Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Quan hệ Mỹ – Trung định hình thế kỷ 21


Ngày 29.07.2009, 08:27 (GMT+7)
SGTT - Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung – Mỹ diễn ra trong hai ngày 27 và 28.7 tại thủ đô Washington. Tổng thống Mỹ Obama nhân dịp này nói: “Quan hệ Mỹ – Trung sẽ định hình thế kỷ 21”
Cách đây ba năm, khi Tổng thống Bush và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào quyết định mở đầu đối thoại kinh tế chiến lược (SED) giữa Mỹ và Trung Quốc, giới học giả Mỹ đã đưa ra thuyết G2. Phía Trung Quốc tỏ ra rất thận trọng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ (phải) Timothy Geithner cố đổi hướng đi của phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (trái), để vào chỗ chụp ảnh trước khi vào đối thoại. Ảnh: Reuters
Ngày 1.4 vừa qua, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, chính ông Hồ Cẩm Đào đã chấp nhận sáng kiến của Tổng thống Obama về cơ chế đối thoại chiến lược – kinh tế. Dường như Trung Quốc đã mặc nhiên thừa nhận thuyết này.
Việc Trung Quốc cử một đoàn đông tới hơn 100 quan chức, bao gồm nhiều thứ trưởng, bộ trưởng, do phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn và uỷ viên Quốc vụ viện Đới Bình Quốc dẫn đầu, cũng như những vấn đề khu vực, toàn cầu được đặt lên bàn nghị sự, bên cạnh các quan tâm song phương đã khẳng định điều đó.
Đối thoại chiến lược: thăm dò lẫn nhau
Trong bài phát biểu khai mạc, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết mối quan tâm lớn nhất về an ninh của Mỹ tại cuộc đối thoại là vấn đề khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Về phần mình, Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngăn chặn các hành động ly khai chống lại Trung Quốc trên đất Mỹ.
Trong chương trình nghị sự về đối thoại chính trị, vấn đề Nam Á cũng được coi là một trong những ưu tiên. Theo giới quan sát, nếu Mỹ quan tâm tới vấn đề khủng bố ở Ấn Độ, hay Pakistan, thì Trung Quốc lại quan tâm nhiều tới sự hợp tác gần đây giữa Mỹ và Ấn Độ, thông qua việc ký hiệp ước phòng thủ và cuộc tập trận chung Malabar 2009 với cả hải quân Nhật Bản. (Ấn Độ gần như là nước duy nhất chưa giải quyết xong vấn đề biên giới trên bộ với Trung Quốc, và là nơi tỵ nạn của hơn một trăm ngàn người Tạng ly khai, đứng đầu là thủ lĩnh tinh thần Đạt Lai Lạt Ma).
Theo ông David Shear, vụ trưởng vụ Trung Quốc bộ Ngoại giao Mỹ, cuộc đối thoại chiến lược vòng 1 này dành phần lớn thời gian cho việc xác định một loạt các mối quan tâm chung trong quan hệ hai nước. “Từ nay đến vòng đối thoại lần thứ 2 chúng tôi sẽ cố gắng và vạch ra một số phương cách cụ thể để theo đuổi những quan tâm chung đó”, ông Shear nói.
Phục hồi kinh tế – mối quan tâm hàng đầu
“Các cuộc thảo luận diễn ra rất tập trung và nghiêm túc”, ông Loevinger, điều phối viên cao cấp trong quan hệ với Trung Quốc của bộ Tài chính Mỹ, nhận xét.
Theo ông Loevinger, hai bên tập trung thảo luận khá nhiều về thời điểm mà mỗi bên sẽ rút lại các gói kích thích kinh tế của mình. Tuy xác định “cứu Mỹ là tự cứu mình” và tiếp tục mua quốc trái của Mỹ (với tổng số tiền hơn 800 tỉ USD), Trung Quốc tỏ ra rất lo ngại rằng gói kích thích khổng lồ của Mỹ có thể khiến lạm phát ở Mỹ tăng cao, đồng đôla mất giá, và khiến cho dự trữ ngoại tệ của nước này, lên tới 2.130 tỉ USD, bị co lại trên thực tế. Mặc dù chủ tịch cục Dự trữ liên bang Mỹ Bernanke quả quyết với Quốc hội Mỹ rằng lạm phát sẽ được ngăn chặn khi kinh tế Mỹ hoàn toàn phục hồi, người Trung Quốc vẫn đặc biệt lo ngại, bởi những gì đã xảy ra với đồng yen Nhật vào những thập kỷ trước.
Trong khi đó, Mỹ lại muốn Trung Quốc phải điều chỉnh cấu trúc nền kinh tế, cải cách chính sách tài khoá, khối doanh nghiệp nhà nước, chế độ y tế, với quan điểm giảm tiết kiệm và tăng tiêu dùng trong nước. “Trung Quốc không thể tăng trưởng chỉ bằng cách xuất khẩu sang Mỹ, và phần còn lại của thế giới. Trung Quốc phải thúc đẩy nhiều hơn nữa sự tăng trưởng dựa trên tăng trưởng tiêu dùng trong nước”, Loevinger khuyến cáo.
“Tôi nghĩ hai bên đã có sự nhất trí rằng điều quan trọng là việc này không diễn ra quá nhanh, bởi sự hồi phục kinh tế vẫn mong manh lắm”, ông Loevinger nói, và bổ sung thêm rằng cả hai bên nhận thức rằng sự hồi phục kinh tế sẽ diễn ra vào đúng thời điểm và không kéo theo những mất cân đối khác, hay tình trạng bong bóng của nền kinh tế.
Biến đổi khí hậu gắn với năng lượng sạch
Theo ông Dư Vĩnh Định, viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP của Trung Quốc cao nhất thế giới, Trung Quốc trở thành nước lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường nhất thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc không dễ dàng nhượng bộ trước những đòi hỏi của Mỹ.
Thái độ không khoan nhượng của bộ trưởng Năng lượng Mỹ Steve Chu trong chuyến thăm Trung Quốc cách đây hai tuần, liên quan đến dự luật đánh thuế thải carbon liên quan đến các sản phẩm nhập khẩu đã được Hạ viện Mỹ thông qua, gây phản ứng rất mạnh từ phía Trung Quốc. Họ cho rằng đây là hành động bảo hộ mậu dịch của Mỹ núp dưới chiêu bài bảo vệ môi trường và khí hậu.
Tuy phủ nhận thuế thải khí carbon sẽ tạo ra rào cản thương mại, bộ trưởng Thương mại Mỹ Gary Faye Locke đã nói rằng thuế này cũng nhằm bảo vệ khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ. Đó là chưa nói đến món lợi lớn nhờ bán các công nghệ tiêu thụ năng lượng sạch, vốn là thế mạnh của Mỹ, cho Trung Quốc.
“Trung Quốc và Mỹ không thể làm chuyện giao dịch trong vấn đề biến đổi khí hậu mà phải hợp tác”, Tô Vỹ, vụ trưởng phụ trách Biến đổi khí hậu của uỷ ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, nói. Còn hợp tác như thế nào lại là một câu chuyện kéo dài hơn rất nhiều so với khuôn khổ hai ngày đối thoại.
Dương Danh Dy – Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét