Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Biển Đông khó chen vào nghị trình


Ngày 10.05.2010, 10:09 (GMT+7)
Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần thứ 4
Biển Đông khó chen vào nghị trình
SGTT - Hôm nay, 10.5.2010, đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tiếp những người đồng cấp trong ASEAN, trước khi cùng nhau chính thức tham dự hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 4 (ADMM-4), kéo dài ba ngày.
Tuy trọng tâm của hội nghị là những vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống, nhưng trước những căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, nhất là kể từ khi Việt Nam tiếp nhận vai trò chủ tịch ASEAN 2010, việc vấn đề Biển Đông có được đưa vào chương trình nghị sự của ADMM-4 hay không đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong và khu vực.
Khó đưa vào nghị sự
Trong cuộc họp báo vào giữa tuần trước, trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, phó chủ nhiệm tổng cục Chính trị (Quân đội nhân dân Việt Nam), vẫn bỏ ngỏ khả năng đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự.
GS Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á của học viện Quốc phòng Úc cho rằng trên thực tế, rất ít có khả năng để vấn đề Biển Đông được đưa vào chương trình nghị sự của ADMM-4. Mặc dù về nguyên tắc, chương trình hoạt động ba năm của cơ chế ADMM, được thông qua vào tháng 11.2007, có bao gồm cả vai trò đóng góp của ADMM vào việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
“Do việc thực hiện DOC đã được bàn ở cấp nhóm công tác ASEAN – Trung Quốc vào 16 – 17.4 vừa rồi tại Hà Nội, vấn đề này đang nằm trong tay các quan chức dân sự. Những kiến nghị của nhóm công tác sẽ được trình lên hội nghị các quan chức cao cấp, để rồi cuối cùng lên tới bàn nghị sự của các lãnh đạo ASEAN – Trung Quốc. Bất cứ quyết định nào liên quan đến vấn đề DOC đều phải được thông qua tại cuộc họp cấp cao ASEAN trước đã”, GS Thayer giải thích.
Tuy vậy, theo GS Thayer, tướng Thanh vẫn có cơ hội nêu ra những quan ngại của phía Việt Nam, như một phần của quá trình đối thoại trong cơ chế ADMM. “Tướng Thanh có thể tự nguyện thông báo về tình hình Biển Đông trong phiên họp kín không chính thức giữa ông với những người đồng cấp trong ASEAN, hay các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị”, GS Thayer nói.
Chính ông Thanh đã nêu vấn đề Biển Đông trong các cuộc gặp song phương bên lề ADMM-3 vào tháng 11 năm ngoái. Lần đó, bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam kêu gọi sự hợp tác liên quan đến hải quân giữa Việt Nam với Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Brunei, trong việc xử lý các tàu đánh cá xâm nhập lãnh hải những nước này, trên quan điểm không sử dụng vũ lực, hoặc phá huỷ tàu đánh cá.
Tuy nhiên, GS Thayer nhận xét còn quá sớm để hy vọng vấn đề Biển Đông sẽ được nêu ra trong tiến trình ADMM. Bởi, trong khi Việt Nam có thể nhận thấy lợi ích của mình bị đe doạ bởi các hành động của phía Trung Quốc, thì các thành viên ASEAN khác lại chưa bị thuyết phục rằng đó là một vấn đề an ninh cần bàn tay giải quyết của giới quốc phòng.
Giáo sư Thayer giải thích thêm rằng Trung Quốc quá “lọc lõi trường đời”, khi không sử dụng tàu hải quân để thi hành lệnh cấm đánh bắt cá, mà lại dùng tàu ngư chính (trong đó có những chiếc hoán cải từ tàu chiến – NV).
Mở rộng hợp tác an ninh – quốc phòng trong cơ chế ADMM +
Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng cũng thông báo rằng các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN sẽ xem xét thông qua hai tài liệu quan trọng nhằm phục vụ cho hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +), được dự kiến diễn ra vào tháng 10.2010 tại Hà Nội. Đó là “ADMM +: cơ cấu và thành phần” và “ADMM +: thể thức và thủ tục”.
ADMM+ là diễn đàn ý tưởng mới nhất về hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác, trong đó có các nước lớn mà ASEAN đang duy trì cơ chế hợp tác trong khuôn khổ hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Tại ADSOM-4, các thứ trưởng Quốc phòng ASEAN đã thống nhất đề xuất với các bộ trưởng của họ mời tám nước đối tác đối thoại là Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Mỹ và Trung Quốc tham dự ADMM + lần đầu tiên này.
Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp chủ quyền sẽ không được đưa ra bàn thảo, giải quyết trong cơ chế này. “Các nước bên ngoài khu vực có thể thoải mái lên tiếng về những quan ngại của họ liên quan đến các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhưng bất cứ sự hợp tác nào để giải quyết vấn đề Biển Đông sẽ bị chi phối bởi sự nhất trí của các bên liên quan, cũng như một tiến trình phù hợp với tất cả. Nói một cách khác, nếu Trung Quốc bác bỏ, hoặc chống lại việc thảo luận về vấn đề Biển Đông, ADMM+8 cũng chẳng làm gì được”, GS Thayer lập luận.
HUỲNH PHAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét