Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Cuộc họp thượng đỉnh Hàn Quốc – ASEAN: Khẳng định vị thế cường quốc


Ngày 29.05.2009, 11:22 (GMT+7)
SGTT - Theo bộ Ngoại giao Việt Nam, trong cuộc họp thượng đỉnh Hàn Quốc – ASEAN, tổ chức vào đầu tháng 6 tới tại đảo Jeju, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác đối thoại giữa Hàn Quốc và ASEAN, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ ký một tuyên bố chung nhằm tăng cường hợp tác chính trị và an ninh, kinh tế và hợp tác phát triển, cũng như thúc đẩy giao lưu văn hoá xã hội. Một hiệp định đầu tư giữa Hàn Quốc và ASEAN, với mục đích tạo môi trường đầu tư thân thiện chuẩn bị cho thời kỳ hậu khủng hoảng, cũng hy vọng được ký kết.
Chú trọng song phương
Cho tới trước khủng hoảng toàn cầu, ASEAN đứng thứ ba về thu hút đầu tư từ Hàn Quốc với tổng vốn cam kết là 22,6 tỉ USD cho năm 2007, tăng 38,7% so với một năm trước đó. ASEAN cũng thuộc loại đầu trong nhóm các đối tác thương mại của Hàn Quốc với tổng kim ngạch năm 2008 khoảng 90 tỉ USD, so với 72 tỉ năm 2007. ASEAN cũng là thị trường xây dựng lớn thứ hai của Hàn Quốc trên thế giới với tổng doanh thu lên tới 8,9 tỉ USD năm 2007.
Việc thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư với ASEAN nằm trong chiến lược xây dựng một hình ảnh Hàn Quốc “tiên tiến và có uy tín trên toàn cầu”. Trong đó, hai khu vực mới được đặc biệt chú ý là ASEAN và cộng đồng Ả Rập, với hội Hàn Quốc –
Ả Rập được thành lập năm 2008, và trung tâm ASEAN – Hàn Quốc được khai trương đầu năm nay.
Theo ông Võ Hải Thanh, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc, việc trong những năm gần đây Hàn Quốc chú trọng tăng cường quan hệ kinh tế song phương với những khu vực cụ thể, thay vì theo đuổi quan hệ kinh tế đa phương truyền thống trong khuôn khổ WTO, diễn ra dưới cả hai sức ép trong nước và khu vực.
Tiến trình xích thống nhất Triều Tiên, qua đó mở ra những cơ hội đầu tư và thương mại cực kỳ to lớn với miền bắc bán đảo này, đã lâm vào thế bế tắc do khủng hoảng hạt nhân, khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc phải kiếm tìm những mục tiêu ngắn và trung hạn khác. Trong khi đó, việc hai quốc gia Đông Bắc Á khác là Trung Quốc và Nhật Bản đã hết sức tranh thủ quan hệ với ASEAN, thông qua các hiệp định thương mại tự do tương đối toàn diện, khiến Hàn Quốc bị cuốn theo, để tránh bị cảnh “trâu chậm uống nước đục”.
Con đường văn hoá
Không tham vọng gây ảnh hưởng mạnh về chính trị, và cũng không thực sự mạnh về tiềm lực kinh tế để có thể cung cấp những khoản ODA lớn như Nhật Bản, và sau này Trung Quốc, Hàn Quốc đã chọn cách đi riêng để tạo dấu ấn riêng. Hàn Quốc đã sử dụng văn hoá, chẳng hạn phim ảnh, như một công cụ hữu hiệu, nhất là ở Việt Nam, để quảng bá về hình ảnh Hàn Quốc và các sản phẩm “made in Korea”.
Từ năm 2004, chương trình “Cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế của Hàn Quốc” đã được triển khai, với các dự án tư vấn cho các nước đang phát triển kinh nghiệm phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Cho đến nay họ đã triển khai 83 dự án ở 13 nước, và riêng với khối ASEAN hai dự án nổi bật nhất là viện trợ xây dựng ngân hàng Phát triển Việt Nam và phương án bảo toàn thâm hụt tài chính của Chính phủ Campuchia.
Dưới thời Tổng thổng Lee Myung-bak, chương trình này được phát triển thành dự án thể hiện thương hiệu quốc gia, qua đó phát triển thương hiệu tiêu biểu của Hàn Quốc về kinh nghiệm phát triển kinh tế. Dự án này sẽ được thí điểm ở 4 – 5 nước châu Á, đặc biệt là ASEAN, trước khi có thể mở rộng ra ở các khu vực khác trên thế giới vào năm 2012.
Người Hàn Quốc tin rằng họ đã đi đúng đường, bởi thành tích đã lọt vào hàng ngũ những nước kinh tế phát triển (OECD) từ một nước nông nghiệp lạc hậu chỉ sau mấy thập kỷ quả là một kinh nghiệm đáng học tập. Theo đánh giá mới nhất của OECD, Hàn Quốc là quốc gia có tốc độ hồi phục kinh tế nhanh nhất so với các quốc gia thành viên còn lại, khi là nước duy nhất trong OECD có mức tăng trưởng dương. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF cũng đồng quan điểm với OECD, khi cho rằng đến quý 4 năm nay, Hàn Quốc dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 1%, so với 0,1% trong quí 1, và -5,1% trong quý 4/2008.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét