Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Giáo sư Osamu Niikura, phó chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL): Hoạt động xét xử phải độc lập


Ngày 10.06.2009, 09:32 (GMT+7)

Giới luật gia Pakistan chào đón chánh án Toà án tối cao Pakistan Iftikhar Muhammad Chaudhry trở lại công việc của mình, sau 16 tháng bị cách chức và giam giữ, vì “đụng chạm” đến Tổng thống Pervez Musharraf. Hôm 24.3.2009, sau khi trở lại văn phòng, ông Chaudhry kêu gọi các luật sư xoá bỏ tận gốc nạn tham nhũng trong bộ máy tư pháp. Ảnh: AFP
SGTT - Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc phỏng vấn giáo sư Osamu Niikura, phó chủ tịch hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) nhân dịp đại hội luật gia dân chủ thế giới lần thứ 17, bắt đầu từ 6.6 kéo dài đến hôm nay, tại Hà Nội
Ông Niikura nói: “Điều đặc biệt nhất, theo tôi, đây là lần đầu tiên một đại hội như thế này được tổ chức tại một quốc gia châu Á. Và cũng vì vậy, số lượng đại biểu tham dự từ châu Á rất lớn. Riêng Nhật Bản có 70 đại biểu tham dự, so với 15 đại biểu ở lần đại hội trước tại Paris (Pháp)”.
Một điểm thú vị nữa là ngoài các luật gia kỳ cựu, lần này nhiều luật gia thuộc thế hệ trẻ cũng được mời tham gia, khiến cho cuộc đấu tranh chung của giới luật gia để bảo vệ những giá trị chung của loài người dường như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới, với những quan tâm mới.
Thưa giáo sư, trong các vấn đề thảo luận lần này, ông thấy điều gì đáng quan tâm nhất?
Chủ đề chung của đại hội lần thứ 17 là “Pháp luật và luật gia trong bối cảnh toàn cầu hoá: vì hoà bình, phát triển và sự độc lập của hoạt động xét xử”. Phải nhấn mạnh khía cạnh “độc lập của hoạt động xét xử”, bởi trong cuộc đấu tranh vì hoà bình và phát triển, trong những năm gần đây ở một số nước đã có sự vi phạm nghiêm trọng quyền, có khi là sự an toàn, của luật gia, như ở Pakistan, hay Philippines.
Dưới thời tổng thống Pervez Musharraf ban bố tình trạng khẩn cấp, đã có 1.500 luật gia trong số hàng ngàn người bị bắt giam vô cớ. Trong số những luật gia bị bắt, có những người bị kết án một cách vô lý, có những người bị mất tích một cách bí hiểm. Thậm chí, lực lương an ninh quốc gia còn tấn công Toà án tối cao, còn vị chánh án thì bị chính Musharraf cách chức.
Còn ở Philippines, kể từ khi Tổng thống Gloria Arroyo lên cầm quyền, đã có hàng chục luật gia, kể cả luật sư lẫn thẩm phán, bị giết hại, theo kiểu xã hội đen. Nhiều người khác thì bị theo dõi, đe doạ. Tất cả những người này đều cố gắng phanh phui những việc làm khuất tất của chính quyền.
Như vậy, việc lần đầu tiên một đại hội luật gia quốc tế được tổ chức tại một nước châu Á, châu lục xảy ra nhiều vi phạm liên quan đến quá trình thiết lập sự công bằng, minh bạch trong tư pháp, lại càng có ý nghĩa quan trọng. Kết thúc đại hội, chắc chắn sẽ có một tuyên bố chung của các luật gia tham dự thể hiện sự đoàn kết của chúng tôi trong cuộc tranh đấu này.
Giáo sư Osamu Niikura, phó chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL)
Sự thể hiện tình đoàn kết này rất có ý nghĩa, nhưng liệu nó có đủ mạnh để làm thay đổi tình hình?
Chúng tôi biết là khó, nhưng người ta sẽ vẫn vững bước đi tiếp con đường đấu tranh nếu biết rằng mình không đơn độc. Chẳng hạn, các luật gia Philippines đã thắng lợi khi đầu năm ngoái họ đã buộc Tổng thống Arroyo phải huỷ bỏ hợp đồng hơn 300 triệu USD về mạng băng thông rộng quốc gia với một công ty Trung Quốc, khi họ phanh phui ra được những bằng chứng rằng một số quan chức đã nhận hối lộ từ công ty này.
Tuy nhiên, chúng tôi còn sử dụng những phương cách khác như kiến nghị lên Liên hiệp quốc hay các tổ chức quốc tế khác, về những vi phạm nguyên tắc độc lập trong xét xử, hay việc đe doạ sự an toàn của các luật gia. Riêng ở Nhật Bản, hội Luật gia đoàn kết quốc tế đã kiến nghị Chính phủ Nhật phải thay đổi chính sách ODA với Philippines để buộc nước này phải thay đổi cách ứng xử với các luật gia.
Chúng tôi cũng đang thúc đẩy ý tưởng về việc lập ra các toà án nhân quyền ở một số nước châu Á.
Các đại biểu nước ngoài quan tâm như thế nào đến các tham luận của các đại biểu Việt Nam?
Các tham luận của phía Việt Nam chủ yếu đưa ra các hướng đi và lộ trình cải cách nền tư pháp, nên chúng tôi cũng chỉ nghe để biết vậy. Vả lại, thú thật là chúng tôi cũng biết quá ít về Việt Nam nên cũng chẳng có gì để hỏi.
Huỳnh Phan thực hiện
Jun Sasamoto, tổng thư ký hội Luật gia đoàn kết quốc tế của Nhật Bản:
Có vẻ như quá trình đưa ra xét xử viên quan chức bị tố cáo tham nhũng ở dự án ODA kể trên quá chậm. Nhưng cũng cần nhớ rằng, ngay ở Nhật Bản, những tố cáo liên quan đến PCI đã có từ năm 2006, và thủ tướng Nhật đã phải giải trình trước quốc hội. Nhưng mãi đến giữa năm 2008, vụ này mới bị khởi tố. Tuy nhiên, khi cơ quan tư pháp vào cuộc thì mọi chuyện được giải quyết rất nhanh.
Tôi nghĩ, ở đâu cũng vậy, chính quyền đều cố gắng làm cái gì đó để những gì không hay ho liên quan đến họ không bị đưa ra ánh sáng. Nhưng có lẽ do sự khác biệt về thể chế chính trị, ở những nước như Nhật Bản sức ép từ dân biểu, giới luật gia và truyền thông mạnh hơn nhiều, và do đó công tác tư pháp cũng được thực hiện độc lập và suôn sẻ hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét