Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Hai báo cáo – một thông điệp


Ngày 12.09.2009, 08:39 (GMT+7)
Hai báo cáo – một thông điệp
SGTT - Trong phiên toàn thể của diễn đàn Kinh tế thế giới Đại Liên 2009, diễn ra cuối giờ chiều 10.9, với chủ đề “Những quán quân mới về năng lực cạnh tranh”, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chia sẻ với hơn 1.300 đại biểu tham dự những kinh nghiệm, chính sách gần đây của Chính phủ Việt Nam về nâng cao năng lực cạnh tranh. Việt Nam hy vọng đây là một dịp tốt để truyền tải thông điệp khẳng định tiềm năng phát triển, nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của mình, và thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.
Tuy nhiên, báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2009 – 2010, được công bố trước hôm khai mạc hội nghị này hai ngày, dường như lại không ủng hộ mong muốn đó của Việt Nam. Theo báo cáo này, Việt Nam được xếp ở vị trí 75 trong 133 nền kinh tế, tụt năm bậc so với cách đó một năm.
Việc xếp hạng được căn cứ vào việc khảo sát ý kiến các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ một quốc gia, do các cơ quan nghiên cứu tiến hành (đối với Việt Nam là viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), trên cơ sở 12 tiêu chí (pillars).
Việt Nam đã cải thiện được hầu hết các tiêu chí của chỉ số cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam có 6/12 tiêu chí đạt mức trung bình trở lên trong xếp hạng. Trong đó, nổi bật nhất là tính hiệu quả của thị trường lao động và quy mô thị trường cả trong và ngoài nước (đều đứng thứ hạng 38), hay tính sáng tạo (thứ hạng 44). Tuy nhiên, theo 110 tiêu chí được phân nhỏ hơn từ 12 tiêu chí lớn, Việt Nam chỉ có khoảng 1/4 đạt thứ bậc từ trung bình trở lên.
Theo lý giải của các tác giả báo cáo, nguyên nhân chính của việc tụt hạng năm bậc, là sự ổn định của kinh tế vĩ mô đã xấu đi đáng kể, tụt từ vị trí 70 xuống vị trí 112. Cơ sở hạ tầng, giáo dục trung học trở lên và đào tạo đều được đánh giá kém với thứ hạng lần lượt là 94 và 92.
Điều này còn được thể hiện rõ trong 15 yếu tố liên quan đến kinh doanh mà doanh nghiệp cho là có vấn đề nhất ở Việt Nam. Nổi bật nhất là sự thiếu hụt của cơ sở hạ tầng (với 16,1% doanh nghiệp được hỏi đồng ý), khả năng tiếp cận tài chính (13,2%), thiếu nguồn lao động được đào tạo (13,1), lạm phát (11,5%), chính sách thuế (8,2%), sự thiếu ổn định của chính sách (7,6%). Chỉ có 1,1% số doanh nghiệp phàn nàn về sự thiếu ổn định của chính quyền.
Các tác giả cũng chỉ rõ rằng sự gia tăng của thâm hụt thương mại, sự phát triển quá nóng của nền kinh tế, sự tăng giá hàng hoá trên toàn cầu, chính là nguyên nhân đã đưa mức lạm phát lên đến 23% trong năm 2008. “Chính điều này lại gây ra sự khủng hoảng về niềm tin, độ dao động lớn về lãi suất, sự xuống giá mạnh của đồng Việt Nam. Cơ quan quản lý tiền tệ và Chính phủ phải đưa lạm phát xuống mức có thể quản lý được, phục hồi sự ổn định kinh tế vĩ mô để Việt Nam có thể hưởng lợi từ nhưng nỗ lực trong những lĩnh vực này, là điều tối quan trọng”, họ cảnh báo.
Nguyên viện trưởng viện Quản lý kinh tế Trung ương, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhận xét: “Nếu những năm trước nữa, yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam được coi là ưu điểm, đến nay lại bị coi là yếu tố chính làm cho năng lực cạnh tranh bị tụt hạng. Tức là vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện mối trường kinh doanh, hai yếu tố quan trọng trong thu hút nguồn lực từ nước ngoài, đều có vấn đề”.
Trong báo cáo về môi trường kinh doanh 2010, được công bố gần như đồng thời, Việt Nam bị tụt hai bậc. Mức tụt lớn nhất là 7 bậc ở hai tiêu chí: thành lập doanh nghiệp (từ 109 sụt xuống 116) và đóng thuế (từ hạng 140 sụt xuống 147). Ba tiêu chí mà Việt Nam sụt ba bậc là: sử dụng lao động (từ 100 xuống 103); đăng ký tài sản (từ 37 xuống 40); tiếp cận tín dụng (từ 27 xuống 30).
“Điều đáng lưu ý là các tiêu chí mà chúng ta ở thứ hạng rất thấp (trên 100) không được cải thiện mà còn tồi đi. Đó là thủ tục thanh lý doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế, lao động. Và để tái cơ cấu nền kinh tế cần tái tư duy ở các khâu này”, tiến sĩ Nguyễn Quang A nói.
Sự đánh giá của hai tổ chức kinh tế – tài chính có uy tín hàng đầu trên thế giới khiến người ta cảm thấy rất nghi ngại về tính hiệu quả thực sự của cuộc tọa đàm giữa phó thủ tướng Hoàng Trung Hải với lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, dự kiến vào sáng 12.9 tại Đại Liên, nhằm thu hút sự chú ý của họ vào Việt Nam.
Tuy nhiên, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn không có cái nhìn bi quan như vậy.
“WB đã nhận xét rằng Việt Nam cũng có tiến bộ, nhưng các nước khác tiến bộ hơn nên bị tụt bậc. Tôi cho rằng cũng cần có thời gian xem xét kỹ hơn bản báo cáo của WEF, như cách phân tích thông tin, chọn mẫu khảo sát, và nhất là tính cập nhật của thông tin, khi chỉ tính đến tháng 4.2009. Thực sự, nền kinh tế Việt Nam từ tháng 5 đến nay đã thay đổi nhiều theo hướng tích cực, chẳng hạn lạm phát không phải là vấn đề lớn nữa”, ông Tuấn nói.
Tuy vậy, ông Tuấn cũng cho rằng những sự không hài lòng của doanh nghiệp thể hiện qua báo cáo của WEF cũng là một cơ sở tham chiếu hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách và điều hành nền kinh tế Việt Nam, để cải thiện bốn nhóm vấn đề, bao gồm cơ sở hạ tầng, chính sách kinh tế, quản lý nhà nước và an sinh xã hội, nếu muốn tận dụng tốt những cơ hội thời hậu khủng hoảng.
Huỳnh Phan
Môi trường kinh doanh 2010: Việt Nam sụt hạng 9 trên 10 tiêu chí
Trong báo cáo Doing Business 2010 của ngân hàng Thế giới, Việt Nam từ vị trí 91 tụt xuống 93 trong số 183 nền kinh tế được xếp hạng do các nước cải thiện nhanh hơn.
Trong 10 tiêu chí, có chín tiêu chí tụt hạng, chỉ riêng tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam dựa trên mức độ thực thi hợp đồng được cải thiện khá lớn từ xếp hạng thứ 39 lên 32. Tiêu chí này đo độ khó hay dễ của việc thực thi hợp đồng thương mại, được đo bằng ba chỉ tiêu: số thủ tục, thời gian giải quyết, chi phí giải quyết (việc kiện đòi trả tiền theo hợp đồng khi có tranh chấp). Số thủ tục ở Việt Nam là 34 (trung bình ở các nước Đông Á và Thái Bình Dương là 37,2; các nước OECD là 30,6); thời gian giải quyết ở ta trung bình là 295 ngày (ở hai khu vực kia là 538,1 và 462,4 ngày); chi phí kiện tụng chiếm 28,5% giá trị phải trả (ở hai khu vực kia là 48,5% và 19,2%).
Mức tụt lớn nhất cũng là bảy bậc ở hai tiêu chí: thành lập doanh nghiệp (từ 109 sụt xuống 116) và đóng thuế (từ hạng 140 sụt xuống 147). Ba tiêu chí mà Việt Nam sụt 3 bậc là: sử dụng lao động (từ 100 xuống 103); đăng ký tài sản (từ 37 xuống 40); tiếp cận tín dụng (từ 27 xuống 30). Tiêu chí giấy phép xây dựng sụt 2 bậc (từ 67 xuống 69). Ba tiêu chí mà Việt Nam sụt một hạng là: bảo vệ nhà đầu tư (từ 171 xuống 172); thương mại qua biên giới (từ 73 xuống 74); đóng cửa doanh nghiệp (từ 126 xuống 127).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét