Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Hãm lạm phát mà vẫn giữ tăng trưởng: Siết van ngân sách, nới van tín dụng


Ngày 15.10.2008, 07:38 (GMT+7)
Hội nghị TW8 bàn về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008 và định hướng cho 2009 đã kết thúc hồi đầu tháng để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp khai mạc Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với tiến sĩ Trần Đình Thiên, phó viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam xung quanh mối quan hệ giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng.
Ông nhận xét gì về bức tranh kinh tế Việt Nam hiện nay, sau khi một loạt các giải pháp kiềm chế lạm phát được thực hiện?
Nói chung, so với đầu năm là yên tâm hơn. Rõ ràng việc kiểm soát lạm phát và nhập siêu được thực thi tốt, bắt đầu có bài bản. Tốc độ tăng lạm phát hàng tháng giảm xuống cũng phải kể đến công đóng góp của các yếu tố khách quan, ví dụ như giá dầu xuống mạnh, kéo giá nhiều mặt hàng khác xuống theo. Đặc biệt, ảnh hưởng của giá thóc gạo xuống thấp đã ảnh hưởng đến việc CPI tăng chậm lại.
Nhưng cũng cần nói thêm rằng sau giảm giá gạo là cả một nguy cơ cho đồng bằng sông Cửu Long, tức là gạo không tiêu thụ được. Lạm phát đã làm cho đời sống của tầng lớp thu nhập thấp hạ ghê lắm, riêng cái biện pháp giảm lạm phát chung ấy lại tác động mạnh đến một bộ phận lớn của tầng lớp ấy.
Một mặt nữa của nền kinh tế là doanh nghiệp. Họ đang khó khăn và sẽ còn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã bị xuống sức nghiêm trọng, thậm chí kiệt quệ sau một thời gian chống chọi với bất ổn vĩ mô, lạm phát, thanh khoản yếu, lãi suất cao, giá đầu vào cao, và với dao động chính sách mạnh. Sự khó khăn của doanh nghiệp lại kéo theo sự kiệt quệ của người lao động, gây ra những cuộc bãi công tự phát, ảnh hưởng ngược lại tới sản xuất.
Cảnh báo về lạm phát, chúng ta mới nói những biện pháp kiềm chề lạm phát hiện nay là đúng quỹ đạo về mặt lạm phát, nhưng những tác nhân có thể cản trở việc kiềm chế lạm phát vẫn còn rất nhiều. Ví dụ như giải ngân cho đầu tư nước ngoài tăng lên nhiều, hoặc giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản cũng sẽ tăng lên bởi vì sáu tháng đầu năm mới giải ngân được 50%, những tháng còn lại phải giải ngân cho hết.
Có hai kênh bơm tiền là ngân hàng dành cho doanh nghiệp và ngân sách dành cho chi tiêu nhà nước. Ngân hàng đã kiềm chế rất tốt, tuy có gây khó khăn cho doanh nghiệp. Kênh ngân sách thì chưa rõ ràng. Chính phủ muốn nới van ngân hàng, để doanh nghiệp khỏi kiệt quệ mà từ đó đi lên, thì đồng thời phải siết van ngân sách, mới giảm được áp lực gia tăng lạm phát. Ngoài ra, nhìn vào chi tiêu của ngân sách người ta mới có lòng tin là chúng ta thực sự nghiêm túc. Vả lại, siết chi tiêu công lại, buộc anh phải nghĩ cách tiêu ít tiền nhưng hiệu quả.
Ở các nước khác chi tiêu công chỉ chiếm 20% trong GDP, nhưng ở ta lên tới 40%, tức là trong phần của cải làm ra tiêu mất đến 40% là quá cao. Lẽ ra nên bớt chi tiêu nhà nước, chuyển sang chi tiêu của dân, thì đầu tư sẽ nhiều hơn và có hiệu quả hơn
Theo ông, việc giảm chi tiêu công có được thực hiện một cách thực chất không?
Theo công bố hiện nay việc thực hiện tương đối lớn. Nhưng đó là theo báo cáo, còn thực tế là bao nhiêu chưa ai kiểm soát được. Trong 45 ngàn tỉ cắt giảm như công bố chỉ có 6 ngàn tỉ cắt thực, 10 ngàn tỉ trái phiếu không tung ra nữa và 29 ngàn tỉ cho các dự án báo cáo. Như vậy, thực ra chẳng cắt là mấy, hiệu ứng không mạnh. Còn nếu cắt được 45 ngàn tỉ thực dành cho xây dựng cơ bản mà chuyển sang ngân hàng làm vốn cho vay, áp lực lãi suất sẽ đỡ nhiều. Nhân lạm phát mà chúng ta phát hiện ra điểm yếu của chi tiêu công và vặn van vào thì lại là cái được lớn.
Xin ông cho biết phần đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào GDP có tương xứng với mức đầu tư của nhà nước không, và mức chi tiêu công hiện nay liệu có quá cao so với thông lệ quốc tế không?
Đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào GDP đang giảm xuống. Ví dụ năm 2000, vốn đầu tư nhà nước chiếm khoảng 55% tổng đầu tư xã hội, nhưng đóng góp 35% tăng trưởng. Gần đây vốn vẫn khoảng đó, nhưng đóng góp chưa đến 25%. Trong khi đó, đối với khu vực dân doanh vốn đầu tư chỉ chiếm 25%, nhưng đóng góp khoảng hơn 40% GDP, và lực lượng không phải chủ đạo này tạo ra rất nhiều việc làm.
Nhiều chi tiêu công của nhà nước do quyền sở hữu không chặt chẽ nên gây lãng phí. Ở các nước khác chi tiêu công chỉ chiếm 20% trong GDP, nhưng ở ta lên tới 40%, tức là trong phần của cải làm ra tiêu mất đến 40% là quá cao. Lẽ ra nên bớt chi tiêu nhà nước, chuyển sang chi tiêu của dân, thì đầu tư sẽ nhiều hơn và có hiệu quả hơn, sẽ giúp GDP tăng trưởng tốt, nhất là về chất lượng. Một trong những điểm mấu chốt của nền kinh tế Việt Nam là phải thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực cho hợp lý với vai trò trong nền kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, chỉ số tăng trưởng GDP cao có ý nghĩa như thế nào với nền kinh tế?
Khái niệm tăng trưởng cao liên quan một số chỉ số việc làm, tăng tiềm lực, và đối với Chính phủ nó phản ánh mục tiêu đưa nền kinh tế đi lên. Nhưng cách thực hiện thông điệp ấy có thể không nhất thiết phải đưa ra một chỉ số cứng. Ví dụ, với lượng đầu tư và hệ số sử dụng vốn là bao nhiêu, người ta có thể biết đó là tăng trưởng ở mức nào. Chứ không nhất thiết phải gò cái tăng trưởng bằng những biện pháp mang tính cưỡng bức. Tăng trưởng là doanh nghiệp tăng đầu tư cho sản xuất, còn việc làm sao để doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư là công việc chính của Nhà nước. Đó là đảm bảo điều kiện cơ bản tăng trưởng, bao gồm năng lượng, giao thông, khai thông ách tắc cảng biển…, và cả việc phân bổ nguồn lực, như tôi đã đề cập. Nói chung là tạo niềm tin để người ta tăng đầu tư.
Thành tích tăng trưởng khó cảm nhận được, còn lạm phát thì ảnh hưởng ngay đến từng người dân. Cho nên khái niệm thành tích này nên thay đổi đi, và nên hướng tới thành tích cao hơn là ổn định phát triển gắn với bảo đảm lợi ích cho người dân.
Huỳnh Phan – Thiên Lam thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét