Ngày 31.03.2010, 10:01 (GMT+7)
Biển Đông và Mekong được đề cập trong những thách thức
Trước sự kiện này, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với trợ lý ngoại trưởng Phạm Quang Vinh, trưởng đoàn Việt Nam tại hội nghị các quan chức cao cấp (SOM), về những vấn đề nghị sự được coi là nổi cộm.
Vấn đề cạn kiệt ở hạ lưu sông Mekong có được đưa ra bàn ở cấp cao ASEAN 16, và đưa vào tuyên bố chung về ứng phó biến đổi khí hậu, hay không?
Đây là hợp tác chung của ASEAN trong lĩnh vực này nên chủ đề tập trung vào hai mảng lớn. Một là lập trường của khu vực này trong tiến trình hợp tác toàn cầu. Hai là phối hợp nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Về mảng thứ hai, ASEAN tính đến rất nhiều yếu tố liên quan đến bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ nguồn nước và lưu vực của các con sông, đặc biệt là sông Mekong. Tất cả những yếu tố đó dự kiến đều được đưa vào tuyên bố chung.
Các lãnh đạo ASEAN có chuyển một thông điệp mạnh mẽ cho đối tác có liên quan không?
Liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước và lưu vực các con sông, có nhiều diễn đàn khác nhau. Tuyên bố ở đây mang tính chất chính sách và chính trị ở cấp cao của cả khối, và, vì vậy, chỉ tập trung vào vấn đề chung nhất. Việc bàn kỹ, hay đưa ra thông điệp, sẽ được thực hiện ở các diễn đàn chuyên trách khác. Chẳng hạn, vấn đề sông Mekong sẽ được bàn rất kỹ ở hội nghị cấp cao của Uỷ hội Mekong quốc tế vào đầu tuần tới ở Hua Hin.
Có những thông tin nói rằng nguy cơ và những diễn biến gây bất ổn gần đây ở Biển Đông có thể được nêu ra ở hội nghị cấp cao lần này, như một thách thức với an ninh khu vực. Xin ông cho biết cụ thể hơn.
Nội dung chính của Thượng đỉnh ASEAN 16
1. Đẩy nhanh triển khai thực hiện Hiến chương ASEAN và xây dựng Cộng đồng ASEAN. Tập trung vào việc tăng cường kết nối ASEAN.
2. Tăng cường năng lực của khu vực và hợp tác khu vực trong việc ứng phó với các thách thức toàn cầu, đặc biệt là đảm bảo phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu.
3. Tăng cường và làm sâu sắc các quan hệ của ASEAN với các bên đối tác, trong đó duy trì được vai trò trung tâm của ASEAN.
4. Tăng cường quảng bá hình ảnh và vị thế của ASEAN trong các tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.
Ngoài tuyên bố của Chủ tịch về kết quả làm việc của hội nghị, có hai tuyên bố quan trọng (theo sáng kiến của Việt Nam)
1. Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN về phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.
2. Tuyên bố về ứng phó với biến đổi khí hậu.
|
Hội nghị cấp cao này bàn về việc xây dựng Cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột. Riêng về trụ cột chính trị – an ninh, ngoài việc nâng hợp tác lên một tầm mới, việc xây dựng cộng đồng là nhằm tạo dựng một môi trường hoà bình, ổn định và hợp tác. Điều đó có nghĩa là tất cả những gì liên quan đến mục đích này sẽ đều được đưa ra bàn ở hội nghị cấp cao.
Cụ thể, các thành viên ASEAN sẽ nhấn mạnh lại và khẳng định yêu cầu phải thực hiện đầy đủ những gì đã thoả thuận, chẳng hạn TAC (Hiệp ước về hợp tác và thân thiện Đông Nam Á) mà Trung Quốc và Mỹ đều đã tham gia, hoặc DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông) giữa ASEAN với Trung Quốc…
Tại cấp cao lần này, liệu Việt Nam và các thành viên còn lại có đặt quyết tâm thúc đẩy DOC thành COC (Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông) không?
Việc thúc đẩy COC có được đưa vào tuyên bố chung hay không còn phụ thuộc vào quá trình thảo luận tại hội nghị, dựa trên kết quả tham vấn và đối thoại trước đó với Trung Quốc. Ở thời điểm này, tôi chưa nói được gì.
Việt Nam cũng đồng thời làm chủ tịch của cơ quan mới được thành lập của ASEAN là Cơ quan liên chính phủ về nhân quyền. Cơ chế giải quyết nhân quyền của ASEAN khác gì so với các cơ chế nhân quyền khác trên thế giới?
Điểm quan trọng nhất là cơ quan này tăng cường hợp tác của ASEAN trong lĩnh vực nhân quyền, nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của hiến chương, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Thứ hai, các nước ASEAN thống nhất thúc đẩy quảng bá các giá trị chung liên quan đến nhân quyền, đồng thời việc thực hiện việc đảm bảo nhân quyền phải phù hợp với đặc thù về truyền thống, lịch sử, văn hoá, tôn giáo của khu vực Đông Nam Á và từng nước.
Trong lần làm Chủ tịch ASEAN cách đây 12 năm, Việt Nam đã có một thách thức lớn phải vượt qua là việc kết nạp Campuchia. Liệu vấn đề bảo đảm tiến trình dân chủ ở Myanmar, đặc biệt liên quan đến bầu cử, sẽ lại là một thách thức lớn khác không?
Ngay tại hội nghị ngoại trưởng tại Đà Nẵng vào tháng 1.2010, ngoại trưởng Myanmar đã thông báo việc chuẩn bị bầu cử, cũng như việc thực hiện lộ trình dân chủ ở nước này. Các thành viên ASEAN còn lại đã bày tỏ mong muốn rằng Myanmar, bên cạnh việc đảm bảo hoà bình, ổn định và phát triển, cần phải thúc đẩy hơn nữa tiến trình dân chủ và hoà hợp dân tộc, như lãnh đạo nước này đã cam kết. Ở cấp cao, ASEAN vẫn có lập trường và mong muốn như vậy.
Trước ASEM 5 (2004) nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, với tư cách đặc phái viên của Thủ tướng Việt Nam, đã thăm Myanmar với mục đích dàn xếp bất đồng giữa EU và Myanmar, để hội nghị này diễn ra thành công, với việc Myanmar được kết nạp vào ASEM. Vào thời điểm hiện nay, đối với những vấn đề có thể ngăn cản ASEAN cải thiện quan hệ với các đối tác bên ngoài, chẳng hạn như vẫn là vấn đề Myanmar, quan điểm và hành động của Việt Nam, đương kim Chủ tịch ASEAN, như thế nào?
Bản thân Việt Nam với tư cách là một nước bạn bè truyền thống và một thành viên trong khối đang chia sẻ với Myanmar rất nhiều kinh nghiệm về đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Những điều đó, ngoài việc đóng góp cho tiến trình xây dựng lòng tin, còn giúp Myanmar có được những kinh nghiệm tốt trong quá trình và dân chủ hoá của mình.
Việt Nam đã từng có những trải nghiệm đáng nhớ về thời kỳ bị bao vây cấm vận, cũng như những kinh nghiệm để thoát ra mà phát triển. Chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bắt đầu từ ngày 2.4 tới, cũng sẽ được hiểu theo ý nghĩa chia sẻ những trải nghiệm và kinh nghiệm đó, thưa ông?
Trước hết, đây là chuyến thăm song phương nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác song phương, như vụ Thông tin – báo chí đã thông báo chính thức. Tất nhiên, Việt Nam có đủ trải nghiệm và kinh nghiệm hội nhập để phát triển, để chia sẻ. Nhưng việc tiếp thu ra sao lại do phía Myanmar quyết định.
HUỲNH PHAN THỰC HIỆN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét