Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Hợp tác hạt nhân, an ninh trên biển và quốc phòng


Ngày 13.11.2009, 10:30 (GMT+7)
Thủ tướng Pháp thăm Việt Nam
Hợp tác hạt nhân, an ninh trên biển và quốc phòng
Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một thủ tướng Pháp, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, ông Francois Fillon đã cùng người đồng cấp phía Việt Nam thảo luận nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng, với kết quả là 13 thoả thuận song phương được ký kết. Song song với các cam kết ở cấp chính phủ, đại diện của 40 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Pháp trong lĩnh vực năng lượng, hàng không vũ trụ, giao thông…, cũng sang tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Một nhà máy dùng năng lượng hạt nhân ở Cadarache, miền nam nước Pháp. Pháp là nước sử dụng nhiều năng lượng hạt nhân trên thế giới và muốn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này. Ảnh: Reuters
Với quan điểm coi Pháp là một đối tác đặc biệt và ưu tiên ở châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn chứng kiến sự hiện diện mạnh mẽ của Pháp tại Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục. Mong muốn của ông Dũng đã được người đứng đầu Chính phủ Pháp, nước xem Việt Nam như một cửa ngõ để mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á, đáp lại. Ông Fillon đã khẳng định rằng cơ quan Phát triển Pháp (AFD) sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong một số dự án lớn như tàu điện ngầm, điện, bảo dưỡng cải tạo cầu Long Biên, đối phó hậu quả tiêu cực do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Người cùng tham gia đoàn đàm phán phía Việt Nam là phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã rất vui mừng khi nhận được cam kết của phía Pháp tích cực thúc đẩy dự án hợp tác thành lập trường đại học Khoa học công nghệ tại Hà Nội, sau khi một thoả thuận chính thức được ký kết ngay sau cuộc hội đàm. Đặc biệt, Pháp cũng cam kết hỗ trợ đào tạo 400 tiến sĩ giảng dạy ở trường này.
Tuy nhiên, những thoả thuận quan trọng nhất hai bên đạt được lại là ở những lĩnh vực như điện hạt nhân, hàng không, an ninh trên biển và quốc phòng.
Với việc ký hiệp định liên chính phủ về hợp tác hạt nhân dân sự với Việt Nam, quốc gia đứng đầu thế giới về thị phần điện hạt nhân trong tổng sản lượng điện (hơn 75%) đã tiến thêm một bước nữa trong cuộc chạy đua giành hợp đồng cung cấp công nghệ cho dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Được biết, hiện nay trong danh sách rút gọn các đối tác tham gia dự án điện hạt nhân của Việt Nam, chỉ còn Pháp, Nhật và Nga, và phía Việt Nam đang cân nhắc tuỳ theo ưu thế của từng nước.
Tuy giá trị chỉ bằng một phần tư dự án vệ tinh nhỏ quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (13,9 triệu euro so với 55,8 triệu euro), nghị định thư tài chính về dự án hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh cá và nguồn lợi thuỷ sản bằng công nghệ vệ tinh lại có một ý nghĩa thiết thực và chiến lược đối với ngành đánh bắt thuỷ sản, nhất là xa bờ, của Việt Nam, nhằm đối phó với thiên tai và cướp biển. “Dự án này có ý nghĩa nhất tron
Biên bản thoả thuận với tập đoàn Airbus về việc mua thêm máy bay Airbus của Vietnam Airlines được coi như một sự trao đổi cho việc Pháp hứa giúp Việt Nam phát triển công nghiệp hàng không. Theo biên bản ghi nhớ giữa Vietnam Airlines và EADS, hai bên sẽ tiếp tục bản thảo chi tiết về việc thực hiện dự án sản xuất một số bộ phận của Airbus tại Việt Nam.
Thoả thuận hợp tác quốc phòng được ký kết mở ra cơ hội cho Việt Nam mua những thiết bị quốc phòng của Pháp.
Ngoài ra, hai bên cũng ký những thoả thuận về việc Pháp cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án tàu điện ngầm, nhiệt điện, hay quỹ tín dụng nhân dân. Về lĩnh vực văn hoá, một hiệp định về thành lập và quy chế quản lý các trung tâm văn hoá Việt – Pháp cũng được ký kết.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét