Ngày 29.04.2009, 14:59 (GMT+7)
Một lễ khởi công một khu công nghiệp mà mục tiêu chỉ thu hút 50 doanh nghiệp loại nhỏ, với quy mô vốn trung bình khoảng 2 – 3 triệu USD/dự án, lại có sự tham dự của cả một phó thủ tướng và một bộ trưởng phụ trách lĩnh vực công nghiệp là ông Hoàng Trung Hải và ông Vũ Huy Hoàng. Có thể thấy Chính phủ Việt Nam đã thực sự cảm thấy sự thúc bách phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Giáo sư Kenichi Ohno, giám đốc Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF), người đã bền bỉ thuyết phục các nhà hoạch định chính sách công nghiệp Việt Nam về tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ, giải thích: “Đối với ngành lắp ráp, chi phí linh phụ kiện chiếm tới 70 – 90% giá thành, còn nhân công lao động chỉ chiếm dưới 10%. Nếu linh phụ kiện phải nhập từ các nước ASEAN khác, hoặc Trung Quốc, chi phí vận chuyển và lưu kho sẽ phát sinh thêm, làm sản phẩm kém cạnh tranh.
Đại sứ Nhật Bản Sakaba còn đi xa hơn nói thẳng ra về mối nguy cơ cho nền công nghiệp Việt Nam nếu thiếu ngành công nghiệp hỗ trợ. “Do cam kết trong khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), 10 năm sau, hầu như toàn bộ các sản phẩm nhập từ các nước ASEAN sẽ được miễn thuế. Tức là, năm năm sau, nhiều ngành sản xuất đang hoạt động tại Việt Nam, không phân biệt của nước nào, sẽ buộc phải lựa chọn chiến lược tiếp tục sản xuất trong nước Việt Nam hay nhập khẩu và bán tại Việt Nam các sản phẩm đã sản xuất tại các nước ASEAN khác”.
Nhưng, nếu yếu tố hiện diện của một ngành công nghiệp phụ trợ chỉ tác động đến quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang triển khai các dự án sản xuất – lắp ráp ở Việt Nam, như Canon, sau năm năm nữa, thì tại thời điểm hiện nay nó hẳn đang tác động tới sự cân nhắc của những công ty mà Việt Nam đang cố mời gọi.
Theo lãnh đạo công ty phát triển đô thị Kinh Bắc, nhà đầu tư khu công nghiệp này, sang tháng 5 những doanh nghiệp Nhật có định đầu tư vào khu công nghiệp này sẽ sang Việt Nam và đặt yêu cầu cụ thể về nhà xưởng với Kinh Bắc để tiến hành xây dựng. Chủ tịch Đặng Thành Tâm cho biết tổng vốn đầu tư cho 50.000m2 nhà xưởng vào khoảng 200 tỉ VND. Ông Phạm Văn Liêm, viện phó viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, lại nói: “Chúng ta đã chậm hơn các nước trong khu vực hơn chục năm, nên phải có chính sách ưu đãi thật tốt để thu hút họ vào thật nhanh, thật nhiều”. Theo ông Liêm, trong dự thảo nghị định đang được bộ Công thương soạn thảo và sắp trình Chính phủ, các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng ưu đãi bằng 1,2 – 1,5 mức ưu đãi bình thường.
Ông đại sứ Sakaba cho biết, trước mắt các doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đầu là Nhật Bản, sẽ đi tiên phong trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, và kéo các doanh nghiệp trong nước vào cùng. “Tôi nghĩ là về vấn đề tài chính, Nhật Bản có thể hợp tác được bằng cách tăng số tiền này lên và dành nó cho ngành công nghiệp phụ trợ”, ông Sakaba nói.
Huỳnh Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét