Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Ngọc Viễn Đông - chùm phim trả nghĩa


Ngày 26.02.2010, 10:40 (GMT+7)
Ngọc Viễn Đông - chùm phim trả nghĩa
SGTT - Ngày mai 27.2, phim Thức sẽ được bấm máy tại TP.HCM, bởi nhóm làm phim của đạo diễn Ngô Quốc Cường, được biết đến nhiều hơn với cái tên Cường Ngô. Phim kể về một người phụ nữ làm nghề thiết kế thời trang đã dành gần hết cuộc đời theo đuổi nghệ thuật và triết lý tình yêu – đạo diễn Cường Ngô cho biết. Nhân vật nữ do chính tác giả kịch bản, nhà văn – đạo diễn – diễn viên Nguyễn Thị Minh Ngọc, thủ vai. Bà sẽ gặp lại người bạn diễn trong phim Cây trâm vàng là Kris Duangphung, một diễn viên gốc Thái – Hoa.
Đạo diễn Ngô Quốc Cường
Mặc dù có nhiều nét tương đồng với cuộc đời nhà văn tài hoa và truân chuyên trong đường tình này, nhà thiết kế thời trang trong Thức cuối cùng vẫn không một lần được khoác lên người chiếc áo cưới, khác với tác giả kịch bản và diễn viên Minh Ngọc ngoài đời. “Cuối phim là cảnh bà đốt đi bộ sưu tập áo cưới của mình”, đạo diễn Cường Ngô tiết lộ.
Đây là phim thứ ba trong chùm bảy phim ngắn (15 – 25 phút/phim), dưới cái tên chung là Ngọc Viễn Đông, mà đạo diễn người Việt đang sống ở Canada này dự định làm. Những phim còn lại lần lượt là Thời (do Kiều Chinh, nữ diễn viên 73 tuổi đang định cư ở Mỹ, đóng), Tặng phẩm (Như Quỳnh), Thuyền (Trương Ngọc Ánh), Thực và mộng(Hồng Ánh), Trăng huyết (Trương Thị Mây hoặc Tăng Thanh Hà), và Thơ (một cô bé mười tuổi).
Chùm phim ngắn Ngọc Viễn Đông đều do Nguyễn Thị Minh Ngọc viết kịch bản, trong đó có những kịch bản được chuyển thể từ chính truyện ngắn đã in sách của nhà văn này, như Trăng huyết, Sắc và Gói Cẩm Lệ. Bảy câu chuyện trong chùm phim kể về những thân phận rất khác nhau của sáu người phụ nữ ở những độ tuổi khác nhau, người già nhất 73 tuổi và người trẻ nhất mười tuổi, ở những vùng khác nhau, như Toronto, Hà Nội, Sài Gòn, Quảng Nam, Đà Lạt, Phan Thiết, hay đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là lần đầu tiên Cường Ngô về Việt Nam làm phim với tư cách một đạo diễn. Trước đó, trong thời gian học đạo diễn, chàng trai nay đã 32 tuổi này từng làm trợ lý cho đạo diễn chính trong những bộ phim Người Mỹ trầm lặng, hay Sài Gòn nhật thực. Tốt nghiệp trường Sân khấu – điện ảnh TP.HCM năm 2002 về nghệ thuật diễn xuất, Cường Ngô đã bỏ hai năm học tiếng Anh ở đại học RMIT, trước khi nộp đơn xin vào York University ở Toronto (Canada), nơi anh tốt nghiệp năm 2008 với tư cách một đạo diễn và nhà biên kịch.
Chính cuộc gặp gỡ với nghệ sĩ Như Quỳnh năm 2007, khi làm phim Sài Gòn nhật thực, là nguồn cảm hứng cho Cường Ngô làm chùm phim này. “Tôi đã quan sát rất kỹ cách diễn của bà, và cảm thấy bên trong cái vẻ đẹp rất trang nhã và tinh tế của Hà Nội này là một quả núi lửa đang tiềm ẩn. Ý định viết kịch bản phim cho Như Quỳnh nảy ra từ đó”, Cường Ngô nói.
Ngô Chính với tranh sơn dầu và đồng khắc
Gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM) mở cửa trưng bày tác phẩm tranh sơn mài và đồng khắc của hoạ sĩ Ngô Chính từ 28.2 đến 11.3. Loạt tranh là cảm thức về sự thay đổi, tiếp biến giữa truyền thống – hiện đại, phân tích và tổng hợp những dữ liệu từ đời sống hiện tại để làm một cuộc hành trình lang thang của suy tư và cảm xúc, có sự bảng lảng khởi phát từ niềm ngây thơ chân thành, có nỗi ám ảnh phồn thực mạnh mẽ và cũng đầy hoài cổ…
N.V
Cường Ngô kể rằng anh đã gọi điện cho nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, người anh gặp lại tại California và tìm thấy sự đồng điệu trong ý tưởng và đam mê làm phim, viết kịch bản phim cho Như Quỳnh đóng. Sau đó là yêu cầu viết kịch bản phim cho Kiều Chinh, người theo đánh giá của Cường Ngô là một cây đại thụ trong điện ảnh Việt Nam. “Minh Ngọc lại gửi cho tôi đọc những truyện ngắn của bà, và tôi chọn được ba truyện để bà chuyển thể thành kịch bản điện ảnh. Ý tưởng về chùm phim Ngọc Viễn Đông hình thành như vậy đó”, Cường Ngô giải thích.
Trước khi bắt tay vào quay chùm phim ngắn mà anh coi là khá tham vọng này, Cường Ngô đã kịp khẳng định tên tuổi trong dòng phim ngắn. Phim Kẻ nhờ đường (The Hitchhiker Project) đã đoạt giải Accolade (California, Mỹ) cho phim có kịch bản hay nhất; và Cây trâm vàng, do Cường Ngô vừa làm đạo diễn vừa là đồng tác giả kịch bản, đã đoạt giải phim hay nhất trong liên hoan phim Toronto 2009 về chủ đề đồng tính (Inside Out LGBT Film & Video Festival), và giải nhì cho phim châu Á hay nhất của cục Điện ảnh Canada. Cho đến nay, Cây trâm vàng đã được chọn gửi tham dự 30 liên hoan phim trên thế giới.
Cường Ngô bên diễn viên Kiều Chinh
Dòng phim ngắn, theo Cường Ngô, thường được các đạo diễn mới bước vào nghề chọn thử sức, bởi các nhà đầu tư chỉ yên tâm bỏ tiền cho một đạo diễn kể một câu chuyện dài, khi anh ta đã kể thành công câu chuyện ngắn. “Nhưng thách thức không phải vì vậy mà ít hơn, bởi anh chỉ có 15 – 20 phút để kể hết một câu chuyện hoàn chỉnh. Phải sáng tạo rất nhiều, phải kết hợp được chất thơ, chất suy tư và triết lý, cũng như hết sức kiệm lời thoại. Kịch bản, vì vậy, thường phải viết đi viết lại rất nhiều lần”, Cường Ngô nhận xét, từ những trải nghiệm của mình.
Ngô Cường cho biết, chùm phim ngắn Ngọc Viễn Đông được liên kết với nhau theo một chủ đề xuyên suốt là nét đẹp tiềm ẩn của phụ nữ Việt Nam, đời sống nội tâm của họ dưới tác động của cuộc sống bên ngoài, sẽ là bước chuyển tiếp cho anh sang làm phim dài. Ba kịch bản phim dài đã được chuẩn bị, đều về đề tài tình yêu đồng tính. Đó là Cây trâm vàng và Thất lạc ở Tử cấm thành, do Nguyễn Thị Minh Ngọc viết kịch bản, và Một thế giới không đàn bà do nhà văn Bùi Anh Tấn tự chuyển thể từ tiểu thuyết của mình.
Cường Ngô hy vọng Ngọc Viễn Đông sẽ được phép trình chiếu vào tháng 10 tới ở Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, trước khi được gửi đi dự liên hoan phim ở Cannes. “Tôi muốn đóng góp một cái gì đó vào ngày đại lễ của dân tộc, và cũng muốn phần nào đó trả nghĩa cho Hà Nội, nơi người cha quá cố của tôi đã sinh ra”, Cường Ngô nói.
Huỳnh Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét