Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Tăng cường hợp tác về năng lượng hạt nhân


Ngày 27.07.2009, 08:01 (GMT+7)
Chuyến thăm Việt Nam của ngoại trưởng Nga
Tăng cường hợp tác về năng lượng hạt nhân
SGTT - Những bàn thảo chính trong chuyến viếng thăm Việt Nam của ngoại trưởng Nga Lavrov cuối tuần vừa rồi tập trung vào lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng hạt nhân. Một bản ghi nhớ về hợp tác trong khuôn khổ chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia đã được ký kết giữa viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nga. Ngoài việc thể hiện sự quan tâm trở lại của Nga với đồng minh cũ của mình trong bối cảnh những diễn biến phức tạp trong khu vực, sự tăng cường hợp tác về năng lượng hạt nhân có ý nghĩa thực sự đối với sự phát triển của nền công nghiệp Việt Nam.
Hai nguồn năng lượng chính hiện nay của Việt Nam vẫn được cung cấp bởi các các nhà máy thuỷ điện và các nhà máy sử dụng năng lượng hoá thạch, nhất là than, luôn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn về sinh thái và an sinh. Tình trạng thiếu hụt năng lượng khiến Việt Nam phải nhập khẩu điện từ Vân Nam, nơi các nhà máy thuỷ điện được xây dựng ồ ạt đã tạo ra quan ngại lớn về sự thiếu hụt và ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho khu vực hạ nguồn sông Mekong.
Theo bản ghi nhớ này, hai bên sẽ tiến hành hợp tác trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở pháp lý, pháp quy, bộ máy quản lý, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp điện hạt nhân của Việt Nam. Bản ghi nhớ cũng đề cập tới việc lựa chọn địa điểm cho nhà máy điện hạt nhân, cũng như trung tâm nghiên cứu hạt nhân mới ở Việt Nam.
Đây được coi là một bước tiếp theo trong nỗ lực của Nga nhằm giành ưu thế tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Cuối năm 2008, hai bên đã phối hợp tổ chức tại Việt Nam cuộc hội thảo với tiêu đề “Nhà máy điện hạt nhân với công nghệ lò phản ứng VVER thế hệ mới. Kinh nghiệm vận hành, khai thác các nhà máy điện hạt nhân loại VVER -1000” (Ấn Độ có hai nhà máy theo công nghệ này ở Kudankulam với công suất mỗi nhà máy là 950 megawatt).
Ngoại trưởng Lavrov nói: “Bản ghi nhớ này đã đặt một nền móng tốt cho sự hợp tác đầy hứa hẹn trong việc phát triển năng lượng hạt nhân ở Việt Nam trong khuôn khổ chương trình năng lượng hạt nhân quốc gia, và công việc cụ thể theo hướng này”.
“Bản ghi nhớ được ký kết thể hiện mong muốn mạnh mẽ của Nga. Tuy nhiên, cần có những bước bàn thảo tiếp theo về cơ chế tài chính nhằm cụ thể hoá việc Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào”, viện trưởng viện Năng lượng nguyên tử Vương Hữu Tấn nói.
Theo ông Tấn, Việt Nam đã đặt mục tiêu là vào năm 2020 sẽ đưa tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động, và, muốn như vậy, nhà máy này phải được khởi công xây dựng trong khoảng từ năm 2013 đến 2015. Ông Tấn cũng cho biết, theo dự kiến, đến kỳ họp tháng 10 năm nay, đại diện Chính phủ mới trình Quốc hội xem xét để thông qua chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4 tỉ USD và công suất thiết kế là 2.000 megawatt điện.
Cho đến nay, ngoài Nga, nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, và cả Trung Quốc, đã bày tỏ mong muốn tham gia chương trình quốc gia phát triển năng lượng hạt nhân quốc gia của quốc gia Đông Nam Á này. Việt Nam vẫn đang cân nhắc để lựa chọn công nghệ và đối tác.
“Một trong những thủ tục pháp lý tiên quyết trong việc lựa chọn đối tác phải có hiệp định về hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình. Việt Nam đã ký hiệp định này với năm nước, gồm Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Argentina. Nhưng với những quốc gia mạnh về phát triển năng lượng hạt nhân như Pháp, Nhật Bản, và nhất là Mỹ, chúng ta vẫn đang trong quá trình xúc tiến”, ông Tấn nói.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét