Ngày 12.04.2010, 21:58 (GMT+7)
Xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN
Cần các lĩnh vực liên kết phù hợp hơn
SGTT - Trong các cuộc họp từ cấp quan chức cao cấp đến bộ trưởng kinh tế và hội đồng kinh tế ASEAN, 12 lĩnh vực ưu tiên được xác định nhằm thúc đẩy quá trình liên kết ASEAN để xây dựng một cộng đồng kinh tế vào năm 2015. Bà Phạm Chi Lan, nguyên phó chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, nếu vẫn duy trì cả 12 lĩnh vực ưu tiên này như cũ, chuyện liên kết trong nhiều lĩnh vực lại chủ yếu là chuyện nội bộ của ASEAN 4 là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV).
Theo bà, phải xem xét lại, trên cơ sở tỷ trọng của từng lĩnh vực đó trong GDP và xuất khẩu của từng thành viên, để xác định những lĩnh vực liên kết được đặt ra cách đây đã mười năm còn có ý nghĩa thực tế hay không bởi trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, cấu trúc kinh tế thế giới, trong đó có ASEAN, đang thay đổi. Bà nói: “Theo tôi, ASEAN nên liên kết trong khoảng 5 – 6 lĩnh vực, như du lịch, logistics và nông nghiệp, hay công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp. Nói tóm lại, việc xem xét lựa chọn lại những lĩnh vực ưu tiên phải dựa trên tầm nhìn năm 2020, hoặc xa hơn nữa, chứ không chỉ tới năm 2015, khi cộng đồng kinh tế được hình thành theo mục tiêu đề ra”.
Trong mười năm qua, Việt Nam có tận dụng được gì trong mô hình liên kết này không?
Rất ít. Chẳng hạn, ngay từ đầu những năm 2000, chúng tôi đã đề xuất rằng nhiều nước cùng gia công dệt may, tại sao hiệp hội Dệt may Việt Nam không bàn với các hiệp hội của các nước khác cùng đầu tư phát triển vùng phụ liệu và nguyên liệu dệt chung cho đỡ tốn kém. Tuy nhiên, cho đến nay liên kết đầu tư vẫn chưa đạt được.
Ngoài AFTA, trong ASEAN còn có liên kết công nghiệp, tuy nhiên, khi họp hàng năm, người ta tổng kết rằng có rất ít dự án ở Việt Nam sử dụng cơ chế hỗ trợ công nghiệp trong ASEAN, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Như Samsung làm về điện tử, doanh nghiệp của Nhật làm về ôtô đã tận dụng được, mở nhà máy ở một nước và được hưởng lợi ích chung ở các nước khác.
Có những lĩnh vực một số nước ASEAN làm được với nhau, như du lịch, nhưng Việt Nam chỉ tham gia cầm chừng. Trong các tour ASEAN của du khách bên ngoài đi ba nước được ưu đãi về vé máy bay (đi ba nước rẻ hơn đi hai nước), ngoài việc miễn visa. Còn nếu kết nối với Việt Nam thì bị vướng về visa. Hơn nữa, giá của Việt Nam là giá cứng, từ khách sạn đến giá vé máy bay. Gần đây mới có sự giảm giá theo mùa.
Thưa bà, các chọn lựa, thoả thuận, hay cam kết, được quyết định ở cấp chính phủ thực hiện, nhưng chủ thể thực hiện lại là doanh nghiệp. Với kinh nghiệm của mình, ở các cương vị khác nhau, bà thấy tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp được thể hiện như thế nào trong các quyết sách, cam kết của ASEAN?
Lần đầu tiên tôi đi dự cuộc họp các phòng thương mại ASEAN là vào năm 1994, trước khi Việt Nam vào ASEAN. Đi thì mừng, nhưng về thì buồn. Bởi vì thấy mối quan hệ và ảnh hưởng của giới doanh nghiệp đối với chính phủ của họ rất mạnh.
Tôi còn nhận thấy một điều nữa rằng ở các nước ASEAN khác, như Thái Lan, Singapore, Malaysia, hay Indonesia, bên cạnh phòng thương mại, còn có các tổ chức khác như hiệp hội công nghiệp tham gia họp. Tiếng nói của họ ở ASEAN vừa đại diện cho những ngành then chốt, vừa thể hiện lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Trước khi họ đến, những vấn đề của doanh nghiệp từng nước đã được đưa ra bàn thảo với chính phủ của họ. Đến với ASEAN, họ chỉ góp thêm tiếng nói từ góc độ doanh nghiệp cho những ý tưởng, chính sách đã được thống nhất giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Thế còn sự phối hợp của Việt Nam như thế nào?
Lẽ ra, Việt Nam phải có sự phối hợp tốt như vậy. Nhưng ngược lại, chúng tôi phải tự lo lấy hết. Việc tìm hiểu thông tin và quan điểm của các cơ quan chính phủ lại hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của từng quan chức, công chức liên quan. Có những nơi, thậm chí họ còn coi đó là bí mật quốc gia, hay nói thẳng rằng chuyện đàm phán, thoả thuận là chuyện riêng của Chính phủ.
Nhưng chuyện đó không chỉ dừng lại ở đó. Các vấn đề kinh tế thường là chuyện liên ngành, nhưng sự phối hợp giữa các ngành với nhau rất yếu. Chẳng hạn, thương mại nông sản liên quan đến cả bộ Thương mại (giờ đây là Công thương), và bộ Nông nghiệp. Nhưng sự phối hợp không tốt giữa hai cơ quan này khiến nông sản hàng hoá của Việt Nam chưa bao giờ đạt được giá trị cao nhất.
Có ý kiến khuyên rằng Việt Nam nên tách khỏi nhóm ASEAN 4, hoặc chí ít điền tên mình vào nhóm VIP (Việt Nam, Indonesia và Philippines), bởi với một tham vọng cao hơn, tiếng nói và bước đi cũng mạnh mẽ hơn. Quan điểm của bà?
Tôi có nghe điều này trong một diễn đàn về AFTA và cộng đồng kinh tế ASEAN. Người ta nói Việt Nam nên tham gia ASEAN với tư cách một trong bảy thành viên phát triển hơn, chứ đừng đứng quá lâu ở nhóm ASEAN 4 nữa. Lý do chính là điều đó tạo ra sức ỳ quá lớn trong cả các ngành, lẫn các doanh nghiệp Việt Nam.
Chúng ta đang quá trông chờ vào sự nương nhẹ và chiếu cố về lộ trình mở cửa thị trường, và phần hỗ trợ chả đáng bao nhiêu của ASEAN. Thế nhưng, Việt Nam đâu có xuất quá nhiều sang ASEAN, mà chủ yếu vẫn ở mức 20 – 25% tổng xuất khẩu, và cũng chẳng được lợi nhiều. Còn nếu thoát ra khỏi khối bốn nước, Việt Nam sẽ nhanh chóng tăng cường sức cạnh tranh hơn, và có vị thế tốt hơn. Dệt may, giày dép của Việt Nam hoàn toàn có thể coi là những ngành mạnh trong ASEAN.
Như người ta vẫn nói, góp giỗ ít, thì ngồi chiếu dưới, và tiếng nói cũng nhỏ.
HUỲNH PHAN THỰC HIỆN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét