Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Những mối tình Việt – Nhật thời chiến (1)


Ngày 02.04.2009, 19:29 (GMT+7)
Bại trận trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, một số rất đông chiến binh Nhật Bản tại Việt Nam tham gia lực lượng Việt Minh kháng Pháp. Rồi những cuộc tình, những đứa con mang hai dòng máu Việt – Nhật đã ra đời. Đến khi hiệp định Genève được ký kết, các chiến binh Nhật hồi hương để lại những khắc khoải mong chờ, cơ hội đoàn tụ vẫn xa vời vợi, mà không hẳn vì lòng người đổi thay…

Ông Tamiya Takazawa đã “trở lại” Việt Nam với sự bao dung của người vợ. Người vợ lập bàn thờ (hình bên trái) sau khi nghe tin ông qua đời. Ảnh: Huỳnh Phan

Kỳ 1:  Khối tình mang xuống tuyền đài…
Gia đình bà Lương Thị Lộc, năm nay 86 tuổi, sống ở Hà Nội, là một trong số đó. Bà vừa chỉ tay vào tấm ảnh vừa nói: “Lương Mạnh Hải trong Bỗng dưng muốn khóc là cháu tôi đấy”. Rồi bà thủng thẳng:
“Còn bác nó đã có những lúc bỗng dưng muốn chết”
Chồng bà, ông Tamiya Takazawa về Nhật cuối năm 1954, để lại người vợ mới 30 tuổi với bốn đứa con thơ. Đứa lớn nhất tám tuổi, đứa bé nhất mới lọt lòng. Lương Thị Lộc được nhận vào bộ Tài chính, làm cấp dưỡng. Vụ Tổ chức – cán bộ giải thích rằng trong thời gian kháng chiến cô Lộc đã sống an nhàn nhờ tiêu chuẩn của chồng, nên cần phải cải tạo lao động.
“Thế mà, trước đó, người ta lại động viên tôi đừng đi làm, dành thời gian chăm sóc chồng, để cho ông ấy có thể tập trung cống hiến nhiều hơn cho cách mạng”, bà chép miệng.
Một đi không trở lại
Bác sĩ quân y Takazawa sang Việt Nam năm 1941, đóng ở Hải Phòng. Ở đó, Takazawa quen một cô gái trẻ, xinh đẹp, làm cho một công ty Nhật. Họ đã cưới nhau, bất chấp sự phản đối của nhà gái. Khi quân đội Nhật ở Đông Dương bị giải giáp, Takazawa đã được vận động tham gia Việt Minh. Ông lấy tên Việt Nam là Cao Thành Phương. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, ông Phương được yêu cầu tập trung những người Việt Nam mới gốc Nhật giỏi về y dược lập ra phòng bào chế thuốc. Nhờ thế mà ông đã cứu sống được nhiều thương bệnh binh… Lương Thị Lộc vừa chăm lo cho chồng con, vừa phụ giúp ông chăm sóc bệnh nhân như một y tá không lương…
“Nghe họ phán như vậy, tôi uất lắm, nhưng đành chịu. Được ít lâu, tôi tự bỏ tiền đi học thêm đánh máy chữ, rồi xin chuyển sang phòng hành chính”, bà Lộc nói tiếp. Nhưng lương đánh máy không đủ nuôi con. Sau giờ làm, bà phải nhận thêm việc khâu quần, đan áo len. Nhiều khi đến quá nửa đêm bà mới được ngả lưng.
Khi chia tay, Takazawa có hứa sẽ trở lại Việt Nam sớm để đón mấy mẹ con sang cùng. Nhưng ông đã bặt tin luôn. Chỉ có một lần, vào năm 1958, các con bà nhận được quà của cha họ từ Nhật. Hai con búp bê cho hai cô con gái, một chiếc ô tô và một chiếc tàu hoả chạy pin cho hai cậu con trai. “Chạy một thời gian hết pin. Không có tiền mua pin, tôi bán quách đi lấy tiền đong thêm gạo”, bà Lộc kể.
“Nhiều lúc muốn chết đi cho rảnh nợ. Nhưng rồi lại thương các con đã không có bố lại mất mẹ, giống mình ngày xưa, nên lại gắng sống”, bà Lộc nói. Chị em bà ngày xưa mồ côi cha mẹ rất sớm, phải sống nhờ sự cưu mang của ông chú ruột là ông nội của Lương Mạnh Hải. Bốn chị em được cha mẹ đặt tên là Nhàn – Nhã – Phong – Lưu, nhưng, bà bảo, sao tuổi thơ lại cực thế. Lấy chồng, bà đã quyết định đổi tên Nhàn thành Lộc. Nhưng mà những năm tháng may mắn đã chẳng kéo dài...
Đã có lần bà suýt đi bước nữa. Một thiếu tá tình báo quân đội, người khu năm tập kết ra Bắc, qua mai mối đã ngỏ lời xin lấy bà. Người thiếu phụ vẫn còn mặn cái duyên trời cho ấy đã nhận lời. Phần lớn cũng vì muốn có bóng đàn ông che chắn cho đàn con bơ vơ. Thế nhưng mọi chuyện đã bất thành bởi những định kiến xã hội thời đó.
Bọn trẻ nhà tôi thì gặp nhiều ẩn ức, bị chúng bạn xỉa xói là đồ con không cha, hay con phát xít Nhật, bà Lộc nói tiếp. Nhiều hôm, các con bà bị đánh đòn oan, vì không chịu được choảng lại đám trẻ con hàng xóm.
“Chúng luôn mong có ngày tìm lại được bố”, bà nói.
Chị Miyuki Komatsu, một giáo viên dạy tiếng Nhật, kể lại rằng khi đến chơi nhà bà Lộc đã nghe thấy bà khẽ hát lại câu hát mà ngày xưa ông Takazawa hay hát: “Siroji ni akaku Hinomaru somete, aa utsukushi Nihon no hata wa” (Trên nền trắng có mặt trời đỏ, đẹp sao lá cờ Nhật Bản).
Tan giấc mơ đoàn tụ
Trên bàn thờ nhà bà Lộc, tại khu tập thể bộ Tài chính ở phố Lê Phụng Hiểu, Hà Nội, có ba tấm hình: bố, chồng và con trai bà. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chồng bà, ông TamiyaTakazawa, đã phụng sự dưới lá cờ đỏ sao vàng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, người con thứ ba của ông bà, tên Nhật là Toshiya Takazawa và tên Việt là Cao Anh Tuấn, đã hy sinh vì lá cờ này vào năm 1972, khi chưa đầy 20 tuổi. Tiểu đội trinh sát của anh trúng mìn, tám người chết hết. Anh đã không kịp chờ đến ngày hai nước Việt Nam và Nhật Bản quan hệ tốt đẹp trở lại để có thể gặp bố.
Anh trai anh, Cao Khánh Tường hay Yoshiya Takazawa, làm công nhân ở nhà máy xe đạp Thống Nhất, đã cố gắng làm việc đó. Khi lớp học tiếng Nhật đầu tiên được mở tại viện bảo tàng Cách mạng, vào khoảng giữa năm 1993, Tường đã đăng ký học luôn. Nhưng chỉ sau bốn tháng, khi được một người bạn của bố từ Nhật sang báo tin ông đã qua đời, anh đã bỏ học.
“Bố mất rồi, học tiếng Nhật để nói chuyện với ai”, Tường khẽ nói.
“Tôi đã 86 tuổi rồi, và ông ấy cũng đã rời trần thế. Tôi không còn giận ông ấy nữa”, bà Lộc chậm rãi nói. Nhưng, trong suốt nhiều năm, bà vẫn cứ thắc mắc tại sao có tới bốn đứa con ở đây, mà ông Takazawa chẳng thèm liên lạc.
Chỉ vào mùa thu năm 2001, khi chị Mika Takazawa, con gái của ông Takazawa với người vợ Nhật đầu tiên đã mất trước khi ông được điều động tới Việt Nam, sang gặp gia đình bà, nỗi khúc mắc của bà Lộc mới được giải toả. Chị Mika nói: “Cuối những năm 80, khi điều kiện đi lại giữa hai nước đã dễ dàng, cha con lại sợ dì và các em bên này không chấp nhận ông sau ngần ấy năm bặt tích”.
Bà Lộc kể rằng bà đã phải nhờ qua rất nhiều người bên ngành ngoại giao thì mới tìm được tung tích ông vào năm 1992, và chuyển cho ông lời nhắn: “Mẹ con bà rất mong gặp lại ông”.
Rất tiếc, lúc đó ông đã ngã bệnh và ra đi sau một năm sau. “Trước khi mất ông đã ôm trên ngực mình tấm ảnh chụp gia đình của ông ở Việt Nam”, chị Mika kể.
Huỳnh Phan – Xuân Thi
Kỳ sau: Người không mang họ
Những đứa con trong gia đình Việt – Nhật, vẫn luôn hướng về người cha. Họ luôn ý thức về nguồn gốc, tự đi học tiếng Nhật, văn hoá xứ Phù Tang trong nỗi mặc cảm không nguôi. Nhưng hy vọng đoàn tụ cũng lụi tàn theo năm tháng
Tổng số lính Nhật ở lại khoảng 800 người, những người tham gia kháng chiến chống Pháp được gọi là “người Việt Nam mới”. Những người “Việt Nam mới” đến từ nhiều quốc gia trong đó gồm chủ yếu là người Nhật và binh sĩ Âu – Phi trong quân đội Pháp chạy sang hàng ngũ Việt Minh. Sau hiệp định Genève quân nhân Nhật lần lượt về nước trong những năm 1954 – 1960.

1 nhận xét: