Ngày 19.06.2009, 09:12 (GMT+7)
SGTT - “Tôi nghĩ đây là thời cơ vô cùng thuận lợi để Việt Nam thu hút một làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật trong ngành công nghiệp phụ trợ, không chỉ riêng từ Nhật, mà cả từ Trung Quốc”
Nhân chuyến sang Việt Nam ngắn ngủi của GS Ohno, Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với ông về tiến độ phát triển ngành công nghiệp này ở Việt Nam.
Dành gần một thập kỷ rưỡi thúc đẩy ý tưởng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, kể từ năm ngoái giáo sư Kenichi Ohno đã cảm thấy nhẹ bớt gánh nặng đi nhiều, khi Đại sứ Sakaba “xắn tay vào cuộc”. Ông dành nhiều thời gian hơn cho công việc đào tạo ở Nhật Bản, và phát triển ý tưởng này ở Ethiopia, nơi theo ông nhận định đi sau Việt Nam hai thập kỷ về GDP trên đầu người, nhưng đi trước một thập kỷ về tư duy hoạch định chiến lược và kế hoạch phát triển công nghiệp.
Sang Việt Nam lần này, ông thấy có những bước tiến mới gì về phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam?
Đã có một khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ được triển khai xây dựng ở Bắc Ninh. Nhưng tôi ngờ rằng đây là nỗ lực của một doanh nghiệp tư nhân có mối quan hệ mật thiết với các nhà lắp ráp Nhật Bản (tập đoàn Kinh Bắc – NV) nhiều hơn là vai trò của Chính phủ. Bởi cho đến nay, Chính phủ Việt Nam vẫn chưa có một kế hoạch hành động về phát triển công nghiệp hỗ trợ nói chung, mặc dù quá trình làm việc giữa hai phía Nhật Bản và Việt Nam về việc này đã được bắt đầu từ tháng 3 năm ngoái.
Ông có hiểu lý do vì sao không?
Trong khi phía Nhật rất tích cực, thì phía Việt Nam có vẻ lần lữa. Chúng tôi lập năm nhóm đặc trách để xây dựng kế hoạch hành động, nhưng họ không tìm thấy sự hợp tác từ phía các cơ quan Việt Nam.
Cuối cùng, thay vì chờ đợi phía Việt Nam tham gia, chúng tôi phải tự soạn thảo dưới dạng những đề nghị để cho phía Việt Nam tham gia góp ý, chuyển cho phía Việt Nam hôm 16.6.
Qua quá trình soạn thảo sáng kiến chung Nhật – Việt, chúng tôi nhận ra rằng các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có vẻ mạnh về bình luận hơn là đề xuất ý tưởng trên cơ sở phân tích những điều tra thực tế. Dường như họ vẫn nghĩ rằng đây không phải là việc của họ, xuất phát từ lợi ích của nền kinh tế Việt Nam.
Cũng có ý kiến cho rằng sở dĩ bộ Công thương vẫn chưa cảm thấy sự cấp bách trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ vì họ thấy những công ty toàn cầu như Canon, hay Panasonic, hay Toyota, phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân do suy thoái kinh tế, và họ chờ khi nào kinh tế phục hồi lại rồi mới tính tiếp. Nếu quả thực họ nghĩ như vậy thì quá thiển cận, bởi kinh tế thế giới rồi sẽ phục hồi, và lúc đó Việt Nam, nếu không chuẩn bị đón thời cơ mới, thì lại phải xuất phát từ đầu.
Nếu càng nhanh chóng sản xuất được phụ tùng, phụ kiện, Việt Nam sẽ giảm được nhập siêu, thay vì trông chờ vào việc xuất tài nguyên, như đề án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Liệu bao giờ kế hoạch hành động này có thể được thông qua?
Chúng tôi hy vọng là vào tháng 9 này. Tuy nhiên, trong quan niệm về công nghiệp hỗ trợ, giữa Nhật Bản và Việt Nam có khác biệt lớn.
Trong mục lục ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ của từng lĩnh vực, Việt Nam đã quá tham khi liệt kê tất cả các hạng mục sản phẩm phụ trợ. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất ôtô, họ đưa ra cả sản xuất động cơ vào công nghiệp phụ trợ, một điều khó khả thi, do sự phân công sản xuất trên toàn cầu.
Sau khi đọc dự thảo nghị định trên, tôi đã phải nhờ đại diện JETRO ở Việt Nam hỏi các đồng nghiệp của ông tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia, những nước mà Nhật Bản đã giúp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ từ rất lâu rồi, xem họ quan niệm về ngành công nghiệp này thế nào. Tuy nhiên, theo tôi được biết, họ không liệt kê chi tiết từng hạng mục như Việt Nam, mà phân chia theo cách thức sản xuất chẳng hạn đúc, rèn, dập, nhựa, tráng, mạ…
Để có thể nhanh chóng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần phải làm ngay những gì?
Về phía bộ Công thương, cơ quan chủ trì việc này, họ cần phải chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ, và nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, kỹ năng, và chuyển giao công nghệ… Bởi trong chương trình hợp tác với Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ, người Nhật chúng tôi hoàn toàn không muốn công nghệ thấp lẫn vào.
Theo tôi, điều này rất phù hợp với chiến lược thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam. Bởi muốn thu hút những nhà lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao, nhất thiết cần phải có những doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất chi tiết, linh kiện ở trình độ công nghệ cao.
Phía VCCI, một trong những cách thực hiện công nghiệp hỗ trợ một cách hữu hiệu với quá trình thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản là thành lập các hiệp hội ngành nghề đối với từng loại công nghiệp hỗ trợ, tương ứng với các hiệp hội ở Nhật Bản, và đặt quan hệ hợp tác trực tiếp.
Huỳnh Phan thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét