Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm UAE: Tiếp cận cửa ngõ Trung Đông

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm UAE: 
Tiếp cận cửa ngõ Trung Đông
Ngày 18.02.2009, 07:31 (GMT+7)
Hôm nay (18.2) Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng kết thúc chuyến thăm kéo dài ba ngày ở Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), một quốc gia giàu có ở Trung Đông
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu khiến các nguồn vốn từ bên ngoài và kim ngạch xuất khẩu được dự báo là sẽ suy giảm đáng kể, cũng như nguồn vốn ODA từ nhà tài trợ lớn nhất vẫn chưa được nối lại, chuyến thăm này rất được kỳ vọng.
UAE, một quốc gia giàu có của vùng Trung Đông, là điểm đến hấp dẫn của hàng hoá Việt Nam. Ảnh: TL
Các công ty hàng đầu của UAE như tập đoàn Dầu khí quốc tế (IPIC), hay tập đoàn đầu tư Tamouth, đã khẳng định trong cuộc gặp với thủ tướng Việt Nam rằng họ sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hoá lọc dầu, bất động sản và du lịch. Trong vòng hai năm trở lại đây, họ đã xúc tiến thủ tục để thực hiện các dự án khu du lịch Nam Hội An, khách sạn năm sao Hạ Long (550 triệu USD); khu tái định cư Thủ Thiêm (700 triệu USD)… Họ cũng bày tỏ mong muốn triển khai một số dự án quy mô lớn như đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái, sân bay, cảng nước sâu tại Quảng Ninh, hay khu đô thị phức hợp Ba Son (khoảng 10 tỉ USD) tại TP.HCM.
Vì lý do đó, các hiệp định tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư UAE, như khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, và hiệp định thành lập uỷ ban liên chính phủ, đã được ký kết trong chuyến thăm này.
Về thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm giữa Việt Nam và UAE đã tăng “đều như vắt chanh”, từ 250 triệu USD năm 2006, lên 350 triệu USD năm 2007 và 500 triệu USD năm 2008. Tuy nhiên, theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, các nhà xuất khẩu Việt Nam chưa tận dụng được vị thế “trạm trung chuyển hàng hoá hàng đầu thế giới” của UAE, khi 80% hàng hoá nhập khẩu của nước này được tái xuất sang các thị trường xung quanh.
Chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Dhabi (DCCI) Al Shamsi đã xác nhận điều này khi nói: “Sự bùng nổ kinh tế ở tiểu vương quốc Dhabi sẽ tạo những cơ hội lớn cho các nhà sản xuất Việt Nam dễ tiếp cận hơn không chỉ đối với thị trường UAE, mà còn đối với thị trường vùng Vịnh, Trung Đông và Bắc Phi, cũng như các thị trường khác ở châu Á, với khả năng cạnh tranh cao”.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho biết, thị trường UAE nói chung và các nước Trung Đông, Tây Á nói riêng, luôn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Với lợi thế hầu hết dân số theo đạo Hồi, sử dụng đồ ăn chay, cá, tôm… trong bữa ăn hằng ngày, nên nhu cầu thuỷ sản tại các quốc gia này tăng mạnh qua các năm. Chỉ tính riêng năm 2008, theo ông Dũng, sản lượng thuỷ sản xuất khẩu vào thị trường UAE là trên 10.000 tấn, đạt kim ngạch gần 29 triệu USD. Ông Dũng đánh giá, UAE không có lợi thế về thuỷ hải sản, nên nuôi trồng nội địa chỉ cung cấp khoảng 25% nhu cầu trong nước, 75% nhu cầu còn lại phải phụ thuộc vào các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. “Do được ưa chuộng ở nhiều thị trường, nhất là đã đáp ứng được quy định chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của EU, Mỹ, Nhật Bản... nên thuỷ sản Việt Nam đã được chấp nhận tại thị trường này”, ông Dũng nói.
Ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho rằng, Việt Nam cần tiến hành xây dựng ngay một kho ngoại quan tại UAE để tập kết hàng hoá, làm nơi trung chuyển đi các nước trong khu vực. Bởi theo ông, khu vực Trung Đông khá bất ổn về chính trị, xuất hàng trực tiếp tới một số nước gặp rủi ro lớn, nên việc tập kết hàng hoá tại UAE, sau đó tuỳ vào tình hình, lựa chọn thời điểm ổn định để xuất qua các nước khác là chắc ăn nhất.
Huỳnh Phan – Hoàng Bảy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét