoại trưởng Hillary Clinton sau khi nhậm chức đã thăm ngay bốn nước châu Á, và tháng 7 tới sẽ tham dự ARF ở Thái Lan. Còn Tổng thống Obama lại sinh ra ở Indonesia.
Trong Sách trắng về quốc phòng của Úc mới công bố gần đây có nói nhiều đến cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Có phải ý tưởng tìm ra một định chế hợp tác mới có liên quan tới nguy cơ mất an ninh trong khu vực?
Khi kinh tế phát triển, người ta có rủng rỉnh tiền đầu tư vào quốc phòng, và việc đó cũng là tự nhiên. Nhưng vào lúc khủng hoảng kinh tế mà tăng ngân sách quốc phòng thì chuyện này có vẻ nghịch lý. Chính vì vậy, ý tưởng của chúng tôi hàm ý rằng các nước nên tập trung vào hợp tác hơn là quá chú trọng vào việc thủ thế với nhau. Bởi sự hợp tác càng tốt, mỗi nước càng có thể dành nhiều tiền hơn cho giáo dục, y tế, và phúc lợi xã hội khác, cũng như giải quyết những hậu quả của biến đổi khí hậu, hay xuống cấp của môi trường.
Tại sao thủ tướng Úc lại đặt khuôn khổ thời gian cho APC là 2020, mà không phải sớm hay muộn hơn?
Trong quá trình tham vấn, đại diện một số nước cho rằng cần phải sớm hơn, bởi một số thách thức đang hiện hữu. Nhưng ông Kevin Rudd đặt ra thời hạn như vậy để đủ thời gian cho các nước trong khu vực tranh luận cho hết lẽ, và cũng thể hiện đây là một định chế chiến lược giải quyết những thách thức mang tính dài hạn, chứ không phải tình thế để giải quyết thách thức cụ thể trước mắt. Nếu thống nhất được sớm hơn thì càng tốt chứ sao.
Liệu chúng ta có thể học hỏi gì từ Cộng đồng châu Âu?
Tôi nghĩ điều chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ họ là không nên thành lập một định chế tương tự như họ, bởi khu vực của chúng ta đa dạng hơn nhiều về thể chế chính trị, tôn giáo, văn hoá, và cả trình độ phát triển. Cộng đồng của chúng ta sẽ là một diễn đàn chứ không phải là một thiết chế cứng nhắc.
Huỳnh Phan thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét